Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
21/11/2011 23:11 # 1
missgarlic
Cấp độ: 6 - Kỹ năng: 5

Kinh nghiệm: 43/60 (72%)
Kĩ năng: 33/50 (66%)
Ngày gia nhập: 13/08/2011
Bài gởi: 193
Được cảm ơn: 133
Giai đoạn 2011–2015: Tuyên Quang phấn đấu để Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn


 
 
 

Với những tiềm năng du lịch đa dạng phong phú có thể đẩy mạnh phát triển nhiều loại hình du lịch, trải qua 180 năm hình thành và phát triển, Tuyên Quang đang từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Những kết quả khích lệ

Tuyên Quang thủ đô kháng chiến, nơi có nhiều truyền thống lịch sử cách mạng, truyền thống văn hóa với sự có mặt của 22 dân tộc anh em cùng sinh sống, cùng nhiều danh lam thắng cảnh đẹp … là thế mạnh để phát triển nhiều loại hình du lịch như nghỉ dưỡng, tham quan, giải trí, nghiên cứu lịch sử, văn hóa… Giám đốc Sở VHTTDL Tuyên Quang Nguyễn Việt Thanh cho biết, hàng năm, lượng khách du lịch đến Tuyên Quang tăng bình quân trên 10%. Năm 2010 thu hút 500.000 lượt khách du lịch, doanh thu đạt 500 tỷ đồng, tạo việc làm cho 8000 lao động trong ngành Du lịch. Riêng 8 tháng đầu năm 2011 thu hút 393.300 lượt khách, đạt 66% kế hoạch năm, tăng 4% so với cùng kỳ; doanh thu xã hội từ du lịch đạt 356 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ, đạt 65% kế hoạch năm.

Có được những kết quả trên là do ngành Du lịch Tuyên Quang đã hoàn thành quy hoạch tổng thể các khu du lịch như Khu du lịch lịch sử văn hóa sinh thái Tân Trào, Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm… Ngoài ra nhiều khu du lịch đã hình thành những tuyến điểm một cách rõ nét và bước đầu đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Nhiều khu du lịch như Na Hang, Mỹ Lâm, thác Bản Ba, Động Tiên… luôn thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là du khách quốc tế. Ngành Du lịch Tuyên Quang cũng đã chú trọng liên kết với các điểm khu du lịch của các tỉnh bạn và Thủ đô Hà Nội để hình thành các tour tuyến, kết hợp với các công ty du lịch lữ hành hàng đầu Việt Nam đưa khách đến các điểm du lịch tại Tuyên Quang. Bên cạnh đó, Ngành Du lịch cũng đã biết biến tiềm năng về truyền thống văn hóa các dân tộc với nhiều hoạt động lễ hội, tập quán phong phú để thu hút khách du lịch như Lễ hội Lồng Tồng, Hội đua thuyền sông Lô, Lễ hội đường phố. Tất cả đã tạo nên một diện mạo mới, góp phần thúc đẩy du lịch Tuyên Quang phát triển mạnh mẽ. Tổ chức liên kết du lịch “Qua những miền di sản” 4 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, tiến tới liên kết du lịch các tỉnh miền núi phía Bắc.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở VHTTDL Tuyên Quang vẫn còn những hạn chế cần nhìn nhận như việc quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch còn chậm, chưa tạo được môi trường kinh doanh thực sự hấp dẫn để thu hút các tổ chức, cá nhân có năng lực về tài chính, có uy tín trong kinh doanh đầu tư vào du lịch. Kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất – kỹ thuật tại các khu, điểm du lịch còn hạn chế, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch còn thiếu; Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch chưa đồng bộ...

Du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Với nhiều tiềm năng để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành Du lịch Tuyên Quang đặt mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 5 năm (2011 – 2015) sẽ thu hút trên 4 triệu lượt khách du lịch, tăng bình quân hàng năm trên 11%; trong đó, năm 2015, thu hút trên 10 triệu lượt khách du lịch; có 50 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1 sao trở lên, bình quân hàng năm tăng 10%; tạo việc làm cho 13.000 lao động trong ngành dịch vụ du lịch.

Theo Giám đốc Sở VHTTDL Nguyễn Việt Thanh, để đẩy mạnh phát triển du lịch Tuyên Quang giai đoạn 2011 – 2015 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành Du lịch Tuyên Quang sẽ tiếp tục tăng cường bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng, văn hóa truyền thống của các dân tộc. Liên kết, phát triển, các tour, tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh; tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá du lịch Tuyên Quang; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. Tập trung nguồn nhân lực để hoàn thành quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch; xác định danh mục các dự án để thu hút đầu tư. Huy động mọi nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để phát triển hạ tầng du lịch, đầu tư cơ sở vật chất – kỹ thuật như: nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí... tại các điểm, khu du lịch trên địa bàn tỉnh; ưu tiên đầu tư xây dựng Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào trở thành khu du lịch cấp Quốc gia, khu du lịch Nghỉ dưỡng suối khoáng Mỹ Lâm, khu du lịch sinh thái Na Hang và điểm du lịch Núi Dùm; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc; xây dựng các làng văn hóa gắn với du lịch cộng đồng; Ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch có điều kiện phát triển. Tăng cường hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong cả nước và quốc tế; Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch; tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, mở rộng thị trường du lịch; xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch là thế mạnh của Tuyên Quang.

Hy vọng với sự quyết tâm của ngành VHTTDL tỉnh Tuyên Quang, với nhiều giải pháp được đưa ra, du lịch sẽ sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại sự đổi thay thực sự cho tỉnh và cuộc sống hạnh phúc cho đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang. Và quan trọng hơn nữa, sẽ góp phần vào sự thành công chung của ngành Du lịch Việt Nam trong thời gian tới và những năm tiếp theo.

Nguyễn Thưởng


Nguồn: Báo Du lịch


Võ Thị Hằng

Mod khoa Du lịch & khoa Y dược

Mail : hangvo1505@gmail.com

 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024