Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
16/04/2019 23:04 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
Đừng Để "Vùng An Toàn" Bài Xích Con Người Tiềm Năng Trong Bạn


 

Trước khi bắt đầu bài viết, tôi muốn đưa ra một vấn đề dưới đây để chúng ta cùng trao đổi.

Hãy dừng lại một chút và suy ngẫm trước khi lướt xuống những dòng chữ bên dưới nhé!

Theo bạn, hai bức hình này có mối liên hệ gì không?

  

  

 

A. VÙNG AN TOÀN ĐÁNG SỢ ĐẾN NHƯỜNG NÀO?

Hẳn là bạn đã có những nhận định cho riêng mình.

Còn trên phương diện cá nhân, tôi nhận ra sự tương thích giữa hai bức họa này:

Bên trái: là người đàn ông đang thoải mái dưới tán ô do mình tạo ra. Tán ô tuy không quá rộng rãi nhưng đủ để anh ta cảm thấy an toàn rằng không có bất kỳ tác động bên ngoài nào có thể ảnh hưởng đến mình.

Bên phải: là con ếch ngồi chễm chệ trong nồi nước đang sôi. Cái nồi cũng không quá lớn nhưng đủ để nó cảm thấy thư giãn với lượng nước ấm áp bên trong.

Kết quả ra sao? Người đàn ông lúc nào cũng bị “khoanh vùng” trong chính phạm vi mình vạch ra, mãi mãi chẳng có điều gì mới mẻ hay những bước tiến vượt bậc. Còn con ếch thì nhanh chóng bị luộc chín ngay sau đó khi nhiệt độ nước lên đến 100 ͦ C.

Tôi gọi môi trường mà cả hai đối mặt là Vùng an toàn.

Vùng an toàn (Comfortzone) có thể được hiểu là một địa phận của mỗi cá nhân. Nơi họ toàn quyền quyết định dễ dàng, không chút trở ngại. Vì chúng đem lại cảm giác thoải mái, hài lòng khi không phải vướng bận bởi những thử thách khó nhằn, dù đó (có thể) là những thứ lặp đi lặp lại một cách nhàm chán.

 

Có lẽ đây là khái niệm không còn xa lạ với nhiều người nữa. Và nếu hỏi bạn vùng an toàn đem lại cho ta những bất lợi gì, tôi cá là hàng loạt gạch đầu dòng sẽ xuất hiện. Chẳng hạn: 

Có lẽ đây là khái niệm không còn xa lạ với nhiều người nữa. Và nếu hỏi bạn vùng an toàn đem lại cho ta những bất lợi gì, tôi cá là hàng loạt gạch đầu dòng sẽ xuất hiện. Chẳng hạn:

·           Sinh ra tâm lý dè chừng, ngại thử những gì mới mẻ

·           Không có khả năng xử lý khi “giông bão” ập đến

·           Bỏ lỡ những cơ hội để thể hiện mình

·           Triệt tiêu động lực phấn đấu

·           Không bao giờ khám phá được những điều kỳ diệu khác của cuộc sống

·           ...


Tất cả những gạch đầu dòng có thể kể đến này, tôi xin tóm gọn bằng cụm từ “bài xích con người tiềm năng”. Vì sao ư?

Để kinh doanh có hiệu quả, các doanh nghiệp cần phải xác định được khách hàng tiềm năng – những đối tượng quan tâm đến sản phẩm, có khả năng sẽ chi trả và tiêu dùng (khách hàng này chưa xuất hiện cụ thể). Nguồn khách hàng này giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, gặt lợi nhuận và củng cố thương hiệu của mình.

Để quyết định xây dựng một dự án du lịch sinh lợi, nhà đầu tư buộc phải nhìn ra tiềm năng phát triển của khu vực đó kể từ khi nó còn là một bãi đất thô sơ, hoang hóa...

Và tôi tin, để hoạch định được chiến lược phát triển bản thân, mỗi người phải tìm ra được giá trị tiềm năng của chính mình. Chúng cần có hoàn cảnh để được trỗi dậy. Nhưng làm sao có thể khai thác năng lực tiềm tàng ấy khi vùng an toàn đã trở thành miền đất hứa trong tiềm thức của bạn? Khi bạn muốn bước ra khỏi cái lãnh địa ấy, tiếng nói của nó luôn vang vọng “Tại sao lại dấn thân, ở đây an toàn không tốt hơn sao?” và kéo bạn trở lại đúng vị trí ban đầu. Chính vùng an toàn đã chống đối lại tất cả những cơ hội mới đến với bạn, bài xích giá trị tiềm năng trong bạn. Cứ như vậy, mãi mãi bạn sẽ không biết mình thực sự có những khả năng gì và có thể làm được gì. Thật bi kịch phải không?     

 

                                                                           
 

 

Để kết thúc phần thứ nhất, tôi xin đưa ra 3 câu chuyện ngắn của mình – một kẻ chập chững tuổi 20 đang cố tìm cách thoát khỏi vùng an toàn:

Câu chuyện 1: Tôi sợ nước nhưng tôi phải tập bơi. Vì đây là học phần bắt buộc ở trường Đại học. Sau n lần đạp chân từ thành hồ và sặc nước, tôi cũng biết bơi.

Câu chuyện 2: Tôi ngại giao tiếp nhưng lại muốn đi làm tình nguyện viên của một Hội thảo du học lớn. Các bạn bảo số lượng tuyển ít và còn yêu cầu CV nữa nên chắc không đậu đâu. Tôi chỉ im lặng và tìm cách viết bản CV đầu tiên trong đời, đó cũng là ngày cuối được nộp hồ sơ. Hai ngày sau, Ban tổ chức báo tôi đậu.

Câu chuyện 3: Tôi ngại nói nhưng lại muốn thử đứng trước đám đông. Đó là lần đầu tiên tôi đi thi hùng biện, cuộc thi được tổ chức ở một trường đại học, cho tất cả các sinh viên trường khác trong thành phố tham gia. Tôi vào chung kết, kết thúc phần thi không khá khẩm lắm nhưng lại bắt đầu những điều tốt đẹp hơn.

Nào, giờ thì cùng tìm cách bài xích lại vùng an toàn thôi!

 

B. LÀM SAO ĐỂ CẢM THẤY “AN TOÀN” NGOÀI “VÙNG AN TOÀN”?

Đừng vội bối rối khi thấy đề mục này có phần nghịch lý nhé!

Thế này,

 

Theo tâm lý học, ngoài vùng an toàn là vùng trung gian và vùng nguy hiểm. Càng đi xa khỏi vùng an toàn thì việc thực hiện hành vi của mỗi người ở mức độ sợ hãi và áp lực ngày càng tăng. Vì vậy, nếu “an toàn” trong vùng an toàn được hiểu là trạng thái yên ổn thụ động thì “an toàn” mà tôi muốn nhắc đến ở phần này mang tính tích cực, chuẩn bị chủ động, nhằm loại trừ sự nguy hiểm khi mỗi người đang chấp chới những bước chuyển mình đầu tiên. Như người Phần Lan có câu nói: “Hyvin suunniteitu on puoliksi tehty”, nghĩa là “chuẩn bị tốt là bạn đã hoàn thành một nửa công việc”.

  

Những nguyên tắc mà tôi áp dụng xuất phát từ kinh nghiệm bản thân kết hợp nghệ thuật sống Lagom và Sisu:

Lagom là từ dùng để chỉ sự vừa phải, không quá nhiều mà cũng chẳng quá ít. Tinh thần lagom thể hiện ở mọi mặt trong cuộc sống của người Thụy Điển, từ việc chỉ nói ngắn gọn vừa đủ không khoa trương, ở trong những ngôi nhà đơn giản ít đồ đạc, ăn những món không quá cầu kỳ, thậm chí đến vui chơi cũng không quá ồn ào, náo nhiệt..., từ đó người Thụy Điển hình thành một sự tiết chế trong mọi việc họ làm, hay có thể nói họ gần như đã nắm được bí quyết của cuộc sống: biết đủ chính là tự do.

Sisu đại diện cho một tổ hợp nhiều đặc điểm khác nhau, bao gồm quyết tâm sắt đá, nghị lực, lòng can đảm, sự dũng cảm, ý chí bền bỉ, sự ngoan cường và kiên trì của người Phần Lan. Sisu là lối tư duy hướng đến hành động: sisu hiện diện khi bạn đương đầu với một thử thách vượt quá khả năng của mình. Tinh thần sisu sẽ thức tỉnh khi những khó khăn và nghịch cảnh khiến bạn muốn bỏ cuộc, khi mà chỉ có dũng khí mới có thể giúp bạn tiếp tục tiến lên.

Dưới đây là một vài nguyên tắc tôi muốn chia sẻ

 

Trả lời câu hỏi: Tôi muốn gì?

Có một khoảng thời gian dài tôi không biết mình cần phải làm gì. Mỗi buổi sáng thức dậy, nhìn vào gương và thấy mình là một kẻ bại trận. Đi học, về nhà, ăn cơm, lướt web rồi đi ngủ - hết chu kỳ một ngày. Mọi thứ lặp lại nhàm chán như vậy, cho đến khi tôi quá mệt mỏi và than vãn với chị gái:

- Em thấy cuộc sống của mình tẻ nhạt quá. Bạn em người đi làm, người giành học bổng, tham gia hoạt động, đi du lịch... còn em chẳng có gì cả.

-  Vậy em thực sự muốn gì?

Tôi không trả lời được.

Câu chuyện của tôi kể cũng tựa như đoạn hội thoại giữa nhân vật Alice và chú mèo Cheshire trong câu chuyện “Alice lạc vào xứ sở thần tiên” :

Alice: Xin hãy nói cho tôi biết, từ nơi này, tôi sẽ phải đi đường nào?

Cheshire: Điều đó phụ thuộc vào nơi nào mà cô muốn đi tiếp?

Alice: Tôi không quan tâm nhiều lắm tới nơi đó.

Cheshire: Vậy thì nơi nào cô đến cũng thế cả thôi.

Ngày hôm đó, tôi đã ngồi xuống để nghiêm túc nghĩ về điều mình thực sự muốn. Để có đáp án cho câu hỏi lớn này, tôi đã tự vấn bằng nhiều câu hỏi nhỏ khác. Tôi lấy ra 04 tờ giấy, tương ứng với 04 nội dung: Ưu điểm, Nhược điểm, Mục tiêu và Cách thực hiện. Tôi viết tất cả những điều nảy ra trong đầu lên giấy. Sau đó cứ nối ghép vài ưu điểm, nhược điểm với nhau để tạo thành 01 mục tiêu, đồng thời liệt kê các cách có thể thực hiện. Chẳng mấy chốc, số lượng mục tiêu đã kín gần hết một trang giấy.

Ví dụ:

·           Ưu điểm: nhiệt tình, thân thiện; suy nghĩ logic; có lập luận

·           Nhược điểm: ngại đưa ra quan điểm cá nhân

·           Mục tiêu: phải nói thoát được ý muốn diễn tả

·           Cách thực hiện: thảo luận nhóm, giao tiếp với người lạ, thi hùng biện.

Hoặc bạn cũng có thể sử dụng quan niệm sống Ikigai của người Nhật để tìm kiếm mục đích sống thông qua các nhân tố dưới đây:

      

 

Dù sử dụng phương pháp nào đi nữa, khi xác định được các đặc điểm kể trên, tôi tin rằng bạn sẽ bớt cảm thấy chông chênh hơn phần nào. Vì ít nhất bạn hiểu mình thêm một chút và biết mình muốn gì. Nguyên tắc này tôi muốn nói đến đầu tiên vì nó rất quan trọng: chúng ta không đi hết được chặng đường không phải vì chúng ta không có bản đồ, mà là vì chúng ta chẳng biết đích đến là đâu. Khi đó, có những người muốn giúp bạn cũng không thể được, giống như chị gái tôi và chú mèo Cheshire vậy.

 

Thiết lập niềm tin

“Chúng ta là những gì chúng ta nghĩ”. Thật đấy!

Một phân đoạn của bộ phim Facing the giants có thể là minh chứng cho nhận định này: trong 6 năm huấn luyện, Grant Taylor chưa bao giờ dẫn đội bóng bầu dục Shiloh Eagles của mình đi đến chiến thắng và ông nhận ra mình cần phải thay đổi. Trong bài tập thể lực, Grant đã yêu cầu Brock cõng đồng đội của mình trên lưng và bò hết 50 yards trên sân cỏ thay vì 10 yards như thường lệ, với điều kiện anh ta bị bịt mắt và hứa phải làm hết mình. Trong suốt thử thách ấy, có vô số lần Brock kêu lên đau đớn và muốn bỏ cuộc nhưng Grant liên tục thúc giục: “Cậu có thể, cứ tiếp tục đi, đừng bỏ cuộc”. Khi Brock kiệt sức dừng lại, tháo khăn, anh nhận ra mình đã đi hết sân cỏ trước ánh mắt kinh ngạc của cả đội bóng. Vị huấn luyện viên đã thay đổi niềm tin của Shiloh Eagles mãi mãi, giúp họ ba năm tiếp giữ ngôi vị vô địch.

Niềm tin của đội bóng được xây dựng từ hiệu ứng Pygmalion (Self-fulfilling - Lời tiên tri tự hoàn thành). Đây là một dạng hiệu ứng hành vi xác nhận, tức là niềm tin và kỳ vọng của con người (bằng một cách nào đó) ảnh hưởng, thúc đẩy họ hành động và biến niềm tin đó trở thành sự thật. Giống như Grant với niềm tin chứng minh cho đội bóng mình thấy  “Không gì là không thể”, ông đã đưa ra thử thách và động viên học trò của mình bằng cả trái tim. Đội bóng Shiloh Eagles đã tin rằng khả năng của bản thân là không giới hạn dù chưa thể nhìn ra (chi tiết Brock đi hết sân cỏ với tầm nhìn bị che lấp), họ đã không ngừng luyện tập để giành được chiến thắng.

      

 

Vì tôi tin mình sẽ bơi được, nên tôi cứ tập và điều chỉnh các động tác của mình linh hoạt hơn. Vì tôi tin mình sẽ được chọn làm tình nguyện viên, nên tôi đã đọc thật kỹ các yêu cầu để làm một bản CV chỉn chu nhất có thể.

Chúng ta đều cần có niềm tin để dẫn lối và kiên định với mục tiêu của mình. Làm sao có thể ghi bàn khi chưa ra sân bạn đã nghĩ mình sẽ thất bại? Những suy nghĩ cứ mãi lởn vởn trong đầu: đội này mạnh quá, mình sắp thua rồi.... bạn sẽ không có thời gian để tập trung cho nhiệm vụ của mình, lập tức thang động lực chuyển về hệ số 0 và đúng, bạn thất bại như bạn nghĩ thật. Niềm tin tạo ra động lực, động lực giúp bạn hành động, hành động giúp bạn đạt được kỳ vọng ban đầu. 

 

Tạo dựng cơ chế Think big – Do small

Để ra khỏi vùng an toàn, bạn cần đặt mục tiêu cao hơn. Đó gọi là Think big.

Để đạt được mục tiêu, bạn cần phân thành nhiều hành động nhỏ. Đó là Do small.

Giả sử: A và B cùng có một mục tiêu là đạt điểm 10 môn X (với khối kiến thức đồ sộ) ở kỳ thi kết thúc môn diễn ra trong hơn 1 tháng tới. Mỗi người đã học theo một cách khác nhau:

·        A: chia nhỏ bài học thành các phần, lên lịch ôn tập lại cho mỗi phần lặp lại trong vòng vài tiếng, vài ngày, 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng trước khi thi.

·        B: dành tất cả thời gian đầu cho việc thư giãn đầu óc và chỉ ôn liên tục trong đúng 3 ngày trước khi thi.

Kỳ thi kết thúc, A nhận điểm 10 tuyệt đối cho bài làm, còn B chỉ đạt mức điểm trung bình.

Ta dễ nhận thấy hiệu quả ôn thi của B không bằng A vì những lý do sau:

A vạch ra một lịch trình học rất cụ thể, vừa sức và đảm bảo nắm vững kiến thức trước khi diễn ra kỳ thi. Cách học này khiến quá trình hình thành trí nhớ trọn vẹn cả 04 bước: thu nhập, chọn lọc, lưu trữ và truy hồi. Lặp lại nhiều lần, trí nhớ ngắn hạn được có cơ hội chuyển thành trí nhớ dài hạn, giúp A nhớ lâu hơn những điều đã học.

Còn B đã không lên kế hoạch, việc ôn tập trong 03 ngày là quá khả năng và phi thực tế. Thời gian quá gấp rút đã khiến giai đoạn đầu tiên (thu thập) bị trục trặc, do đó trí nhớ ngắn hạn tuy có hình thành nhưng không bền vững đã khiến kết quả bài thi tệ hơn mong đợi.

 

Bật mí là bạn cũng có thể tạo cho mình một lộ trình đến mục tiêu như A thông qua nguyên tắc SMART đấy!

S.M.A.R.T là tên viết tắt các chữ đầu của 5 yếu tố:

S - Specific : Cụ thể, dễ hiểu

M - Measurable : Đo lường được

A - Attainable : Có thể đạt được

R - Relevant : Tính thực tế

T - Time-Based : Thời gian hoàn thành.

Giờ thì lấy tờ Mục tiêu và Cách thực hiện (trong phần Trả lời câu hỏi: Tôi muốn gì?) ra thực hành thử xem: tôi có một mục tiêu là phải nói thoát được ý muốn diễn tả, tương ứng với các cách thực hiện: thảo luận nhóm, giao tiếp với người lạ và thi hùng biện. Vậy lộ trình của tôi (có thể) là:

Từ ngày hôm nay (10/3/2019) đến ngày 10/6/2019 tôi sẽ hoàn thành mục tiêu nói thoát ý của mình:

 -Đưa ra ý kiến vào mỗi buổi thảo luận nhóm (có 3 buổi trong 1 tháng), kết thúc sẽ có 9 lần tôi nói ra quan điểm.

- Làm quen với một người nước ngoài tại công viên vào mỗi sáng thứ 7 hàng tuần, kết thúc sẽ có 12 cuộc đối thoại được ghi nhận.

- Chuẩn bị bài thi cho vòng sơ loại cuộc thi hùng biện ở trường X trong 7 ngày trước ngày cuộc thi diễn ra (13/4/2019). Nếu vào vòng trong sẽ đi training và chuẩn bị theo thời gian Ban tổ chức quy định.

Mọi thứ đã rõ ràng và thật SMART phải không?

Khi này cơ chế Think big – Do small được tạo dựng. Việc tiếp theo chúng ta cần làm là bám sát với những gì đã vạch ra, không đòi hỏi gì khác ngoài sự nghiêm túc và kỷ luật. Bạn cũng có thể thêm một câu thần chú nào đó để lên dây cót tinh thần, kéo mình trở lại hành trình (chẳng hạn: NOW or NEVER). Bởi có những thời điểm khó khăn hơn bạn tưởng, việc buông xuôi rất dễ dàng và bạn cần một chút động lực để bước tiếp. Cuối cùng là đừng nôn nóng khi thấy mọi thứ diễn ra chậm chạp hay bạn phải làm quá nhiều thứ, cứ bình tĩnh, vì “chặng đường vạn dặm bắt đầu từ mỗi bước chân”.

 

 

 

Take it easy! = Thoải mái đi!

Bạn có công nhận rằng: niềm vui không thể kéo dài mãi, còn nỗi buồn luôn đọng lại với thời gian không?

Cũng bởi suy nghĩ này mà vô hình trung, chúng ta thường có xu hướng thu hút những điều chẳng tốt đẹp tẹo nào. Khi mục tiêu mới vừa nảy sinh, cũng là lúc hàng loạt nỗi lo sợ thất bại thành hình: “Lỡ....thì sao...?”. Thay vì đặt bản thân vào tình trạng căng thẳng như vậy, tại sao ta không tự nhen nhóm cho mình một tia hy vọng với lời nhủ “Nếu mình làm được thì sao?”. Tôi chắc là bạn sẽ vẽ ra được nhiều viễn cảnh tươi sáng khi trả lời câu hỏi này, bạn sẽ được tiếp thêm động lực để vững bước với lựa chọn ban đầu.

Dần dà, tôi cũng không còn quan trọng hóa vấn đề kết quả nữa. Chắc cũng một phần vì cô bạn thân trước kia hay động viên tôi một cách suồng sã: “Liều thì được nhiều”. Và cũng vì tôi nhận ra chân lý “Bạn trượt 100% những phát súng bạn không bắn”(Wayne Gretzky). Tức là nếu bạn không làm, bạn chắc chắn thất bại, nhưng nếu bạn bắt tay thực hiện, % khả năng chiến thắng của bạn sẽ dịch chuyển khỏi vạch số 0. Khi gửi xong bản CV tình nguyện viên, tôi tự tặng cho mình 50% được chọn bởi tôi hơn những người khác ở chỗ dám viết và chứng minh cho họ thấy tôi có khả năng. Mặt khác, tôi cũng đã cố gắng hết sức để có một bản CV chất lượng. Do vậy, tôi xứng đáng được thưởng 50% chiến thắng với những cố gắng và nỗ lực đã bỏ ra, 50% còn lại phụ thuộc vào Ban tổ chức. Điều quan trọng là tôi đã vượt qua giới hạn để đi được xa hơn. Đoạn đường đó đáng được ghi nhận.

Bạn cũng nên tin rằng: khi ta yếu về một điều gì, đó là cơ hội rất tốt để ta học được nhiều hơn về nó. Vì đến một lúc nào đó, có những thứ chúng ta không được phép sai lầm nữa. Rồi chúng ta sẽ tiếc nuối về những thứ mình không dám làm hơn là những gì mình đã làm. Vậy nên làm cho thỏa hay để chúng mãi mãi là đường tiệm cận đến những ước mơ?

Khi còn trẻ,

Chúng ta không có vốn liếng gì ngoài lòng nhiệt huyết và trái tim can trường. Chẳng có gì để mất. Hoặc là phần thưởng, hoặc là bài học.

Chúng ta không có nghĩa vụ làm tất cả mọi người phải tin mình vì chúng ta không sống theo thị hiếu của họ. Chúng ta là cá, vẫy vùng để bơi giữa đại dương bao la chứ không cố trèo cây trong vô vọng để được họ đánh giá.

Và trên hành trình độc bước, khi một điều gì đó kết thúc cũng không có nghĩa là cuộc đời của ta cũng kết thúc. Tôi dừng chân ở cuộc thi hùng biện ấy với kết quả khá tệ nhưng không đồng nghĩa là tôi sẽ không bao giờ đứng trước đám đông nữa, không ai muốn làm bạn với tôi nữa. Khi cuộc thi kết thúc, mọi thứ chỉ mới bắt đầu: tôi giữ được mối liên hệ mới với những người bạn tài năng cùng thi, tôi nhận được lời động viên từ nhiều người xung quanh hơn, tôi cũng biết cách chuẩn bị tâm lý và tìm môi trường khác tiếp tục hoàn thiện mình. Vậy đấy, luôn có một cánh cửa mở phía cuối con đường.

Cuộc sống vốn dĩ đã rất khắc nghiệt, luôn ném cho ta những cái nhìn hằn học. Vậy tại sao ta cứ cố tạo thêm áp lực cho bản thân mình?

Hãy để tư tưởng được tự do thoải mái. Take it easy!

 

 

“Để đến được thảo nguyên bình yên, đôi khi con người ta buộc phải leo qua những ngọn núi cao trong lòng mình – N.N.A”

 

Đặt cuốn sách Self-help xuống để tự giúp lấy chính mình

Vài năm trở loại đây, thị trường sách Self-help ở Việt Nam trở nên sôi động hơn. Phần đa sách viết về đam mê và chủ nghĩa xê dịch cá nhân dưới lăng kính kinh nghiệm thực tế của tác giả. Nó phù hợp với xu hướng sống của giới trẻ nên được ưa chuộng cũng là điều dễ hiểu. Tôi sẽ không bàn luận về nội dung vì phụ thuộc vào gu của mỗi người. Điều tôi muốn nhấn mạnh chính là cách sử dụng chúng như thế nào.

Khi mới vào đại học, tôi rất bỡ ngỡ và mông lung với mọi thứ. Tôi tìm đến những trang sách Self-help như vị cứu tinh, hy vọng tác giả cũng có hoàn cảnh tương tự mình để cố tìm cho mình một sự an ủi, một con đường xán lạn giống họ. Tôi rất thích cảm giác đọc xong một cuốn sách Self-help vì lúc đó bỗng thấy mình có niềm tin đến lạ. Nhưng rồi chỉ cần ngủ dậy vào ngày hôm sau, hy vọng bỗng bay đi đâu mất. Tôi nghĩ có lẽ cuốn sách không đủ làm tôi thỏa mãn. Tôi tiếp tục mua cuốn thứ 2, thứ 3... và cuốn nào cũng đem lại cho tôi cảm giác giống vậy. Chẹp, sách không thay đổi nhận thức như người ta vẫn hay quảng bá!

Thật ra, vấn đề là:

Thứ nhất, bản chất của những cuốn sách tự thân này giống như nhật ký ghi lại hành trình mà tác giả đã trải nghiệm. Qua đó, chung quy lại là nhằm đề cao tinh thần lạc quan, khát vọng sống hết mình cho tuổi trẻ. Bởi vậy, người ta thường nói người/sách “truyền cảm hứng”, chứ không phải là người/sách “truyền động lực”, “truyền mục tiêu” vì những nhân tố này xuất phát từ nội lực của mỗi cá nhân.

Thứ hai, không ai có thể giúp mình ngoài chính bản thân mình. Mỗi người đều có những cột mốc khác nhau trong cuộc đời để nhận diện đó là ta chứ không phải một ai khác. Đừng cố gắng để trở thành một bản sao nào cả, là phiên bản gốc của chính mình mới là điều tuyệt vời nhất.

Cuộc đời của mỗi người được ví như một đề thi khác nhau. Bạn không thể chép y nguyên cách giải của người khác vì nó sẽ cho ra đáp án không phù hợp. Đừng bị “ru ngủ” bởi giấc mơ, cuộc đời của ai đó. Bạn muốn gì, bạn phải đi tìm và đấu tranh để giành được nó. “Miễn là những gì bạn muốn không gây hại cho người khác, thì bạn không bao giờ phải xin lỗi vì đã theo đuổi những ước mơ và lý tưởng của mình” (Chris Guillebeau).

Một con chim không thể bay cho đến khi nó dang đôi cánh để sẵn sàng.

Còn bạn, đã sẵn sàng để bay đến bầu trời của mình chưa?

 

 

C. KẾT:

Trong bài viết, tôi có đưa ra một vài ví dụ nhỏ về bản thân mình, không phải để làm chuẩn mực mà vì tôi quan niệm rằng: bước ra khỏi vùng an toàn được bắt đầu từ những điều vừa tầm với trước, không nhất thiết phải là những thứ to tát, vĩ đại.

Bạn cũng có thể đặt ra thật nhiều nguyên tắc khác từ tinh thần Lagom và Sisu cho riêng mình. Tất cả đều cần có thời gian để chuẩn bị, chạy đà và cất cánh. Chỉ cần ta kiên định, “mọi con đường đều sẽ dẫn đến thành Roma”.

 

Tôi không dám mong bài viết của mình tựa cuốn Catalogue – được bạn tra cứu kỹ lưỡng khi cần.

Nhưng thật vui nếu nó giống những trang sách Self-help, được bạn đặt xuống để tự là chính mình.

 

 

 Tác Giả: Phantom 

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/canh.dong.hoang.133

-------------------------------

Ybox.vn

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024