Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
07/03/2022 09:03 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
Kỹ Năng Giải Quyết Vấn Đề


Bài viết ngày hôm nay mình bàn luận về kỹ năng giải quyết vấn đề – một kỹ năng mà đọc tin tuyển dụng nào cũng thấy có đề cập. Hằng ngày chúng ta có một đống vấn đề cần giải quyết, từ công việc đến đời sống cá nhân, phải giải quyết thế nào cho vừa hợp tình, vừa hợp lý, quan trọng nhất là bản thân cảm thấy vui vẻ và không có hại cho ai – đó là phương châm của mình. Không có cách giải quyết nào là hoàn hảo và đúng hoàn toàn cả, chỉ có cách giải quyết nào là phù hợp với bản thân mình vào hoàn cảnh của vấn đề đó thôi. Nếu bạn đã chơi cờ vua, bạn sẽ biết rằng có hàng triệu cách để chơi. Để chơi giản, người chơi cờ cần dự đoán được trước nước đi của đối phương, dùng khả năng phân tích của bản thân mình, đi thử, nếu có thua thì học từ bài học đấy để không phạm lỗi lần sau.

Mỗi khó khăn trong cuộc sống, công việc, tình yêu – là một cơ hội để bản thân mình làm cho những khía cạnh đó tốt hơn. Nếu không có khó khăn gì, làm sao biết chỗ nào không ổn để mà cải thiện. Vậy nên đừng sợ, đừng ngại, đừng nản mỗi khi có một vấn đề gì đấy xuất hiện – có vấn đề là một cơ hội để chúng ta giải quyết.

Để giải quyết được một vấn đề một cách tốt hơn những gì chúng ta đang làm hiện tại, chúng ta cần dành thời gian để ngâm cứu về vấn đề đó trước. Thử tưởng tượng khi bạn đi khám bác sĩ ấy, sau khi bạn kể cho bác sĩ rằng mình bị đau đầu, đau lưng đau bụng này kia – công việc của người bác sĩ cần làm là đo huyết áp, bấm vào chỗ này chỗ kia trên người, cần thiết thì có thể siêu âm, nội soi, vân vân – từ đó mới cho ra kết luận cuối cùng. Nhờ xem xét kỹ, người bác sĩ có thể cho ra một giải pháp phù hợp nhất với thời điểm đó dành riêng cho bạn. Tương tự như vậy, mỗi vấn đề trong cuộc sống mình không phải ai cũng có cách giải quyết giống ai, việc của chúng ta là chậm lại một chút để xem xét thật kỹ vấn đề và đặt vấn đề đó trong hoàn cảnh của mình nhé.

Ví dụ, cùng là một vấn đề một bạn sinh viên ra trường và chưa có việc làm. Nếu bạn đó ở thành phố, được bố mẹ chu cấp tiền bạc đầy đủ, cách giải quyết hiện tại có thể là bạn dành thời gian đi học thêm bằng Thạc Sỹ, chọn làm cho một công ty lớn vài tháng một năm không lương, học thêm các lớp học kỹ năng mềm vân vân. Cùng vấn đề đó, một bạn sinh viên từ một gia đình có hoàn cảnh không khá giả ở quê lên thành phố học sẽ cần có cách giải quyết khác. Bạn chấp nhận dành thời gian ban ngày để làm các công việc như chạy bàn, chạy xe ôm, phát tờ rơi để có tiền trang trải cuộc sống, dành thêm thời gian buổi tối để học thêm tiếng Anh hoặc các kỹ năng khác. Đây là hai ví dụ dễ dàng cho bạn đọc thấy cùng một vấn đề nhưng để giải quyết, chúng ta phải nhìn vào hoàn cảnh của chính bản thân.

Để tìm câu trả lời, cần phải biết đặt câu hỏi đúng

Khi đi làm hướng nghiệp, một câu hỏi mình rất thường gặp từ các em học sinh sinh viên đó là: “Em không biết mình thích gì, hợp gì, em nên làm gì?”. Thật ra câu hỏi này không sai, nhưng nó không khó đến mức các em phải bỏ tiền ra để tìm đến một chuyên gia giải đáp. Trước khi đến gặp một chuyên gia hướng nghiệp, các em đã hoàn toàn có thể tìm trước các bài kiểm tra tính cách ví dụ như Mật mã Holland để phần nào biết rõ hơn về bản thân. Khi các em có sẵn một chút kiến thức trong đầu, ví dụ như em thấy mình có tố chất xã hội, nghệ thuật, em thích cái này cái kia – không biết em phù hợp ngành nào – thì đó sẽ là một câu hỏi tốt hơn để các chuyên gia có thể giúp các em.

Vậy nên khi đứng trước một vấn đề, dù là chuyện hướng nghiệp như ví dụ ở trên hay bất kỳ chuyện gì trong cuộc sống, bạn có thể học cách chậm lại và tự đặt cho bản thân một số câu hỏi như là:

  1. Nếu một người bạn mình hỏi mình vấn đề này, mình sẽ khuyên bạn ấy điều gì?
  2. Vấn đề này đã từng xuất hiện trước đây chưa, nếu có những lần trước mình đã giải quyết như thế nào?
  3. Vấn đề này được mọi người giải quyết như thế nào? Điểm chung trong cách giải quyết đó là gì? (Hỏi mọi người hoặc tìm trên mạng để biết mọi người giải quyết thế nào).
  4. Điều gì chính xác sẽ xảy ra nếu mình giải quyết được vấn đề này? (Việc có mường tượng rõ ràng sẽ giúp bản thân biết được khi mình đã giải quyết được vấn đề).

Những câu hỏi trên chỉ là những câu hỏi gợi ý từ phía mình thôi, bạn đọc có thể tự đặt câu hỏi thêm để khai thác vấn đề ở nhiều khía cạnh hơn nhé.

Chặt vấn đề thành những khúc nhỏ

Mình rất thích ăn Steak, bò bít tết – mỗi tội răng yếu nên khi đến nhà hàng nào mà cắt miếng bò to quá mình ăn sẽ rất đau răng. Giải pháp của mình là dành thời gian cắt bò thành những miếng nhỏ hơn vừa miệng trước khi bắt đầu ăn – từ đó bữa ăn ngon hơn hẳn.

Chặt nhỏ, chia nhỏ cũng là cách mình áp dụng cho việc giải quyết vấn đề trong cuộc sống. Khi chặt nhỏ, chia nhỏ, mình có thể thấy vấn đề phần nào dễ giải quyết hơn. Ví dụ, vấn đề “thất nghiệp sau khi tốt nghiệp đại học” có thể được chặt thành “cần chỉnh sửa lại CV“, “cần bổ sung thêm kiến thức, kỹ năng chuyên môn” hay “cần mở rộng các mối quan hệ“.

Từ những miếng bò nhỏ trên, mình sẽ tìm cách giải quyết từng thứ được.

Ví dụ, nếu cần chỉnh sửa CV, bạn có thể lên Google tìm “cách viết CV” hoặc đăng ký tư vấn cùng Tuấn Anh để được hướng dẫn. Để bổ sung kiến thức kỹ năng, bạn đọc kỹ tin tuyển dụng xem cần những kỹ năng gì, sau đó dành thời gian lên các trang như Udemy, Coursera, Khan, vân vân để tìm các lớp học phù hợp. Cần mở rộng các mối quan hệ thì bạn dành thời gian lên LinkedIn và tham gia các hội thảo của ngành bạn đang quan tâm.

Nên làm hay có thể làm

Khi gặp một vấn đề trước mắt, chúng ta có thể lựa chọn giữa giải pháp “nên làm” và giải pháp “có thể làm”. “Nên làm” thường là những giải pháp mà ta có sẵn trong đầu dựa trên kinh nghiệm cá nhân hay lời khuyên của người khác, ta cảm thấy thoải mái khi làm việc đó. “Có thể làm” là những giải pháp mà có khi ta chưa từng biết đến, người khác đang áp dụng và thành công cho vấn đề giống như của ta.

Ví dụ, khi anh người yêu quên không tặng quà mình, giải pháp “nên làm” mà mình thường làm có thể là dỗi cho hắn một trận, cho đến khi hắn xin lỗi thì thôi. Những giải pháp khác “có thể làm” như là dành thời gian trò chuyện để hỏi lý do, tiếp tục dễ thương với người ta – thì mình lại thấy không thoải mái lắm để làm.

Chính vì thế, khi đứng trước một vấn đề, trước khi quyết định giải quyết như thế nào, bạn thử chậm chậm một chút và liệt kê ra các giải pháp “có thể làm” xem nhé.

Không nghĩ tới nó nữa

Chúng ta có thể nghĩ rằng, khi gặp một bài toán khó, ta phải căng não lên để suy nghĩ về nó và tìm ra giải pháp. Kết quả là đau đầu.

Đôi khi chúng ta vứt bài toán ra đó, đi tắm, đi dạo, đi bộ – không suy nghĩ đến nó nữa, thì bỗng nhiên trong đầu ta lại hiện ra giải pháp.

Đó là lý do khi gặp một vấn đề khó nghĩ mãi chưa ra, có khi bạn nên nghỉ ngơi một xíu, dành thời gian tách bản thân ra khỏi vấn đề đấy, biết đâu bỗng nhiên một giải pháp tuyệt vời sẽ xuất hiện.

Chúc các bạn giải quyết được những cái khó của cuộc đời.

 

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024