Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
04/11/2013 10:11 # 1
tieuthu_18t
Cấp độ: 12 - Kỹ năng: 10

Kinh nghiệm: 76/120 (63%)
Kĩ năng: 13/100 (13%)
Ngày gia nhập: 09/08/2011
Bài gởi: 736
Được cảm ơn: 463
Ảnh hưởng của lạm phát đến hoạt động ngân hàng và các giải pháp kiềm chế lạm phát


1. Ảnh hưởng của lạm phát đến hoạt động của ngân hàng
 

Đối với hoạt động huy động vốn: do lạm phát tăng cao, việc huy động vốn của các ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Để huy động được vốn, hoặc không muốn vốn từ ngân hàng mình chạy sang các ngân hàng khác, thì phải nâng lãi suất huy động sát với diễn biến của thị trường vốn. Nhưng nâng lên bao nhiêu là hợp lý, luôn là bài toán khó đối với mỗi ngân hàng. Một cuộc chạy đua lãi suất huy động ngoài mong đợi tại hầu hết các ngân hàng (17% - 18%/năm cho kỳ hạn tuần hoặc tháng), luôn tạo ra mặt bằng lãi suất huy động mới, rồi lại tiếp tục cạnh tranh đẩy lãi suất huy động lên, có ngân hàng đưa lãi suất huy động gần sát lãi suất tín dụng, kinh doanh ngân hàng lỗ lớn nhưng vẫn thực hiện, gây ảnh hưởng bất ổn cho cả hệ thống NHTM. Lạm phát tăng cao, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải thực hiện thắt chặt tiền tệ để giảm khối lượng tiền trong lưu thông, nhưng nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh vẫn rất lớn, các ngân hàng chỉ có thể đáp ứng cho một số ít khách hàng với những hợp đồng đã ký hoặc những dự án thực sự có hiệu quả, với mức độ rủi ro cho phép. Mặt khác, do lãi suất huy động tăng cao, thì lãi suất cho vay cũng cao, điều này đã làm xấu đi về môi trường đầu tư của ngân hàng, rủi ro đạo đức sẽ xuất hiện. Do sức mua của đồng Việt Nam giảm, giá vàng và ngoại tệ tăng cao, việc huy động vốn có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên thật sự khó khăn đối với mỗi ngân hàng, trong khi nhu cầu vay vốn trung và dài hạn đối với các khách hàng rất lớn, vì vậy việc dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn trong thời gian qua tại mỗi ngân hàng là không nhỏ. Điều này đã ảnh hưởng đến tính thanh khoản của các ngân hàng, nên rủi ro kỳ hạn và rủi ro tỷ giá xảy ra là điều khó tránh khỏi.


 

Do lạm phát cao, không ít doanh nghiệp cũng như người dân giao dịch hàng hóa, thanh toán trực tiếp cho nhau bằng tiền mặt, đặc biệt trong điều kiện lạm phát, nhưng lại khan hiếm tiền mặt. Theo điều tra của Ngân hàng thế giới (WB), ở Việt Nam có khoảng 35% lượng tiền lưu thông ngoài ngân hàng, trên 50% giao dịch không qua ngân hàng, trong đó trên 90% dân cư không thanh toán qua ngân hàng. Khối lượng tiền lưu thông ngoài ngân hàng lớn, NHNN thực sự khó khăn trong việc kiểm soát chu chuyển của luồng tiền này, các NHTM cũng khó khăn trong việc phát triển các dịch vụ phi tín dụng, đặc biệt là dịch vụ thanh toán qua ngân hàng. Vốn tiền thiếu, nhiều doanh nghiệp thực hiện mua chịu, bán chịu, công nợ thanh toán tăng, thoát ly ngoài hoạt động.


 

Như vậy lạm phát tăng cao đã làm suy yếu, thậm chí phá vỡ thị trường vốn, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các NHTM. Sự không ổn định của giá cả, bao gồm cả giá vốn, đã làm suy giảm lòng tin của các nhà đầu tư và dân chúng, gây khó khăn cho sự lựa chọn các quyết định của khách hàng cũng như các thể chế tài chính - tín dụng. Vì vậy xét ở góc độ các NHTM cần có những biện pháp kiềm chế lạm phát.



2. Các biện pháp kiềm chế lạm phát của ngân hàng thương mại. 
 

Kiềm chế lạm phát đến nay đã có tác dụng bước đầu, NHNN đã từng bước ổn định được thị trường tiền tệ, kiểm soát tăng trưởng tín dụng của từng NHTM. Song một điều nhận thấy rõ là những dấu hiệu của bất ổn vĩ mô chưa thuyên giảm, nhập siêu vẫn rất lớn, thâm hụt thương mại cao, trong khi một số doanh nghiệp lại thiếu vốn để sản xuất, xuất khẩu. Vì vậy, những tháng còn lại của năm 2008, tín dụng và lãi suất của các NHTM cần được điều chỉnh hợp lý hơn để vừa kiểm soát được tăng trưởng tín dụng, đáp ứng vốn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả cao, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển, vừa kiểm soát được lạm phát, vừa góp phần ổn định vi mô. Cụ thể:



Thứ nhất, kiểm soát tăng trưởng tín dụng. 

Mỗi NHTM tự điều chỉnh cơ cấu tín dụng theo hướng giảm dư nợ và tỷ trọng tín dụng trung, dài hạn để phù hợp với quy mô và thời hạn huy động vốn. Tăng vòng quay vốn tín dụng, sẽ giảm bớt khó khăn do thiếu vốn. Trước mắt chỉ nên dành vốn vào những dự án nhanh tạo ra khối lượng hàng hoá đáp ứng nhu cầu thiết yếu của xã hội.



Thứ hai, điều hành giá mua và bán vốn (lãi suất) ổn định và theo xu hướng giảm dần. 

Tăng lãi suất là giảm cung tiền, kiềm chế tăng trưởng tín dụng nóng. Tuy nhiên, lãi suất liên tục tăng cao không chỉ có khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn vay, mà còn kho khăn cho NHTM trong việc huy động vốn trung và dài hạn, nhưng nó chỉ là biện pháp trong ngắn hạn. Khi gói giải pháp tài chính - tiền tệ đã được triển khai một cách đồng bộ, lạm phát được kiểm soát ở mức độ nhất định, thì một trong những công cụ cần điều chỉnh ngay - đó là lãi suất kinh doanh của các NHTM.


 

Thực tế cho thấy, sau khi NHNN điều chỉnh lãi suất cơ bản lên 12% và 14%/năm vào tháng 5 và 6 năm 2008 vừa qua, đã xuất hiện cuộc chạy đua lãi suất giữa các NHTM, mà mở đầu là các NHTMCP nhỏ, buộc các NHTM lớn cũng phải theo nếu không muốn mất khách hàng, kéo theo một lượng vốn nhất định. Lãi suất tăng cao để thu hút tiền về, kiềm chế tăng trưởng tín dụng nóng là rất cần thiết. Song cũng chính từ cuộc đua lãi suất của các NHTM vừa qua đã có tác động tiêu cực đối với thị trường tài chính, nền kinh tế và môi trường kinh doanh của chính các ngân hàng. Đối với các NHTM: chi phí huy động vốn cao, làm giảm khả năng sinh lời, khiến ngân hàng phải tăng cường nới rộng tín dụng, làm tăng khả năng rủi ro trong hoạt động. Đối với thị trường tài chính: lãi suất tiết kiệm càng cao, càng làm cho giá chứng khoán giảm xuống, huy động vốn của các doanh nghiêp trên thị trường tài chính càng khó khăn, gây áp lực lớn về vốn trung và dài hạn lên các NHTM. Còn đối với nền kinh tế: lãi suất huy động và cho vay ở mức cao, đã làm giảm đầu tư tư nhân, làm tăng chi phí vay mượn, và giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Tình trạng này kéo dài sẽ làm cho nền kinh tế trở nên xấu hơn, vi mô tiếp tục bất ổn hơn, ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội. Như vậy, tăng lãi suất chỉ là biện pháp cấp bách trong ngắn hạn, một khi tăng lãi suất bắt đầu tỏ ra không hiệu quả xét cả ở khía cạnh vĩ mô và vi mô, thì việc duy trì lãi suất ổn định và theo xu hướng giảm dần, cần được đặt ra đối với các NHTM ở những tháng còn lại của năm 2008.


 

Để xu hướng này diễn ra như mong muốn, thì NHNN có vai trò rất quan trọng trong việc kiểm tra, giám sát với những chế tài cụ thể và đủ mạnh đối với các NHTM cố tình tăng lãi suất huy động vốn quá cao vượt quá ngưỡng an toàn, đưa những chi phí bất hợp lý vào giá của khoản vay, để làm lành mạnh môi trường đầu tư, cho vay của chính các ngân hàng.

 

Liên quan đến lãi suất tín dụng là phạm trù tỷ giá hối đoái. Ở Việt Nam, do tiền đồng chưa phải la đồng tiền chuyển đổi, trong khi tình trạng đôla hoá lại ở mức cao, vì vậy xử lý lãi suất không thể tách rời việc xử lý tỷ giá hối đoái. Vừa qua tỷ giá hối đoái đã được điều chỉnh với biên độ +/- đê khuyến khích xuất khẩu và chủ động nhập khẩu. Cho đến nay vẫn có nhiều ý kiến cho rằng nên phá giá đồng tiền Việt Nam với biên độ rộng hơn nữa để khuyến khích xuất khẩu.



Thứ ba, phát triển các dịch vụ phi tín dụng, đặc biệt là dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. 

Phát triển các dịch vụ phi tín dụng vừa có điều kiện tăng thu nhập cho ngân hàng, vừa thu hút khách hàng đến với ngân hàng để tăng khả năng huy động vốn với chi phí thấp. Để tăng tỉ lệ dịch vụ phi tín dụng, về phía các ngân hàng cần:



Nâng cao chất lượng và tính tiện ích của dịch vụ theo hướng:

(i) Đối với dịch vụ truyền thống: đây là yếu tố nền tảng không chỉ có ý nghĩa duy trì khách hàng truyền thống, tạo nguồn thu nhập lớn nhất cho ngân hàng, mà còn phát triển các dịch vụ mới trên nền tảng của dịch vụ truyền thống để thu hút các khách hàng tiềm năng. (ii) Đối với các dịch vụ hiện đại, cần thực hiện chiến lược Marketing sâu rộng, có chính sách khuyến khích khách hàng (chính sách phí, khuyễn mãi...) sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử như dịch vụ mở tài khoản cá nhân, thanh toán, chi trả thu nhập theo hướng không dùng tiền mặt qua thẻ ATM.

 

Bên cạnh kênh truyền thống để cung ứng các dịch vụ ngân hàng bán lẻ đến người sử dụng, cần phát triển các kênh phân phối hiện đại như các loại hình giao dịch tại nhà, qua điện thoại, internet, ngân hàng tự phục vụ (self-service outlest)...



Thứ tư, nâng cao hiệu quả quản trị tài sản nợ - có, đặc biệt là quản trị thanh khoản. 

Tình trạng lộn xộn trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng trong thời gian qua, suy cho cùng đều bắt nguồn từ việc các ngân hàng chưa quản lý tốt rủi ro thanh khoản. Do sự yếu kém từ quản trị tài sản Nợ, tài sản Có và sự thiếu hụt của các công cụ quản lý hữu hiệu, trong khi các NHTM lại muốn sử dụng triệt để phần vốn này cho các hoạt động kinh doanh sinh lời. Vì vậy một vài ngân hàng thiếu thanh khoản phải vay với lãi cao trên thị trường là điều khó tránh khỏi. Để khắc phục tình trạng này, các ngân hàng phải xây dựng qui trình kiểm soát và quản lý thanh khoản nhằm đáp ứng kịp thời các nghĩa vụ thanh toán đến hạn, đảm bảo an toàn trong hoạt động, giảm thiểu rủi ro thanh khoản.



Thứ năm, nâng cao vị thế, chất lượng hoạt động, phục vụ của ngân hàng để tạo niềm tin cho dân chúng gửi tiền vào ngân hàng bằng những hành động thiết thực. 

Niềm tin phải được xây dựng trên cơ sở thông tin minh bạch và kịp thời. Mọi sự tù mù sẽ là "đất" cho tin đồn lộng hành. Vì vậy mỗi ngân hàng cần phải minh bạch hoá thông (chính sách lãi suất, chính sách đầu tư, chính sách khách hàng, tình hình nợ xấu...). Xây dựng hệ thống thông tin để hình thành cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc nghiên cứu, phân tích để đưa ra những quyết sách điều hành nhanh nhạy và khoa học.

 

Chú ý đến quyền lợi của khách hàng, bao gồm cả khách hàng gửi tiền và khách hàng vay cũng như khách hàng sử dụng những dịch vụ của ngân hàng.



Thứ sáu, các NHTM cần tăng cường liên kết, hợp tác, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm hoạt động ngân hàng trên các lĩnh vực; kết nối các nghiệp vụ, sản phẩm dịch vụ, tạo ra hệ thống phục vụ khách hàng rộng lớn, hiệu quả, tiết giảm chi phí.

Tăng cường sự đồng thuận giữa các NHTM, thành viên trong hiệp hội Ngân hàng Việt Nam trong nhiều chính sách của NHTM vì lợi ích và sự ổn định, kiềm chế lạm phát và phát triển kinh tế đất nước, vì lợi ích và sự phát triển của số đông cộng đồng doanh nghiệp, của các tầng lớp dân cư, vì lợi ích hiệu quả kinh doanh của từng NHTM, cũng như của cả hệ thống NHTM Việt Nam.



3. Vai trò của Ngân Hàng Công Thương Việt Nam đối với các doanh nghiệp trong tình hình hiện nay
 

Ngân Hàng Công Thương Việt Nam (NHCTVN) là một NHTM Nhà nước lớn, chủ lực trong ngành ngân hàng, có vai trò hết sức tích cực đối với phát triển nhiều doanh nghiệp, nhiều ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Đứng trước những thách thức, khó khăn chung của nền kinh tế, NHCTVN đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đóng góp hết sức mình vào thực hiện mục tiêu hàng đầu là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện để các doanh nghiệp vượt qua được giai đoạn khó khăn, sớm phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.



3.1. Hoạt động được coi trọng hàng đầu là tăng trưởng huy động nguồn vốn, thu hút tối đa nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn hợp lý của khách hàng doanh nghiệp. 
 

NHCTVN đã triển khai mạnh mẽ, liên tục các đợt phát hành tiết kiệm, kỳ phiếu, chính sách lãi suất cạnh tranh, linh hoạt, hình thức khuyến mãi và giải thưởng hấp dẫn đối với dân cư. Liên tục mở rộng mạng lưới các điểm bán lẻ trên toàn quốc, cộng với chiến dịch quảng cáo, tuyên truyền rộng rãi, đặc biệt NHCTVN hiện nay là NHTM Nhà nước đầu tiên thực hiện kéo dài thời gian giao dịch hàng ngày liên tục (không có giờ nghỉ trưa) đến 18h và làm việc sáng thứ Bảy hàng tuần. Kết quả nguồn vốn từ dân cư liên tục tăng ổn định 17% so với đầu năm, là nguồn vốn hết sức quan trọng trong điều kiện nguồn vốn nhàn rỗi từ doanh nghiệp giảm do chi phí vốn tăng.



3.2. Ngoài các kênh huy động vốn truyền thống, thời gian qua NHCTVN đã tích cực khai thác nguồn vốn thông qua hoạt động thanh toán xuất nhập khẩu với nước ngoài. 
 

NHCTVN có quan hệ đại lý với 800 ngân hàng trên 80 quốc gia trên toàn cầu, tại Việt Nam NHCTVN thành lập và đưa vào hoạt động Sở giao dịch 3 là Trung tâm xử lý tập trung giao dịch thanh toán xuất nhập khẩu, đây là mô hình hiện đại của các ngân hàng quốc tế lần đầu tiên có ở Việt Nam - đây là chiến lược cạnh tranh đưa chất lượng phục vụ thanh toán xuất nhập khẩu của NHCTVN dẫn đầu tại thị trường trong nước. Hiện nay NHCTVN sử dụng được hạn mức vốn ngoại tệ từ các ngân hàng nước ngoài qua tái tài trợ các L/C nên khi nguồn vốn ngoại tệ trong nước gặp khó khăn, NHCTVN vẫn duy trì khả năng thanh toán ngoại tệ rất tốt và tiếp tục đáp ứng nhu cầu cho khách hàng của NHCTVN.



3.3. Về tín dụng
 

Phù hợp với chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, NHCTVN đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các mặt hàng thiết yếu như nhập khẩu xăng dầu, sắt thép, thu mua chế biến lương thực, thuỷ hải sản, sản xuất kinh doanh phân bón, thuốc tân dược... NHCTVN đã tăng thêm hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp đầu mối nhập xăng dầu hàng ngàn tỷ đồng; Cho vay thu mua chế biến nông sản, thuỷ sản xuất khẩu hơn 5 ngàn tỷ; Đảm bảo tiến độ giải ngân các dự án đã cam kết cho vay. NHCTVN hạn chế và kiểm soát chặt chẽ đối với cho vay kinh doanh bất động sản và chứng khoán. Chính vì vậy, NHCTVN vẫn giữ vững các khách hàng truyền thống, gắn bó, sản xuất kinh doanh có hiệu quả và thu hút thêm một số khách hàng mới có uy tín trên thị trường. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của toàn hệ thống NHCTVN vẫn tăng trưởng 18.000 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 119.000 tỷ đồng. NHCTVN vẫn khẳng định vai trò ngân hàng chủ lực cung ứng vốn tín dụng, đầu tư của nền kinh tế, hỗ trợ và góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

 

Để chia sẻ khó khăn với khách hàng doanh nghiệp, mặc dù lãi suất huy động đang ở mức rất cao, NHCTVN cũng đã tuyên bô giảm lãi suất cho vay từ 0,5%/năm đối với VNĐ và đến 2%/năm đối với USD.



3.4. Ngoài việc đáp ứng vốn thông qua kênh tín dụng, NHCTVN đã vận hành hết sức linh hoạt việc mua, bán ngoại tệ theo nhu cầu của các doanh nghiệp trong cả 2 giai đoạn dư thừa và khan hiếm ngoại tệ. 
 

NHCTVN cũng đã giữ vững cam kết thanh toán đối với các ngân hàng nước ngoài. Ngoài số lượng ngoại tệ khoảng 600 triệu USD mua của Ngân hàng Nhà nước, NHCTVN đã áp dụng mọi biện pháp để thu hút nguồn ngoại tệ. Trong nhiều trường hợp, ngân hàng làm người trung gian giữa người mua, người bán mà không hưởng phí nhằm giảm bớt chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp mua ngoại tệ. Kết quả là mặc dù trong tình trạng khan hiếm, doanh số bán ngoại tệ của NHCTVN cho các doanh nghiệp vẫn tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp hoàn toàn yên tâm khi mở L/C và thanh toán qua NHCTVN.



3.5. Hoạt động trên thị trường tiền tệ
 

Hoạt động thị trường tiền tệ từ đầu năm 2008 đến nay liên tục đối mặt với những biến động lớn về lãi suất, tỷ giá có thể nói là những khó khăn dồn dập cho kinh doanh ngân hàng. Mặc dù vậy, NHCTVN luôn giữ chủ động, thích ứng nhanh với thị trường, đảm bảo tốt khả năng thanh toán. NHCTVN thực thi nghiêm túc mọi chỉ đạo của Chính phủ và NHNN nhằm kiềm chế lạm phát: Tăng dự trữ bắt buộc, mua tín phiếu NHNN phát hành, hỗ trợ thanh khoản qua thị trường liên ngân hàng đối với các NHTM. Có một cơ cấu tài sản hợp lý nên trong những thời điểm khó khăn nhất của thị trường về thanh khoản NHCTVN luôn là ngân hàng vững vàng nhất về thanh toán, khẳng định vai trò của một NHTM lớn và có uy tín nhất ở Việt Nam - hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong thời gian tới, NHCTVN sẽ tiến hành cổ phần hoá song song với việc hình thành Tập đoàn Tài chính - Ngân hàng Công thương Việt Nam nhằm tăng tiềm lực tài chính và tối ưu hoá việc phân bổ các nguồn lực (công nghệ

 

- con người - tài chính). Mặt khác NHCTVN đã, đang và sẽ liên kết, hợp tác với các công ty, tập đoàn lớn, các Hiệp hội thông qua các Thoả thuận hợp tác nhằm khai thác, tận dụng các thế mạnh của mỗi bên vì sự phát triển của các doanh nghiệp. Góp phần củng cố vị thế, uy tín của mình trên thị trường trong nước và quốc tế vì sự phát triển bền vững của chính ngân hàng và của cả các doanh nghiệp Việt Nam.



(Trích tham luận của TS. Phạm Huy Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCTVN trong Hội thảo "Lạm phát, các giải pháp kiềm chế lạm phát và hỗ trợ doanh nghiệp trong tình hình hiện nay" tại Tp. Hồ Chí Minh – tháng 7 năm 2008)

 

TS. Phạm Huy Hùng

(vietinbank.vn)



 Bạch Trần Aí Diễm

Mod-GHT

Skype:Cachuado12 

 

 


 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024