Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
14/11/2016 09:11 # 1
anh2bmw
Cấp độ: 48 - Kỹ năng: 44

Kinh nghiệm: 255/480 (53%)
Kĩ năng: 408/440 (93%)
Ngày gia nhập: 27/11/2009
Bài gởi: 11535
Được cảm ơn: 9868
NGHỊ LUẬN VĂN HỌC Bình ngô đại cáo


NGHỊ LUẬN VĂN HỌC Bình ngô đại cáo

 

Giá trị văn chương của "Bình ngô đại cáo"


Đã nhiều thập kỷ nay, Bình Ngô đại cáo được đưa vào chương trình dạy-học môn Văn (sau gọi là môn Ngữ văn) ở cấp cuối trường phổ thông.

Thường thì người ta cứ mặc nhiên dạy- học nó như một văn bản văn chương mà không mấy người đặt ra vấn đề phải chăng nội dung dạy- học đó phù hợp với tính chất môn học hay đã lấn sân sang môn học khác, môn Lịch sử chẳng hạn, và cùng với điều đó lại có thể bỏ sót một số giá trị văn chương nào đó bởi trước tác này mang tính chất nguyên hợp, không chỉ là “văn sử bất phân” mà ngay ở phần văn cũng là tổng hoà của nhiều loại văn: văn nghị luận, văn tự sự, văn trữ tình… Và mặc dầu bản hùng văn này đã được nhiều người nghiên cứu dưới các góc độ, đạt được nhiều thành tựu, song vẫn có những vấn đề cần phải nhận thức lại.
Bình Ngô đại cáo trước hết là một văn kiện lịch sử. Cuối năm 1427 (cũng có những tài liệu cổ cho rằng đầu năm 1428) được lệnh của Lê Lợi, Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo và văn bản này được công bố tháng 4 năm 1428 bố cáo cho toàn quân dân biết sự nghiệp bình Ngô đã hoàn toàn thắng lợi, quân thù đã thảm bại và phải cút khỏi nước ta, một vận hội mới đã mở ra cho giang sơn xã tắc. Chỉ với tư cách văn bản quan phương Bình Ngô đại cáo mới được đưa vào bộ quốc sử Đại Việt sử ký toàn thư(1) chứ không phải vì nó là tác phẩm văn chương xuất sắc của một bề tôi. Tuy nhiên, các thể loại văn chương Việt Nam thời trung đại-như viện sĩ Đ.X. Likhatsôp nhận thấy ở thể loại văn học Nga cổ- “là để phục vụ nhằm thoả mãn cả một kết hợp phức tạp những nhu cầu xã hội và tồn tại gắn liền với điều đó trong một sự lệ thuộc với nhau rất chặt chẽ”(2), nên từ khi ra đời, Bình Ngô đại cáo không phải chỉ được tiếp nhận chủ yếu như một văn bản hành chính mà còn như một kiệt tác văn chương.

Cáo là một thể trong loại văn chiếu lệnh, loại văn được người xưa coi trọng nhất. Luận ngữ ghi lời của đức Khổng Tử khen nước Trịnh cẩn trọng khi soạn thảo loại văn bản này: Tử viết: “Vi mệnh, Tỳ Thầm thảo sáng chi. Đông Lý Tử Sản nhuận sắc chi Thế Thúc thảo luận chi. Hành nhân Tử Vũ tu sức chi” (Đức Khổng Tử nói rằng: “Khi nước Trịnh làm tờ từ mệnh gửi cho nước khác, ông Tỳ Thầm khởi thảo, ông Thế Thúc khảo cứu bàn bạc, quan hành nhân là ông Tử Vũ sửa chữa thêm bớt, ông Tử Sản ở đất Đông Lý trau chuốt lại”). Tỳ Thầm, Thế Thúc, Tử Vũ, Tử Sản là những người tài nổi tiếng đương thời, cả bốn người hợp sức lại để viết cho thấy thái độ của người đương thời về loại văn liên hệ trực tiếp với chính sự này. “Chính giả, chính dã” (Chính trị là chính nghĩa - Luận ngữ). Một phương tiện để làm rõ chính nghĩa của các đế vương và các triều đại chính là văn chiếu lệnh. Văn chương thẩm mỹ để ngâm ngợi, chỉ cho thấy tài năng của cá nhân trong khi văn chiếu lệnh phục vụ đắc lực cho chính sự, gắn bó với sự hưng vong của vương triều và quốc thể. Văn chương thời trung đại khác văn chương hiện nay ở nhiều phương diện, trong đó bộ phận khác biệt lớn nhất là những thể loại chức năng, bởi như Đ.X. Likhatsôp đã chỉ rõ những thể loại này nhằm đáp ứng đồng thời nhiều nhu cầu xã hội, khác với hiện nay đã có sự khu biệt về thuộc tính và chức năng của các hình thái ý thức. Tìm hiểu những văn bản loại này cần kết hợp linh động giữa tư duy lịch đại và tư duy đồng đại. Hiển nhiên người ngày nay tiếp nhận chúng không giống người thời trung đại, nếu không có quan điểm lịch sử cụ thể sẽ bỏ qua hoặc không đánh giá đúng những giá trị đặc thù, mà đây lại là một trong những nguyên cớ để chúng có mặt trong chương trình dạy-học ngữ văn ngày nay.

Cáo là một thể của loại văn học chức năng, loại trước tác có yêu cầu đầu tiên và cao nhất là “từ nghiêm nghĩa chính” (ngôn từ chuẩn mực, ý nghĩa chính đáng). Bình Ngô đại cáo là một tác phẩm đỉnh cao nên nó mang thuộc tính phổ quát của các hiện tượng điển hình, là nghiên cứu nó sẽ không chỉ biết về một cá thể mà còn nhận thức được một phạm vi rộng hơn thuộc cấp độ loại - ở đây là loại văn học chức năng. Trước tác này ra đời cách đây đã năm thế kỷ, khi ấy các thể loại văn học chức năng còn mang đậm tính chất nguyên hợp, bởi vậy bản đại cáo còn tích hợp nhiều giá trị khác, mà ở đây chúng ta quan tâm tìm hiểu là giá trị văn chương. Với đặc điểm của tư duy người đương thời, giá trị văn chương không ngăn trở, chế ước giá trị hành chính của văn bản, trái lại, như thực tế cho thấy, đã tạo thêm sức sống cho văn bản quan phương này.

Giá trị của Bình Ngô đại cáo trước hết là ở phương diện một trước tác chính luận, loại văn bản được đánh giá cao khi có hệ thống lập luận chặt chẽ, thể hiện sâu sắc và sinh động những vấn đề có ý nghĩa trọng đại của quốc gia dân tộc. Với Bình Ngô đại cáo, không phải nhà chuyên môn cũng dễ nhận ra được lôgic lớn của toàn bài và sự thứ lớp trong lập luận của từng phần. Tiêu biểu cho tầm khái quát của văn bản là đoạn đầu (Nhân nghĩa chi cử… quyết hữu minh trưng). Đoạn này như một định nghĩa rất tiêu biểu về quốc gia phong kiến, được đánh giá là cống hiến có ý nghĩa thế giới, khiến cho các thế hệ sau thán phục, tự hào. Đây là thành tựu đột xuất của lịch sử tư tưởng Việt Nam thời ấy, nhưng với Nguyễn Trãi, là thành tựu tất yếu vì tất cả mọi ý niệm đó đều đã có trong Quân trung từ mệnh tập, đây chỉ là tập đại thành. Thành quả đó do ba nguyên nhân. Trước hết do tài năng siêu việt của nhà trí thức-người anh hùng Nguyễn Trãi vì chính ông chứ không ai khác đã từ tầm cao thời đại, khái quát những giá trị to lớn của đất nước và đồng bào, của văn hoá Việt. Nguyên nhân thứ hai thuộc thời đại đầy biến động to lớn, khiến vấn đề dân tộc dân chủ được đặt ra cực kỳ gay gắt. Người trí thức Nguyễn Trãi đã được tôi luyện trong hoàn cảnh đó, ông nhìn thấy giang sơn và dân nước mình trong máu và nước mắt trước khi thấy họ trong hào quang chiến thắng. Với một chút hài hước có thể nói nguyên nhân thứ ba thuộc “công” của giặc Minh. Chính vì trong thời gian dài phải thường xuyên đương đầu với kẻ thù mạnh, thâm độc và gian xảo như giặc Minh khiến tư duy Nguyễn Trãi thêm sắc sảo. Chẳng hạn luận điểm vĩ đại của ông Nhân nghĩa chi cử, yếu tại an dân chính là để phản bác luận điệu xảo trá của quân Minh, vạch rõ bộ mặt thật của chúng đằng sau chiêu bài nhân nghĩa “hưng diệt kế tuyệt”, tư tưởng này đã được bộc lộ cụ thể hơn ở Hựu đáp Phương Chính thư (số 5)(3), Tái phục Phương Chính thư (số 8).

Giá trị văn chương của Bình Ngô đại cáo thấm nhuần ở toàn bộ tác phẩm do người viết luôn nhìn nhận sự vật, hiện tượng cùng với một trí tuệ sắc sảo là một tâm hồn tinh nhạy, con tim giàu cảm xúc. Điều này thể hiện kín đáo nhưng mạnh mẽ ở ngay cả đoạn đầu, đoạn chứa đựng những khái quát về lịch sử dài lâu và quang vinh của đất nước, đoạn chứa đựng những tư tưởng lớn của một bản tuyên ngôn độc lập. Niềm tự hào to lớn, kiêu hãnh vì được làm con dân của một dòng giống anh hùng và văn hiến được tác giả thể hiện cô đúc qua những phó từ ngắn gọn: thực (Ngã Đại Việt chi quốc, thực vi văn hiến chi bang = Nước Đại Việt ta thật là nước văn hiến)(4), ký (Sơn xuyên chi phong vực ký thù = Núi sông bờ cõi đã chia), diệc (Nam Bắc chi phong tục diệc dị = Phong tục Bắc Nam cũng khác). Ở những đoạn sau, khi lên án tội ác quân xâm lược, kể lại những khốn khó của nghĩa quân buổi đầu dựng nghiệp, miêu tả những bước đường thắng lợi của quân dân, đặc biệt đoạn bố cáo kết thúc chiến tranh… thì cảm xúc càng có điều kiện biểu lộ mạnh mẽ, phong phú.


Giá trị văn chương còn biểu hiện ở sự sáng tạo hình tượng và hình ảnh, điều này liên quan, hay nói đúng hơn là hệ quả của đặc điểm trên. Từ những năm tuổi trẻ đến những ngày tháng cuối đời, Nguyễn Trãi luôn biểu hiện một cốt cách nghệ sĩ lớn, chỉ có những điều kiện nào đó buộc ông phải tiết chế phẩm chất đẹp đẽ này, còn khi tình huống cho phép, ông tự bộc lộ một cách tự nhiên sinh động. Chủ nghĩa yêu nước và tinh thần nhân văn sâu sắc của Bình Ngô đại cáo có sức tác động mạnh mẽ, có sự trường tồn một phần lớn là do điều này. Nguyễn Trãi diễn tả tư tưởng bằng những hình tượng sinh động, thật khó phân định đâu là từ nguồn sách vở, đâu là sáng tạo riêng. Biểu hiện sức mạnh to lớn của nghĩa quân, ông không liệt kê số liệu mà dựng hình ảnh Ẩm tượng nhi hà thuỷ can; Ma đao nhi sơn thạch khuyết (Gươm mài đá, đá núi cũng mòn; Voi uống nước, nước sông phải cạn). Diễn tả sự đồng tâm nhất trí trong quân ngũ vì nghĩa lớn, tác giả mô tả cảnh Đầu giao hưởng sĩ, phụ tử chi binh nhất tâm (Tướng sĩ một lòng phụ tử, hoà nước sông chén rượu ngọt ngào). Chú dẫn câu này có người đưa ra điển tích Trung Hoa thời Chiến Quốc, còn người đi thực địa cho biết ngày nay ở miền tây Thanh Hoá còn di tích hòn đá Khao và suối Rượu, cũng là nêu những sự thực hiển nhiên.

Nguyễn Trãi vâng mệnh của đấng chí tôn, soạn một văn bản hành chính, điều đó đã rõ ràng, nhưng cũng không kém phần hiển nhiên là trong tâm thế tác giả có cả hai mục đích đều lớn và không mâu thuẫn: soạn một văn bản hành chính và sáng tạo một công trình văn chương. (Ăngghen, trong Thư gửi Stáckenbua có viết rằng con người sáng tạo ra lịch sử của mình, nhưng là sáng tạo trong những điều kiện thực tế đương tồn tại và những quan hệ mà người ta phải thích ứng). Điều này biểu hiện ở chỗ ông sử dụng nhiều thủ pháp tu từ, nhiều chất liệu văn chương điển phạm và nhất là rất có ý thức, có năng lực tạo nên tính nhạc cho ngôn từ. Văn biền ngẫu chỉ yêu cầu cơ bản là mỗi câu gồm hai vế cân xứng còn độ dài câu văn, sự ngắt nhịp là do cảm quan của từng người viết. Có người chỉ thấy thuận lợi (do “có khuôn”) mà không thấy khó khăn đối với tác giả xưa. Trong cái khuôn chung ấy mà biểu lộ được thần thái riêng của từng nội dung và từng cá tính là điều khó khăn, tài năng lớn cộng với bản lĩnh cao mới tạo nên được. Nguyễn Trãi rất linh hoạt chính ở chỗ đầy bó buộc này. Nhạc tính của câu văn Bình Ngô đại cáo đa dạng, phù hợp với nội dung câu văn tự sự, trữ tình hay nghị luận. Ông tuyên ngôn bằng câu súc tích, chắc nịch Ngã Đại Việt chi quốc, thực vi văn hiến chi bang. Miêu tả tội ác quân thù, ông lại sử dụng thủ pháp trùng điệp, như cố ghi hết tội ác to lớn, trời không dung, đất không tha của chúng.

Chúng tôi quả rất băn khoăn trước nhận định: “Cáo thường được viết bằng văn biền ngẫu”(5). Nhận định này có thể làm cho người dạy- học Bình Ngô đại cáo ở trường phổ thông trung học hình dung theo hai hướng. Một là cho rằng ở nước ta, ngoài “thiên cổ hùng văn” này còn có những bản cáo khác nữa, thực ra, trong những bộ quốc sử hiện còn đều không nói tới các bản đại cáo nào khác. Đọc sử sách cũ đôi khi chúng ta gặp cụm từ “đại cáo thiên hạ” thì chỉ với ý nghĩa là nhà vua hoặc triều đình, hoặc người đứng đầu một phong trào ban bố rộng rãi điều gì đó, còn không dễ mà có được những bản đại cáo như thời kỳ đầu của nhà Hậu Lê. Phải có điều kiện song hành, bên cạnh một chiến công chính nghĩa lừng lẫy còn phải có một thiên tài văn chính luận. Ngoài thời Lê Lợi và Nguyễn Trãi, chúng ta thấy còn có thời Quang Trung Nguyễn Huệ và Ngô Thì Nhậm. Biết đâu vị hoàng đế anh hùng và thiên tài họ Ngô từng nghĩ đến điều này, nhưng đứng trước Bình Ngô đại cáo các vị lại có cảm nghĩ như Lý Bạch xưa lên lầu Hoàng Hạc cảm xúc dồi dào mà ngần ngại không đề thơ vì có thơ Thôi Hiệu trên đầu! Ngoài ra người dạy- học Ngữ văn ở phổ thông trung học có thể sẽ hình dung rằng trước Bình Ngô đại cáo, ở Trung Quốc thể văn này đã được viết bằng văn biền ngẫu và cùng với nó, đã có hình thức hoàn chỉnh, và theo cách ứng xử của văn chương thời trung đại, Nguyễn Trãi chỉ còn “lắp” câu chữ của mình vào.

Thực ra, cho đến nay khi nói về thể cáo, ngoài Bình Ngô đại cáo các chuyên gia văn học trung đại Việt Nam cũng chỉ nhắc đến các bài cáo trong Thượng Thư. Các văn bản trong Thượng Thư ra đời trước công nguyên nhiều thế kỷ(6) còn văn biền ngẫu xuất hiện thời Hán, Ngụy và thịnh hành thời Lục triều. GS. Mai Quốc Liên cho rằng: “Nguyễn Trãi đã với tay ra hàng hai mươi thế kỷ để dùng lại một thể loại cổ xưa hầu như đã chết trong văn học Trung Quốc- cáo- và đưa vào đó một nội dung hoàn toàn mới”(7). Thật vinh dự cho Nguyễn Trãi và Bình Ngô đại cáo vì đã làm nên sự độc đáo trong văn học trung đại Việt Nam là chỉ một tác phẩm làm nên một thể loại, và nhìn trong sự liên thông thể loại văn học Việt-Trung thời trung đại, đã làm nên đỉnh cao của một thể loại. Với những gì chúng ta đã biết, có thể nói rằng Nguyễn Trãi chỉ kế thừa tên gọi và chức năng thể loại của thể cáo Trung Hoa.

Bình Ngô đại cáo được viết để bố cáo việc hoàn tất một chiến công vệ quốc vĩ đại, bởi vậy đương nhiên phần lớn ngôn từ sẽ dành cho việc ghi chép lại quá trình chiến đấu gian khổ và chiến thắng của quân dân ta và quá trình thất bại dẫn đến thảm bại hoàn toàn của quân Minh. Giá trị sử học của đoạn văn này rất nổi bật thể hiện ở sự ghi chép trung thực nhiều sự kiện lịch sử và khái quát sâu sắc nhiều chân lý lớn của thời đại. Bên cạnh đó nghệ thuật sáng tạo văn chương của tác giả cũng hết sức xuất sắc. Những chặng đường chính của quá trình chinh chiến hàng chục năm được kể lại tường tận mà không bề bộn vì bút pháp của tác giả rất linh hoạt: vừa kể lại những chiến thắng của quân ta, vừa đúc kết những nguyên lý quân sự và những chân lý nhân sinh; vừa tự sự về những thất bại liên tiếp của quân giặc vừa kết hợp luận tội chúng, đặt chúng trong sự tương phản với quân ta. Sự lúng túng, thất bại của quân xâm lược không chỉ thấy qua những sự kiện mà còn thể hiện bằng những bức biếm họa từ vua quan đến tướng sĩ phương Bắc.

Cho đến gần đây quả là vẫn còn có vấn đề trong cách ứng xử với một câu văn của Bình Ngô đại cáo, câu Thị do thiên địa tổ tông chi linh, hữu dĩ mặc tương âm hựu nhi trí nhiên dã (Âu cũng nhờ trời đất tổ tông khôn thiêng ngầm giúp đỡ mới được như vậy). Bản chữ Hán trong Nguyễn Trãi toàn tập tân biên (in theo Hoàng Việt văn tuyển của Bùi Huy Bích) có câu này, bản phiên âm Hán- Việt cũng có. Toàn tập sử dụng hai bản dịch, bản dịch thứ hai không dịch nghĩa câu này. Trước đây ba thập kỷ, cuốn Lịch sử Việt Nam tập I, do Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam biên soạn (Nxb. KHXH 1976) in gần như toàn bộ bản dịch Bình Ngô đại cáo (tr.258-261) chỉ lược bỏ câu trên, thay bằng dấu ba chấm (…). Một chuyên gia văn học Việt Nam trung đại coi câu văn này là “một tỳ vết nhỏ”(8). Những cách nhìn nhận như vậy cách đây hai, ba thập kỷ có thể hiểu được nhưng ngày nay thiết tưởng cần thay đổi cho tương xứng với các thành quả của khoa học xã hội và mặt bằng dân trí. Chúng ta cùng nhìn lại xem trong bản đại cáo, Nguyễn Trãi thể hiện lực lượng siêu hình như thế nào. Kết thúc bản cáo trạng quân xâm lược, tác giả viết:

Thần nhân chi sở cộng phẫn,
Thiên địa chi sở bất dung.
(Lẽ nào trời đất dung tha, Ai bảo thần nhân chịu được).

Khi nhìn lại khó khăn chồng chất của buổi đầu khởi nghĩa, Nguyễn Trãi cho rằng: Cái thiên dục khốn ngã, dĩ giáng quyết nhiệm/ Cố dư ích lệ chí, dĩ tế vu gian (Trời thử lòng giao cho mệnh lớn, Ta gắng chí khắc phục gian nan). Ở đoạn miêu tả cảnh hai bên giao tranh đẫm máu, tác giả viết: Phong vân vị chi biến sắc/ Nhật nguyệt thảm dĩ vô quang (Ghê gớm thay sắc phong vân phải đổi, Thảm đạm thay ánh nhật nguyệt phải mờ).

Còn câu văn bị đánh giá tiêu cực, thậm chí bị lược bỏ là ở đoạn cuối, cắt nghĩa nguyên nhân của chiến công bình Ngô vĩ đại. Chúng ta đã thấy ở cảm nhận của Nguyễn Trãi thể hiện trong suốt bản đại cáo, lực lượng siêu hình luôn song hành, tương giao với con người. Ở thế kỷ XV mà không thụ cảm thế giới như vậy thì mới là lạ. Xoá bỏ hoặc đánh giá tiêu cực câu văn đó là chỉ phủ nhận một khâu trong cả chuỗi mắt xích, hơn nữa theo chúng tôi, đây lại là trường hợp dễ được người ngày nay cảm thông nhất. Suốt bản đại cáo Nguyễn Trãi đã trình bày một cách hệ thống và biện chứng những yếu tố vật chất và tinh thần đưa đến toàn thắng của quân ta, thảm bại của kẻ thù, bởi vậy câu văn này không nhằm phủ nhận sự nỗ lực chiến đấu hy sinh để chiến thắng của quân dân ta trong hàng chục năm trời, nó chủ yếu biểu lộ lòng tri ân tổ tiên, là một cách khẳng định chính nghĩa tất thắng (những điều đã trở thành nội dung đạo lý Việt Nam). Ngày nay tất nhiên các văn bản quan phương không còn viết như thế nhưng trong rất nhiều tình huống của đời sống, người Việt Nam thuộc nhiều tầng lớp còn trữ tình theo cách đó. Câu văn làm cho tính chất biểu cảm của văn bản thêm đậm đà, giá trị văn chương càng nổi bật.

Đã có mấy cách giải thích về chữ Ngô trong Bình Ngô đại cáo, trong đó có người cho rằng Nguyễn Trãi sử dụng cách gọi của dân gian, “Nguyễn Trãi đã dùng một từ mà nhân dân quen dùng”, “để chỉ quân Trung Quốc, người Trung Quốc xấu xa, tàn ác, với hàm ý khinh bỉ, phê phán”(9). Cách hiểu này đầu tiên do một nhà nghiên cứu văn học dân gian nêu lên trong dịp kỷ niệm 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi (1980) và được một số nhà nghiên cứu tán đồng. Bản thân chúng tôi cũng có lúc tin như thế nhưng về sau, khi có điều kiện đọc trước tác của Nguyễn Trãi nhiều hơn, kết hợp với ngẫm nghĩ thêm thấy rằng cách giải thích đó chưa hợp lý. Trong Bình Ngô đại cáo Nguyễn Trãi gọi kẻ thù bằng hai cách, Ngô và Minh, mỗi cách dùng một lần, Ngô dùng ở nhan đề và Minh ở câu Cuồng Minh tứ khích, nhân dĩ độc ngã dân (Giặc Minh thừa dịp tàn hại dân ta- Nguyễn Trãi toàn tập tân biên, Sđd, tr.37). Chỉ căn cứ vào Bình Ngô đại cáo thì sự đối lập về sắc thái ý nghĩa của hai cách gọi chưa rõ, chưa đủ để kết luận, bởi vậy cần nhìn nhận thêm hai cách gọi này trong các trước tác khác của Nguyễn Trãi, có ý nghĩa nhất là những văn bản viết trước bản đại cáo, trong Quân trung từ mệnh tập. Chúng tôi đã khảo sát tỷ mỉ và trình bày trong một tiểu luận(10), ở đây chỉ nêu vắn tắt một số kết luận. Trong Quân trung từ mệnh tập cả hai cách gọi đều được sử dụng nhiều lần (Những văn bản sưu tập được có lẽ chưa đầy đủ - có một khoảng trống mấy năm không thấy có văn bản nào- bởi vậy thống kê số lần sử dụng hai từ này không phản ánh đúng tình hình). Tình trạng một văn bản dùng cả hai tên gọi hoặc chỉ dùng một trong hai đều phổ biến. Có những trường hợp rất đáng lưu ý. Chẳng hạn nếu cách gọi là Ngô mang ý nghĩa trên thì trong văn bản có tính chất đối nội như Tấu cáo văn (số 22) hẳn sẽ dùng cách định danh này, nhưng không, ở đây chỉ dùng cách gọi Minh (hai lần: Minh tặc, cường Minh). Tuy nhiên trường hợp có sức nặng nhất để phản bác ý kiến cho rằng đương thời cách gọi Ngô đã mang ý khinh bỉ chính là văn bản Tái dụ Vương Thông thư (số 35). Trong thư này Nguyễn Trãi chỉ dùng cách gọi Ngô, ba lần: Kim Ngô chi cường bất cập Tần (Nay Ngô mạnh không bằng Tần), phi Ngô quốc sở năng đoạt dã (thì Ngô làm sao có thể cướp được), cập Ngô quốc chi nhân (cũng như người Ngô). Vương Thông là tổng binh, là viên quan có quyền cao nhất trong đám tướng lĩnh viễn chinh ở nước ta, là võ tướng nhưng y thuộc loại thông hiểu chữ nghĩa. Đối với tên này, Nguyễn Trãi luôn chủ trương binh vận (thư cho Vương Thông nhiều nhất, xưng hô nhã nhặn, viết dài, dùng nhiều tri thức kinh điển để bàn bạc, thuyết phục). Bức thư này viết lúc thế thắng đã thuộc về ta, nhưng Nguyễn Trãi vẫn giữ cách ứng xử lịch sự với một đại quan của thiên triều- một kiểu “lạt mềm buộc chặt”, là cách khéo léo nhắc nhở hắn cách hành xử cho hợp với một đại nhân, đề phòng “chó cùng rứt dậu”. Là người hiểu sâu sắc nhân tình thế thái, lẽ nào Nguyễn Trãi hành xử bằng cách miệt thị tổ tiên kẻ mà mình đang áp dụng chiến thuật “tâm công”? Trong Ngữ văn 10, bức thư này được in gần kề Bình Ngô đại cáo, nếu giải thích chữ Ngô trong bản đại cáo là cách định danh biểu thị sự khinh bỉ thì không thuyết phục được người dạy- học.
Tóm lại, chỉ căn cứ vào Bình Ngô đại cáo thì sự đối lập sắc thái ý nghĩa giữa hai cách gọi Minh và Ngô không rõ, và tìm hiểu những văn bản trước đó được tập hợp trong Quân trung từ mệnh tập thì chưa có sự đối lập này.
Ngoài những trường hợp đã được các nhà nghiên cứu dẫn ra, chúng tôi thấy thêm vài trường hợp gọi người phương Bắc là Ngô với ý khinh thị. Đây là một câu trong bài Dăn đời phú (khuyết danh):

Báng đầu thằng trọc, không nể đầu ông sư; cứng cổ cứng đầu, ai xá những ngu dại - Vắng mặt thằng Ngô, lúc có mặt ông sứ, sấp mày sấp mặt vẫn nghe nhời nói xưa nay. Về đoản ngữ Vắng mặt thằng Ngô, lúc có mặt ông sứ, soạn giả Vũ Khắc Tiệp giải thích: “Khi trước nước ta phải phục về nước Tàu, khi có quan sứ ở nước Tàu sang, thì ta phải chiều chuộng rất cung kính, nhưng khi vắng mặt thì lại gọi đó là thằng Ngô”(11). Và đây là câu mà theo tác giả Thượng Chi văn tập, là một câu ca dao:

Ba mươi tết, tết lại ba mươi,
Vợ thằng Ngô đốt vàng cho chú Khách(12).

Ở một số nước, Trung Quốc chẳng hạn, sáng tác dân gian được văn bản hoá rất sớm (ví dụ Kinh Thi), còn ở ta những ghi chép văn học dân gian xuất hiện muộn, tạo nên một khó khăn khi nghiên cứu mối quan hệ giữa hai bộ phận văn chương dân tộc-văn chương bác học và văn chương dân gian, là có những giá trị rất gần gũi, có thể khẳng định được rằng có sự tiếp thụ, nhưng không thể chỉ rõ được tác giả văn học viết sử dụng của dân gian hay sáng tác của họ được dân gian hoá. Riêng trường hợp chữ Ngô đang bàn, có thể phân định được bằng phép loại trừ. Chúng tôi đã chứng minh, trong trước tác Nguyễn Trãi chữ Ngô chưa đối lập với chữ Minh về sắc thái ý nghĩa, điều này chỉ xuất hiện về sau, bởi vậy nên khẳng định trên cơ sở những chứng cớ khách quan, “chính những trước tác của Nguyễn Trãi mà tiêu biểu là Bình Ngô đại cáo đã góp phần quan trọng đối với việc lưu giữ ký ức lịch sử về quân Minh xâm lược thâm độc, tàn bạo và tư thế vĩ đại của nước Việt thời ấy góp phần hình thành trong tâm thức dân gian Việt Nam cách gọi người phương Bắc bằng từ Ngô với ý nghĩa như chúng ta đã thấy”(13). Chúng ta đều biết có nhiều cách để lưu giữ ký ức lịch sử trong đó tác phẩm văn chương đích thực có ưu thế các lĩnh vực khác khó bì, vì ở đây có sự hài hoà giữa nhận thức và cảm xúc, là “hình thức nhuần nhị nhất của tư tưởng”. Sức sống của chữ Ngô cũng là một cứ liệu khẳng định giá trị văn chương xuất sắc của Bình Ngô đại cáo.

Trước tác này của Nguyễn Trãi đã trở thành một giá trị cổ điển, gắn với nó có một nhận định cũng đã trở thành cổ điển, rằng đây là một “thiên cổ hùng văn” (Vũ Khâm Lân, thế kỷ XVII). Nhận định này rất tiêu biểu cho sự thụ cảm của người xưa về Bình Ngô đại cáo, xem nó như một sáng tác văn chương.

Bình Ngô đại cáo đã được nhiều dịch giả thuộc nhiều thế hệ chuyển ra quốc ngữ và nhìn chung có thể thấy rằng người dịch đến với nguyên tác trước hết cũng không phải như một văn kiện lịch sử, qua việc theo các chuẩn mực tín, đạt, nhã của một văn bản văn chương. Điều này thấy rõ ở xu hướng triệt để bảo lưu tính chất biền ngẫu và nhạc tính của câu văn, ngay cả ở những trường hợp để đạt được điều đó phải dịch đảo câu trong nguyên tác (các câu Nhân tài thu diệp, tuấn kiệt thần tinh; Ẩm tượng nhi hà thuỷ can, Ma đao nhi sơn thạch khuyết). Có những câu dịch so với nguyên tác đã được hình tượng hoá (Tuấn sinh linh chi huyết, dĩ nhuận kiệt liệt chi vẫn nha được dịch thành “Thằng há miệng đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán”).

Chỉ với Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đã xứng đáng là nhà văn chính luận kiệt xuất, song ông còn có Quân trung từ mệnh tập- tập văn chính luận quy mô đầu tiên của nước ta. Những trước tác này cùng với thơ của thi hào đã làm nên một hiện tượng độc đáo trong văn học trung đại Việt Nam: Nguyễn Trãi là tác gia duy nhất có sự tương xứng kép, ở bậc cao, tương xứng giữa văn chính luận và văn chương thẩm mỹ, tương xứng giữa trước tác bằng chữ Hán và bằng quốc âm.



Thông tin liên hệ anh2bmw khi có bất kỳ thắc mắc:
skype: trantien281
mail: 
anh2bmw@gmail.com


 

 
14/11/2016 09:11 # 2
anh2bmw
Cấp độ: 48 - Kỹ năng: 44

Kinh nghiệm: 255/480 (53%)
Kĩ năng: 408/440 (93%)
Ngày gia nhập: 27/11/2009
Bài gởi: 11535
Được cảm ơn: 9868
Phản hồi: NGHỊ LUẬN VĂN HỌC Bình ngô đại cáo


Tư tưởng nhân nghĩa trong Bình Ngô đại cáo

Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi (1380 – 1442) là một triết lý sâu sắc, cốt lõi, bao trùm toàn bộ cuộc đời ông. Bài viết đã phân tích tư tưởng nhân nghĩa trên nhiều khía cạnh: nhân nghĩa là thương dân, vì dân, an dân; nhân nghĩa là sự khoan dung, độ lượng; nhân nghĩa là lý tưởng xây dựng đất nước thái bình… Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi kế thừa quan điểm nhân nghĩa Nho giáo, nhưng đã được mở rộng, phát triển hơn, tạo nên dấu ấn đặc sắc trong lịch sử tư tưởng Việt Nam.
Trong lịch sử dân tộc, Nguyễn Trãi (1380 – 1442) là một trí thức lớn, một trong những lãnh tụ kiệt xuất của phong trào khởi nghĩa Lam Sơn. Ông đã có những đóng góp to lớn trong việc hoạch định đường lối, chính sách, chiến lược, sách lược chống quân Minh xâm lược, giải phóng dân tộc. Hơn thế, Nguyễn Trãi còn là một nhà tư tưởng lớn của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XV. Ông đã có công tổng kết, khái quát những vấn đề có tính quy luật của sự nghiệp dựng nước và giữ nước trong điều kiện lịch sử – cụ thể của Việt Nam; từ đó, nâng tư duy của người Việt Nam lên một tầm cao mới. Thông qua các tác phẩm chủ yếu và tiêu biểu của ông, như Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo, Ức Trai thi tập, Quốc âm thi tập, Dư địa chí, chúng ta thấy tư tưởng Nguyễn Trãi đã phản ánh nhiều mặt của đời sống nước ta đương thời: về chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hoá; về vai trò của nhân dân, về lý tưởng xã hội, v.v.. Những tư tưởng ấy của Nguyễn Trãi không chỉ có giá trị về mặt lý luận và thực tiễn đối với xã hội đương thời, mà còn có ảnh hưởng sâu sắc trong toàn bộ lịch sử tư tưởng Việt Nam nói chung. 

Suốt nhiều trăm năm qua, ở nước ta đã có nhiều công trình nghiên cứu về tư tưởng Nguyễn Trãi trên nhiều phương diện chính trị, văn hoá, văn học, nghệ thuật,… Tuy nhiên, việc nghiên cứu tư tưởng triết học của Nguyễn Trãi vẫn còn là khá mới mẻ. Trong bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến tư tưởng nhân nghĩa – một triết lý sâu sắc, cốt lõi, bao trùm toàn bộ cuộc đời và hoạt động cống hiến của nhà tư tưởng kiệt xuất này.

Đối với Nguyễn Trãi, nhân nghĩa là một tư tưởng, hơn nữa, là một phương pháp luận hết sức quan trọng. Trong toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Trãi mà chúng ta còn lưu giữ được thì chữ “nhân” đã được nhắc đến 59 lần và chữ “nghĩa” – 81 lần. Tổng cộng hai chữ “nhân”, “nghĩa” được ông sử dụng đến 140 lần. Qua đó, có thể thấy, một trong những quan điểm nền tảng trong hệ thống tư tưởng của Nguyễn Trãi là “nhân nghĩa”. Tất nhiên, ở đây cần nhấn mạnh rằng tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi, mặc dù kế thừa tư tưởng nhân nghĩa của Khổng – Mạnh, nhưng cũng đã có sự khác biệt rất lớn so với tư tưởng Khổng – Mạnh – nó mang ý nghĩa tích cực, mở rộng và nâng cao hơn.

Nhân nghĩa, trong quan điểm của Nguyễn Trãi, trước hết được gắn chặt với tư tưởng vì dân và an dân: “việc nhân nghĩa cốt ở an dân”, “dùng quân nhân nghĩa cứu dân khổ, đánh kẻ có tội”, “đại đức hiếu sinh, thần vũ bất sát, đem quân nhân nghĩa đi đánh dẹp cốt để an dân”(1). Như vậy, nhân nghĩa chính là yêu nước, thương dân, là đánh giặc cứu nước, cứu dân. Nguyễn Trãi đã coi “an dân” là mục đích của nhân nghĩa và “trừ bạo” là đối tượng, là phương tiện của nhân nghĩa. Vì vậy, người nhân nghĩa phải lo trừ “bạo”, tức lo diệt quân cướp nước. Người nhân nghĩa phải đấu tranh sao cho “hợp trời, thuận người”, nên có thể lấy “yếu chống mạnh”, lấy “ít địch nhiều”, lấy “đại nghĩa thắng hung tàn”, lấy “chí nhân thay cường bạo”(2). Nhân nghĩa là cần phải đấu tranh để cho dân tộc Việt Nam tồn tại và phát triển. Nhân nghĩa giống như là một phép lạ, làm cho “càn khôn đã bĩ mà lại thái, trời trăng đã mờ mà lại trong”(3). Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi , vì vậy, mang đậm sắc thái của tinh thần yêu nước truyền thống của người Việt Nam. Ở đây, có thể thấy rõ tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi đã vượt lên trên tư tưởng nhân nghĩa của Khổng – Mạnh và có sự sáng tạo, phát triển trong điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Như vậy, với Nguyễn Trãi, tư tưởng nhân nghĩa gắn kết biện chứng với tư tưởng thuận dân, an dân là một yêu cầu cao, một hoài bão lớn, một mục đích chiến lược cần phải đạt tới. Trước Nguyễn Trãi hàng nghìn năm, nhiều nhà tư tưởng trong lịch sử triết học Trung Quốc như Mạnh Tử… đã từng nêu rõ vai trò quan trọng của dân, sức mạnh của dân, tai mắt và trí óc sáng suốt của dân. Ở Việt Nam, tư tưởng an dân đã trở thành một đạo lý vào thời Lý – Trần. Trong thời kỳ đó, những tư tưởng về thân dân, khoan dân, huệ dân, v.v. đã xuất hiện và đã góp phần tích cực vào việc làm cho thời đại Lý – Trần hưng thịnh. Đến Nguyễn Trãi, quan điểm về an dân đã được ông tiếp thu, kế thừa, mở rộng và nâng cao trong suốt thời kỳ hoạt động của mình. An dân có nghĩa là chấm dứt, là loại trừ những hành động tàn ác, bạo ngược đối với dân. An dân còn là sự bảo đảm cho nhân dân có được một cuộc sống yên bình. An dân là không được nhũng nhiễu “phiền hà” dân. Với tư tưởng an dân, Nguyễn Trãi đã đưa ra một chân lý: phải giương cao ngọn cờ “nhân nghĩa, an dân”, phải cố kết lòng dân làm sức mạnh của nước, làm thế nước. Ông chủ trương cứu nước bằng sức mạnh của dân, muốn lấy lại được nước phải biết lấy sức dân mà kháng chiến. Đó là một chiến lược bất khả biến, có tính trường tồn, một quy luật dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Có một khía cạnh rất đáng quý trong tư tưởng về dân của Nguyễn Trãi, đó là tư tưởng trọng dân, biết ơn dân. “Dân chúng” vẫn luôn được ông nhắc tới và chú ý đề cao ngay cả sau khi kháng chiến đã thành công, đất nước đã giành được độc lập và bước vào xây dựng cuộc sống mới. Nguyễn Trãi nhận thức được rằng lực lượng làm ra thóc gạo, cơm ăn, áo mặc là do ở nhân dân; rằng điện ngọc cung vàng của vua chúa cũng đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà có: “thường nghĩ quy mô lớn lao, lộng lẫy đều là sức lao khổ của quân dân”(4). Chính xuất phát từ suy nghĩ như vậy, nên khi đã làm quan trong triều đình, được hưởng lộc của vua ban, Nguyễn Trãi đã nghĩ ngay đến nhân dân, những người dãi nắng dầm mưa, những người lao động cực nhọc. Ông viết: “Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày”. Trong suốt cuộc đời của mình, Nguyễn Trãi đã có cuộc sống gần gũi, gắn bó với nhân dân, hoà mình vào nhân dân. Do đó, ông đã nhận thấy rất rõ những đức tính cao quý của nhân dân, hiểu được nguyện vọng tha thiết của nhân dân, thấy rõ được sức mạnh vĩ đại của nhân dân trong sáng tạo lịch sử.

Đặc biệt, tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi còn biểu hiện ở lòng thương người, ở sự khoan dung độ lượng, thậm chí đối với cả kẻ thù. Có thể nói, đây là nét độc đáo riêng có trong tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi. Chiến lược “tâm công” Nguyễn Trãi đã thực hiện trong kháng chiến chống Minh chính là sự thể hiện nét độc đáo riêng có ấy. “Tâm công” – đánh vào lòng người – sách lược đã được Nguyễn Trãi dày công suy xét, thu tóm cái tinh hoa trong các sách về binh pháp xưa và vận dụng sáng tạo trong thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam đương thời. “Tâm công” tức là dùng lý lẽ tác động vào tinh thần, vào ý thức kẻ địch, nói rõ điều hơn lẽ thiệt, thuyết phục, cảm hoá chúng, từ đó đập tan tinh thần chiến đấu của chúng, làm cho chúng nhụt ý chí xâm lược, rã rời hàng ngũ, tiến tới chấp nhận con đường hoà giải, rút quân về nước. Tất nhiên, chiến lược “tâm công” ấy luôn được nghĩa quân Lam Sơn kết hợp chiến đấu bằng vũ khí, quân sự, ngoại giao; và thực tiễn lịch sử đã chứng tỏ rằng, chiến lược đó là hoàn toàn đúng đắn.

Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi còn nổi bật ở quan điểm về cách đối xử với kẻ thù khi chúng đã bại trận, đầu hàng. Nó thể hiện đức “hiếu sinh”, sự “khoan dung” của dân tộc Việt Nam nói chung, cũng như tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi nói riêng. Nguyễn Trãi cũng như Lê Lợi, trong chính sách đối với hàng binh, đã chủ trương không giết để hả giận tức thời, mà còn tạo điều kiện cần thiết cho chúng rút về nước một cách an toàn và không mất thể diện. Trong thư gửi Vương Thông, ông viết: “Cầu đường sửa xong, thuyền xe sắm đủ, hai đường thuỷ lục, tuỳ theo ý muốn, đưa quân ra cõi, yên ổn muôn phần”(5). Theo Nguyễn Trãi: “Trả thù báo oán là thường tình của mọi người; mà không thích giết người là bản tâm của người nhân”. Để dân yên vui, nước hoà bình, đó là khát vọng cháy bỏng của Nguyễn Trãi. Bởi thế, ông nói: “Dùng binh cốt lấy bảo toàn cả nước làm trên hết. Để cho bọn Vương Thông trở về nói với vua Minh trả lại đất đai cho ta, đó là điều ta cần không gì hơn thế nữa”(6). “Tuyệt mối chiến tranh”, “bảo toàn cả nước là trên hết” đã thể hiện lập trường chính trị nhân nghĩa của Nguyễn Trãi. Có thể nói, đó là một tinh thần nhân đạo cao cả, một triết lý nhân sinh sâu sắc.

Chiến lược đánh giặc cứu nước, cứu dân, “mở nền thái bình muôn thuở” bằng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi đã có ý nghĩa rất to lớn cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn đấu tranh cứu nước và dựng nước của dân tộc ta. Nguyễn Trãi và Lê Lợi, cùng với quân dân Đại Việt đã kiên quyết thi hành một đường lối kết thúc chiến tranh rất sáng tạo, rất nhân nghĩa: “nghĩ kế nước nhà trường cửu, tha cho mười vạn hùng binh. Gây lại hoà hảo cho hai nước, dập tắt chiến tranh cho muôn đời”(7). Đó thật sự là tư tưởng lớn của một con người có tài “kinh bang tế thế” và là một tư tưởng có sức sống “vang đến muôn đời”.

Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi còn tiến xa hơn một bước nữa, đó là ý tưởng xây dựng một đất nước thái bình, bên trên vua thánh tôi hiền, bên dưới không còn tiếng giận oán sầu: “thánh tâm dục dữ dân hưu túc, văn trị chung tu chí thái bình” (lòng vua chỉ muốn dân yên nghỉ, xếp võ theo văn, nước trị bình) (8); “vua Nghiêu Thuấn, dân Nghiêu Thuấn. Dường ấy ta đà phỉ sở nguyền”(9). Như vậy, theo Nguyễn Trãi, một đất nước thái bình sẽ là đất nước có cuộc sống phồn vinh, tươi đẹp; đồng thời, có sự hoà thuận, yên vui với các nước khác. Có thể nói, lý tưởng chính trị – xã hội của Nguyễn Trãi phù hợp với nguyện vọng, ước mơ của dân tộc, nhân dân; đạt tới tầm cao nhất và rộng nhất trong điều kiện lịch sử lúc bấy giờ cho phép. Quan niệm của Nguyễn Trãi, vì thế, là một quan niệm tích cực và đầy tinh thần nhân bản.

Tầm chiến lược, nhìn xa trông rộng và khoa học trong tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi còn được thể hiện ở tư tưởng cầu người hiền tài giúp nước, giúp dân. Nguyễn Trãi quan niệm rằng, nhân tố quyết định sự nghiệp xây dựng đất nước thái bình, thịnh trị là nhân dân. Làm thế nào để phát huy hết được những yếu tố tích cực của quần chúng nhân dân? Trong sức mạnh của nhân dân thì yếu tố nào là động lực mạnh mẽ nhất? Nguyễn Trãi đã chỉ ra, đó là yếu tố nhân tài. Trong Chiếu cầu hiền tài, ông cho rằng: “người tài ở đời vốn không ít”, nên triều đình phải cầu hiền bằng nhiều đường, nhiều cách như học hành thi cử; hoặc tiến cử “văn võ đại thần, công hầu, đại phu từ tam phẩm trở lên, mỗi người đều cử một người, hoặc ở triều đình, hoặc ở thôn dã, bất cứ là đã xuất sĩ hay chưa, nếu có tài văn võ, có thể trị dân coi quân, thì… tùy tài trao chức”; hoặc ứng cử “người có tài ở hàng kinh luân bị khuất ở hàng quân nhỏ”, “người hào kiệt náu ởnơi đồng nội, lẫn ở hàng binh lính” phải tự mình đề đạt để gánh vác việc dân, việc nước. Như vậy, rõ ràng rằng, Nguyễn Trãi đã rất chú trọng đến việc đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và sử dụng nhân tài vào việc trị quốc, an dân. Có thể nói, chiến lược con người của Nguyễn Trãi, cho đến nay, vẫn mang đậm tính thời sự đối với chúng ta.

Tóm lại, tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi là nội dung cốt lõi trong toàn bộ hệ thống tư tưởng triết học – chính trị của ông. Tư tưởng ấy có phạm vi rộng lớn, vượt ra ngoài đường lối chính trị thông thường, đạt tới mức độ khái quát, trở thành nền tảng, cơ sở của đường lối và chuẩn mực của quan hệ chính trị, là nguyên tắc trong việc quản lý, lãnh đạo quốc gia.

Không chỉ có ý nghĩa to lớn trong thời đại mình, tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi, một mặt, tạo nên một dấu ấn đặc sắc trong lịch sử tư tưởng Việt Nam; mặt khác, còn có ảnh hưởng sâu rộng đến thực tiễn chính trị của đất nước trong những thời đại sau này.



Thông tin liên hệ anh2bmw khi có bất kỳ thắc mắc:
skype: trantien281
mail: 
anh2bmw@gmail.com


 

 
14/11/2016 09:11 # 3
anh2bmw
Cấp độ: 48 - Kỹ năng: 44

Kinh nghiệm: 255/480 (53%)
Kĩ năng: 408/440 (93%)
Ngày gia nhập: 27/11/2009
Bài gởi: 11535
Được cảm ơn: 9868
Phản hồi: NGHỊ LUẬN VĂN HỌC Bình ngô đại cáo


PHÂN TÍCH TÁC PHẨM “BÌNH NGÔ ÐẠI CÁO” 


Người ta chọn Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ và Cáo bình Ngô là 3 dấu mốc đánh dấu những chặng đường phát triển của chủ nghĩa yêu nước trong văn học thượng kỳ trung đại. Ðặc biệt, phải đến cáo bình Ngô, ý thức độc lập chủ quyền, quan hệ gắn bó giữa nước và dân, vấn đề nhân nghĩa,.. mới thực sự phát triển rực rỡ

I. VÀI VẤN ĐỀ CHUNG

1. Hoàn cảnh ra đời: 
Cuối năm 1427, Vương Thông, tên tổng chỉ huy quân đội nhà Minh ở Việt Nam, đã phải mở cửa thành Ðông Quan đầu hàng. Cuộc kháng chiến 10 năm đã kết thúc vẻ vang. Thay mặt vua Lê, Nguyễn Trãi viết bài cáo nhằm tổng kết quá trình kháng chiến và tuyên cáo thành lập triều đại mới. 2. Về thể loại Cáo:

Nếu văn học động viên mọi người chiến đấu thì văn Cáo lại có ý nghĩa tuyên ngôn nhằm công bố cho mọi người biết những chủ trương chính trị trọng đại của toàn dân tộc như việc xác lập hòa bình, đánh đuổi giặc ngoại xâm và xây dựng vương triều mới.

Cáo viết bằng thể văn biền ngẫu, số câu chữ không hạn chế, văn phong mang tính chính luận nên trang trọng, sắc bén, lập luận chặt chẽ, giàu sức thuyết phục.

Kết cấu của bài đại cáo bình Ngô tuân thủ đúng kết cấu của các tác phẩm Thang cáo (được chép trong chương Thương Thư của sách Kinh Thư) và Vũ cáo hay đại cáo Vũ Thành (được chép trong chương Chu thư của sách Kinh Thư).

2. Về tựa đề bài Cáo: 
Những quan niệm khác nhau về ý nghĩa của chữ Ngô trong Bình Ngô đại cáo 

- Ngô: Một cách gọi theo thói quen của người Việt Nam thời đó để chỉ chung người trung Quốc.
- Ngô: tên vùng đất xuất thân của Chu Nguyên Chương (tức Minh Thành tổ).
- Ngô: Một cách gọi của nhân dân để chỉ những tên giặc gian ác, tàn bạo.

II. PHÂN TÍCH 

1. Nêu luận đề chính nghĩa:
- Luận đề này được xây dựng dựa trên cơ sở mối quan hệ giữa 3 yếu tố: Nhân nghĩa, dân và nước:
+ Nhân nghĩa: điếu dân phạt tội, bênh vực cho kẻ khốn cùng, chống lại các thế lực phi nhân.
+ Dân: Dân trong tác phẩm là những người thuộc tầng lớp thấp nhất nhưng lại chiếm đa số trong xã hội nông nghiệp thời đó. Ðó là những dân đen, con đỏ, thương sinh, phu phen, manh lệ, những người có vai trò lịch sử quan trọng, góp phần đánh đuổi giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước.
+ Nước: Khái niệm nước bao gồm mối quan hệ hữu cơ giữa các yếu tố
* Văn hiến
* Ðịa lý
* Phong tục tập quán
* Các triều đại chính trị
* Hào kiệt
* Truyền thống lịch sử vẻ vang Những quan niệm của Nguyễn Trãi trong bài Cáo về Nhân nghĩa, Dân, Nước đều xuất phát từ chính thực tiễn kế thừa phát triển của truyền thống yêu nước, phù hợp với đạo đức truyền thống và hoàn cảnh lịch sử đương thời. Những quan niệm này, so với trước, đã có nhiều biến đổi, phát triển do sự chi phối của hoàn cảnh lịch sử. 

2. Vạch trần tội ác giặc: 
Các nhà nghiên cứu xem đoạn văn này là một bản cáo trạng đanh thép tố cáo tội ác khủng khiếp của giặc Minh trong 20 năm trên mảnh đất Ðại Việt.

Ðể đảm bảo vừa tăng cường sức thuyết phục vừa đạt được tính cô đọng, hàm súc của ngôn từ văn chương, Nguyễn Trãi sử dụng đan xen, kết hợp hàihòa giữa những hình ảnh mnag tính chất khái quát với những hình ảnh có tính cu, sinh động.

3. Tổng kết quá trình kháng chiến: 
a. Hình ảnh của Lê Lợi buổi đầu kháng chiến
Tập trung miêu tả hình ảnh Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã khái quát toàn vẹn nưng phẩm chất tiêu biểu nhất của con người yêu nước ở thế kỷ XV. Những đặc điểm của con người yêu nước trong văn học thời kỳ này thường có đặc điểm sau:
- Xuất thân bình thường:
* Ta đây
Núi Lam Sơn dấy nghĩa
Chốn hoang dã nương mình - Có tấm lòng căn thù giặc sâu sắc:
* Ngẫm thù lớn há đội trời
Căm giặc nước thề không cùng sống - Khở đầu gặp nhiều khó khăn nhưng luôn có tinh thần vượt khó, kiên trì:
* Trời thử lòng trao cho mệnh lớn
Ta gắng chí khắc phục gian nan - Biết tập hợp, đoàn kết toàn dân:
* Nhân dân bốn cõi một nhà dựng cần trúc ngọn cờ phất phới
Tướng sĩ một lòng phụ tử hòa nước sông chén rượu ngọt ngào - Biết sử dụng chiến lược, chiến thuật tài tình:
* Thế trận xuất kỳ lấy yếu chống mạnh
Dùng quân mai phục lấy ít địch nhiều - Biết nêu cao ngọn cờ nhân nghĩa trong mọi hoạt động:
* Ðem đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân mà thay cường bạo Có thể nói, Lê Lợi chính là hình ảnh tiêu biểu của những con người yêu nước dám hy sinh quên mình đứng dậy chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập tự do của dân tộc.
b. Miêu tả quá trình kháng chiến

- Ở đây, ta không tìm thấy những anh hùng cá nhân trong văn chương trung đại hay trong các tác phẩm anh hùng ca của Hy Lạp cổ đại. Bài Cáo tập trung làm sáng rõ vai trò của một tập thể anh hùng, những người mà trước kia văn học bác học chưa quan tâm đi sâu, khai thác - Tuy nhiên, đối với tướng giặc, tác giả lại miêu tả đầy đủ, cụ thể từng gương mặt, họ tên, chức tước và tư thế thất bại của từng tên một.
- Cách sử dụng liệt kê ngày tháng thể hiện rõ nhịp độ dồn dập của những trận chiến thắng.

4. Tuyên bố hòa bình, xây dựng vương triều mới:
- Nhịp thơ dàn trải, trang trọng
- Khẳng định thế thịnh suy tất yếu



Thông tin liên hệ anh2bmw khi có bất kỳ thắc mắc:
skype: trantien281
mail: 
anh2bmw@gmail.com


 

 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024