Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
23/04/2010 20:04 # 1
vuiga9x
Cấp độ: 11 - Kỹ năng: 10

Kinh nghiệm: 46/110 (42%)
Kĩ năng: 15/100 (15%)
Ngày gia nhập: 28/01/2010
Bài gởi: 596
Được cảm ơn: 465
Có hay không mốt “sống thử” trong sinh viên Việt Nam?


(TPO) Sau khi Tiền phong Online đưa lên mạng bài “ Sống thử – Mốt thời thượng của sinh viên Trung Quốc và những tranh cãi”, nhiều sinh viên đã gửi ý kiến về tòa soạn và cho rằng, đây không chỉ là chuyện riêng của giới sinh viên Trung Quốc. Chúng tôi xin đăng bài viết của một nhóm sinh viên phản ánh thực trạng trên. Xin mời bạn đọc, đặc biệt là các bạn sinh viên tham gia thảo luận về vấn đề rất đáng được quan tâm này tại đây .

Co hay khong mot song thu trong sinh vien Viet Nam
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Sau khi đọc bài “Sống thử – Mốt thời thượng của sinh viên Trung Quốc và những tranh cãi” trên Tiền phong Chủ nhật, chúng tôi cảm thấy rất tâm đắc nhưng cũng kèm đôi chút băn khoăn. Bài báo đã phản ánh một thực trạng trong đời sống xã hội của giới sinh viên Trung Quốc. Đó là tình trạng sống thử hay nói thẳng ra là sinh hoạt tình dục trước hôn nhân đang diễn ra ngày càng phổ biến.

Tuy nhiên, cái phát hiện của bài báo này là ở chỗ tác giả đã chỉ rõ cuộc sống “vợ chồng” đó chỉ diễn ra trong một thời gian khá ngắn ngủi, chủ yếu vào các ngày nghỉ cuối tuần, nhưng với mức độ thường xuyên. Đây chính là điều khiến tôi chú ý. Bởi sao nó giống ở Việt Nam quá!

Đó là sự chớp nhoáng không phải là 1 tuần, 1 tháng, 1 năm của các cuộc tình hiện đại mà là những “tuần trăng mật” kéo dài… 1 ngày, 2 ngày, thậm chí 1 giờ, 2 giờ của những đôi uyên ương không hôn thú trong các nhà nghỉ, khách sạn hay các phòng trọ, các ô ngăn của các quán cà phê bình dân.

Dạo một vòng quanh khu vực các trường Đại học – Cao đẳng ở Hà Nội, không khó để nhận ra sự xuất hiện như nấm sau cơn mưa của các khu nhà trọ, quán cà phê, mà đặc biệt là các nhà nghỉ tư nhân. Tiêu biểu và “tiếng tăm” nhất phải kể đến dãy nhà nghỉ trên đường Phạm Văn Đồng, đoạn đối diện ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội).

Mới mẻ hơn có thể kể đến 2 khu nhà nghỉ cùng nằm trên đường Hoàng Quốc Việt, một đối diện các trường ĐHDL Phương Đông, Trung cấp Du lịch, Học viện Kỹ thuật Quân sự, một nằm ngay cạnh Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo TW I… (Bài viết này không đề cập đến những khu nhà nghỉ vốn nổi tiếng là “bãi đáp” cho giới chị em “chuyên nghiệp”). Qua tìm hiểu thực tế, có 3 xu hướng “thịnh hành” trong việc chọn lựa địa điểm cho chuyện phòng the của sinh viên.

Tổ ấm quen thuộc: Nhà nghỉ tư nhân 20.000đ/giờ

Đó là sự lựa chọn số một. Lý do: Kín đáo, điều kiện cơ sở vật chất tốt, phục vụ tận tình và đặc biệt, giá cả rất sinh viên, 20.000đ/giờ hoặc 50.000đ/hai - ba tiếng đồng hồ; 100.000 – 150.000đ/ngày đêm. Vào dịp cuối tuần mới thường có các cặp thuê qua đêm hoặc ở hẳn 2 - 3 ngày. Thời gian vào thuê trong ngày tập trung chủ yếu vào giữa buổi trưa hoặc chiều tối. Lý do không quá khó đoán bởi đó là thời điểm giờ tan học của các trường ĐH – CĐ, khi những người trong cuộc chưa phải “trình diện” tại nơi ở.

Cảnh các cô cậu vai còn đeo cặp sách cứ thản nhiên phóng xe vù một cái vào trong các nhà nghỉ, hỏi số phòng rồi tay trong tay đưa nhau “động phòng hoa chúc” diễn ra khá tấp nập. Có cặp vào đến nơi, chẳng nói chẳng rằng, cứ thẳng một lèo lên cầu thang như tìm về một tổ ấm đã quá quen thuộc. Nhân đây, cũng phải nói qua về sự đón tiếp nhiệt tình của các nhà nghỉ. Bất kỳ đôi trai gái nào, dù vô tình đi ngang qua là y rằng một đám “tiếp thị” gọi với theo: “Nhà nghỉ, anh chị ơi!”.

Khu vực nhiều đối thủ cạnh tranh thì những biển hiệu X, Y, Z nào đó được xướng tên rất cụ thể. Vào đến trong, xe cộ được nhân viên đón ngay, số vé được xác định theo số của căn phòng thuê. Đặc biệt, đâu cũng thế, một nguyên tắc bất thành văn là tất cả xe của khách đều được dựng quay biển số vào phía trong tường nên khách khỏi lo bị “đụng hàng”.

Không ít ông bà chủ nhạy bén đến mức bố trí sẵn trong một ngăn kéo bàn tủ, ở vị trí dễ thấy nhất, mấy cái “Đồng ý” hay “Niềm tin” phục vụ khách miễn phí bởi họ quả quyết: “100% sinh viên vào đây là để làm chuyện ấy. Nếu không, hoạ có điên (?)”…

Âu, cũng là một chiêu câu khách! Dùng cụm từ “tuần trăng mật” quả cũng không quá bởi sự nồng nàn khiến các đôi vào trong phòng, chẳng mấy khi thấy thò đầu ra. Có đôi cả hai ngày nghỉ cuối tuần không bước ra đường một phút nào. Điện thoại nội bộ là con đường liên lạc duy nhất khi có nhu cầu về tiếp tế lương thực…

Cà phê vườn và hồ câu

Mặc dù không tiện nghi bằng các nhà nghỉ nhưng những nơi này cũng vẫn hội đủ những yếu tố cơ bản cho những cuộc mây mưa kiểu “tàu nhanh”.

“Chốn tang bồng” loại này có khi chỉ rộng khoảng 4 mét vuông là cùng, thậm chí chưa bằng 1/4 diện tích đó. Cái diện tích siêu nhỏ chỉ có thể đứng hay ngồi kia thuộc về những ô ngăn trong các quán cà phê vườn.

Chúng xuất hiện ở khắp các ngóc ngách trong thành phố, tiêu biểu phải kể đến dãy quán trên đường Hoàng Hoa Thám, Yên Phụ. Nguyên vật liệu được sử dụng để quây và che chắn chủ yếu là cót ép hoặc mành tre, bên trong chỉ vẻn vẹn một cái ghế băng dài và một chiếc bàn nhỏ xíu.

Không có điều kiện về thời gian, kinh phí nên nhiều đôi không ngần ngại chọn những “chuồng cọp” như vậy để thể hiện tình yêu. Vì chật chội như vậy nên không ít hoạt động riêng tư của cặp này lại trở thành câu chuyện của “chuồng” bên cạnh.

Hiện nay, một vài quán, với ưu thế về diện tích, đã nâng cấp thành những căn phòng tường gạch đàng hoàng (khu vực đối diện ĐH Thủy Lợi, gần HV Ngân hàng). Vào những ngày cuối tuần, nếu không đến sớm, những kẻ chậm chân đừng mong tìm được chỗ, dù là những góc tồi tàn nhất trong những quán cà phê vườn kể trên.

Lãng mạn và thú vị hơn là những cuộc picnic trong ngày đến các hồ câu ở ngoại ô, bên bờ bắc cầu Thăng Long hoặc cầu Chương Dương. Chỉ mất khoảng nửa tiếng đồng hồ là các đôi đã được hoà mình vào không khí mát mẻ và trong lành của cảnh đồng quê.

Ngoài một vài lán rộng dùng cho những nhóm dã ngoại tập thể, đa số còn lại là các chòi câu chỉ thích hợp cho các nhóm nhỏ dưới 5 người. Chỉ mất khoảng 20.000đ - 30.000đ là có thể sở hữu những căn chòi xinh xinh đó cả ngày trời. Câu cá là cả một nghệ thuật, đòi hỏi người ta phải kiên trì. Trong cuộc sống gấp gáp này, quả là “khùng” nếu các cặp nam thanh nữ tú nhà ta bỏ ra nửa hay cả ngày trời chỉ để đợi cá cắn câu.

Thế nên mới có những căn chòi, bốn phía, mành trúc buông kín mít. Và trong khung cảnh trời nước, cây cỏ và vạn vật giao hòa như thế, thật “vô duyên” nếu con người không biết “đồng điệu” với thiên nhiên (?)! Đến hồ câu những ngày cuối tuần, quá nửa các chòi câu biến thành những “lô cốt” bất khả xâm phạm. Cá lôi mất cần lúc nào cũng khối người không hay!…

Phòng trọ và ký túc xá

Sự lựa chọn này có vẻ mạo hiểm, nhưng không ít đôi dám liều. Cái cảnh cầm tay, ôm ấp, thủ thỉ với nhau dưới tán cây, trên ghế đá, trong khuôn viên các trường ĐH – CĐ đã quá cũ. Chuyện mới ngày nay là việc cả gan “hành sự” ngay trong phòng KTX. Thường là khi bạn bè lên giảng đường, không biết vô tình hay hữu ý, một số người ở lại rất hay được người yêu đến thăm. Rồi chẳng hiểu sự tình ra sao mà cứ dần thấy khép cửa, cài chốt và cuối cùng là… tắt đèn.

Đôi khi, cái chuyện riêng tư này được ngầm thoả hiệp giữa các sinh viên cùng phòng. Cứ hễ thấy đối tác của ai đến, những người còn lại có “bổn phận” tự giác ra ngoài. Công chuyện tự kết thúc sau một vài tiếng, khi cửa phòng đã mở toang. Đáng lưu ý là tình trạng này không cứ chỉ diễn ra ở phòng sinh viên nữ…

Dường như ánh mắt hay sự đàm tiếu của người khác không làm những người trong cuộc ngượng ngùng hay hoang mang. Có sinh viên còn quả quyết được chứng kiến những cảnh “khủng khiếp” ngay ở khu thể thao, trong phòng học, hay khu vệ sinh…

Đối với sinh viên ngoại trú, dĩ nhiên, mức độ còn phổ biến và nóng bỏng hơn nhiều! Việc góp gạo thổi cơm chung của các đôi hầu như trường nào cũng có. Những khu nhà trọ chỉ toàn “hộ” sinh viên ở với nhau đã dần xuất hiện. Sống kiểu này vừa tiết kiệm, vừa tha hồ chăm sóc nhau. Những kẻ hơi nhát gan thì chọn giải pháp thuê 2 nhưng chỉ ở 1 phòng, đề phòng trường hợp thầy u ở dưới quê lên thăm.

Việc này, các ông bà chủ nhà trọ hầu như biết nhưng vì lợi nhuận nên nhiều người làm ngơ. Hãn hữu lắm mới có trường hợp: ông chủ phục kích, bắt quả tang để đuổi một cô sinh viên, mà ngày nào cũng thấy bạn trai đến chơi và cửa lúc nào cũng đóng im ỉm… để khỏi ảnh hưởng đến sự “trong sáng” của phòng bên cạnh. Lại còn chuyện, có cô sinh viên bị đuổi khỏi nơi trọ vì quá nhiệt tình cho một cô bạn cùng lớp mượn phòng để “vui vầy” với anh bạn trai.

Không nên lấy quan điểm cấm đoán để giải quyết thực trạng này

Thập kỷ 60 – 70 của thế kỷ trước, châu Âu đã trải qua một cuộc “Cách mạng tình dục”. Tất nhiên, không tránh khỏi những thái quá nhưng cũng nhờ nó mà quan điểm về tình dục được giải phóng. Từ đó, họ đã xây dựng thành những mô hình giáo dục giới tính, sức khoẻ sinh sản cho đối tượng thanh thiếu niên phù hợp và có hiệu quả.

Ở Trung Quốc, trước thực trạng “sống thử” ngày càng phổ biến trong sinh viên, các cấp quản lý đã đề ra biện pháp ngăn chặn chủ yếu là kiểm soát chặt chẽ việc cho thuê và thuê nhà nghỉ. Thậm chí, Bộ Giáo dục còn ra lệnh cấm sinh viên thuê nhà trọ bên ngoài ký túc xá. Tuy nhiên, đây có phải là những biện pháp hữu hiệu?

Trong xã hội, sinh viên là đối tượng có học vấn, có tri thức. Hành động của họ, về cơ bản, không còn bột phát, thiếu suy nghĩ. Kể cả trong hoạt động sinh lý. Chính vì vậy, nếu lấy quan điểm cấm đoán để giải quyết một vấn đề tế nhị trong môi trường xã hội hiện đại thì đương nhiên không phù hợp.

Thử đặt câu hỏi: Tại sao các buổi sinh hoạt về chủ đề sức khoẻ sinh sản, giới tính, tình yêu trong các trường ĐH – CĐ lại thu hút đông đảo sinh viên tham gia? Tại sao, ngay cả sinh viên các trường quân sự cũng không ngần ngại đặt những câu hỏi hết sức cụ thể về các biện pháp tránh thai hay về các bệnh lây truyền qua đường tình dục? Tại sao, trong những buổi giao lưu đó, hàng nghìn bao cao su hay viên thuốc tránh thai vẫn không đáp ứng đủ trước những cánh tay chìa ra của sinh viên?…Rõ ràng, không phải là vấn đề của bản thân thì chẳng ai lại quan tâm!

BS Nguyễn Thu Giang – Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản Ánh Sáng (207 Thuỵ Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) nói : 70% khách hàng đến những trung tâm chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên là đối tượng sinh viên. Đa phần trong số đó là các bạn nữ đến để nạo hút thai.

Ngoài ra, mỗi ngày, hàng chục cuộc điện thoại gọi đến xin tư vấn từ khắp các tỉnh trong cả nước và trong số đó, trên 70% cũng đều của sinh viên. (Điều tương tự cũng diễn ra ở 2 trung tâm có tiếng khác ở Hà Nội là Tuổi trẻ - Hạnh phúc (đường Nguyễn Chí Thanh), và Ngôi nhà Tuổi trẻ (phố Nguyễn Quý Đức). BS Giang tâm sự: Thời đại này, nếu không “vẽ” một cách chính quy, “hươu” sẽ còn “chạy” lầm “đường” mãi!

Bài viết xin khép lại bằng một thực tế: Không chỉ Trung Quốc mà cả sinh viên Việt Nam đang phải đối diện với tình trạng QHTD trước hôn nhân.

Phan Thu (Phân viện Báo chí và Tuyên truyền, Hà Nội)




 
Các thành viên đã Thank vuiga9x vì Bài viết có ích:
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024