Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
19/02/2014 21:02 # 1
quynhdtu
Cấp độ: 17 - Kỹ năng: 12

Kinh nghiệm: 120/170 (71%)
Kĩ năng: 34/120 (28%)
Ngày gia nhập: 01/04/2011
Bài gởi: 1480
Được cảm ơn: 694
Mô hình hệ thống thông tin du lịch


Mô hình hệ thống thông tin du lịch – một phương án xây dựng hệ thống thông tin Du lịch Việt Nam thống nhất, đồng bộ

(VTR) - Phát triển du lịch được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ  IX, X chỉ rõ “Du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn, xếp thứ hai về doanh thu trong số các ngành xuất khẩu của Việt Nam”. Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch do một Phó Thủ tướng làm trưởng ban để chỉ đạo liên ngành phát triển du lịch và điều chỉnh một số quy định, chính sách liên quan đến du lịch phù hợp đáp ứng những cam kết trong WTO.

Các cơ quan thông tin trong ngành Du lịch và cấu trúc của hệ thống  

Hiện nay, hầu như các đơn vị trong ngành Du lịch đều có bộ phận hoạt động thông tin dưới nhiều hình thức và tên gọi khác nhau: Trung tâm Thông tin Du lịch thuộc Tổng cục Du lịch; Trung tâm Thông tin Du lịch/Trung tâm Xúc tiến Du lịch thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;  Thư viện/ trung tâm thông tin thuộc các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu/viện chiến lược...;  Phòng quản trị thông tin và điều hành mạng thuộc các doanh nghiệp du lịch vừa và lớn;  Tủ sách: nằm trong các cơ quan, doanh nghiệp chưa có thư viện;

Các cơ quan thông tin trên chính là phần tử tạo nên hệ thống, mỗi phần tử đều thực hiện nhiệm vụ: thu thập, xử lý, lưu trữ và cung cấp thông tin; và để phù hợp với thực tế bộ máy quản lý của ngành Du lịch, cấu trúc của hệ thống thông tin du lịch được phân thành 4 cấp: cấp trung ương; cấp khu vực; cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cấp đơn vị cơ sở.

Xác định luồng thông tin (dữ liệu) trong hệ thống

Với cách xác định như trên, hệ thống thông tin du lịch Việt Nam được cấu thành từ các cơ quan thông tin trong ngành du lịch. Song hệ thống muốn tồn tại thì phải có dữ liệu/ thông tin. Do vậy, khi xây dựng hệ thống thông tin cần phải nắm bắt được luồng thông tin (dòng thông tin) vào và ra của hệ thống. Luồng thông tin được hiểu là sự vận động, sự di chuyển thông tin (dữ liệu)  từ vị trí này đến vị trí khác trong hệ thống. Luồng thông tin của hệ thống thông tin du lịch bao gồm luồng thông tin vào và luồng thông tin ra như sau:

* Luồng thông tin vào gồm có dòng thông tin bên trong và dòng thông tin bên ngoài:

- Dòng thông tin bên trong: nguồn thông tin xuất phát từ các đơn vị trong ngành Du lịch, nó bao gồm thông tin nội sinh, thông tin báo cáo và thông tin chỉ đạo;

Dòng thông tin bên ngoài, nguồn thông tin xuất phát từ các đơn vị ngoài ngành Du lịch với các ngành văn hóa, ngoại giao, công an, hải quan, giao thông vận tải, quản lý môi trường... cung cấp các thông tin có liên quan đến việc quản lý hướng dẫn các hoạt động du lịch; với các cơ quan nghiên cứu, thư viện, trung tâm thông tin, nhà xuất bản không thuộc ngành du lịch cung cấp thông tin về lịch sử, địa lý, điểm du lịch, thông tin du lịch nước ngoài, các công trình nghiên cứu về du lịch…

Thông tin từ các dòng tin đi vào hệ thống được tổng hợp xử lý phân tích tạo nên nguồn lực thông tin. Thông tin sẽ được lưu trữ dưới nhiều dạng khác nhau trong hệ thống thông tin du lịch.

* Luồng thông tin ra: là các thông tin được tổng hợp từ các thông tin đầu vào, dựa trên yêu cầu tra cứu của người dùng tin, cán bộ thông tin/hệ thống sẽ phân tích và đưa ra các kết quả tìm kiếm phù hợp với nhu cầu.

 Xác định phương thức tích hợp và quản lý thông tin trong hệ thống

Dựa trên cấu trúc, luồng thông tin của hệ thống thông tin du lịch, để tập hợp được nguồn lực thông tin trong toàn Ngành, cách tích hợp và quản lý thông tin trong hệ thống được thực hiện như sau:

- Cơ quan thông tin du lịch cấp trung ương: là trung tâm tích hợp dữ liệu thuộc Tổng cục Du lịch, trụ sở đặt tại Hà Nội. Trung tâm này có chức năng tổ chức, chỉ đạo, điều hành hệ thống thông tin du lịch trong toàn Ngành; biên tập, phát hành các sản phẩm thông tin, cơ sở dữ liệu cấp quốc gia;  phối hợp các đơn vị cấp dưới trong việc thu thập, xử lí dữ liệu xây dựng CSDL quốc gia.

- Cơ quan thông tin du lịch cấp khu vực: là Trung tâm Thông tin Du lịch thuộc Tổng cục Du lịch: đại diện ở miền Bắc có trụ sở đóng tại TP. Hà Nội, đại diện ở miền Trung có trụ sở đóng tại TP. Đà Nẵng, đại diện ở miền Nam có trụ sở đóng tại TP. Hồ Chí Minh. Các trung tâm này có nhiệm vụ thu thập, xử lí, lưu trữ thông tin du lịch mang tính đặc thù khu vực; kiểm soát hoạt động thông tin du lịch thuộc khu vực; hỗ trợ phối hợp với trung tâm tích hợp dữ liệu xây dựng các sản phẩm thông tin cấp quốc gia;

- Cơ quan thông tin du lịch cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: là trung tâm thông tin và xúc tiến du lịch của tỉnh (đối với tỉnh chưa có trung tâm thông tin du lịch thì bộ phận quản trị thông tin/ phòng Quản lý Nghiệp vụ Du lịch thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đảm nhận. Trung tâm có chức năng thu thập, xử lý, lưu trữ và cung cấp thông tin phục vụ các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh; quản lý, giám sát hoạt động thông tin tại các đơn vị du lịch đóng trên địa bàn tỉnh. 

Cơ quan thông tin du lịch cấp đơn vị cơ sở: là thư viện/trung tâm thông tin/ phòng quản trị thông tin và điều hành mạng  thuộc các đơn vị du lịch, cơ sở đào tạo đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố, có chức năng thu thập, xử lý, lưu trữ và cung cấp thông tin phục vụ các hoạt động của đơn vị, cũng như cung cấp thông tin và hỗ trợ phối hợp với trung tâm thông tin và xúc tiến du lịch của tỉnh xây dựng các sản phẩm thông tin cấp tỉnh, cấp khu vực, cấp quốc gia.

Các cơ quan thông tin du lịch trên liên kết việc bổ sung, chia sẻ, trao đổi thông tin cho nhau. Mỗi đơn vị hoàn toàn chủ động trong việc thu thập, xử lý và khai thác thông tin trong phạm vi của mình, đồng thời tập hợp thông tin xây dựng nguồn lực thông tin trong toàn ngành. Với sản phẩm thông tin truyền thống sau khi phát hành các đơn vị phải nộp lưu chiểu về trung tâm thông tin lưu trữ, với sản phẩm thông tin hiện đại sau khi phát hành phải được truyền về trung tâm tích hợp dữ liệu của ngành thông qua hệ thống mạng.

Tổng hợp các bước nghiên cứu và phân tích như trên, hệ thống thông tin du lịch  là tập hợp các cơ quan thông tin trong ngành du lịch tác động qua lại để tổ chức, quản lí và trao đổi thông tin cho nhau. Dữ liệu của hệ thống là các thông tin về du lịch được tổ chức thống nhất từ trên xuống dưới, được phân thành nhiều cấp từ trên xuống dưới và chuyển từ dưới lên trên, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ thông tin du lịch phong phú đáp ứng nhu cầu tin của người dùng tin du lịch. Và hệ thống thông tin Du lịch Việt Nam được thể hiện qua mô hình sau:  

Để hệ thống thông tin du lịch hoạt động có hiêu quả,  bên cạnh việc áp dụng các mô hình trên, việc tiếp theo các cơ quan thông tin du lịch cần phải làm là lựa chọn và sử dụng một chuẩn nghiệp vụ thông tin, phần mềm tư liệu thống nhất trong toàn Ngành, đồng thời xây dựng cơ chế tổ chức và hoạt động của hệ thống; đào tạo, bồi dưỡng trình độ cán bộ thông tin, quan tâm đến các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thống như: con người, chính sách thông tin quốc gia; chủ trương phát triển du lịch, nhu cầu tin du lịch; và các thành tựu khoa học, công nghệ thông tin và truyền thông...

Tóm lại, mô hình hệ thống thông tin du lịch mà bài viết đưa ra đã mô tả một cách dễ hiểu các hoạt động diễn ra trong hệ thống. Với mô hình này, nếu được áp dụng vào thực tế, ngành du lịch sẽ có một hệ thống thông tin hoàn chỉnh đảm bảo tính thống nhất từ trung ương đến địa phương, tập hợp được các nguồn lực thông tin trong toàn ngành, đáp ứng nhu cầu tin của người dùng tin du lịch trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững trong thời kì hội nhập quốc tế. 

Nguồn: www.vtr.org.vn 



You can if you think you can

Smod "Góc Học Tập"

Skype: mocmummim

Email: phanthiquynh.qnh3@gmail.com

FB: facebook.com/phan.quynh.96


 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024