Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
02/08/2012 09:08 # 1
monbabie269
Cấp độ: 14 - Kỹ năng: 13

Kinh nghiệm: 0/140 (0%)
Kĩ năng: 53/130 (41%)
Ngày gia nhập: 12/12/2010
Bài gởi: 910
Được cảm ơn: 833
Kỳ thú Hòn Khô - Quy Nhơn


 

Hòn Khô - như tên gọi - khô khốc, không một giọt nước ngọt, lưa thưa vài cây cỏ khẳng khiu chen giữa những tảng đá trơ lì qua thời gian... Thế nhưng, đây cũng là nơi có rất nhiều điều kỳ thú đang đón đợi bạn.

 
Ngâm mình trong làn nước trong xanh tại Hòn Khô

Từ trung tâm thành phố Quy Nhơn (Bình Định), chúng tôi mất khoảng 40 phút đi xe máy vượt cầu Thị Nại - cây cầu vượt biển dài nhất nước (gần 2,5 km) - qua Khu kinh tế Nhơn Hội, thêm vài km đường bê tông đến xã đảo Nhơn Hải (nếu đi bằng xe ô tô, thời gian khoảng 25 phút).

Lão ngư Hai Điều và chàng trai trẻ Đoàn Ngọc Nhuận - cán bộ văn hóa xã lái thuyền máy vượt bờ kè mờ mờ dưới làn nước biển đưa chúng tôi ra Hòn Khô, mất thêm hơn 10 phút. Người dân nơi đây cho rằng bờ kè này do người Chăm Pa xây dựng từ xa xưa, theo thời gian thấp dần xuống đáy biển.

Đặt chân lên đảo, giữa những tảng đá khô khốc, một ngôi nhà nhỏ nép mình dưới tán bàng mát rượi. Đây là ngôi nhà duy nhất, với một gia đình 4 người định cư trên đảo. Qua trò chuyện với anh Lê Thái Bình, một thành viên của gia đình đặc biệt này, chúng tôi được biết cư dân đầu tiên của đảo là bà ngoại anh. Bà tên là Trần Thị Nữ, nhưng người dân địa phương quen gọi bà là Cô Rô.

Cách đây 31 năm, bà Nữ chọn Hòn Khô làm nơi ở ẩn, tu hành đạo Phật. Bà cứ ở một mình như thế cho đến cách đây khoảng 6 năm, con cháu bà dọn ra đây ở cùng vì lo bà già yếu. Giờ đây, sau khi bà mất vào ngày 13.5 vừa qua, họ vẫn tiếp tục sống trên đảo để lo nhang khói, thờ cúng cho bà. Một hai năm trở lại đây, khi khách du lịch bắt đầu đến Hòn Khô, gia đình duy nhất trên đảo mới làm dịch vụ phục vụ đặc sản biển, nước ngọt cho du khách. Ngoài ra, cả gia đình cũng tích cực tham gia hoạt động bảo tồn rùa biển. (Rùa biển chọn Hòn Khô để lên đẻ trứng vì nơi đây vắng vẻ, không bị các hoạt động của con người quấy rầy). Riêng anh Bình là thành viên của nhóm tình nguyện viên Quan sát và bảo vệ rùa biển xã Nhơn Hải nên mọi người thường gọi anh là Bình rùa.

Trên đảo lúc đó, ngoài đoàn chúng tôi 6 người còn có hơn chục du khách đi theo tour do Công ty Du lịch miền Trung, một trong những đơn vị lữ hành chính khai thác tour tới Hòn Khô với số lượng khách chiếm khoảng 80-90% tổng lượng khách ghé thăm hòn đảo này, tổ chức. Chị Ngọc Anh, một trong những du khách đến từ Hà Nội chia sẻ, chị biết thông tin về du lịch Bình Định nói chung và tour Hòn Khô nói riêng qua mạng Internet. Trước khi đến hòn đảo này, chị hình dung nó chỉ khô bình thường nhưng đến nơi mới thấy nó không những khô mà còn khô không khốc. Ấy vậy mà cảnh ở đây khá đẹp. Nếu chấm điểm cho vẻ đẹp của đảo theo thang điểm từ 1 (xấu nhất) tới 10 (đẹp nhất) thì chị sẽ cho điểm 7-8. Chị là người thường xuyên đi du lịch và đã thăm nhiều vùng biển ở phía Bắc như Cát Bà, Quảng Ninh, Hải Phòng…và ở phía Nam như biển Vũng Tàu; nhưng khi đến Hòn Khô, chị vẫn ấn tượng với vẻ đẹp nơi đây, đặc biệt là nước biển “cực kỳ trong”. Con người thì nhẹ nhàng, hiền hòa, thân thiện, dễ mến còn giá cả thì phù hợp.

Anh Nguyễn Kỳ Phong, một du khách khác cũng đến từ Hà Nội và đã đi du lịch gần như khắp đất nước Việt Nam, cho biết: “Lần đầu tiên tôi đến Quy Nhơn là vào khoảng năm 1982. Cảm giác lúc ấy là chán. Lần này quay lại, tôi thấy có nhiều thứ đổi thay. Phố xá đẹp hơn. Con người thì hiền hòa, thân thiện. Giá cả rẻ đến mức tôi không buồn trả giá. Không có nạn chặt chém, vòi vĩnh tiền của du khách. Không có hàng rong trên bãi biển. Riêng Hòn Khô thì hoang sơ, nước trong xanh, khung cảnh đẹp, thiên nhiên tuyệt vời. Tôi biết nơi đây qua mạng Internet và nhận thấy các bạn nói thế nào làm thế ấy, không nói thêm mà thực tế không làm được như vậy.”

Mọi người thong thả hít thở không khí mát lành, vừa thưởng thức những món ăn chế biến từ cá mú, cá mực, ốc các loại (ốc đá, ốc mặt trăng, ốc vú nàng...), đặc biệt là cá tà ma và tôm hùm. Các món nướng, hấp, luộc... đều thơm ngọt vì được chế biến từ thực phẩm tươi sống. Chị Ngọc Anh cho biết: “Mỗi món cá ở đây có một vị rất riêng và đều rất ngon, đặc biệt là món cá kình nướng.”
 


Đặc sản tôm hùm tại Hòn Khô.

Sau khi nghỉ ngơi thư giãn, mơ màng nghe dân chài hát bộ và cả ca vọng cổ, rồi thăm nơi bảo tồn rùa biển với bãi đẻ của chúng, chúng tôi đắm mình trong làn nước xanh trong màu ngọc bích. Nước trong đến kỳ lạ, sâu quá đầu người mà vẫn nhìn rõ đáy. Ánh nắng phản chiếu lung linh rực rỡ, tạo nên những vệt sáng lóng lánh hổ phách. Chúng tôi mang kính lặn, nhẹ nhàng úp mặt xuống biển chiêm ngưỡng vẻ đẹp của rạn san hô với những đàn cá nhỏ đủ sắc màu nhởn nhơ bơi lượn. Thủy cung hiện ra lung linh huyền ảo!

“Rạn san hô ở Hòn Khô đặc biệt khác với các nơi khác vì nó nằm gần đảo và khá nông. Bất kể du khách nào, dù biết bơi hay không biết bơi, dù người lớn hay trẻ con (thậm chí chỉ 5-7 tuổi), chỉ cần mặc áo phao, đeo kính lặn là đều có cơ hội được ngắm san hô. Ngắm chán, du khách thường thích tự bơi vào bờ. Ngược lại, ở Nha Trang, san hô thường nằm ở vùng biển sâu. Nếu muốn ngắm san hô, du khách buộc phải học một khóa huấn luyện lặn biển kéo dài 2-3 ngày và phải có bằng lặn biển. Khi lặn, đòi hỏi phải có người kèm cặp. Vì vậy, hoạt động lặn biển ngắm san hô tại Nha Trang khá kén khách nhưng ở đây thì không.” – ông Nguyễn Phạm Kiên Trung, Giám đốc Công ty Du lịch miền Trung cho biết.

Còn theo đánh giá của chị Ngọc Anh, san hô tại Hòn Khô tự nhiên, đẹp nhưng hơi ít màu sắc so với những gì chị thấy trên ti vi. Ngoài ra, đây đó vẫn còn có chỗ có rác thải và vì nước trong nên có thể trông thấy rác rõ ràng. Đây cũng là chia sẻ của anh Kỳ Phong. Tuy nhiên, bù lại, ở đây có món ăn ngon và nước trong vắt. Hơn nữa, trẻ em có thể tham gia lặn ngắm san hô mà bố mẹ vẫn yên tâm. (Cty Du lịch miền Trung luôn bố trí thuyền cứu hộ nhỏ đi theo du khách để sẵn sàng ứng phó trong những tình huống khẩn cấp).

Chiều tà, đoàn chúng tôi rời khỏi Hòn Khô trong cảm giác luyến tiếc vì không có thời gian ở lại theo chân ngư dân địa phương đi câu mực, câu cá vào ban đêm ở đây như dự định. Được biết, hiện đây vẫn là hoạt động khám phá Hòn Khô theo kiểu tự phát của các nhóm khách lẻ như chúng tôi. Tuy nhiên, du khách đi theo tour của Công ty Du lịch miền Trung vẫn hứa hẹn có cơ hội trải nghiệm một lần làm ngư dân vì đơn vị này đã có kế hoạch thiết kế lồng thêm hoạt động này vào tour tham quan Hòn Khô hiện có trong thời gian sắp tới. 

Ngoài ra, Công ty Du lịch miền Trung cũng dự định sẽ đầu tư xây dựng một cầu tàu đưa đón khách tại Hòn Khô để phục vụ du khách tốt hơn, giống như mong muốn của anh Kỳ Phong: “Có cầu tàu để khách, đặc biệt là người lớn tuổi và trẻ con không phải lội nước ra thuyền. Nếu các bạn khắc phục được điều này cùng một số điểm chưa chuyên nghiệp khác trong du lịch tại đây như cải thiện vệ sinh môi trường, trang bị thiết bị lặn có ống thở để du khách lặn ngắm san hô lâu hơn, đầu tư 1-2 tàu du lịch chuyên nghiệp để đưa đón khách…tôi nghĩ du lịch Bình Định nói chung và Hòn Khô nói riêng sẽ thu hút được nhiều du khách hơn nữa. Thế mạnh của các bạn là giá cả rẻ nhưng nếu không kết hợp thêm các yếu tố chuyên nghiệp khác thì nó chưa hẳn là lợi thế.”

Những lời chia sẻ chân thành trên thể hiện một sự kỳ vọng, trong tương lai không xa, hòn đảo như một người đẹp đang ngủ bên bờ biển Nhơn Hải sẽ thực sự tỉnh giấc nhờ nụ hôn của một chàng hoàng tử - những dự án đầu tư phát triển du lịch bền vững.

Nguồn: http://svhttdl.binhdinh.gov.vn



Nguyễn Thị Thanh Lệ
K16DCD4 - Khoa Du Lịch
Email: monbabie269@gmail.com

 
Các thành viên đã Thank monbabie269 vì Bài viết có ích:
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024