Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
21/05/2017 12:05 # 1
karateboy
Cấp độ: 13 - Kỹ năng: 8

Kinh nghiệm: 5/130 (4%)
Kĩ năng: 25/80 (31%)
Ngày gia nhập: 11/10/2014
Bài gởi: 785
Được cảm ơn: 305
KARATE DO – LỐI SỐNG CỦA TÔI GICHIN FUNAKOSHI (Phần 2)


BƯỚC VÀO CON ĐƯỜNG
Mất đi búi tóc
Cuộc cải cách Minh Trị Duy Tân và tôi ra đời cùng một năm , 1868. Cuộc cải cách khởi phát tại cố đô Edo của shogun , sau này được biết đến dưới cái tên Tokyo. Tôi thì sinh ra tại quận Yamakawa-cho ở thủ phủ Shuri của Okinawa. Nếu có ai đó muốn tìm hiểu về những hồ sơ chính thức thì anh ta sẽ thấy rằng tôi sinh ra trong năm Minh Trị thứ ba ( 1870). Nhưng trên thực tế ngày sinh của tôi là ở năm đầu tiên của triều đại này và tôi đã khai man giấy tờ của mình để có thể được tham dự những kỳ thi tuyển vào một trường y tại Tokyo.
Vào thời đó , có một quy định là chỉ có những ai sinh năm 1870 hoặc sau đó mới có thể tham dự kỳ thi , vì thế tôi đã không có lựa chọn nào ngoài việc phải sửa lại hồ sơ cá nhân . Hồi đó , làm việc đó khá dễ , vì cũng có điều lạ là việc đăng ký không nghiêm ngặt như ngày nay.
Sau khi đã sửa đổi ngày sinh tháng đẻ của mình , tôi tham dự các kỳ thi và vượt qua được, nhưng tôi vẫn không thể vào học ở trường y tại Tokyo. Lý do thì có vẻ dễ hiểu vào thời đó nhưng sẽ khó hiểu hơn vào thời này, tôi cho là như vậy.
Trong số nhiều cải cách được chính quyền Minh Trị non trẻ đưa ra trong 20 năm đầu tiên cầm quyền là việc hủy bỏ búi tóc, một kiểu để tóc nam đã trở thành truyền thống trong cuộc sống Nhật Bản từ rất lâu đời. Đặc biệt , ở Okinawa , búi tóc được coi là biểu tượng không chỉ của sự trưởng thành, hùng dũng mà còn của cả nam tính. Khi sắc lệnh cấm để búi tóc được ban hành toàn quốc, sự chống đối nổi lên khắp đất nước. Nhưng tôi nghĩ , không có nơi nào có những phản ứng trái ngược dữ dội như ở Okinawa.
Ở đây, những ai tin rằng số phận tương lai của Nhật Bản đòi hỏi đất nước này phải du nhập những tư tưởng Phương Tây và những ai tin vào những điều ngược lại thường xuyên đối đầu với nhau trong hầu hết những cải cách của chính quyền.
Tuy nhiên , có vẻ như không có gì khuấy động Okinawa mạnh mẽ như vấn đề hủy bỏ búi tóc. Nói chung, những người đàn ông trong các dòng họ shizoku (tầng lớp xã hội gồm các samurai cũ và gia đình họ- N.D) thì cương quyết phản đối, trong khi tầng lớp heimin ( tầng lớp bình dân gồm những người nông dân ,lao động và buôn bán –N.D), cùng một số ít trong tầng lớp shizokuu thì ủng hộ đạo luật cấm để búi tóc. Nhóm người sau được gọi là Kaika-to ( Nhóm Giác Ngộ ) , nhóm trước được gọi là Ganko-to ( Nhóm Cứng Rắn).
Gia đình tôi có nhiều thế hệ gắn liền với hệ thống quan chức cấp thấp, tất cả gia tộc đều thống nhất và cương quyết chống lại việc cắt búi tóc. Một hành động như thế là đáng ghê tởm đối với mọi thành viên trong gia đình tôi, cho dù bản thân tôi thì không cảm thấy mình thiên về một cách giải quyết nào.
Kết quả là tôi đã nhượng bộ trước áp lực của gia đình, và vì trường học từ chối tiếp nhận những học sinh vẫn duy trì phong cách truyền thống nên toàn bộ tương lai cuộc sống của tôi bị ảnh hưởng bởi một vấn đề rất nhỏ là một cái búi tóc bù xù.
Cuối cùng , dĩ nhiên , cũng giống như bất cứ ai khác, tôi đã phải thích nghi, nhưng trước khi kể chuyện đó đã xảy ra như thế nào thì tôi phải nói đến nhiều năm trước đó.
Cha Gisu của tôi là một quan chức nhỏ , và tôi là con trai duy nhất của ông. Sinh thiếu tháng , tôi là một đứa trẻ khá ốm yếu, và vì thế cả cha mẹ lẫn ông bà tôi đều cho rằng tôi không thể có một cuộc sống dài lâu, và họ chăm sóc tôi một cách đặc biệt. Tôi được cả ông bà nội lẫn ông bà ngoại cưng chiều. Trên thực tế , sau khi sinh ra không lâu , tôi đã được đưa về sống với ông bà ngoại. Ông ngoại tôi đã dạy tôi Tứ Thư và Ngũ Kinh của Khổng giáo- một điều thiết yếu cho những đứa con trai của tầng lớp shizoku.
Trong thời gian ở với ông bà ngoại, tôi bắt đầu đến trường tiểu học và sau một thời gian tôi trở thành bạn thân của một trong những người bạn cùng lớp. Đây cũng là điều khiến cuộc đời tôi thay đổi ( theo một cách căn bản hơn so với chuyện cái búi tóc), bởi vì bạn học của tôi là con trai của ông Yasutsune Azato , một trong những võ sư lớn nhất của Okinawa về nghệ thuật karate.
Sư phụ Azato là người thuộc về một trong 2 tầng lớp bậc trên của các gia đình shizoku ở Okinawa : tầng lớp Udon là tầng lớp cao nhất , tương đương với tầng lớp daimyo ở các dòng họ bên ngoài Okinawa; tầng lớp Tonochi là hậu duệ của những người đứng đầu các thị trấn và làng mạc. Ông Azato thuộc về tầng lớp sau, gia đình ông giữ những vị trí trọng vọng ở ngôi làng Azato , nằm giữa Shuri và Naha. Có điều rất hay là những người thuộc dòng họ Azato được cựu thống đốc của Okinawa cư xử bình đẳng như những người bạn thân chứ không coi như những người thuộc cấp.
Sư phụ Azato không chỉ vô đối tại Okinawa về nghệ thuật karate mà còn rất giỏi về môn cưỡi ngựa, về kiếm thuật Nhật Bản ( Kendo) và về Cung thuật. Hơn thế nữa , ông còn là một học giả xuất sắc. Tôi đã rất may mắn được ông chú ý đến và cuối cùng đã được học những bài học đầu tiên về karate do chính ông chỉ dạy.
Vào thời đó , chính quyền cấm tập luyện karate, vì thế các buổi tập phải diễn ra trong bí mật. Tất cả các môn sinh bị thày của mình cấm không được nói với ai về việc họ đang học môn này. Tôi sẽ nói nhiều hơn về điều này ở phần sau. Lúc này , chỉ cần biết rằng việc tập luyện chỉ có thể tổ chức vào ban đêm và trong vòng bí mật. Ngôi nhà của ông Azato nằm khá xa nhà ông bà ngoại tôi , nơi tôi vẫn ở, nhưng khi mà niềm đam mê đã xâm chiếm thì tôi dần dà phát hiện ra trong những chuyến đi bộ trong đêm rằng sức khỏe của tôi đã cải thiện một cách đáng kể và tôi không còn là một đứa trẻ ốm yếu nữa. Tôi ham mê karate , nhưng còn hơn thế nữa khi tôi cảm thấy nặng nợ với môn này vì nó giúp tôi tăng cường sức khỏe. Chính vào khoảng thời gian này tôi đã băt đầu suy nghĩ một cách nghiêm túc về việc biến Karate-do thành một lối sống.
Tuy nhiên , ý nghĩ về việc nó cũng có thể trở thành một nghề nghiệp không hề len vào tâm trí tôi. Kể từ khi cuộc tranh cãi gai góc về cái búi tóc khiến một sự nghiệp trong ngành y trở nên ngoài tầm với của tôi thì tôi bắt đầu nghĩ đến các lựa chọn khác. Do tôi đã được dạy về các cổ thư Trung Hoa từ khi còn nhỏ bởi cả ông ngoại lẫn ông Azato, nên tôi quyết định sẽ tận dụng kiến thức đó để trở thành một giáo viên.Thế là tôi tham dự các kỳ thi tuyển và được trao cho vị trí trợ giảng tại một trường tiểu học. Trải nghiệm đứng lớp đầu tiên của tôi xảy ra vào năm 1888, khi tôi 21 tuổi.
Nhưng cái búi tóc vẫn là một cản trở, do trước khi được phép thực hiện các bổn phận của mình như là một giáo viên thì tôi được yêu cầu phải bỏ cái búi tóc đi. Với tôi thì điều này hoàn toàn có lý.Nhật Bản lúc đó đang trong tình trạng xáo trộn, nhiều thay đổi lớn diễn ra khắp nơi, ở mọi khía cạnh của cuộc sống. Tôi cảm thấy rằng mình, là một giáo viên, buộc phải giúp đỡ thế hệ trẻ, thế hệ mà một ngày kia có thể tạo nên vận mệnh của quốc gia, có thể hàn gắn những khoảng cách lớn giữa cái cũ và cái mới của nước Nhật. Tôi khó lòng mà phản đối lệnh cấm cho rằng cái búi tóc truyền thống của chúng tôi giờ đây đã trở thành một tàn tích của quá khứ. Dù vậy , tôi đã e sợ khi nghĩ đến những điều mà các thành viên lớn tuổi hơn trong gia đình tôi có thể nói.
Vào thời đó , các giáo viên mặc các bộ đồng phục ( không giống như những bộ trang phục của các sinh viên ở Peers ‘ School trước chiến tranh), với một áo choàng sẫm màu gài nút đến tận cổ, những nút áo bạc thiết kế theo hình hoa anh đào nở. Chính trong bộ đồng phục này, sau khi đã cắt bỏ búi tóc, tôi đã về thăm cha mẹ để báo rằng tôi đã được nhận vào làm giáo viên trợ giảng ở một trường tiểu học.
Cha tôi đã không tin vào mắt mình . Ông gào lên giận dữ :” Con đã làm gì với bản thân thế? Con là con trai của một samurai!”. Mẹ tôi còn giận hơn ông, bà không nói với tôi tiếng nào , quay mặt đi và ra khỏi nhà qua cửa sau, rồi chạy về nhà ông bà ngoại tôi. Tôi hình dung toàn bộ những chuyện ồn ào như thế có thể chỉ là những điều ngớ ngẩn đối với giới trẻ ngày nay.
Dù sao đi nữa thì tất cả đã được định đoạt. Dù có sự phản đối quyết liệt của cha mẹ , tôi vẫn bước vào nghề nghiệp mà tôi sẽ theo đuổi trong 30 năm sau đó. Nhưng tôi cũng không hề từ bỏ tình yêu thực sự ban đầu của mình. Tôi dạy ở trường vào ban ngày và sau đó , do lệnh cấm đối với karate vẫn còn được thực thi, tôi lén đi tập trong đêm tối im ắng, cầm theo một ngọn đèn lồng mờ mờ khi không có trăng , để đến nhà sư phụ Azato. Hết đêm này đến đêm khác , tôi chỉ lẻn về nhà trước khi trời sáng. Những người hàng xóm thắc mắc không biết tôi đi đâu và làm gì. Một số cho rằng câu trả lời khả dĩ cho sự tò mò này là tôi đã đi đến một nhà thổ.

Tất nhiên là trong thực tế thì hoàn toàn khác. Đêm này qua đêm khác, thường là ở sân sau ngôi nhà ông Azato, với sự chứng kiến của sư phụ, tôi tập luyện kata ( bài quyền) hết lần này đến lần khác, tuần này sang tuần khác, đôi khi là tháng này sang tháng khác, cho đến khi tôi nắm vững và khiến sư phụ hài lòng.
Việc lập đi lập lại mãi một bài quyền quả là rất khó khăn, thường rất mỏi mệt và trong vài trường hợp còn đáng xấu hổ nữa.Đã hơn một lần tôi phải nếm mùi đất trên sàn của dojo hoặc là ở sân sau nhà ông Azato. Nhưng việc luyện tập rất nghiêm ngặt và tôi chưa bao giờ được phép hài lòng với bài quyền tôi đang tập luyện.
Mặc dù đã khá lớn tuổi , sư phụ tôi luôn ngồi yên ở ban công trong khi chúng tôi tập ở bên ngoài. Ông mặc một cai hakama , với một ngọn đèn ở bên cạnh. Thường thì do quá mệt , nhiều khi tôi thấy mình thậm chí còn không thổi tắt nổi ngọn đèn.
Sau khi đi bài quyền , tôi sẽ chờ đợi những lời nhận xét của ông, lúc nào cũng rất ngắn gọn. Nếu ông vẫn chưa hài lòng với kỹ thuật của tôi thì ông sẽ lẩm bẩm “ Làm lại” hoặc “ Thêm một chút nữa”. Một chút nữa , một chút nữa , thường là một chút nữa cho đến khi mồ hôi túa ra và tôi chỉ chực ngã xuống: đó là cách của ông để nói với tôi rằng vẫn còn những điều để học hỏi , để hoàn thiện. Sau đó, nếu như ông thấy hài lòng với tiến bộ của tôi , thì ông thường bày tỏ chỉ bằng một từ :” Tốt!”. Từ đó là lời khen ngợi cao nhất của ông cho đến khi tôi được nghe nó nhiều lần. Tuy nhiên , tôi chưa bao giờ dám yêu cầu ông dạy một bài quyền mới.
Nhưng sau khi các buổi tập kết thúc, thường là vào thời khắc buổi sáng, ông lại trở thành một người thày khác. Lúc đó , ông có thể giảng lý thuyết về tinh hoa của karate hoặc, giống như một người cha hiền, hỏi tôi về cuộc sống của một giáo viên. Khi màn đêm sắp tan, tôi lại cầm ngọn đèn của mình và đi về nhà, và tôi biết rằng chuyến đi của tôi kết thúc với những con mắt nghi ngờ của những người hàng xóm.
Tôi cũng không thể không nhắc đến một người bạn tốt của ông Azato, một người cũng sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp shizoku của Okinawa và cũng am tường karate như bản thân ông Azato.
Đôi khi , cùng một lúc , tôi tập luyện dưới sự chỉ dẫn của cả hai sư phụ, Azato và Itosu. Vào những dịp này, tôi thường chăm chú lắng nghe những cuộc trao đổi giữa hai người, qua đó học hỏi được rất nhiều về những khía cạnh tinh thần cũng như thể chất của karate.
Nếu không có hai người thày lớn như thế thì ngày nay tôi có thể đã trở thành một người hoàn toàn khác. Tôi không thể bày tỏ hết lòng biết ơn của mình đối với họ, những người dẫn dắt tôi trên con đường đã mang lại cho tôi một niềm vui lớn trong cuộc đời kéo dài 8 thập kỷ.

Funakoshi Gichin



Văn không Võ là Văn nhu nhược

Võ không Văn là Võ bạo tàn

Bản lĩnh tài năng làm nên nghiệp

Nhân hòa đức độ tạo thành công

FACEBOOK:  TI ẾN

 


 
Các thành viên đã Thank karateboy vì Bài viết có ích:
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024