Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
12/02/2015 22:02 # 1
Nghiem_huyen
Cấp độ: 15 - Kỹ năng: 9

Kinh nghiệm: 21/150 (14%)
Kĩ năng: 55/90 (61%)
Ngày gia nhập: 05/11/2012
Bài gởi: 1071
Được cảm ơn: 415
Món ngon ngày Tết 3 miền


Món ngon ngày Tết 3 miền

(suutam)

Cùng chung đất nước Việt Nam, cùng ăn chung một cái Tết cổ truyền dân tộc, thế nhưng ở các miền lại có những món ăn ngon ngày Tết đặc trưng. Cùng tìm hiểu một số món ngon nhé.

  • ~~~~~~~~

    Miền Bắc

    Thành ngữ Việt Nam có câu “Đói giỗ cha, no ba ngày Tết”. Tết đến, dù nghèo khó đến đâu thì người ta cũng cố vay mượn, xoay xở để có đủ ăn trong ba ngày Tết sao cho “trẻ có bát canh, già được manh áo mới”. Bên cạnh hai loại bánh truyền thống là bánh chưng và bánh dày. Món Tết miền Bắc rất đa dạng. Trong đó, phải kể đến các món như dưa hành, thịt đông, thịt bò kho quế…

    Bánh chưng

    Bánh chưng xanh là linh hồn của ngày Tết cổ truyền, thể hiện tinh hoa đất trời qua bàn tay khéo léo của con người. Trên bàn thờ tổ tiên người miền Bắc dịp Tết không thể thiếu cặp bánh chưng xanh.

    bánh chưng

    Ngày nay, khi xã hội phát triển hiếm có hay rất khó tìm gia đình nào gói bánh chưng ngày Tết nhưng bánh chưng mua về cũng phải là loại ngon nhất. Gạo nếp phải chọn dẻo thơm nhất để lâu không bị lại gạo. Nhân bánh thường có thịt, đậu, hành khô, hạt tiêu. Bánh phải gói chặt tay, sau khi luộc suốt 14 tiếng vớt ra rửa qua nước lã rồi dùng một tấm ván cùng những vật nặng ép chặt bánh. Như vậy khi cắt bánh ăn không nát lại dẻo, cắn vào miệng bánh thơm lại bùi.

    Dưa hành

    Dưa hành thường được sử dụng như một món ăn kèm với bánh chưng hoặc với các loại thịt nhiều mỡ (thịt đông, thịt kho Tàu, thịt luộc) cho đỡ ngán trong những ngày Tết. Vị chua dịu, cay nhẹ của dưa hành vừa giúp gia tăng hương vị vừa giúp cơ thể dễ tiêu hóa thức ăn.

    dưa hành

    Trước hết, bạn cần lựa loại hành già, củ chắc, cắt bỏ phần đuôi chỉ chừa lại phần rễ. Sau đó, ngâm hành vào trong nước tro có pha hàn the trong khoảng thời gian 2 ngày 2 đêm. Tiếp theo, vớt hành ra, cắt bỏ rễ, lột vỏ chỉ còn lại khoảng 5cm rồi xếp hành vào khạp, rải muối, bỏ một lớp mía chẻ mỏng, rồi đến lớp hành gài lại bằng những vỉ tre. Sau 2 tuần, bạn có thể lấy hành ra cho vào keo thủy tinh, rồi nấu nước dấm đường để nguội cho vào. Khoảng 3 ngày là ăn được.

    Giò nạc, giò thủ

    Đối với người Việt Nam, trong mâm cỗ ngày Tết từ xưa đến nay, đĩa giò, đĩa chả luôn giữ vị trí mỹ vị và đã trở thành món ăn không thể thiếu.

    giò thủ

    Giò là thịt giã trong cối đá cho thật nhuyễn, gói lá chuối thành hình ống, buộc lạt giang, rồi mang luộc, nhưng hấp thì giò ngon hơn. Giò thái theo khoanh, trắng mịn, bày lên đĩa, phải sắt giò cho gọn, trông đẹp mắt và dễ gắp. Khoanh giò trắng mịn, có vài lỗ nhỏ bằng hạt gạo do nước thoát ra thành bọt khi hấp, đó là giò lụa, làm bằng thịt heo (người Bắc gọi là thịt lợn). Nếu dùng thịt bò thì chỉ còn tên là giò bò.

    Giò dùng thịt đầu heo thì gọi là giò thủ. Làm Giò thủ, tai heo, thịt thủ, không giã mà thái nhỏ, trộn thêm mộc nhĩ (nấm mèo), nước mắm, hạt tiêu rồi xào chín (xào là chiên trong chảo, giữ lửa cho đều và đảo luôn tay). Xong, gói bằng lá chuối tươi, buộc lạt cho chặt rồi luộc hoặc hấp cách thủy. Khi giò chín, vớt ra rồi ép, dùng 4 thanh tre cặp quanh khoanh giò, cột cho chặt, treo trên bếp. Khi ăn cũng thái như giò lụa.

    Thịt đông

    thịt đông

    Thịt đông là món riêng có của mùa đông xuân Bắc bộ. Trong làn không khí lạnh, thịt đông trở nên ngon hơn. Món này được làm từ thịt heo ba chỉ, đôi khi được sử dụng cả gà, cộng thêm một mảng bì lợn. Tất cả đều được ninh nhừ. Sau khi nấu xong, bạn lấy khỏi bếp và đặt nồi thịt ra ngoài sân, đậy kỹ cho nó ăn gió uống sương, thu lấy cái rét mướt từ trời cao và đất thấp vào mình để sớm hôm sau, nhà ta đã có nồi thịt đông kỳ diệu. Trên mặt của nồi thịt đông là lớp ván mỡ có màu trắng như tuyết pha sắc vàng mịn như mặt hồ không gợn sóng. Một miếng thịt đông kèm một củ dưa hành, thì thật đúng nghĩa Tết bắc.

    Thịt bò kho quế

    thịt bò kho quế

    Thông thường, món này được chuẩn bị từ ngày 29 Tết để kịp cúng trưa 30 và mấy ngày Tết. Để làm món này, người ta chọn loại thịt bò nạm. Sau đó ướp với chút nước cốt tỏi, chút mắm muối rồi cho thịt ba chỉ cắt mỏng vào giữa, cuộn tròn lại, dùng lạt buộc chặt rồi chiên sơ trước khi cho vào nồi kho. Tiếp theo bạn có thể thả miếng thịt bò vào nồi nước sôi đã có sẵn nước tương, chút đường và một miếng quế nhỏ rang thơm, nấu cho đến khi thịt mềm thì vớt ra, để nguội. Gỡ bỏ những cọng lạt và cắt thịt thành khoanh, miếng thịt bò mềm mà chắc chứ không nát, lẫn vào mầu nâu của thịt bò là màu trắng của mỡ heo. Món này bạn có thể ăn kèm với bánh chưng hay cơm nếp vào ngày Tết thì tưởng như không có gì ngon bằng.

    Nem

    Nem rán là món ăn dễ chế biến, đã trở thành món ăn quen thuộc trong các gia đình Việt Nam, đặc biệt là trong những dịp Tết.

    nem

    Nguyên liệu để làm nhân nem rán gồm: thịt lợn nạc (ngon nhất là nạc dăm) băm nhỏ, thịt cua bể hay tôm nõn, nấm hương, mộc nhĩ, hành khô, giá sống (hay củ đậu), trứng, hạt tiêu, muối, gia vị… Tất cả trộn đều rồi dùng bánh đa nem (miền Nam gọi là bánh tráng) đã được nhúng nước cho mềm gói lại thành những cuốn tròn rồi rán chín vàng trong chảo ngập mỡ. Bánh đa nem phải kén loại bánh tráng mỏng và dai để gói thì nem rán sẽ ngon hơn, vỏ giòn mà không bị vỡ.

    Nước chấm nem rán phải pha chế thật ngon, khéo điều hòa giữa vị mặn của nước mắm ngon, vị ngọt của mì chính, đường (nếu pha bằng nước dừa tươi thì không cần đường), vị chua của chanh (hay dấm) rồi hòa chung với nước lọc, thêm vào ít tỏi băm nhỏ, vài lát ớt tươi sao cho vừa đủ độ mặn, ngọt, chua, cay, dậy mùi thơm của tỏi, ớt.

    Rau nộm

    rau nộm

    Bên cạnh những món nem, giò chả dễ gây ngán trong ngày Tết mâm cỗ ngày  Tết không thể thiếu món rau nộm.  Nộm có nhiều khúc biến tấu khác nhau: nộm rau muống, hoa chuối, xu hào…. nhưng tựu chung đều rất đơn giản, dễ làm và rất được ưa chuộng trong những ngày Tết.

    Canh măng lưỡi lợn

    canh măng lưỡi lợn

    Măng khô, ngon nhất là măng lưỡi lợn, tức lấy phần mầm non vừa nhú, xẻ ra phơi, nó giống hình lưỡi của con lợn, đặc, chắc và nhuyễn không có sợi xơ. Măng đem ngâm nước ấm, luộc và xả cho ra hết chất quánh lâu ngày, rồi thái miếng vừa ăn. Trước khi nấu có thể xào với mỡ, hành và nêm gia vị cho thấm. Thịt ninh măng có thể là cổ, cánh, chân gà, nhưng thích hợp nhất là chiếc giò lợn. Giò chặt hình quân cờ vừa ăn. Xếp một lớp măng, một lớp giò heo vào nồi (có thể cho vài mảnh quế và hồi cho thơm) đổ nước xâm xấp, hầm với lửa cháy vừa phải. Thường xuyên hớt bọt và châm thêm nước cho đến khi thịt và măng chín mềm, nêm nếm vừa ăn, cho hành, mùi, rắc tiêu. Trong nồi hầm sục sôi ấy, thịt và măng có sự tác động lẫn nhau và giao hòa tuyệt vời, mỗi thứ đều được tôn lên về chất. Miếng thịt giảm bớt béo ngấy, giữ độ ngọt cộng thêm mùi thơm thảo mộc thâm trầm, quyến rũ. Miếng măng nhận vào vị béo vị ngọt của thịt, mà vẫn giữ cái bùi, cái đậm, chất thanh nhã của rừng.

    Canh bóng thập cẩm

    canh bóng thập cẩm

    Canh bóng thì chân tẩy bằng su hào, cà rốt, đậu Hà Lan. Su hào, cà rốt được cắt tỉa hoa, khi nấu lưu ý không để nát. Giò lụa và trứng tráng mỏng thái chỉ, tôm bông, mỗi thứ để một góc, trên đặt mấy cọng rau mùi. Khi ăn gắp mỗi thứ một ít, bỏ vào bát. Phụ gia còn có tôm nõn và thịt thăn. Hai thứ này cho vào nước dùng nấu trước cho ngọt.

    Miền Trung

    Gà hầm hạt sen

    gà hầm hạt sen

    Nguyên liệu: 1/4  con gà tơ, 50g hạt sen khô tịnh tâm, 3 củ hành tím, 3 cây hành lá Hà Nội, 1 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê hạt nêm, 1 thìa cà phê tiêu.

    Thực hiện:

    Hành tím bóc vỏ, giả nhuyễn với muối, tiêu, hạt nêm. Gà làm sạch, để ráo nước. Hạt sen tịnh tâm rửa sạch.

    Cho gà vào ướp với hành tím giã nhuyễn trong khoảng 20 phút cho gà thấm.

    Cho hạt sen, gà vào thố đất, cho nước vào vừa đủ, đem đi chưng cách thủy trong khoảng 1 giờ đồng hồ.

    Múc gà ra tô, cho hành lá vào trang trí. Dùng nóng.

    Mách nhỏ: Nên cho lượng nước vừa phải, không quá nhiều. Dùng cây tăm chích thử vào đùi gà, thấy gà chin mềm, hạt sen bở, nước dùng trong, có mùi thơm là được.

    Mắm tôm chua, thịt phay, rau sống

    (Thực hiện: 2 tuần)

    mắm tôm chua

    Nguyên liệu: 1 kg tôm rằng tươi loại nhỏ, 100g nếp, 300g măng vòi (măng tươi), 100g riềng, 100g muối, 100g tỏi, 100g ớt sừng, 1 chén rượu trắng, 50g mật ong.

    Thực hiện:

    Tôm cắt bỏ đầu, đuôi, rửa sạch, để ráo nước. Cho tôm vào ngâm với rượu trắng để khoảng 1 giờ đồng hỗ, vớt ra để thật ráo, ướp với muối để qua đêm.

    Ớt trái bỏ hạt. Riềng gọt vỏ rửa sạch, Măng rửa sạch. Tất cả mang đi xắt sợi rồi trộn đều với tôm. Cho hỗn hợp này vào thẩu lớn, mang đi phơi nắng khoảng một tuần.

    Nếp mang đi nấu xôi nhão, tán mịn, trộn đều với tôm, cho mật ong vào, mang đi ngâm them 1 tuần nữa. Khi tôm chin đỏ, có mùi thơm là được.

    Mách nhỏ: Tôm phải được ngâm trong bình thủy tinh, đậy kín nắp và phơi dưới ánh nắng mặt trời. Nếp phải nấu thành xôi nhão.

    Miến xào gạch cua

    miếng xào gạch cua

    (Khẩu phần: 4 người – Thực hiện: 40 phút)

    Nguyên liệu: 100g miến đậu xanh, 1 con cua gạch, 3 tép tỏi

    300ml nước dùng gà hoặc heo

    1 thìa súp dầu ăn, 1/3 thìa cà phê muối, 1/8 thìa cà phê bột ngọt, 1/4 thìa cà phê nước mắm, 1 thìa cà phê tiêu.

    Hành, ngò, rau răm ăn kèm.

    Thực hiện:

    Cua rửa sạch, mang đi hấp chín, ráy lấy thịt và gạch cho vào chén. Cho muối, hành tím, tiêu, nước mắm vào ướp với thịt và gạch cua cho thấm.

    Miến luộc nhanh với nước dùng, vớt ra để ráo, cắt khúc ngắn. Rau răm, hành, ngò rửa sạch, vớt để ráo, thái nhỏ.

    Cho chảo lên bếp, đun nóng dầu ăn. Phi thơm tỏi, cho gạch và thịt cua vào xào chin, cho miến vào trộn đều, nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn.

    Cho miến ra chén, cho hành, ngò, rau răm lên trên. Ăn nóng.

    Mách nhỏ: Sau khi cho miến xào với cua, nhớ dùng đũa xóc đều liên tục để cho thịt cua bám vào miến và miến không bị dính.

    Xôi thịt hon

    xôi thịt hon

    (Khẩu phần: 4 người – Thực hiện: 90 phút)

    Nguyên liệu: 1 cái giò heo, 10 tai nấm mèo, 50g nghệ tươi

    50g mè, 100g đậu phộng, 6 cây sả cây, 10 quả táo đen, 2 củ hành tím, 1/2  chén rượu trắng, 1 thìa cà phê nước tương, 1 thìa cà phê nước mắm, 1/8 thìa cà phê muối tiêu, 1/2  thìa cà phê đường, 1/8 thì cà phê bột ngọt.

    Thực hiện:

    Giò heo bỏ móng, làm sạch, nướng vàng da, chặt miếng lớn. Nghệ tươi gọt vỏ, xay nhuyễn. Hành tím bóc vỏ, băm nhuyễn. Ướp thịt với muối tiêu, đường, hành tím băm, nghệ xay, nước tương, rượu trắng trước cho thấm.

    Nấm mèo ngâm với nước nóng, rửa sạch, cắt miếng vừa ăn. Táo tàu ngâm nước nóng, xé bỏ hạt. Đậu phộng luộc chin, lột vỏ. Sả cây đập dập. Mè rang vàng.

    Cho thịt, nấm mèo, táo, đậu phộng, sả vào nồi, cho nước vào săm sắp mặt, lấy lá chuối kịt kín miệng nồi, mang đi nấu trên lửa nhỏ. Thịt chín thấm, nước sệt và dẻo là được.

    Cho thịt ra tô, cho mè lên trên. Dùng kèm với cơm trắng hoặc xôi trắng.

    Mách nhỏ: Hon là cách nấu đặc biệt của người Miền Trung, phải nấu lâu, đậy kín nắp, sử dụng nhiều nguyên liệu đặc trưng. Món ăn có vị thơm đặc sắc.

    Gỏi thập cẩm rau củ

    gỏi thập cẩm rau củ

    (Khẩu phần: 4 người – Thực hiện: 55 phút)

    Nguyên liệu: 10 tai nấm mèo, 1 miếng đậu phụ, 100g chả lụa chay, 1 củ cà rốt, 1 trái dưa leo, 1/4  trái thơm, 200g chuối sứ, 10g rau húng cây, 10g húng lủi, 1 vắt mì vàng, 50g đậu phộng rang vàng.

    1 thìa cà phê hành tím băm, dầu ăn, 1 thìa cà phê hạt nêm, 1 thìa cà phê đường, 1/8 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê nước tương, 1/2  thìa cà phê tiêu xay

    Nước chấm: 10 củ kiệu khô, 10g ớt tươi, 1/4  góc thơm, 1 thìa cà phê nước tương, 1/4  thìa cà phê bột ngọt.

    Thực hiện:

    Đậu phụ chiên vàng, xắt sợi. Nấm mèo ngâm nước nòng cho nở, rửa sạch, xắt sợi. Cho dầu ăn vào chảo, phi thơm hành tím băm, cho nấm mèo, đậu phụ vào xào với nước tương, muối, tiêu. Để nguội.

    Cà rốt gọt vỏ, bào sợi, bóp muối, vắt ráo, ướp với giấm, đường, tiếp tục vắt ráo. Thơm rửa sạch, xắt sợi. Rau thơm nhặt bỏ gốc, rửa sạch, xắt nhuyễn. Mì vàng chiên, để nguội. Dưa leo bỏ ruột, xắt sợi, bóp muối. Bắp chuối sứ bào sợi. Chả lụa chay xắt sợi. Đậu phộng giã nhỏ.

    Nước chấm: củ kiệu khô, ớt tươi giã nhuyễn. Thơm vắt lấy nước cốt. Cho nước thơm vào hỗn hợp vừa giã, cho thêm đường, nước tương, bột ngọt hòa đều.

    Cho hỗn hợp ra đĩa, rắc đậu phộng rang lên, khi ăn trộn với nước chấm.

    ~~~~~~~~

    Miền nam

    Thịt kho trứng

    thịt kho trứng

    Món ăn phổ biến nhất trong ba ngày Tết là thịt kho tàu, còn được gọi là thịt kho hột vịt hay thịt kho nước dừa. Những ngày giáp Tết, các bà nội trợ của gia đình đã lo đi chợ mua loại thịt ba rọi, trứng vịt, nước dừa xiêm tươi. Thịt ba rọi mua về được rửa với nước muối, sau đó rửa lại bằng nước sạch. Thái thịt thành từng khúc cỡ ba ngón tay, ướp thịt với các loại gia vị như nước mắm, muối, đường, tỏi, hành tím, ớt sừng trâu bằm nhỏ... Thịt ướp trong khoảng 30 phút để ngấm gia vị. Hột vịt đem luộc chính, bóc bỏ vỏ. Đặt nồi lên bếp, cho nước dừa tươi, nước lạnh vào đun sôi. Sau đó cho thịt vào, khi thịt vừa mềm thì cho trứng vào, nêm lại gia vị, để nhỏ lửa và ninh đến khi thịt thật mềm, nước trong nồi chuyển sang màu vàng cánh gián đẹp mắt là được.

    Bánh tét

    bánh tét

    Món thứ hai không thể thiếu là bánh tét, đây là món chính không thể vắng mặt trong ngày đầu năm. Bánh tét người miền Nam có hai loại là bánh mặn với nhân là đậu, thịt lợn và bánh ngọt có nhân chuối hoặc nhân đậu xanh. Bánh tét của miền Nam có cách gói gần giống với bánh tét của người miền Trung, cũng gói thành đòn dài với lớp lá chuối bọc bên ngoài, bên trong là nếp, tùy bánh ngọt hay mặn mà sử dụng loại nhân cho phù hợp. Ngoài việc dùng để cúng ông bà, làm quà biếu, bánh tét kết hợp với tôm khô củ kiệu còn là món ăn ngon miệng không thể thiếu trong những ngày Tết.

    Khổ qua nhồi thịt

    khổ qua nhồi thịt

    Một món ăn dân dã khác không thể không nhắc đến là khổ qua dồn thịt. Bên cạnh là một món ăn ngon miệng, có tác dụng thanh mát cơ thể, người miền Nam ăn món này đầu năm còn có ý nghĩa cầu mong mọi chuyện không vui sẽ qua đi, một năm tươi sáng sẽ đến với mọi gia đình.

    Củ kiệu

    củ kiệu

    Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến món tôm khô ăn với củ kiệu ngâm chua. Làm món này rất đơn giản, củ kiệu tươi mua về ngâm qua nước tro một đêm để giảm bớt mùi hằng. Sau đó làm sạch rễ và lá, cho lên trên mâm hoặc cái sàng và đem phơi, nếu trời nắng to chỉ cần phơi trong một buổi là được. Cho củ kiệu vào lọ thủy tinh, một lớp kiệu một lớp đường cát trắng, đậy kín lọ lại để kiệu tự ra nước, trong khoảng từ mười ngày đến hai tuần là dùng được. Củ kiệu được kết hợp với tôm khô tạo thành một món ăn rất ngon miệng với vị chua ngọt lại bùi bùi rất đặc trưng và ngon miệng.

    Trên đây là những món ăn đặc trưng trong ngày Tết, mang đậm bản sắc văn hóa của người Nam bộ. Ngoài việc đơn thuần là món ăn, ẩn chứa đằng sau là ước mong tâm linh mọi đau khổ sẽ qua đi, chào đón một năm mới vuông tròn, hạnh phúc và đầy may mắn.

 



              Nghiêm huyền-khoa Dược-PECer

                      face Nghiêm Thị Huyền

            HỌC TỐT <> MƠ NHIỀU <> YÊU  ĐẮM

TÔI CẦN CÓ 1 ƯỚC MƠ THẬT LỚN,NẾU KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ CHƯA SỐNG ĐỦ

Chuẩn bị đầy đủ để chạy đua trong cuộc chiến tri thức và bản lĩnh ngành Dược Việt Nam


 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024