Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
25/11/2014 07:11 # 1
tanphuong85
Cấp độ: 37 - Kỹ năng: 38

Kinh nghiệm: 142/370 (38%)
Kĩ năng: 98/380 (26%)
Ngày gia nhập: 19/01/2010
Bài gởi: 6802
Được cảm ơn: 7128
Thăm và nói chuyện tại ĐH Duy Tân, Phó TTCP Nguyễn Xuân Phúc: Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực rất cần tư duy và quyết tâm đổi mới từ chính Người Thầy, chính Nhà trường


Sáng nay (22/11/2014), Đại học (ĐH) Duy Tân đã tổ chức trọng thể Lễ Kỷ niệm 32 năm Ngày Nhà Giáo Việt Nam (20 tháng 11) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tương Chính phủ đã dự, trao Huân chương cho Nhà trường, dành thời gian nói chuyện và trồng cây lưu niệm tại Trường.

 

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tương Chính phủ thăm Phòng thực hành chuyên ngành điều dưỡng ĐH Duy Tân (ảnh trên) và gắn Huân chương lao động hạng Nhì lên Cờ truyền thống của Nhà trường (ảnh tiếp theo).

-Ảnh: T.Ngọc.

Cùng dự có GS.TSKH Bùi Văn Ga – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ; Phó Bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng, Võ Công Trí ; GSTS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐHCĐ ngoài công lập Việt Nam ; TS. Phùng Tấn Viết – Phó Chủ tịch UBNDTP Đà Nẵng...

Báo cáo với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo TP Đà Nẵng cùng các vị đại biểu và đại diện Cán bộ quản lý-Cán bộ Giảng dạy, sinh viên (SV) của Trường ; Tiến sỹ Võ Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết:

Thực hiện cho bằng được “chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng

Năm 2014, ĐH Duy Tân bước vào năm thứ 20, một quãng thời gian chưa dài so với sự hình thành một đại học, nhưng trong xu thế toàn cầu hóa, cuộc cách mạng công nghệ làm thế giới thay đổi nhanh chóng, thì 20 năm là quá dài.

Nhìn lại chặng đường đã qua, Nhà trường tự hào rằng, đã làm được nhiều việc mà 20 năm trước chưa dám nghĩ đến, đó là: Để thực hiện thành công chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước, những Người khởi xướng đã dám nghĩ, dám làm và đã xây dựng được một đề án cho ra đời một trường ĐH dân lập phù hợp với tình hình kinh tế xã hội tại miền Trung. Và 20 năm qua, Trường từng bước trở thành 1 trong những ĐH uy tín của cả nước; một ĐH đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, đa bậc và đa hệ. Trường đã xác định mô hình đào tạo: “Đào tạo gắn liền với nghiên cứu thực nghiệm trên nền nhân văn – hiện đại " và lấy thực hành gắn với doanh nghiệp làm trọng tâm trong suốt quá trình đào tạo và nghiên cứu.

 

Năm 2009, ĐH Duy Tân vinh dự đón nhận Huân chương Lao động Hạng Ba do Chủ tịch Nước trao tặng.

Tiến sỹ Võ Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng ĐH Duy Tân - đọc diễn văn tại buổi Lễ.

-Ảnh: T.N.

 

Nói chuyện với Thầy và Trò ĐH Duy Tân, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao tầm phát triển của Nhà trường trên nhiều mặt như đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, trang sắm đồng bộ và hiện bị thiết bị phục vụ đào tạo ; mở thêm nhiều ngành nghề đáp ứng nhu cầu của người học và nhu cầu nguồn lực ; nỗ lực trong liên kết đào tạo, đặc biệt là liên kết, hợp tác với các ĐH, Viện có uy tín trên thế giới để tiếp nhận các chương trình đào tạo tiên tiến, nâng chất lượng nguồn nhân lực ; đạt được các giải thưởng trong các cuộc thi quốc gia, quốc tế và nghiên cứu khoa học.

“Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, đòi hỏi tính cạnh tranh cao, nguồn nhân lực nói chung ở nước ta vẫn còn yếu và thiếu. Đặc biệt, ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên, một khu vực còn nghèo và chậm phát triển so với 2 đầu đất nước; nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa càng bức bách hơn. Chính vì vậy ĐH Duy Tân phải góp phần cung ứng đủ, có chất lượng yêu cầu về nhân lực trong tình hình mới cho kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của khu vực, sau đó là góp phần bổ sung nguồn nhân lực cho cả nước “ - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Sau khi tham gia nghi thức trồng cây tại khuôn viên cơ sở Quang Trung - ĐH Duy Tân, theo đề nghị của Nhà trường, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gắn bảng tên lưu niệmlàn về thăm và nói chuyện tại ĐH Duy Tân (22/11/2014). -Ảnh: T.Ngọc.

Để làm được điều này, theo Phó Thủ tướng, Đảng ủy-Hội đồng Quản trị-Ban Giám hiệu-Hội đồng sự phạm Nhà trường phải quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (tức Nghị quyết số 29-NQ/TW) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Đây là Nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng ; làm nền tảng để giải quyết nhiều vấn đề của giáo dục và đào tạo như còn nhiều hạn chế về quản lý ; đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động ; quá trình đào tạo còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành…

Đào tạo phải gắn với nhu cầu, không để lãng phí nguồn lực, và …

Hơn đâu hết, là ĐH dân lập đầu tiên của miền Trung-Tây Nguyên, 1 trong số rất ít các trường dân lập đầu tiên và tạo lập được uy tín học hiệu trên cả nước, ĐH Duy Tân phải “SÁNG TẠO-ĐỒNG BỘ và TOÀN DIỆN” trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Trên tinh thần “duy tân” phải đổi mới phương pháp, nội dung đào tạo; đổi mới cách đánh giá. Nhà trường đã công khai như một cam kết với xã hội, với Nhà tuyển dụng về chuẩn đầu ra, thì càng phải chú ý đến việc đào tạo một thế hệ trẻ có trình độ cao ; thông qua phát hiện, bồi dưỡng tài năng; khuyến khích ở các em năng lực tự học, tự nghiên cứu và sáng tạo. Bên cạnh đó luôn rà soát về ngành, nghề đào tạo sao cho phù hợp với chiến lược phát triển của vùng, của cả nước.

Phó Thủ tướng chỉ rõ :

Mở ngành, nghề đào tạo phải tính đến các yếu tố, trước hết là có đúng với nhu cầu xã hội không ? ; tiếp đó là đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp CNH-HĐH, rồi đòi hỏi của doanh nghiệp – tức đơn vị sử dụng nguồn lực đó. Quy hoạch ngành, nghề đào tạo có ý nghĩa rất lớn đối với ĐH Duy Tân và cả hệ thống đào tạo của chúng ta nói chung. Đào tạo ra mà không sử dụng thì thực sự quá lãng phí.

…đào tạo-nghiên cứu phải kết gắn hữu cơ với nhu cầu xã hội

Đối với ĐH Duy Tân, Phó Thủ tướng cho biết, ông rất ấn tượng với số liệu SV sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm. Và việc làm ở đây, là gắn với thực tế của đời sống sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ông cũng đề nghị SV ĐH Duy Tân thay đổi tư duy, đúng với tinh thần “duy tân”, không nên quan niệm cứng nhắc rằng, tốt nghiệp ĐH, thì vào được cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, làm việc ở bộ máy công quyền mới là “có việc làm”.

Và để đào tạo gắn bó chặt chẽ hơn với sản xuất-kinh doanh-hoạt động dịch vụ, Nhà trường phải tiếp tục phát huy các thành quả nghiên cứu khoa học trong thời gian qua; chú trọng công tác nghiên cứu và chuyển giao đề tài-công trình-sản phẩm từ Nhà trường vào thực tiễn. Muốn chuyển giao được đến địa phương, đến doanh nghiệp thì phải tìm tòi, phân tích, nghiên cứu công phu thì mới có đề tài-công trình-sản phẩm khoa học công nghệ mang tính thực tiễn rất cao, rất cần cho đời sống và dễ ứng dụng, vận hành. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đến nay, về năng suất lao động, về giá trị sản xuất, nước ta vẫn còn khá thấp. Điều đó xuất phát từ ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ còn kém ; sản xuất thuần nông nghiệp vẫn còn chiếm tỷ trọng cao nên chưa tạo ra thặng dư lớn cho nền kinh tế.

 

Từ con số chỉ vài chục người, đến nay ĐH Duy Tân đã xây dựng được một đội ngũ hơn 933 người,trong đó có 705 giảng viên và 228 cán bộ, nhân viên cơ hữu; về trình độ chuyên môn có14,75% giảng viên có trình độ từ Tiến sĩ trở lên, 8% giảng viên là NCS và 65% giảng viên có trình độ Thạc sĩ; với 20 SV/Giảng viên qui đổi; và trên 200 Giảng viên thỉnh giảng trong và ngoài nước.

Từ năm 2008 đến nay, Trường đã cử 361 lượt giảng viên tập huấn phương pháp giảng dạy mới; trong đó có 107 lượt giảng viên đi tập huấn 2 tháng tại các ĐH Hoa kỳ (có hợp tác với Trường); 60 lượt giảng viên đi tập huấn về phương pháp giảng dạy và thiết kế phòng thực hành tại Singapore và hàng chục giảng viên từ các ĐH Hoa Kỳ, Singapore, Thụy Điển, Israel đến ĐH Duy Tân đào tạo cho 254 lượt giảng viên của Trường…

Riêng trong 4 năm từ 1/10/2010 đến 1/10/2014,Tổng giá trị đầu tư cho đội ngũ của trường đi học hơn 50 tỷ đồng.


Người Thầy phải tỏa sáng tấm gương

Nhà giáo (Giảng viên) phải vừa là Nhà Khoa học (Nhà Nghiên cứu) thì mới đáp ứng được yêu cầu trên. Hội đồng Quản trị, Ban Giám hiệu ĐH Duy Tân phải tiếp tục đầu tư cho đội ngũ, nâng cao trình độ chuyên môn, xem lực lượng Cán bộ giảng dạy của Nhà trường chính là đội ngũ làm nên uy tín của học hiệu. Về phía các Thầy cũng phải không ngừng nỗ lực phấn đấu, nêu gương sáng cho HSSV ; không ngừng đổi mới phương pháp truyền đạt, thường xuyên cập nhật kiến thức mới. Chúng ta nói đổi mới giáo dục-đào tạo, trước hết theo tôi, đổi mới phải bắt đầu từ chính Người Thầy.

 

Tại buổi gặp mặt đại diện Cán bộ quản lý, cán bộ giảng dạy ĐH Duy Tân (sau đó); Phó Thủ tướng đã dành thời gian để nói về 3 tấm gương rất thực tế (cũng có mặt tại buổi gặp mặt): Đó là Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân (nguyên Bộ trưởng Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy viên dự khuyết BCH TƯ Đảng khóa VI, Ủy viên chính thức khóa VII, VIII, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh; nay là Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐHCĐ ngoài công lập Việt Nam ;Nhà giáo ưu tú- Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng ĐH Duy Tân Lê Công Cơ và Giáo sư.Tiến sỹ khoa học Bùi Văn Ga.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói:

Đây là những tấm gương về lòng ái quốc, sức chiến đấu, ý chí cống hiến mãnh liệt cho sự nghiệp đào tạo, sự nghiệp trồng Người ; tấm gương đam mê nghiên cứu khoa học ; phải trở thành những Người giỏi để phụng sự đất nước, dân tộc ; tấm gương về đạo đức, lối sống, nhất là lòng trung thực và kiên định với lý tưởng, hoài bão đời mình.

Từ những tấm gương này, tôi tự nhủ, cuộc sống vốn ngắn ngủi lắm, vậy mỗi người chúng ta rồi sẽ để lại cho đời cái gì ?. Từ những tấm gương này, tôi mong các Thầy Cô đã có học hàm, học vị càng cố gắng hơn để lại cho đời cái gì đó !

-Ảnh: T.Ngọc.


Nâng cao năng lực Quản trị ĐH – Coi trọng giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng cho SV

Xuất phát từ những yêu cầu trên, Phó Thủ tướng cho rằng: Năng lực Quản trị ĐH đối với ĐH Duy Tân là một thách thức, Nhà trường phải chủ động nâng cao năng lực này. Song song, đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các trường ĐH, các cơ sở nghiên cứu, các Học viện có uy tín.

Bên cạnh đó, Nhà trường phải chú trọng đúng mức công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục phẩm chất đạo đức, dạy các em biết “Tôn Sư và trọng Đạo” ; phải đẩy mạnh và duy trì tinh thần “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với những chương trình, nội dung vừa cụ thể, vừa thiết thực.

Thăm hệ thống Phòng Thí nghiệm Hóa-Lý (ĐH Duy Tân), Phó Thủ tướng quan tâm tìm hiểu tính năng các thiết bị hiện đại mà Nhà trường đã trang bị, phục vụ đào tạo, nghiên cứu ; Phó Thủ tướng luôn hỏi "đã khai thác, sử dụng các thiết bị này ra sao ?" ; " có đề tài, công trình, sản phẩm gì ra đời từ các thiết bị này chưa ? ".

-Ảnh: T.Ngọc

Các em SV là nhân vật trung tâm của Nhà trường, Nhà trường phải có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nhân cách, lối sống và kỹ năng làm việc ; giúp các em tu dưỡng rèn luyện để trở thành nhữngCông dân Trẻ sống có lý tưởng, hoài bão; có ước mơ, khát vọng vươn lên ; yêu tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, giàu lòng nhân ái, sống có trách nhiệm cộng đồng.

Chính Nhà trường phải là nơi tạo ra môi trường và điều kiều kiện tốt nhất cho học tập và nghiên cứu, để các em HSSV tiếp thu những tinh hoa của văn hóa dân tộc, những tiến bộ của khoa học kỹ thuật và từ đó các em trưởng thành, có cống hiến thiết thực, cụ thể cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Tiên phong với tinh thần Duy Tân

ĐH Duy Tân mang tên của một phong trào cách mạng lớn, phong trào đó được khai sinh ngay trên quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng và có ảnh hưởng rất sâu rộng. Nhìn lại những giá trị ngày xưa thật rất đáng tự hào và trân trọng.

Tư tưởng “mở cửa”, “hội nhập” cũng đã có từ quê hương Quảng Nam–Đà Nẵng này khá sớm. Nhưng rồi sai lầm của triều đại đương thời với chủ trương “bế quan, tỏa cảng” đã khiến chúng ta co cụm lại và lạc hậu.

Do vậy ĐH Duy Tân với tinh thần và “khát vọng Duy Tân” phải bằng bản lĩnh, trí tuệ phát triển đúng định hướng và phải luôn luôn tiên phong duy tân. Nhà trường mà “không có tinh thần duy tân, không chịu đổi mới” thì sẽ lạc hậu, tụt hậu ; và như vậy làm sao đào tạo nguồn lực để đất nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng hơn với thế giới ?

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ:

Bên cạnh những thành tựu, ĐH Duy Tân phải hết sức chú ý để không mắc phải những hạn chế chung mà các trường ĐH dân lập hay mắc phải. Đó là chất lượng đầu vào, chuẩn đầu ra ; cơ chế tài chính ; tính công khai-minh bạch trong nội bộ ; chăm sóc quyền lợi tinh thần và vật chất cho đội ngũ. Và đặc biệt là tính đoàn kết, thống nhất cao trong nội bộ.

Phải làm sao để mọi thành viên đều cùng hết lòng yêu mến và dồn hết tâm trí cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nhà trường. ĐH Duy Tân phải luôn xứng đáng là ĐH dân lập đầu tiên của miền Trung-Tây Nguyên ; 1 trong những ĐH dân lập đầu tiên của Việt Nam.

Và tôi muốn lưu ý, gợi ý thêm Nhà trường điều này: Các ĐH nổi tiếng trên thế giới, phần lớn, là ĐH tư thục, ĐH dân lập. Vậy ĐH Duy Tân chúng ta thì sao ? , phải làm thế nào đây để góp phần thực hiện thắng lợi một chủ trương của Đảng ta; chứng minh rằng chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng ta là đúng đắn.

-Ảnh trên: Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trồng cây lưu niệm tại khuôn viên cơ sở Quang Trung - ĐH Duy Tân. -Ảnh: T.Ngọc.

 

Phó Thủ tướng cũng gửi gắm: Tôi đề nghị Thành ủy, HĐND, UBND cùng các Ban-Ngành hữu quan TP Đà Nẵng tiếp tục tạo mọi điều kiện để ĐH Duy Tân phát triển.

Phó Thủ tướng khẳng định: Sắp đến, Chính phủ sẽ tiếp tục có thêm cơ chế, chính sách phù hợp để các trường ĐH dân lập phát triển một cách tự chủ và toàn diện hơn ; có quy chế thông thoáng tạo ra môi trường, điều kiện thuận lợi để các trường ĐH tư thục trong nước (sắp đến, sẽ có 19 ĐH dân lập đầu tiên trên cả nước, chuyern sang mô hình ĐH Tư thục-T.N), nhằm hợp tác mạnh mẽ hơn với cộng đồng các trường ĐH trên thế giới.

 

“ĐH Duy Tân đã là một minh chứng đầy thuyết phục rằng: Chủ trương xã hội hóa giáo dục do Đảng ta khởi xướng và chỉ đạo là đúng đắn”.

Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Hiệu trưởng ĐH Duy Tân.

-Ảnh: T.Ngọc.

Xây dựng thành công hình mẫu ĐH sáng tạo để dựng nước và giữ nước

“ĐH Duy Tân chính là một minh chứng rằng chủ trương xã hội hóa giáo dục do Đảng ta khởi xướng và chỉ đạo là đúng đắn” – Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ nhấn mạnh. Từ thành quả của chặng đường 20 năm xây dựng, phát triển; Nhà trường cam kết với Đảng, với Nhà nước và Chính phủ ; với các địa phương ; với người hoc và phụ huynh ; với cộng đồng doanh nghiệp những nhà tuyển dụng; chúng tôi sẽ cố gắng hết mình để xây dựng ĐH Duy Tân trở thành một ĐH sáng tạo xứng đáng tinh thần Duy Tân – tên của Trường”.

Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ phân tích thêm: Một ĐH sáng tạo thì đi lên bằng con đường trí tuệ, và rõ ràng chỉ có trí tuệ mới thay đổi được miền Trung nghèo khó này. Chỉ có trí tuệ mới đủ bản lĩnh để hội nhập, có thể làm việc bất cứ nơi đâu. Chỉ có trí tuệ mới nhận ra những giá trị nhân văn, nhận ra và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống vô giá của dân tộc Việt. Và chỉ có trí tuệ, sáng tạo mới thể hiện lòng yêu nước một cách cụ thể vào những công việc góp phần xây dựng quê hương, xây dựng đất nước Việt Nam vững mạnh, có đủ nội lực để bảo vệ chủ quyền, dể giữ yên Biển-Đảo”.

T.Ngọc thực hiện

Nguồn: http://www.ictdanang.vn/




 
Các thành viên đã Thank tanphuong85 vì Bài viết có ích:
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024