Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
12/08/2015 10:08 # 1
Nghiem_huyen
Cấp độ: 15 - Kỹ năng: 9

Kinh nghiệm: 21/150 (14%)
Kĩ năng: 55/90 (61%)
Ngày gia nhập: 05/11/2012
Bài gởi: 1071
Được cảm ơn: 415
KHOANG LIÊN KẾT VÙNG ĐẦU MẶT


KHOANG LIÊN KẾT VÙNG ĐẦU MẶT

Vùng tiền đình trên

Vùng tiền đình hàm trên nằm trong cơ mút và dưới vị trí bám tận của cơ mút dọc theo mào xương ổ răng hàm trên. Thành ngoài của vùng tiền đình trên chính là niêm mạc miệng. Vùng tiền đình trên liên hệ mật thiết với các răng cối hàm trên và mô nha chu các răng này. Do đó, nhiễm trùng các răng cối hàm trên thường biểu hiện ở vùng tiền đình trên này. 

Vùng tiền đình dưới

Tương tự vùng tiền đình hàm trên, vùng tiền đình hàm dưới nằm trong cơ mút,  dưới vị trí bám tận của cơ mút dọc theo mào xương ổ răng hàm dưới và thành ngoài là niêm mạc miệng. Vùng tiền đình dưới liên hệ với các răng cối hàm dưới và mô nha chu các răng này. Tuy nhiên, do các răng cối nghiêng trong và phần xương vỏ mặt ngoài xương hàm dưới khá dày nên nhiễm trùng từ các răng cối thường lan vào phía mặt trong xương hàm dưới.

Vùng nanh

Vùng nanh nằm trên môi trên và tương ứng vùng chóp răng nanh hàm trên. Vùng này lan sâu vào phần da phủ bên trên và các cơ bám da mặt có tác dụng nâng môi trên. Đáy vùng nanh là hố nanh, phía trước giới hạn bởi cơ vòng miệng và phía sau bởi cơ nâng góc miệng. Vùng nanh thông thương với vùng má.  

Vùng má

Vùng má thuộc loại khoang mạc, nằm giữa cơ mút và cơ cắn. Vùng má giới hạn trên bởi xương gò má, giới hạn dưới bởi xương hàm dưới, giới hạn trong bởi cơ mút. Mặt ngoài, vùng má bao phủ phần sau bởi cơ cắn và phần trước bởi các cơ bám da mặt. Vùng má chứa khối mỡ má, còn gọi là cục mỡ Bichat. Khối mỡ má nằm giữa cơ cắn và cơ mút và bao phủ bởi một lớp mô liên kết mỏng. Phía sau trên, khối mỡ này phân cách cơ thái dương với các cơ chân bướm. Tại bờ trước cơ thái dương, khối mỡ lan lên trên đến hố thái dương, giữa bờ trước cơ thái dương và phía sau có thể nằm giữa cơ thái dương và mạc thái dương.  Chung quanh phần gân cơ thái dương, nơi bám tận ở bờ trước cành cao xương hàm dưới, khối mỡ má lan ra phía sau vào vùng chân bướm hàm. Phần mỡ lan vào vùng chân bướm hàm nằm xung quanh thần kinh lưỡi, thần kinh răng dưới và mạch máu răng dưới, đồng thời lan ra sau đến tận mặt sâu tuyến mang tai. Về phía trên, phần mỡ này nằm giữa cơ chân bướm ngoài và cơ chân bướm trong, cuối cùng nối với phần mỡ hố chân bướm khẩu qua khe chân bướm khẩu ở bờ trước mảnh chân bướm ngoài. Như vậy, tổ chức mỡ này không đơn thuần là khối mỡ má mà là đệm mỡ giữa các cơ nhai. Sự liên tục của khối mỡ má lên trên cũng là con đường liên thông giữa vùng má với vùng dưới thái dương, vùng chân bướm hàm và vùng thái dương. Ngoài ra, vùng má thông thương với vùng nanh phía trước.  

Vùng mang tai

Vùng mang tai tạo bởi mạc bao tách làm đôi bao lấy tuyến mang tai. Trong vùng này không chỉ có tuyến mang tai mà còn có các cấu trúc quan trọng khác như thần kinh mặt, động mạch cảnh ngoài và tĩnh mạch sau hàm đi trong nhu mô tuyến. Vùng mang tai không thông thương với các vùng khác do đó nhiễm trùng tuyến mang tai chỉ khu trú trong vùng mang tai và những nhiễm trùng các vùng khác không lan đến vùng mang tai này.

Hố thái dương

Hố thái dương tạo bởi mạc thái dương bên ngoài và cơ thái dương bên trong. Giới hạn trên hố thái dương là đường thái dương trên và giới hạn dưới là cung tiếp và mào dưới thái dương cánh lớn xương bướm. Hố thái dương chứa tổ chức liên kết lỏng lẻo và thông thương với hố dưới thái dương và dưới cơ cắn.  

Hố dưới thái dương

Vùng dưới thái dương hay hố dưới thái dương chiếm toàn bộ hố dưới thái dương xương, nằm ngoài mảnh chân bướm ngoài và lồi củ xương hàm trên. Hố dưới thái dương có giới hạn ngoài là cành cao xương hàm dưới và mặt trong cơ thái dương. Trần hố dưới thái dương là mặt dưới thái dương cánh lớn xương bướm. Phía trong, hố dưới thái  dương tiếp xúc với mảnh chân bướm ngoài ở trước và mạc tạng cùng với thành hầu bên ở ở sau. Hố dưới thái dương không có giới hạn sau và dưới mà liên tục với khoang bên hầu. 

Hố dưới thái dương chứa nhiều cấu trúc quan trọng như động mạch hàm cùng các nhánh bên, thần kinh hàm dưới cùng các nhánh bên, đám rối tĩnh mạch chân bướm hàm, và các cơ chân bướm ngoài và chân bướm trong. Hố dưới thái dương thông thương với nhiều khoang liên kết khác như hố thái dương, vùng dưới cơ cắn, vùng dưới hàm, khoang bên hầu.

Khoang chân bướm hàm

Khoang chân bướm hàm là một phần của hố dưới thái dương, hình thành bởi cơ chân bướm ngoài ở trên, cơ chân bướm trong ở trong và mặt trong xương hàm dưới ở ngoài. Ngoài tổ chức liên kết, hố chân bươm hàm chứa các cấu trúc quan trọng khác là mạch máu và thần kinh răng dưới. Hố chân bướm hàm thông thương với hố dưới thái dương phía ngoài, khoang bên hầu phía trong và vùng dưới hàm phía trước.  

Vùng dưới cơ cắn

Vùng dưới cơ cắn là một vùng nhỏ khu trú giữa cơ cắn và mặt ngoài cành cao xương hàm dưới. Vùng này chứa một ít tổ chức liên kết và thông thương với hố dưới thái dương và hố thái dương.  

Vùng dưới cằm

Vùng dưới cằm nằm ngay dưới cằm, trên xương móng. Sàn vùng dưới cằm là mạc cổ nông trên các cơ trên móng, trần vùng dưới cằm là cơ hàm móng, bao phủ bởi mạc baovà giới hạn ngoài là bụng trước cơ nhị thân. Vùng dưới cằm chứa các hạch dưới cằm và phần nguyên ủy tĩnh mạch cảnh trước. vùng dưới cằm thông thương với vùng dưới hàm và vùng dưới lưỡi.

Vùng dưới lưỡi

Vùng dưới lưỡi nằm ở sàn miệng, trên cơ hàm móng và cơ này là ranh giới giữa vùng dưới lưỡi và vùng dưới hàm. Giới hạn trong của vùng dưới lưỡi là lưỡi và giới hạn ngoài là mặt trong thân xương hàm dưới. Vùng dưới lưỡi chứa tuyến dưới lưỡi, ống tuyến dưới lưỡi và ống tuyến dưới hàm, thần kinh lưỡi, động mạch lưỡi và thần kinh hạ thiệt. Vùng dưới lưỡi thông thương với vùng dưới cằm phía trước dưới và vùng dưới hàm phía sau dưới.

Vùng dưới hàm

Vùng dưới hàm nằm dưới cơ hàm móng, tương ứng hõm dưới hàm. Cơ hàm móng không chỉ là thành trên mà còn là thành trong vùng dưới hàm. Vùng dưới hàm chứa hạch dưới hàm, tuyến dưới hàm và động mạch mặt. Vùng dưới hàm thông thương với vùng dưới lưỡi, vùng dưới cằm, vùng dưới thái dương và vùng bên hầu.

KHOANG LIÊN KẾT VÙNG CỔ

Các khoang liên kết vùng cổ gồm khoang bên hầu, khoang sau hầu, khoang trước tạng và khoang trên ức. Khoang bên hầu và khoang sau hầu còn gọi là khoang sau tạng. Các khoang liên kết vùng cổ đều liên thông phía trên với các khoang liên kết vùng đầu mặt và phía dưới liên thông với trung thất, ngoại trừ khoang trên ức. Do đó những nhiễm trùng từ vùng hàm mặt có thể lan qua những khoang liên kết vùng cổ xuống trung thất rất nguy hiểm.

Khoang bên hầu

Khoang bên hầu là khoang mạc, nằm ở thành ngoài của hầu, phía trong cơ chân bướm trong và song song bao cảnh. Khoang bên hầu bắt đầu từ nền sọ ở trên. Phía sau, khoang bên hầu liên hệ với bao cảnh, chứa động mạch cảnh, tĩnh mạch cảnh trong và thần kinh X. Ngoài ra phần sau khoang bên hầu còn liên hệ các dây thần kinh sọ khác như thần kinh IX, thần kinh XI và thần kinh XII khi chúng đi ra khỏi sọ. Phía trước, khoang bên hầu kéo dài đến đường đan bướm hàm và liên tục với hố dưới thái dương và vùng má. Khoang bên hầu thông thương với vùng dưới hàm và hố chân bướm hàm ở phía trước và khoang sau hầu phía sau. Sau cơ chân bướm trong, khoang bên hầu mở rộng đáng kể, liên hệ với mỏm trâm cùng các cơ có nguyên ủy từ mỏm trâm và mặt sâu tuyến mang tai. Một số tác giả còn phân chia khoang bên hầu thành hai phần, phần trên là khoang bên hầu và phần dưới là khoang mạch máu do chứa các cấu trúc mạch máu quan trọng. Tuy nhiên giữa hai phần này không có một sự ngăn cách nào về giải phẫu nên đa số không nhất trí với sự phân chia này. Nhiễm trùng nếu lan đến khoang bên hầu sẽ rất nguy hiểm do khả năng lan đến khoang sau hầu và lan xuống trung thất.

Khoang sau hầu

Khoang sau hầu nằm giữa mạc trước sống và mạc tạng, nằm ở thành sau hầu. khoang sau hầu bắt đầu từ nền sọ và liên tục với khoang liên kết vùng ngực. Khoang sau hầu mở rộng về phía dưới và liên tục với trung thất, do đó khoang sau hầu được xem là vùng nguy hiểm. Khoang sau hầu thông thương với khoang bên hầu hai bên và đây là con đường trung gian mà các nhiễm trùng từ vùng hàm mặt có thể lan xuống trung thất.  

Khoang trước tạng

Khoang trước tạng nằm trước khí quản, giữa mạc tạng và mạc bao. Khoang trước tạng chứa các hạch bạch huyết và tĩnh mạch cảnh trước. Khoang này thông thương với khoang bên hầu hai bên.

Khoang trên ức

Khoang trên ức là một khoang độc lập, hình thành do mạc bao tách làm đôi bám vào mặt trước và mặt sau xương ức. Khoang trên ức chứa tổ chức liên kết lỏng lẻo và cung cảnh, nối hai tĩnh mạch cảnh trước với nhau. Do không liên thông với các khoang tổ chức liên kết khác, nên khoang này ít quan trọng trong sự lan truyền của nhiễm trùng vùng đầu cổ. 

nguồn: duoclyvn



              Nghiêm huyền-khoa Dược-PECer

                      face Nghiêm Thị Huyền

            HỌC TỐT <> MƠ NHIỀU <> YÊU  ĐẮM

TÔI CẦN CÓ 1 ƯỚC MƠ THẬT LỚN,NẾU KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ CHƯA SỐNG ĐỦ

Chuẩn bị đầy đủ để chạy đua trong cuộc chiến tri thức và bản lĩnh ngành Dược Việt Nam


 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024