Để hoàn toàn làm chủ máy ảnh, bắt buộc chúng ta phải biết ảnh hưởng của bộ ba F-stop, Shutter speed và ISO đến bức ảnh.



Một bức hình được tạo bởi máy ảnh KTS là do ánh sáng đi qua Lens (Độ mở ống kính f-stop) -> Màn trập(Shutter speed)->Đập vào cảm biến (ISO)->Cảm biến sẽ chuyển các thông tin ánh sáng thành tín hiệu điện tử và truyền đến chip xứ lý ảnh (500D có chíp xử lý là Digic IV) -> Dựa vào các thông số cài đặt như cân bằng trắng, Giảm noise, khử mắt đỏ... Chíp xứ lý sẽ áp dụng các thuật toán xử lý ảnh lên bức ảnh vừa nhận, sau đó ảnh sẽ được lưu vào thẻ nhớ.
1. Độ sáng của ảnh
- Độ mở ống kính càng lớn (giá trị f-stop càng nhỏ)-> Ánh sáng đi vào càng nhiều-> ảnh càng sáng và ngược lại


- Thời gian phơi sáng càng lâu (tốc độ chụp càng chậm) -> càng nhiều ánh sáng đi vào cảm biến -> ảnh càng sáng và ngược lại
- ISO càng lớn -> độ nhạy sáng càng cao -> có thể cảm nhận được nhiều áng sáng -> ảnh càng sáng và và ngược lại

2. Cân bằng sáng cho ảnh



Một ảnh có chất lượng đầu tiên là phải đủ sáng (nếu sáng quá thì ảnh sẽ gây chói mắt và một số vùng trong ảnh sẽ trắng xóa, ngược lại ảnh thiếu sáng sẽ làm cho một số vùng trong ảnh bị tối đen). Thường một ảnh thừa sáng hoặc thiều sáng sẽ làm cho một số chi tiết trong ảnh bị mất (một màu trắng trắng hoặc một màu đen đen). (Các bác chụp hình nghệ thuật chắc chả vào đây làm gì, he he)
Do đó, với một ảnh thiếu sáng thì giải pháp là tăng ISO, giảm f-stop (tăng độ mở ống kính), tăng thời gian phơi sáng(giảm tốc độ chụp). Có thể tăng 3 yếu tố hoặc chỉ 1,2 yếu tố trong 3 cái tùy mục đích người chụp.
Và với một ảnh thừa sáng thì chúng ta làm ngược lại như trên.

Các máy ảnh DSLR hiện nay đều có chức năng đo sáng, thông thường khi bấm một nửa nút chụp máy sẽ lấy nét đồng thời báo cho chúng ta ảnh hiện tại có đủ sáng hay không. (Trên màn hình LCD hoặc kính ngắm có cái thanh ngang được đánh số -2...-1...0...1...2) . Thông thường ảnh đủ sáng thì máy sẽ báo độ sáng là 0.

Khi chụp ở chế độ P, và ISO tự động máy sẽ tính toán cường độ sáng của môi trường và đề xuất một bộ giá trị ISO,shutter speed,f-stop sao cho độ sáng chỉ về giá trị 0. Lúc này bạn có thể điều chỉnh mức sáng của ảnh bằng cách nhấn nút AV +/- và vặn vòng quay -> máy sẽ tính toán và đưa ra một bộ ba ISO,shutter speed,f-stop mới.
Nếu bạn chọn một giá trị ISO cụ thể máy sẽ dựa vào giá trị ISO này để tính toán 2 giá trị còn lại.

Nếu chụp ở chế độ TV và ISO tự động thì máy sẽ dựa vào tốc độ chụp mà bạn đã chọn để tính ra f-stop và ISO sao cho ảnh đủ sáng (AV +/- == 0), nếu bạn cố định giá trị ISO thì chỉ còn f-stop thay đổi.
Như chúng ta đã biết ống kính có một độ mở tối đa và tối thiểu, ví dụ với ống EF 55mm f1.8. Thì độ mở tối đa là f1.8(mở to nhất) mà độ mở tối thiểu là 22. Vấn đề sẽ nảy sinh khi chúng ta chụp với tốc độ chậm (ví dụ 10 giây) trong môi trường nhiều ánh sáng với một ISO cố định => máy sẽ cố gắng khép khẩu (tăng f-stop) sao cho ảnh vửa đủ sáng tuy nhiên nếu ánh sáng quá nhiều thì dù máy đã khép khẩu tối đa thì ảnh vẫn thừa sáng. Giải pháp lúc này là giảm ISO xuống mức thấp nhất, lắp thêm kính lọc giảm sáng hoặc chấp nhận tăng tốc độ chụp lên.
Trong chế độ này, ở cùng một hoàn cảnh, càng tăng tốc độ chụp thì ISO càng tăng và độ mở ống kính càng tăng (f-stop giảm). Lý do là vì tốc độ chụp tăng=> ánh sáng vào ít=>ống kính mở to nhận nhận nhiếu ánh sáng hơn và ISO tăng để có thể cảm nhận ánh sáng tốt hơn. Nhằm đảm bảo cho ảnh đủ sáng

Tương tự như vậy, khi chụp ở chế độ AV, dựa vào f-stop mà chúng ta chọn, máy sẽ tính toán tốc độ chụp và ISO phù hợp.

Vậy M dùng để làm gì khi mà 3 chế độ trên đã là quá đủ? Không phải lúc nào máy cũng đoán được ý đồ của người chụp, do đó trong một số trường hợp người chụp phải điều khiển cả ba thông số trên nhằm ghi lại những bức ảnh theo đúng ý của mình.

3. Ngoài ánh sáng ba yếu tố trên còn ảnh hưởng gì đến bức ảnh
- ISO: ISO càng thấp thì cho ảnh càng mịn, ít nhiễu và ISO cao thì làm cho ảnh có nhiều hạt làm giảm chất lượng của ảnh. Do đó các cụ thường khuyên không nên xem máy ảnh cho phép ISO cao bao nhiêu mà nên xem ở các chế độ ISO cao, ảnh sẽ nhiễu như thế nào.
- F-stop: f-stop càng nhỏ thì độ sâu trường ảnh càng bị thu hẹp => các vật càng xa chủ thể được lấy nét càng mờ (xóa phông). Ngược lại f-stop càng lớn thì độ sâu trường ảnh càng được mở rộng => càng nhiều vật trong ảnh có độ nét cao (Chụp phong cảnh)
- Shutter speed: tốc độ chụp càng nhanh thì chủ thể càng sắc nét, nhất là các chủ thể đang chuyển động (chụp thể thao) ngược lại chụp ở tốc độ chậm hơn thì chủ thể sẽ bị giảm sắc nét và bị nhòe ở những vùng chuyển động (chụp nước chạy, đường xá vào buổi tối). Ngoài ra khi chụp ở tốc độ chậm, ảnh còn thường bị nhòe do máy bị rung khi người chụp cầm bằng tay. Vì vậy khi chụp ở tốc độ thấp, nên kê máy lên một vị trí chắc chắn hoặc dùng chân máy để giữ cho máy đứng yên.