Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
19/11/2013 19:11 # 1
nguyenthang_ktr
Cấp độ: 30 - Kỹ năng: 21

Kinh nghiệm: 180/300 (60%)
Kĩ năng: 148/210 (70%)
Ngày gia nhập: 06/10/2011
Bài gởi: 4530
Được cảm ơn: 2248
Dạy nghề kiến trúc.


architects

Kienviet.net – Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Kienviet.net xin gửi tới bạn đọc bài viết của GS.TS.KTS Hoàng Đào Kính – Dạy nghề kiến trúc, bài viết là sự bày tỏ những tâm tư của thầy trong việc giảng dạy kiến trúc tại Việt Nam hiện nay.

***

1. Việc giảng dạy kiến trúc xuất phát từ đặc thì của nghề kiến trúc từ phương pháp sáng tạo của kiến trúc sư.

Bản chất sáng tạo của kiến trúc sư là sự tổng hợp các tri thức và các phương pháp của nhà khoa học, kỹ sư, họa sĩ và nhà tổ chức. Đặc điểm của kiến trúc sư là tư duy hình tượng. Công cụ hoạt động của kiến trúc sư là thiết kế kiến trúc, kết hợp trong mình các nhân tố khoa học, kỹ thuật và nghệ thuật. Kiến trúc sư khác họa sĩ và điêu khắc gia, ở chỗ không tự tay tạo ra sản phẩm, mà bằng con đường gián tiếp, thông qua ngôn ngữ đặc trưng, – các bản vẽ, các sơ đồ, các mô hình và các chỉ định. Kiến trúc sư thực hiện đồ án thiết kế theo đơn đặt hàng của xã hội và chính xã hội là người thực thi đồ án ấy.

Kiến trúc sư là một chủ thể sáng tạo, đồng thời kiến trúc sư là một chủ thể hành nghề. Tư duy sáng tạo chuyên biệt và khả năng tác nghiệp phải là những đối tượng và mục tiêu chủ yếu của đào tạo kiến trúc sư.

hoangdaokinh01Dạy sinh viên kiến trúc, chúng ta hãy bắt đầu và kết thúc bởi dạy tư duy sáng tạo kiến thức.” – GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính

2. Nhiệm vụ hệ trọng nhất, phức tạp nhất và tinh tế nhất trong việc dạy kiến trúc, truyền nghề kiến trúc chính là việc hình thành, cấy ghép và phát triển tư duy sáng tạo kiến trúc ở sinh viên.

Nhà điêu khắc, khi sáng tác tác phẩm, huy động vào sáng tạo niềm xúc động, tư tưởng và bản chất của đề tài, sự tích lũy kinh nghiệm và quan điểm thẩm mỹ của bản thân, để chuyển tải thành ý tường, thành hình tượng nghệ thuật. Kiến trúc sư, trong tư duy sáng tạo của mình, phần nào đó hành động như nhà điêu khắc. Song, tư duy của anh ta còn bị chi phối bởi nhiều nhân tố khách quan khác. Đó có thể là những giải pháp, những kiểu cách và quy ước đã định hình từ lâu. Đó có thể là đơn đặt hàng, mà ngoài những chủ trương và đòi hỏi của khách hàng, còn có những hạn chế và thậm chí cả những sự áp đặt. Ở trường hợp nhà điêu khắc, con đường từ tác giả, từ tư duy sáng tạo của nghệ sĩ, đến tác phẩm, rất trực tiếp và rất ngắn. Con đường của kiến trúc sư – tác giả, của tư duy sáng tạo mang bản sắc chủ thể, lại rất xa, lại đầy rẫy những sự vòng vo, những sự gián tiếp.

Do vậy, xây dựng ở người sáng tác kiến trúc trẻ mô hình tư duy kiến trúc đặc trưng, giữ bền cái ngọn lửa đam mê sáng tạo trong anh ta, – đó là bổn phận đẹp đẽ và nặng nhọc của các người thầy – kiến trúc sư – dạy kiến trúc.

Tư duy sáng tạo kiến trúc trong đào tạo hợp thành từ đâu? Trước hết, từ những bộ môn khoa học xã hội nhân văn, như lịch sử, lý luận, triết học, mỹ học, xã hội học, tâm lý học, v.v…Cùng với những bộ môn ấy là một quá trình người sinh viên làm chủ các tri thức sáng tác thiết kế và nghệ thuật tạo hình. Một nhân tố nữa tác động quyết định hơn cả, có sức thúc đẩy sáng tạo hơn cả, là sự tích lũy vốn hiểu biết văn hóa cơ bản. Chính sự phong phú và sự hào hoa của văn hóa, sẽ chắp cánh cho mọi chủ thể sáng tạo: từ một chủ thể tập tễnh vẽ ra cái mà chỉ có một anh ta nghĩ ra, đến một chủ thể đủ sức để lồng ghép mọi thứ vào những cái mà chỉ một mình anh ta nghĩ ra, song mang tính khả thi.

0DSCN0196

Từ sự gieo cấy, mở mang tư duy sáng tạo kiến trục ở một sinh viên đến sự hình thành một nhân cách, một bản lĩnh và một tài năng trong hoạt động sáng tạo của một kiến trúc sư, – các thầy dạy kiến trúc chúng ta đứng ở chặng đầu của con đường dài ấy.

Dạy kiến trúc, có lẽ chưa phải nhiều người đã nghĩ tới việc lần dõi sự hình thành và phát triển tư duy sáng tạo kiến trúc ở các học trò: Từ khi anh ta làm bài bố cục thi vào trường, chỉ biết tư duy chủ yếu theo bề mặt, rồi qua các năm học, chuyển sang tư duy không gian ba chiều, biết tổ chức không gian, biết tổ hợp không gian. Để làm rõ quá trình chuyển hóa kỳ diệu ấy trong một sinh viên kiến trúc, không biết đã có ai đã dày công sưu tầm các bài tập qua các năm của một học trò chưa? Nếu làm được việc đó, hẳn thầy có thể đúc kết, rút ra được nhiều điều.

Tư duy sáng tạo kiến trúc chưa bao giờ đuọc coi là một môn học. Nó nằm rải rác trong vô số các môn học của ngành kiến trúc. Nó chưa được coi là mục tiêu, là cái cốt yếu xuyên suốt quá trình đào tạo kiến trúc sư.

Từ sự gieo cấy, mở mang tư duy sáng tạo kiến trục ở một sinh viên đến sự hình thành một nhân cách, một bản lĩnh và một tài năng trong hoạt động sáng tạo cỉa một kiến trúc sư, – các thầy dạy kiến trúc chúng ta đứng ở chặng đầu của con đường dài ấy.

Dạy sinh viên kiến trúc, chúng ta hãy bắt đầu và kết thúc bởi dạy tư duy sáng tạo kiến thức.

 

Các kiến trúc sư thiên tài như Le Corbusier, Mies Van Der Rohe, Frank Lloyd Wright, vốn là những người thợ vẽ giỏi trước tiên.

Các kiến trúc sư thiên tài như Le Corbusier, Mies Van Der Rohe, Frank Lloyd Wright, vốn là những người thợ vẽ giỏi trước tiên.

3. Phần trên ta bàn về sự biết tư duy theo kiểu kiến trúc, tức là biết kết hợp cái phải có theo đơn đặt hàng của xã hội với quan niệm của chính mình, người sáng tạo, để tạo nên một tác phẩm kiến trúc, chứ không phải chỉ là một công trình xây dựng. Ở phần này ta thử bàn về cái sự biết làm của kiến trúc sư.

Chúng ta biết làm nhiều thứ, bởi thế ít khi nghĩ về bản chất của sự biết làm ấy là gì.

Cuộc đời sinh viên của mỗi kiến trúc sư bắt đầu từ sự tập để biết vẽ và biết kẻ. Song, chính từ biết vẽ và biết kẻ, từ hai xuất phát điểm có vẻ như quá đỗi đơn giản ấy, lại bắt đầu tính chuyên nghiệp, bắt đầu nghề nghiệp. Sự làm chủ kỹ năng, làm chủ thành thạo nghề nghiệp, trở nên không dễ phân biệt với sự hiểu biết.

Không nói quá lời và nói đùng vào bản chất, thì việc dạy kiến trúc chính là dạy cho học trò biết nghĩ theo cách và theo lối của một kiến trúc sư, biết làm và biết tác nghiệp như một kiến trúc sư.

Cái sự biết làm, bao gồm sự hiểu rõ công việc cùng sự điều khiển chuẩn xác con mắt và bàn tay, cho phép kiến trúc sư – người sáng tạo, thể hiện đúng bài bản và đúng kỹ thuật mọi cái thông thường, đồng thời thể hiện cái mới mẻ của mình, mà vẫn không trái với những cái đã được chấp nhận.

Giữa sự biết làm và tính chuyên nghiệp có thể đặt dấu ngang bằng (=).

Tính chuyên nghiệp là sự hiểu biết đến nơi chốn, là sự hiểu am tường, từ nhỏ đến to, những việc của kiến trúc và của xây dựng. Biết cấu trúc vật liệu đúng tính năng và bộc lộ ra vẻ đẹp của nó, biết kết hợp cái này với cái khác duy nhất có hiệu quả. Biết lựa kích thước này từ một kích thước khác và từ đó tạo ra hệ tỷ lệ xích, mà chỉ cái sự “thính” trời cho của anh kiến trúc sư mới nhìn ra. Sự biết làm và tính chuyên nghiệp, đối nghịch với sự làm vụng, tính nghiệp dư. Vụng về và nghiệp dư đối nghịch với Người thợ, mà kiến trúc sư trước hết phải là.

Các kiến trúc sư thiên tài như Le Corbusier, Mies Van Der Rohe, Frank Lloyd Wright, vốn là những người thợ vẽ giỏi trước tiên.

Dù bay xa, bay cao đến đâu, một khi ta nhận ra mình là người thợ, người làm ra được một cái gì đó rất thành thạo, không chê vào đâu được, – ta toại nguyện!

Cách đây vài chục năm, tôi đã được làm việc với những “désignateurs” từ thời Pháp chuyển sang. Nhìn hộ làm, phát thèm. Họ hiểu cái họ vẽ, họ vẽ cái họ nắm chắc. Kiến trúc sư nên bắt đầu từ mẫu người désignateurs kiểu ấy.

Cái yếu trong đào tạo ở ta, chính là ở tính chuyên nghiệp. Cái yếu của kiến trúc sư của ta, cũng là ở tính chuyên nghiệp.

Nhiều khi, thấy công trình hay về ý tưởng, thể hiện lại vụng về.

Nhiều khi, thấy công trình dở về ý tưởng, thực thi lại có nghề.

Một công trình kiến trúc chỉ thực sự là nó, nếu kết tụ cả hai: ý tưởng và tay nghề.

4. Mấy chục năm nay chúng ta canh cánh nỗi lo về chất lượng đào tạo kiến trúc sư mà chưa hẳn đã có câu trả lời. Nay số lượng các cơ sở đào tạo tăng gấp ba, bốn lần, số lượng tuyển sinh cũng tăng tương ứng. Trong khi đó đội ngũ kiến trúc sư – thầy giáo các thế hệ trước đang vơi đi. Thế hệ thầy cô mới chưa đến kịp để tiếp sức. Câu hỏi và bài toán về chất lượng đào tạo trở nên bất khả thi hơn.

 

Khi chí phí cho đào tạo một kiến trúc sư ít ỏi, vượt trí tưởng tượng, khi những bài tính kinh doanh đào tạo trong điều kiện xã hội hóa phải được cân đối, yêu cầu “đào tạo tinh” trở nên hầu như không tưởng.

Khi chí phí cho đào tạo một kiến trúc sư ít ỏi, vượt trí tưởng tượng, khi những bài tính kinh doanh đào tạo trong điều kiện xã hội hóa phải được cân đối, yêu cầu “đào tạo tinh” trở nên hầu như không tưởng.

Công cuộc hội nhập quốc tế ép buộc kiến trúc sư Việt Nam phải tiến lên ngang bằng với kiến trúc sư quốc tế. Sự tiến bộ của nền kiến trúc đòi hỏi chúng ta phải tạo ra những mũi nhọn, tạo ra đội ngũ những người đi tiên phong để vương tới những đỉnh cao mà nền kiến trúc nước nhà, đến lúc này, không thể vươn tới.

Hai đòi hỏi trên, hai thách thức trên dẫn tới hai bài toán lớn lao và hắc búa mà nền đào tạo, và nền hành nghề sáng tạo kiến trúc phải giải, đó là:

-         Tinh hóa đào tạo;

-         Tinh hoa hóa đội ngũ kiến trúc sư.

Tinh hóa đào tạo nên được hiểu là đào tạo chú trọng đặc biệt đến chất lượng, điều ngược lại với xu hướng hiện nay. Cho dù nhu cầu về kiến trúc sư lúc này lớn, cho dù xu hướng xã hội hóa đào tạo (ở một thực tế nào đó là kinh doanh hóa đào tạo!) là sự tất yếu như là sự tất yếu của nền kinh tế thị trường, song vấn đề “tinh hóa” đào tạo trước tiên là chuyên nghiệp hóa tổ chức và phương pháp đào tạo, đội ngũ thầy dạy phải là những người có tích lũy đủ để chia sẻ, học trò phải được trang bị tri thức cơ bản, tư duy sáng tác chuyên biệt và khả năng tác nghiệp. Tinh hóa đào tạo đồng nghĩa với sự đi ngược xu hướng đại trà hóa, sự chấp nhận đào tạo một số lượng hạn chế sinh viên kiến truc. Nhớ lại, thời trước một mình E.Hébrard đã thiết kế biết bao công trình, đã quy hoạch hàng loạt đô thị ở ta, trong khoảng thời gian không dài là bao.

Khi chí phí cho đào tạo một kiến trúc sư ít ỏi, vượt trí tưởng tượng như hiện nay, khi những bài tính kinh doanh đào tạo trong điều kiện xã hội hóa phải được cân đối, thì yêu cầu “đào tạo tinh” trở nên hầu như không tưởng. Song, không tinh hóa đào tạo có nghĩa là kéo lùi kiến thức, có nghĩa là bỏ mặc cho nó dẫm chân tại chỗ. Những hậu họa từ đó thật khôn lường.

Cần tìm ra những nguồn đầu tư và hỗ trợ cho đào tạo tinh. Cần có những cơ sở nào đó đứng ra quả quyết và kiên định mở lò đạo tạo tinh. Không chỉ riêng những cơ sở đào tạo quốc lập mới có khả năng làm việc này. Ở các lĩnh vực khác, bằng cách này hay các nọ, tinh hóa đào tạo đang diễn ra.

Chuyên nghiệp hóa và tinh hóa đào tạo tham gia cùng với nền hành nghề sáng tạo kiến trúc vào quá trình hình thành những tinh hoa – hạt giống, đội ngũ những tinh hoa của nền sáng tác kiến trúc. Bất cứ một nền nghệ thuật nào cũng cần đến những bản thể sáng tạo xuất chúng và đi tiên phong, cũng cần đến những mũi nhọn đột phá, cũng cần đến những xu hướng và những trường phái. Cơ chế tổ chức hành nghề, cách đào tạo hiện nay chưa hẳn đã thuận cho sự xuất hiện, cho sự khẳng định và thăng hoa của những tinh hoa sáng tạo. Đã đến lúc chúng ta cần phát hiện và công nhận những mầm mống tài năng ngay từ khi họ còn rất trẻ, từ bỏ định kiến về sự tương đồng tài năng với độ tuổi. Đã đến lúc chúng ta cần nhận rõ một điều, trong số hàng chục kiến trúc sư đào tạo ra, chỉ có một, hai là nghệ sĩ tài năng của nghệ thuật kiến trúc. Số còn lại, có thể chỉ là những thợ kiến trúc lành nghề. Thế cũng là phải và tốt lắm rồi.

Cái đích chính của đào tạo, một trong những đích chính của hành nghề kiến trúc là sự tác thành đội ngũ kiến trúc sư giỏi nghề và làm chủ văn hóa kiến trúc theo nghĩa đầy đủ. Sự đảm bảo cho phát triển kiến trúc Việt Nam đương đại là đào tạo chuyên nghiệp, đào tạo tinh và sự kết thành tinh hoa sáng tạo.

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính *Bài viết được Kienviet.net đăng tải lại từ cuốn sách Văn hóa Kiến trúc.

 



Nguyễn Anh Minh Thắng- K17 KTR3
Gmail: nguyenthang1593@gmail.com

...

Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm 1 ngày sống để yêu thương!!!

 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024