Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
17/12/2020 23:12 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
[ToMo] Hình Thành Một Thói Quen Mới Qua 8 Bước Đơn Giản


Bạn mệt mỏi với việc đặt ra các mục tiêu và không tài nào đạt được chúng?

Bạn có biết bí quyết chính là hoàn thành mục tiêu của bạn theo từng bước nhỏ, tăng dần?

Nói cách khác, khi bạn biết cách hình thành một thói quen mới (liên quan đến mục tiêu của bạn), thì bạn có thể biến thành công thành một chuỗi hành động hàng ngày.

Bài đăng hôm nay có thể giúp bạn đạt được điều đó.

Chúng tôi đã điểm qua quá trình xây dựng thói quen và biến nó thành một quy trình tám bước đơn giản mà bạn có thể thực hiện ngay lập tức.

Hãy cùng tìm hiểu nhé!

Bước 1: Tập trung vào duy nhất một thói quen mới
 

Để có thể hình thành một thói quen mới, bạn cần nắm bắt được là khái niệm “Suy yếu cái tôi” và cách nó kìm hãm bản thân bạn.

Suy yếu cái tôi là “sự giảm thiểu năng lực điều hòa suy nghĩ, cảm xúc và hành động của một cá nhân.”

Nó ảnh hưởng lớn đến khả năng hình thành thói quen mới của chúng ta, bởi lẽ nguồn lực ý chí của ta đã phải trải rộng ra mọi lĩnh vực trong cuộc sống.

Do đó, việc tiến hành một thói quen một lúc là điều quan trọng. Bằng cách đó, nguồn ý chí của bạn có thể được chuyển sang việc hoàn thành một thói quen đó, làm tăng tỷ lệ thành công.

Vậy nên, câu hỏi là:

“Bạn muốn hình thành một thói quen mới nào?”

Xác định nó ngay bây giờ và tìm hiểu chi tiết cách thức thực hiện điều đó chuẩn xác. Hãy biến mình thành chuyên gia trong hoạt động này và đào sâu học hỏi về mọi nội dung liên quan đến cách bắt đầu.

Giả dụ, một trong những thói quen chính của tôi là viết lách. Đây là điều tôi thực hiện mỗi ngày và tôi luôn luôn nỗ lực chăm chỉ để cải thiện khả năng này.

Điều quan trọng ở đây là phải xác định một thói quen bạn có thể làm mọi lúc, một thứ gì đó phù hợp với cuộc sống của bạn và bạn có thể thực hiện hàng ngày, ngay cả khi bạn cảm thấy không có tâm trạng.

Vì nguyên nhân đến từ cái tôi suy yếu, điều quan trọng là bạn chỉ tập trung xây dựng một thói quen tại một thời điểm. Bằng cách đó, nguồn ý chí của bạn có thể được chuyển sang việc hoàn thành một thói quen đó, làm gia tăng tỷ lệ thành công.

Bước 2: Hình thành thói quen mới? Tập trung kiên trì trong TỐI THIỂU 30 ngày
 

Một số người khẳng định phải mất 21 ngày để xây dựng một thói quen, trong khi số khác cho rằng cần đến 66 ngày. Sự thật là khoảng thời gian định lượng rất khác nhau tùy vào mỗi cá nhân và thói quen của họ. Bạn sẽ thấy rằng một số thói quen rất dễ xây dựng, trong khi những thói quen khác đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn. Lời khuyên của tôi là kiên trì thực hiện một thói quen cụ thể trong 30 ngày tới (hay nói đơn giản là 1 tháng).

Trong thời gian này, toàn bộ cuộc sống của bạn nên được bố trí để có thể dành ra thời gian hàng ngày ngày thực hiện thói quen đó đều đặn.

Bước 3: Cố định thói quen mới của bạn với thói quen đã hình thành

Một thói quen không nên dựa trên động cơ, xu hướng hay mong muốn nhất thời. Thay vào đó, nó nên được thấm nhuần vào cuộc sống của bạn đến mức nó trở thành thói quen. Điều này thường có nghĩa là bạn không cần xây dựng một loạt các bước phức tạp — chỉ cần một cái gì đó bạn có thể kiên trì thực hiện từ ngày này qua ngày khác… MÃI MÃI.

Một ví dụ minh họa tuyệt vời về điều này đến từ B.J. Fogg và khái niệm "Thói quen nhỏ" của anh ấy. Điều bạn muốn làm là cam kết thực hiện một thay đổi thói quen rất nhỏ và thực hiện từng bước nhỏ khi bạn xây dựng nó. Một khía cạnh quan trọng trong cách giảng dạy của ông là lồng ghép thói quen mới vào một việc bạn làm hàng ngày.

  • "Sau khi tôi đi đến chỗ làm bằng xe hơi của mình, tôi sẽ thay quần áo thể dục và đi bộ trong 10 phút."
  • “Sau khi đánh răng vào buổi tối, tôi sẽ viết ra mọi thứ mà tôi đã ăn trong ngày”.
  • "Sau khi đưa con đến người trông trẻ, tôi sẽ ghé qua phòng gym để tham gia lớp học yoga."

Bạn nắm được ý tưởng rồi đấy. Đơn giản là chỉ cần tìm một thói quen mà bạn đã thường xuyên làm và sau đó gắn nó với hành vi mới thôi.

Bước 4: Thực hiện từng bước nhỏ

Nguy hiểm của việc chỉ dựa vào động lực để hình thành thói quen mới là bạn sẽ không có kế hoạch dự phòng khi không có tâm trạng. Thực sự, cách duy nhất để duy trì một thói quen là biến nó thành hành vi tự động. Bạn có thể làm điều này bằng cách thực hiện các bước nhỏ và tạo ra các thói quen có yêu cầu mức độ duy trì thấp.

Ý tưởng ở đây là tạo ra một cam kết vi mô mà không thể thất bại. Điều quan trọng hơn là phải luôn nhất quán và không bỏ lỡ một ngày nào hơn là đạt được một cột mốc cụ thể. Những gì bạn sẽ thấy là khi bạn có mức độ duy trì thấp, bạn sẽ có nhiều xu hướng muốn bắt tay vào thực hiện hơn.

Ví dụ về việc thực hiện cam kết vi mô bao gồm:

  • Đi bộ chỉ 5 phút mỗi ngày.
  • Viết một đoạn trong cuốn sách của bạn.
  • Ăn một phần rau mỗi ngày.
  • Thực hiện một cuộc gọi bán hàng cho một khách hàng tiềm năng.
  • Mỗi sáng thức dậy sớm hơn 10 phút.

Chìa khóa để phát triển thói quen là thiết kế các cam kết duy trì quy mô nhỏ và tập trung vào các chiến thắng nhỏ. Hãy tạo lập một cam kết quy mô nhỏ mà bạn không thể thất bại.

Những hoạt động này trông có vẻ quá đỗi đơn giản.

Và đó cũng là lý do tại sao chúng vô cùng mạnh mẽ!

Bạn sẽ muốn duy trì thực hiện một điều gì đó dễ dàng đến mức không thể bỏ lỡ một ngày nào. Sau đó, khi bạn bắt tay vào thực hiện, bạn nhận ra mình thường làm được nhiều hơn những gì mình dự định.

Bước 5: Lập kế hoạch cho các chướng ngại cản trở
 

Mỗi thói quen mới sẽ có không ít những trở ngại. Một phần lớn của trang web developgoodhabits được dành riêng cho việc vượt qua những trở ngại cản trở đường đến thành công của bạn. Khi bạn biết trước những trở ngại của mình là gì, bạn có thể tiến hành các hoạt động phòng tránh để vượt qua chúng.

Ví dụ về những trở ngại phổ biến:

  • Thời gian
  • Cơn đau
  • Thời tiết
  • Không gian
  • Chi phí
  • Sự tự ti

Chuẩn bị và lường trước rằng những trở ngại như vậy sẽ đến. Sau đó, bạn sẽ không bị che mắt bởi chúng. Điều này quay trở lại đề mục "Lập kế hoạch Nếu-Thì" mà chúng ta đã thảo luận. Một số ví dụ về các câu lệnh “Nếu-Thì” mạnh mẽ này bao gồm:

  • "Nếu tôi kiểm tra thời tiết và thấy trời mưa, thì tôi sẽ tập luyện tại phòng gym."
  • “Nếu tôi không có thời gian dành ra cho dự án của mình vào cuối ngày, thì tôi sẽ bắt đầu thức dậy sớm 30 phút để làm việc đó trước khi bắt tay vào việc khác”.
  • “Nếu tôi có một ngày làm việc thực sự tồi tệ và cảm thấy không muốn tập luyện, thì tôi vẫn sẽ đi bộ nhanh trong ít nhất 15 phút.”
Bước 6: Tạo trách nhiệm giải trình cho thói quen của bạn

Theo dõi nỗ lực của bạn và tuyên bố công khai với mọi người về thói quen mới của bạn. Theo như hiệu ứng Hawthorne, bạn có nhiều khả năng thực hiện đúng cam kết khi ở dưới sự quan sát của người khác. Để gắn bó với thói quen mới này, bạn nên cho người khác biết về những nỗ lực và mục tiêu của bạn.

Đăng tải cập nhật trên các tài khoản mạng xã hội, sử dụng các ứng dụng như Chains và Coach.me để theo dõi tiến trình của bạn, làm việc với đối tác có trách nhiệm giải trình hoặc đăng cập nhật thường xuyên lên cộng đồng trực tuyến liên quan đến thói quen này. Làm bất cứ điều gì có thể để nhận được sự củng cố từ những người khác nhằm hỗ trợ cho thói quen mới của bạn.

Đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của sự tán thành từ xã hội. Chỉ cần hiểu rằng bạn sẽ phải chịu trách nhiệm về thói quen của mình sẽ giúp bạn luôn tập trung và kiên định.

Bước 7: Thưởng cho các mốc quan trọng
 

Một thói quen mới không nhất thiết phải nhàm chán. Tập trung vào việc xây dựng hệ thống khen thưởng vào quá trình này để từ đó, bạn có thể dành thời gian ăn mừng việc hoàn thành thành các mục tiêu của bản thân. Bạn sẽ nhận được phần thưởng nhưng điều quan trọng là phải kỷ niệm những khoảnh khắc trọng đại trong suốt chặng đường.

Hãy ghi nhớ, phần thưởng không nhất thiết phải quá đắt tiền. Bạn có thể đi xem một bộ phim mới, tận hưởng một đêm đi chơi với người yêu hoặc đơn giản là làm điều gì đó bạn yêu thích. Đối với các cột mốc giảm cân, phần thưởng không bao gồm đồ ăn thức uống cũng là một ý hay.

Chúng ta có xu hướng đánh giá thấp tầm quan trọng của sự tận hưởng “niềm vui” khi xây dựng thói quen. Tuy nhiên, thông thường, việc có một phần thưởng rõ ràng cho việc thường xuyên hoàn thành một hành động sẽ giúp bạn gắn bó với thói quen mới.

Tập trung vào việc áp dụng hệ thống khen thưởng vào quá trình để bạn có thể dành thời gian ăn mừng việc hoàn thành thành các mục tiêu của mình.

Bước 8: Xây dựng một cá tính mới
 

Việc lặp lại một thói quen hàng ngày sẽ chỉ giúp bạn một phần nào đó. Bạn có thể làm được nhiều điều với việc duy trì một hành động nhỏ, thực hiện nó mỗi ngày, dần dà củng cố nỗ lực theo thời gian và vượt qua mọi trở ngại.

Nhưng đến một lúc nào đó, bạn sẽ phải chuyển mình từ việc chỉ đơn thuần làm điều đó hàng ngày thành một phần bản sắc cá tính cốt lõi của bạn. Chỉ khi đó, bạn mới có thể gắn bó với thói quen mà không cần phải liên tục nỗ lực.

James Clear thường bàn về thứ mà anh gọi là “Thói quen dựa trên cá tính” (Identity-based Habits). Ý tưởng ở đây là bạn có thể xây dựng một thói quen lâu dài bằng cách khiến nó phản ánh con người bên trong của bạn. Nói một cách đơn giản, bạn cần tin rằng thói quen là một phần khiến cho BẠN trở thành một người độc nhất.

Anh nhấn mạnh một thực tế là hầu hết các mục tiêu (và thói quen) đều tập trung vào một kết quả cụ thể (như tạo ra một mức thu nhập cụ thể hoặc giành được các giải thưởng trong ngành).

Sẽ tốt hơn khi bạn nên quyết định rằng thói quen chỉ đơn giản là một phần cá tính của bạn và sau đó tận dụng mỗi “chiến thắng nhỏ” như một cách để cho thấy đó là con người bên trong bạn.

Thực ra, điều đó bắt đầu với một sự thay đổi trong tư duy.

Với một thói quen mới, hãy củng cố hành vi này với những câu nói như: “Tôi là kiểu thích các kiểu rèn luyện về ___ ”. Sau đó, tiếp tục bằng cách thực hiện hành động hàng ngày.

Cuối cùng, cá tính nội tâm của bạn sẽ thích ứng với thói quen hàng ngày này.

Phần kết luận

Như bạn có thể thấy, không khó để hình thành một thói quen mới. Bí quyết là phải biết liên hệ với một mục tiêu quan trọng, duy trì thực hiện mục tiêu đó hàng ngày và sử dụng một loạt các cam kết quy mô nhỏ để gia tăng khả năng thành công.

Bây giờ đến lượt bạn. Trải nghiệm của bạn về việc xây dựng thói quen trong quá khứ như thế nào? Bạn có đối mặt với bất kỳ thách thức hay trở ngại cụ thể nào không?

----------
Tác giả: S.J. Scott

Link bài gốc: How to Form a New Habit (in 8 Easy Steps)

Dịch giả: Đào Thị Quỳnh Anh - ToMo - Learn Something New

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024