Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
22/04/2010 07:04 # 1
tanphuong85
Cấp độ: 37 - Kỹ năng: 38

Kinh nghiệm: 142/370 (38%)
Kĩ năng: 98/380 (26%)
Ngày gia nhập: 19/01/2010
Bài gởi: 6802
Được cảm ơn: 7128
Một số vấn đề của GD-ĐH ở Huế - Đà Nẵng


GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân ghi nhận một số vấn đề đặt ra đối với giáo dục ĐH ở Huế - Đà Nẵng trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học.

Trong chuyến đoàn giám sát của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học” đến làm việc tại miền Trung, tôi đã có dịp cùng đoàn đến làm việc với 7 trường, trong đó Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng là hai đại học vùng. Dưới đây là một số điều tôi đã ghi nhận.

 

1. Về quy mô đào tạo, 8 trường đại học và cao đẳng ở Huế và Đà Nẵng trong năm học 2008-2009 đào tạo 217.336 sinh viên, trong đó có 82.674 sinh viên chính quy (38,04%). Số sinh viên không chính quy ở địa bàn Huế và Đà Nẵng khá cao, 61459 sinh viên (28,3%). Số sinh viên đào tạo từ xa, chủ yếu từ hai đại học vùng Huế và Đằ Nẵng, cũng khá nhiều, 61.101 sinh viên, chiếm tỉ trọng 28,1%.

 

Ở Đại học Huế, số sinh viên chính quy năm học 2008-2009 chỉ bằng 26,6% tổng số sinh viên trường đào tạo. Số sinh viên không chính quy bằng 19% và số sinh viên đào tạo từ xa chiếm đến 51,5%!

 

 
 
Tình hình đội ngũ giảng viên cơ hữu ở các trình độ tại các trường
 Trường TS/Tổng  Ths?Tổng  ĐH/Tổng  Ths+ĐH/T 
 ĐH Huế  11,5% 42,5%  37,2%   79,7%
ĐHSP Huế 25%   43,3%  23,8%  67,1%
 ĐH Đà Nẵng  9,4%  41,2%  46%  87,2%
 ĐH Duy Tân  7,3%  32,7%  36,6%  69,4%
 ĐH TDTT ĐN  1%  47,1%  51%  98%
 CĐ CNTT VH  0%  25,6%  74,4%  100%
 CĐ Việt Tiến  3,7%  37%  59,3%  96,3%
 ĐH Kiến trúc  0,7%  20,1%  75,2%  95,3%
 
 

 * TS: Tiến sỹ, Ths: Thạc sỹ, ĐH: trình độ ĐH
   Tổng: Tổng số giảng viên 8 trường.

Ở Đại học Đà Nẵng, các tỉ lệ tương ứng lần lượt là 39,2%, 41,8% và 13,1%. Tỉ lệ sinh viên chính quy tuy có cao hơn ở ĐH Huế, vẫn dưới 40%. Số sinh viên đào tạo từ xa ít hơn ở Đại học Huế (13,1% so với 51,5%), nhưng ngược lại, số sinh viên không chính quy lại cao hơn hẵn (41,8% so với 19%).
 

Tình trạng đào tạo nhiều sinh viên không chính quy và từ xa không phải mới gần đây mà từ  nhiều năm nay. Vì vậy các câu hỏi sau đây cần được làm rõ:

 

[1] Đây có phải là đặc thù của riêng hai đại học vùng ở miền Trung?

[2] Đào tạo không chính quy và đào tạo từ xa là nhiệm vụ được Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức giao (qua chỉ tiêu hàng năm) hay là vì để tăng nguồn thu mà trường phải đào tạo nhiều hai loại hình sinh viên này, hay là vì cả hai?

[3] Tỉ lệ sinh viên chính quy thấp, liệu chức năng nhiệm vụ của hai Đại học có bị lệch hướng không?

[4] Liệu chất lượng đào tạo không chính quy và từ xa có được bảo đảm hay không? Sản phẩm của hai loại hình đào tạo này chất lượng ra sao? Cách quy đổi do Bộ đề ra 5 - 6 sinh viên không chính quy (và nhiều hơn nữa cho đào tạo từ xa) bằng một sinh viên chính quy, bản thân nó phải chăng đã nói lên sự chấp nhận tiên thiên có một sự “giảm giá” nào đó đối với hai loại hình đào tạo này?

[5] Với đội ngũ giảng viên cơ hữu không nhiều, trình độ thạc sĩ và đại học chiếm 70% trở lên (sẽ đề cập dưới đây), phải đảm nhiệm một số lượng sinh viên cao, liệu công tác đào tạo nói chung có thể có chất lượng được hay không? làm sao giảng viên có thì giờ để làm nghiên cứu khoa học? Từ đó đòi hỏi giáo dục đại học phải có chất lượng liệu có quá đáng không?

 

 

 

 

SV trường ĐH DL Duy Tân (Đà Nẵng).


2. Về đội ngũ giảng viên, theo số liệu của 8 trường tổng hợp lại, số giảng viên có trình độ từ thạc sĩ trở xuống chiếm tỉ trọng trong tổng số giảng viên cơ hữu từ 67,1% đến 100%. Tỉ trọng của số giảng viên có trình độ thạc sĩ là từ 20,1% (thấp nhất, ở ĐH tư thục Kiến trúc) đến 43,3% (cao nhất, ở ĐH Sư phạm Huế). Ở hai dại học vùng Huế và Đà Nẵng, số giảng viên có trình độ tiến sĩ chỉ đạt 11,5% và 9,4%.

Số giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ còn rất khiêm tốn. Ngược lại, số giảng viên có trình độ thạc sĩ cộng với số có trình độ đại học lại quá cao, chiếm 79,7% ở Đại hoc Huế, và 87,2% ở Đại học Đà Nẵng.

Đại học Sư phạm Huế, theo báo cáo của trường, năm học 2008-2009 tổng số giảng viên thỉnh giảng bằng 1,43 lần số giảng viên cơ hữu, trong đó số “tiến sĩ thỉnh giảng” bằng 3,41 lần số “tiến sĩ cơ hữu”.

Với số lượng 27 chuyên ngành mà trường được Bộ cho phép đào tạo trình độ thạc sĩ, đối chiếu với số “tiến sĩ cơ hữu” của trường (63 vị), việc trường mời số “tiến sĩ thỉnh giảng” gấp 3,41 lần số tiến sĩ cơ hữu của trường là điều có thể hiểu được, nhưng liệu sự phát triển như vậy có căn cơ và bền vững về lâu dài?

Số 215 tiến sĩ mà Đại học Sư phạm Huế thỉnh giảng đến từ đâu, bao nhiêu đến từ các trường thành viên khác của Đại học Huế cũng cần được làm rõ.

Làm rõ để thấy được sự cần thiết phối hợp nội tại trong một đại học vùng, và xa hơn, suy nghĩ về sự cần thiết từng bước cấu trúc lại các trường thành viên để nguồn lực giảng viên được sử dụng tối ưu, mỗi trường thành viên phát huy đúng và tối đa đặc thù của mình vì sự đi lên bền vững của đại học vùng và của mỗi đại học thành viên. 

3. Về học phí và tổng mức đầu tư trên sinh viên, báo cáo của các trường về phần này chất lượng không đồng đều, thiếu nhiều số liệu và không đồng bộ, nên rất khó tổng hợp để có một cái nhìn khái quát, thống nhất và đầy đủ chi tiết.

Đại học Huế cho biết học phí của sinh viên chính quy trong ba năm 2007, 2008 và 2009 là 1,383, 1,566 và 1,666 triệu đồng/sv/năm. Ở Đại học Sư phạm Huế, sinh viên chính quy không phải trả học phí. Bộ cấp lại cho trường 1,8 triệu đồng/sv/năm trong lúc trường phải đầu tư vào khoảng 4,25 triệu đồng/sv/năm.

Ở trường Cao Đẳng công lập CNTT Việt Hàn, học phí thu theo niên chế là 200.000 đồng/sv/năm; thu theo tín chỉ là 60.000 đồng/sv/tín chỉ (hiện có 108-120 tín chỉ).

Trường Đại học dân lập Duy Tân thu học phí theo tín chỉ từ 200.000 đến 250.000 đồng/tín chỉ. Sinh viên học 19 tín được giảm, chỉ đóng 16, tức là vào khoảng 3.600.000 đồng.

Đầu tư hàng năm từ ngân sách nhà nước (cho chi thường xuyên + đầu tư xây dựng cơ bản + đầu tư thiết bị thí nghiệm thực hành + kinh phí chương trình mục tiêu) như sau tại hai Đại học vùng Huế và Đà Nẵng:

Đầu tư từ ngân sách nhà nước cho mỗi sinh viên chính quy tại hai Đại học Huế và Đà Nẵng, và đầu tư của Đại học dân lập Duy Tân cho mỗi sinh viên chính quy tại Đại học này cho thấy suất đầu tư cho một sinh viên chính quy ở ĐH Đà Nẵng thấp hơn ở ĐH Huế, bằng từ gần phân nửa đến 2/3, và mặc dù Đại học dân lập Duy Tân không nhận được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, đầu tư của trường nhìn chung tương đương và có phần cao hơn đầu tư của ngân sách nhà nước cho mỗi sinh viên chính quy ở Đại học Huế
[1].

Nếu xem xét tổng kinh phí cho mỗi sinh viên (tất cả các loại hình đào tạo không quy đổi) tại ba trường, thì suất chi cho một sinh viên ở ĐH Huế và ĐH Đà Nẵng tụt hẵn và thấp hơn nhiều so với ở ĐH Duy Tân.
 
Các số liệu trên đây, một lần nữa cho thấy sự cần thiết Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo các mặt lợi và hại của việc đào tạo quá nhiều loại hình không chính quy và từ xa tại hai trường đại học vùng.

[1] Những đột biến trong suất đầu tư của Đại học Duy Tân tương ứng với những năm có đầu tư quan trọng trong xây dựng cơ sở hạ tầng và/hay để mua giáo trình “trọn gói”, như trong năm học 2008-2009.

 

 Đầu tư từ ngân sách Nhà nước vào ĐH Huế và ĐH Đà Nẵng (triệu VNĐ)
  98-99  99-00  00-01  01-02   02 - 03  03 - 04  04 - 05  05 - 06  06 - 07  07 - 08  08 - 09 
 ĐH Huế  54.306  57.726  60.603  60.243  67.641  89.709  104.952  109.702  131.268  151.211  169.232
 ĐH Đà Nẵng  42.780  51.320  59.590  61.410  74.080  86.400  114.080  82.120  103.010  148.830  154.710

 
 Kinh phí cho mỗi sinh viên tại ĐH Huế, Đà Nẵng, và DL Duy Tân
 Tổng kinh phí chi thường xuyên trên sinh viên tại ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng và ĐH DL Duy Tân (triệu đồng/sinh viên)
 
   98-99 99-00  00-01  01-02  02-03  03-04  04-05  05-06  06-07  07-08  08-09 
 ĐH Huế  2,826  2,978  2,653 2,873   2,734 2,544   2,890 2,695   3,397 3,996   3,582
 ĐH Đà Nẵng  1,890  2,211  2,148  2,545  2,254  2,072  2,112  1,983  2,235  2,211  2,524
 ĐH DL Duy Tân  2,902  1,940 5,262   5,797 8,554   5,392 4,266   8,049 5,266   5,786 16,676 
 
 

4.Hợp tác quốc tế

Đại học Huế đang hợp tác với 62 trường đại học thuộc 27 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đang triển khai 69 dự án nghiên cứu với tổng kinh phí tài trợ trên 15 triệu USD và thực hiện liên kết đào tạo một số ngành và tiếp nhận nhiều học bổng cấp cho sinh viên. Đại học Đà Nẵng hợp tác với 53 đại học kỹ thuật thuộc 14 nước. Nội dung hợp tác bao gồm trao đổi sinh viên, trao đổi giáo viên, hợp tác nghiên cứu khoa học, đào tạo và trao đổi văn hóa, giao lưu kinh tế.

Trường Đại học dân lập Duy Tân sử dụng hợp tác quốc tế để đào tạo một số lĩnh vực thành thế mạnh của trường. Trường đã “mua trọn gói” một số giáo trình bao gồm bản quyền, đào tạo phương pháp giảng dạy, tập huấn và kiểm tra. Có thể khẳng định rằng hợp tác quốc tế đã bổ sung tri thức và nguồn lực cho các trường đại học. Tuy vậy, thực tế cho thấy cách tiếp cận hợp tác có khác nhau, với những ưu và nhược của mỗi cách và vì vậy, cần được điều chỉnh.

Một là hợp tác rộng, về đối tác cũng như về lĩnh vực, theo sự sẵn sàng của các đối tác. Nếu cách làm này chủ động hơn trong lựa chọn và đề xuất nội dung hợp tác có mục tiêu, hai bên cùng có lợi về khoa học và công nghệ, không chỉ thiên về tiếp nhận mà với tinh thần đối tác, thì sẽ kết hợp được vừa rộng, vừa có mục tiêu.

Hai là hợp tác có chủ đích
với những đối tác được nhắm trước. Sau bước đi ban đầu, cần quan tâm hơn đến mở rộng phổ hợp tác, về đối tác, về địa bàn địa l‎ý cũng như về lĩnh vực, rất cần thiết để tiếp nhận tri thức và cho sự phát triển cân đối.

 
 

 

Tỷ lệ sinh viên tìm được việc làm sau một năm của ĐH Duy Tân là hơn 73%.
Trường Cao đẳng CNTT Hữu nghị Việt - Hàn là kết quả hợp tác ODA viện trợ không hoàn lại của Hàn Quốc. Lộ trình nhập thiết bị CNTT là hết sức quan trọng vì giá cả thiết bị sụt rất nhanh mà công năng thì lại mạnh lên rất nhiều chỉ trong vòng vài tháng. Thực tế khảo sát cho thấy nhiều thiết bị còn “trùm chăn”, các bộ máy tính cấu hình trung bình, sử dụng bộ vi xử lý Pentium IV, đã được giao với giá khá cao so với giá thị trường vào thời điểm nhận hàng! 

Đội ngủ giảng viên cơ hữu của trường, với 25,6% có trình độ thạc sĩ, 74,4% có trình độ đại học cần được nhanh chóng tăng cường. để sớm là một trường Cao đẳng CNTT vững chắc trước khi nghĩ đến chuyển lên thành một trường đại học. 

5.Về quản lý Nhà nước

Trên địa bàn Huế và Đà Nẵng có hai trường đại học dân lập, Đại học Dân lập Phú Xuân (Huế) và Đại học Dân lập Duy Tân (Đà Nẵng), trong số 19 trường đại học dân lập có tên trong Quyết định của Thủ tường Chính phủ số 122/2006/QĐ-TTg, ngày 29.05.2006, mà theo Điều 3 của Quyết định, việc chuyển đổi phải được hoàn thành trước ngày 30/6/2007. Cả hai trường đến nay vẫn chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép chuyển đổi.

Trường Đại học Dân lập Duy Tân được thành lập tháng 11/1994. Trong khoảng thời gian 15 năm qua, đã có 11 khóa tôt nghiệp và trường đã cung cấp cho xã hội hơn 11.000 cử nhân và kỹ sư. Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm đúng ngành nghề đào tạo sau môt năm là ≥ 73%.

Cơ sở vật chất kỹ thuật của trường đến năm học 2008-2009 tuyệt đại bộ phận đều là tài sản của trường do trường tự tạo. Tỉ lệ diện tích phòng học trên sinh viên chính quy là 5,78 m2.

Đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường có 382 người, trong đó có 2 giáo sư, 11 phó giáo sư, với cơ cấu 7,3% tiến sĩ, 37,2% thạc sĩ, và 36,6% đại học. Trường cũng đã mời được nhiều giảng viên thỉnh giảng hiện nay chiếm khoảng 52% so với số giảng viên cơ hữu.

Quy mô đào tạo của trường không ngừng tăng và năm học 2008-2009 đạt gần 11.200 sinh viên. Hiện nay trường có 14 ngành đào tạo ở bậc đại học với 24 chuyên ngành, 4 ngành ở bậc cao đẳng và 5 ngành ở bậc trung cấp chuyên nghiệp. Năm học 2009-2010, trường bắt đầu tuyển sinh sau đại học trong hai lĩnh vực Khoa học máy tính và Quản trị kinh doanh.Trường đã đào tạo theo tín chỉ từ năm 2006, và nhờ đó đã đào tạo liên thông giữa các bậc cho học viên trong và ngoài trường, trong một số ngành.

Học phí, đầu tư cho một sinh viên và hợp tác quốc tế của trường đã được trình bày các phần ghi nhận trên đây.Tôi thật sự ngạc nhiên vì đến bây giờ trường Đại học Duy Tân vẫn chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép chuyển từ dân lập sang tư thục. Càng ngạc nhiên hơn khi đối chiếu với những trường đã được chuyển.

Vì sự đối xử công bằng và minh bạch, Bộ Giáo dục và Đào tạo giải trình rõ vấn đề này với Quốc hội.

+ Tại Đại học Huế cũng như tại Đại học Đà Nẵng, trong phần kiến nghị, hai trường đều có nhu cầu được đối xử như một đại học quốc gia mà cụ thể là được cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước nhiều hơn và tài khoản của trường là tài khoản cấp một. Hiện nay, trong mối quan hệ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại học vùng không khác gì với một trường đại học trực thuộc Bộ. Hai trường còn bày tỏ mong muốn sớm được công nhận là Đại học quốc gia.

Nhiều trường thành viên của hai trường Đại học vùng, không phủ nhận những mặt tích cực của mô hình đại học vùng, cho rằng trước khi có đại học vùng, trường trực thuộc Bộ, bây giờ thì thuộc Bộ thông qua đại học vùng với những điều tiết về kinh phí và ràng buộc về thủ tục trước đây không có, trong khi đó, hiện nay có nhiều trường đại học tư thục mới thành lập, quy mô khiêm tốn hơn, lại trực thuộc Bộ. Trong hợp tác quốc tế, bây giờ trường không được tự giới thiệu là University nữa mà chỉ là College hoặc Faculty thôi.

Cả cấp đại học vùng lẫn cấp đại học thành viên đều cảm thấy còn nhiều bất cập trong quản lý của Bộ đối với đại học vùng. Các trường thành viên chưa được thuyết phục về cán cân giữa lợi và bất cập của mô hình đại học vùng đang được triển khai.

Khá nhiều ý kiến của những người trong cuộc cho rằng Đại học quốc gia và Đại học vùng, khách quan mà nhìn nhận, gần như là sự quay lại mô hình Viện đại học trước năm 1975 nhưng lộn xộn hơn trong các mối quan hệ, được phân cấp ít hơn vì trong thực tế Bộ vẫn quản lý xuyên suốt thông qua các vụ chức năng đầy quyền lực.

Về phần mình, tôi luôn cho rằng quản lý giáo dục đại học không nên chỉ quan tâm đến mặt hành chính, đánh đồng đại học quốc gia, đại học vùng với cấp nào trong thang bậc của bộ máy hành chính  để rồi áp lên chúng những thủ tục mà người dân thấy nhất thiết phải tinh giản. Điều phải làm là tạo điều kiện, nguồn lực trước tiên, mạnh dạn phân nhiệm, phân quyền cần thiết thay cho bao biện và cửa quyền để nền giáo dục đại học nước nhà có cơ may phát triển đúng hướng và lành mạnh. 

                                                                                                                                                 GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân
                                                                                                                                                              Theo baodatviet 



 
Các thành viên đã Thank tanphuong85 vì Bài viết có ích:
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024