Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
21/06/2017 07:06 # 1
karateboy
Cấp độ: 13 - Kỹ năng: 8

Kinh nghiệm: 5/130 (4%)
Kĩ năng: 25/80 (31%)
Ngày gia nhập: 11/10/2014
Bài gởi: 785
Được cảm ơn: 305
Judo – Rio 2016: Tượng đài Kosovo và ngày của Ý


Trước ngày khai cuộc, nếu có ai đó nói ở ngày thi đấu thứ 2 môn judo ở Olympic, Ý sẽ giật 1 HCV và 1 HCB để tạm dẫn đầu toàn đoàn, mình sẽ nghĩ người đó nói chơi cho vui hoặc “bất bình thường”. Ở những hạng cân với hàng loạt tên tuổi đình đám như Masashi Ebinuma của Nhật Bản, đội tuyển Ý với những cái tên như Fabio Basile, Odette Giuffrida quá xa lạ. Vậy mà chính những võ sĩ xa lạ ấy đã làm nên chuyện.

Cũng ở ngày thi đấu thứ 2, đất nước Kosovo non trẻ đã có nhà vô địch Olympic đầu tiên trong lịch sử. Với chức vô địch này, Majlinda Kelmendi đã thật sự trở thành một tượng đài của Judo thế giới, với 1 HCV Olympic và 2 HCV giải vô địch thế giới.

**
Nói về tượng đài của hạng cân -52 kg, bạn sẽ thấy những gì Kelmendi (25 tuổi) làm được là điều kỳ diệu. Đất nước chỉ 1,8 triệu dân này trải qua một thời gian dài chìm trong xung đột, bất ổn và khi tuyên bố độc lập vào năm 2008 thì vẫn bị nhiều quốc gia và tổ chức không công nhận, bao gồm Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) và Liên đoàn Judo quốc tế (IJF). Chính vì vậy, Kelmendi giành chức vô địch trẻ thế giới năm 2009 và thi đấu ở Olympic London 2012 dưới màu áo của Albania… Các giải đấu quốc tế khác thì VĐV này đấu cho Albania hoặc phải để chung chung là IJF.

Kelmendi kể với báo Le Monde: “Bạn sẽ cảm thấy thật sự thiệt thòi so với những VĐV khác khi họ được thi đấu vì màu cờ sắc áo của mình. Còn tôi thì đến hết năm 2012 vẫn không có được sự tự hào đó”. Và Kelmendi quyết tâm phải làm thay đổi tất cả bằng kết quả thi đấu ngày càng thuyết phục của mình.

Giải vô địch thế giới năm 2013 ở Rio de Janeiro (Brazil), lần đầu tiên trên lưng áo của Kelmendi là chữ KOS. Được chính thức thi đấu cho Kosovo, bạn giành luôn chức vô địch hạng cân -52 kg. Đó cũng là lần đầu tiên báo chí thế giới nói về Kosovo không phải với chủ đề chiến tranh, loạn lạc hay khủng hoảng mà vì một thành tích thể thao. Từ cột mốc Rio, Kelmendi chính thức khẳng định được tên tuổi của mình.

Bạn nhận được hàng loạt lời mời gọi nhập tịch đến từ nhiều nước như Thổ Nhĩ Kỳ, với lương tháng 7.000 euro, một con số rất đáng kể nếu biết ở Kosovo, lương trung bình là 240 euro/tháng và 50% lao động trẻ hiện bị thất nghiệp, theo Le Monde. Nhưng Kelmendi không từ bỏ đất nước của mình. Chính phủ Kosovo, với nhiều nỗ lực cũng đã cấp cho bạn một khoản lương 1.500 euro/tháng. Năm 2014, Kelmendi vô địch thế giới lần thứ 2 liên tiếp tại giải tổ chức ở Nga. Khi bạn trở về, Tổng thống Kosovo Atifete Jahjaga ra tận sân bay Pristina để đón. 1,8 triệu dân Kosovo ăn mừng. Và quan trọng hơn, với hàng loạt thành tích cực kỳ ấn tượng của Kelmendi, tháng 12.2014, trong cuộc họp ở Monaco, Ủy ban Olympic thế giới chính thức công nhận Kosovo là thành viên thứ 205. Có lẽ đây mới là chiến thắng rực rỡ nhất của Kelmendi. Người đã giúp Kosovo được quyền tham gia lễ khai mạc tại Olympic Rio cũng là người cầm cờ dẫn đầu đoàn diễn hành trong sân vận động.

Về judo, trong 3 năm qua, Kelmendi chỉ thua 1 trận duy nhất trong 1 giải không quá quan trọng, còn lại, hễ đấu giải nào là vô địch giải đó. Bạn để lỡ chức vô địch thế giới thứ 3 liên tiếp khi không thi đấu tại Giải ở Kazakhstan vào năm 2015 vì bị chấn thương. Ở ngoài rất đằm tính nhưng trên sàn đấu, Kelmendi là một chiến binh thật sự, lối đánh không hoa mỹ nhưng đầy uy lực và rất chiến thuật. Tại Rio, ngoài trận đầu tiên thắng Ippon bằng Uchi Mata trước đối thủ người Thụy Sĩ, những trận còn lại, Kelmendi giành chiến thắng rất sít sao nhưng cũng rất “chắc”. Ở bán kết gặp VĐV Nhật Bản Misato Nakamura là một ví dụ. Nakamura bị phạt 1 shido ở đầu trận và Kelmendi đã đánh rất “chiến thuật” để điểm phạt đó trở thành điểm quyết định của trận đấu. Có thể ở Rio, Kelmendi không chiến thắng liên tục bằng những pha ippon đẹp mắt nhưng thắng vẫn là thắng, bạn vẫn xứng đáng là nhà vô địch và Kosovo có quyền tự hào về chiếc HCV Olympic đầu tiên trong lịch sử.

**
Ngày 7.8 là “ngày không tưởng” của judo Ý. Điều gì đã làm nên “phép lạ” ở ngày thi đấu thứ 2 khi đấu 2 hạng cân, nước này vào chung kết cả 2 và giành 1 chức vô địch? Đặc biệt khi từ năm 2011 cho tới gần đây, thành tích của judo Ý tại đấu trường quốc tế rất mờ nhạt. Một điểm cần chú ý nữa là cả 2 VĐV của xứ sở hình chiếc giày đều còn rất trẻ, mới 21 tuổi. Lời giải chính là HLV Kyoshi Murakami và kế hoạch 10 năm của ông. Vị võ sư 65 tuổi này xuất thân từ Đại học Tenri, từng được gửi tới Pháp vào thập niên 1970 để hỗ trợ phát triển judo. Ông ở lại đây trong khoảng 20 năm và trở lại Nhật vào năm 1992. HLV Murakami từng là Tổng thư ký Liên đoàn Judo Nhật trong nhiều năm và nổi tiếng là một “kỹ thuật gia” hàng đầu. Sau một thời gian dài chỉ làm công tác hành chính, đầu năm 2015, ông khoác lại võ phục để quay lại việc huấn luyện khi được Liên đoàn Judo Ý mời làm Giám đốc kỹ thuật.

HLV Murakami yêu cầu cấp ngân sách để ông lập một đội riêng, tách biệt với đội tuyển quốc gia, chỉ gồm 7 VĐV rất trẻ có thành tích tốt tại các giải trẻ thế giới và châu Âu. Vị võ sư trực tiếp huấn luyện đội này, có thể nói nôm na là “đội tuyển Murakami Ý”. Nguyên tắc huấn luyện của võ sư Murakami: ưu tiên củng cố nền tảng kỹ thuật, không nhất thiết phải tham dự quá nhiều giải đấu. Thấy Elios Manzi (-60 kg) còn “non” quá, cứ hay bị chấn thương khi thi đấu, ông tách cậu ra 1 năm, hầu như không cho tham gia giải nào, thay vào đó, ông cho tập luyện riêng để tăng cường kỹ thuật, thể lực và đưa sang Nhật tập huấn. Lần đầu tiên thi đấu quốc tế sau thời gian “ở ẩn”, Manzi đã giành huy chương đồng tại giải vô địch châu Âu 2016 tổ chức ở Nga.

Trước khi Rio 2016 diễn ra, HLV Murakami vẫn tỏ ra rất thực tế khi trả lời tạp chí L’Esprit du Judo: “Tại Olympic ở Brazil, chương trình huấn luyện của tôi chỉ mới ở giai đoạn đầu, còn quá sớm để có thể trông đợi được điều gì. Để thật sự thiết lập một hệ thống vận hành hiệu quả, cần ít nhất 10. Tầm ngắm của đội trẻ đầu tiên mà tôi đang xây dựng là Olympic Tokyo 2020”.

Vậy mà nhóm “Murakami 7” đã làm nên chuyện trong ngày thi đấu thứ 2: 1 HCV, 1 HCB, ngoài sức tưởng tượng! Á quân hạng cân -52 kg Odette Giuffrida đã thi đấu rất bản lĩnh, vượt qua nhiều đối thủ mạnh của Romania, Trung Quốc và chỉ chịu dừng bước trước nhà vô địch người Kosovo. HCV hạng cân -66 kg Fabio Basile với đòn chân cực kỳ hiệu quả đã đi một lèo tới trận chung kết và thắng ippon đương kim vô địch thế giới An Baul của Hàn Quốc trong một pha tấn công bằng Ashi Guruma và chuyển sang Osoto Gari. Chiến thắng khi trận đấu diễn ra chưa được 1 phút rưỡi, Basile ngỡ ngàng mất một lúc mới có thể tin rằng đó là sự thật, bạn đã trở thành nhà vô địch Olympic. Basile ngỡ ngàng cũng phải, bạn đã giành chiếc vé đến Rio vào giờ chót từ tay một đàn anh ở đội tuyển quốc gia Ý sau khi thi đấu rất tốt tại giải Grand Prix tổ chức trước ngày kết sổ danh sách vận động viên dự Olympic. Ban huấn luyện của đội tuyển Ý đã có sự lựa chọn đúng. Nhóm Murakami 7 sắp tới sẽ được bổ sung thành viên và nhìn những gì vừa diễn ra ở Rio thì Ý chắc chắn sẽ là một “thế lực” đáng gờm ở Tokyo 2020.

**
Quê hương của judo và nước chủ nhà tiếp tục có những kết quả không tốt ở ngày thi đấu thứ 2. Hiện bảng thành tích của judo Brazil vẫn bỏ trống. Còn Nhật Bản, sau 2 ngày thi đấu với 4 hạng cân, họ giành… 4 huy chương đồng. Đây là một thành tích không tệ với bất kỳ nước nào nhưng với Nhật thì rất đáng thất vọng, nhất là khi cả Ebinuma lẫn Nakamura đều có trong tay 3 chức vô địch thế giới. Hàn Quốc cũng có một ngày không như ý khi niềm hy vọng vàng An Baul thua ở chung kết. Còn 5 ngày thi đấu với 10 hạng cân, cuộc đua chắc chắn sẽ rất gay cấn.

**
Tới ngày thứ 2 của giải, bạn Mí thiệt tình là chịu hết nổi vụ bản quyền của Olympic. Kênh duy nhất ở VN có bản quyền có chiếu trực tuyến các môn ở thế vận hội là Yan thì sau ngày đầu tiên phát judo rất ngon lành, ở ngày thi đấu hôm qua, chỉ chiếu vòng ngoài (phần 1 của ngày đấu). Phần thứ 2, cũng là phần quan trọng nhất với các trận tranh đồng, bán kết, chung kết thì kênh này trở chứng hổng chịu chiếu. Làm tui phải chạy tới chạy lui trên FB, coi ké clip ở trang này, trang nọ, rốt cuộc là được coi một lô trận đấu bán kết, chung kết với phần bình luận bằng tiếng Ý và tiếng… Mông Cổ.

 



Văn không Võ là Văn nhu nhược

Võ không Văn là Võ bạo tàn

Bản lĩnh tài năng làm nên nghiệp

Nhân hòa đức độ tạo thành công

FACEBOOK:  TI ẾN

 


 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024