Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
02/08/2014 14:08 # 1
tranminhdathao
Cấp độ: 13 - Kỹ năng: 8

Kinh nghiệm: 76/130 (58%)
Kĩ năng: 58/80 (72%)
Ngày gia nhập: 01/11/2012
Bài gởi: 856
Được cảm ơn: 338
Review Sách: “Ở Quán Cà Phê Của Tuổi Trẻ Lạc Lối” – Patrick Modiano


Tôi được Chị tặng cuốn sách đúng vào lúc nỗi cô đơn đang hữu hình và mạnh mẽ nhất, nỗi cô đơn mà tuổi trẻ nào cũng từng ít nhất một lần trải qua, nỗi cô đơn của “sự lạc lối”.

 

Qua mỗi trang sách, tôi bắt gặp một cảm thức đô thị, cảm thức Paris rất riêng của Modiano. Từng con chữ như sống động, nắm lấy tay độc giả rồi dắt đi, ngang từng con phố của thủ đô nước Pháp. Đó không còn là một Paris hoa lệ nữa, mà là một Paris u quạnh, phảng phất niềm đơn côi. Tác giả như bị ám ảnh bởi không gian và thời gian, trong ông luôn muốn níu giữ từng phút giây, từng khung cảnh.

 

“Trong cái cuộc đời đôi khi với ta thật giống một vùng đất rộng lớn hoang vu không biển chỉ đường này, ở giữa tất tật những đường hội tụ ảo và những chân trời đã mất, ta những muốn tìm các điểm mốc, dựng ra một dạng sơ đồ để không còn cảm giác mình phải lèo lái vô hướng nữa. Thế nên, ta dệt những kết nối, ta cố biến những gặp gỡ chẳng may trở nên vững chắc hơn”.

 

 

Tác phẩm mang âm hưởng u uất mà tôi tưởng tượng như một bức ảnh trắng đen, bức ảnh về một quán cà phê cổ những năm sáu mươi bảy mươi, nơi tiếng nhạc jazz vang ngân da diết. Quanh quán bar, người ta sẽ ngồi suy tư, hay thảng hoặc quay sang nhau trò chuyện khe khẽ. Tiếng cười sẽ vang lên rồi tắt ngấm, hồ như xấu hổ vì đã xé toạc một không gian tĩnh nhường ấy. Và, khi bóng đêm buông, tiếng ồn ào của những cuộc nói chuyện, tiếng leng keng của cốc tách chạm nhau sẽ giúp đám khách quen khoác lên gương mặt mình nụ cười theo cách tự nhiên và vô ưu nhất.

 

Quán cà phê ấy, là Le Conde.

 

Những vị khách quen, với nhân vật nữ chính biệt danh là Louki, được miêu tả lại bằng một cái tên đẹp, “thật du dương và cũ kỹ”: bohème, nghĩa là họ, những người sống ở thì hiện tại, không màng đến ngày mai, hoang dại như cỏ, tự do như gió. Họ là ai? Họ đến từ đâu? Không ai biết. Duy có điều, tương lai của họ, một tương lai không mấy tốt đẹp đã được dự báo trước, chỉ vậy thôi.

 

Quán cà phê Le Conde ấy giống một bến đỗ, nó hút họ lại như một thỏi nam châm, khiến họ gặp nhau và trở thành bạn bè. Modiano Patrick, trong tác phẩm này, được coi là đã hòa trộn “thuyết trôi dạt” (tiếng Pháp: dérive) của Guy Debord một cách tinh tế nhất. Theo tôi hiểu, thuyết này chỉ một trạng thái giống như “chạy trốn”, ta bỏ lại đằng sau tất cả những ràng buộc để lao vào một ngao du, để cho những địa điểm bất kỳ hút mình và tận hưởng các cuộc gặp gỡ và trải nghiệm ở đó.

 

Khi nào con người ta bắt đầu đi lang thang và tìm kiếm? Với tôi, là khi lạc lối và cô đơn. Tuổi trẻ ai có lẽ cũng vậy thôi, ai cũng hoang mang đi tìm câu trả lời cho câu hỏi về sự tồn tại của mình.

 

Cái kết của câu chuyện không khiến tôi ngạc nhiên. Kỳ thực, tôi nghĩ lòng cô gái ấy đã chết từ lâu. Từ lúc cô nhận ra dù cố thế nào, cô cũng chỉ có một mình, không ai hiểu được cô, cũng như cô sẽ không bao giờ hiểu trọn vẹn một con người. Sự đứt gãy trong các mối quan hệ dồn người ta vào bế tắc. Louki đơn độc trong chính thành phố của mình. Mà lạc lõng trong chính nơi lẽ ra phải thuộc về, thì chua chát và đắng cay biết bao nhiêu...

 

Quyển sách mỏng này tôi đã đọc đi đọc lại liền tù tì hai lần, thật chậm, để niềm hoài cổ u tối ngấm vào mình từ từ như một thứ thuốc độc. Lối viết của Modiano vừa thực lại vừa hư, ông dệt nên những câu chuyện đan xen tạo thành một bộ xếp hình luôn luôn thiếu mảnh. Ta có thể hiểu “À, ra chuyện là thế!”, nhưng sẽ mãi nghĩ về nó, sẽ mãi băn khoăn, mãi khắc khoải về sự chết, về nỗi tuyệt vọng được thấu hiểu và sẻ chia.

 

“Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối” là một cuốn sách buồn và đẹp. Biết đâu, ở góc quen trong quán cà phê ưa thích, bạn sẽ thấy mình trong đó, và để từng câu, từng chữ ngân lên như một nốt lặng của hồn mình.


YBOX – Kênh Thông Tin Chất Lượng Cao Của Sinh Viên Việt Nam




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024