Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
10/10/2023 07:10 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
Chuyện Con Mèo Dạy Hải Âu Bay (Luis Sepúlveda)


“Đây là những kẻ điên rồ, lạc lõng, phản kháng, đầy rắc rối, những cái chốt tròn trong những cái lỗ vuông… những người có cách nhìn khác biệt - họ không ưa luật lệ… Bạn có thể ám chỉ họ, không tán đồng với họ, vinh danh họ hoặc lăng mạ họ, nhưng điều duy nhất bạn không thể làm là lờ họ đi bởi vì họ thay đổi nhiều điều… họ thúc đẩy nhân loại tiến lên phía trước và trong khi một số người có thể thấy họ là điên rồ, chúng tôi thấy những thiên tài, bởi chỉ những người đủ điên rồ để nghĩ mình có thể thay đổi thế giới mới là những người thay đổi thế giới..” - Steve Jobs
Đây là câu chuyện của một con mèo mun, to đùng, mập ú của bến cảng Hamburg. Chuyện một con mèo khác biệt nhận nuôi một quả trứng hải âu và hành trình chỉ dạy con chim nhỏ tập bay. Một bài học quý giá về lời hứa, về sự chấp nhận, về tình yêu và về “những kẻ lạc loài”.  
 
Đôi nét về tác giả
Luis Sepúlveda là nhà văn, tác giả những tập thơ và truyện ngắn, nhà báo, đạo diễn và là nhà cách mạng nổi tiếng người Chile. 
Vào cuối thập niên 1980, Sepúlveda chinh phục giới văn học với tiểu thuyết đầu tay: “Lão già mê đọc truyện tình” - một câu chuyện kể về cuộc sống trước bao biến động bên dòng Amazon kỳ vĩ. Bắt đầu từ đó, sự nghiệp sáng tác ông phát triển không ngừng với nhiều tác phẩm giá trị, tiêu biểu có thể kể đến như “Hoa hồng sa mạc”, “Thế giới ở nơi tận cùng thế giới”,... hay quen thuộc nhất với độc giả Việt có lẽ là “Chuyện con mèo dạy hải âu bay”, tác phẩm dành cho thiếu nhi đầu tiên của ông. 
Với những câu chuyện thú vị và đầy ý nghĩa cho cả người lớn và trẻ nhỏ, Luis Sepúlveda được mệnh danh là người nghệ sĩ viết ngụ ngôn hiện đại.
Các tác phẩm của ông thường miêu tả cuộc sống đời thường với văn phong trong sáng, giản dị, hóm hỉnh và hài hước đầy tinh tế với những chiêm nghiệm sâu sắc. Có lẽ những năm tháng tuổi trẻ từng ngồi tù vì đấu tranh cách mạng, rong ruổi khắp Châu Âu đến tận Mỹ Latinh vì những hoạt động xã hội đã cho ông những trải nghiệm, kinh nghiệm quý báu. Là những cảm hứng và đề tài trong nhiều tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, như vấn đề môi trường ở Patagonia được đưa vào trong “Chuyện con mèo dạy hải âu bay”.
Đầu năm 2020, ông mắc COVID-19 và không may qua đời, kết thúc hành trình cống hiến không biết mệt mỏi của một con người vì nghệ thuật, vì xã hội và vì cuộc đời. 
 
Về cuốn sách
“ Một cuốn sách thực sự hay nên đọc trong tuổi trẻ, rồi đọc lại khi đã trưởng thành, và một nửa lúc tuổi già, giống như một tòa nhà đẹp nên được chiêm ngưỡng trong ánh bình minh, nắng trưa và ánh trăng.” - Robertson Davies
“Chuyện con mèo dạy hải âu bay” không chỉ là một cuốn sách của thiếu nhi, Luis Sepúlveda viết ra câu chuyện này với bề ngoài là “trẻ nhỏ”, ẩn sau đó là lời gửi gắm cho “người lớn” và những bài học dành cho “tất cả mọi người”. 
Bài viết này đề cập đến một hình ảnh mà mình nghĩ là giá trị cốt lõi của tác phẩm, đó sự “khác biệt” trong hai nhân vật chính của truyện, chú mèo Zorba và hải âu Lucky. Một con mèo mun trên hành trình nhận nuôi một quả trứng và chú chim hải âu nhỏ nghĩ mình là một con mèo. 
Câu chuyện bắt đầu khi Kengah - một cô hải âu trên hành trình vượt biển cùng đàn đến vịnh Biscay để đẻ trứng, đã vô tình dính vào lớp váng dầu từ hành động vô trách nhiệm của con người, thứ mà loài hải âu coi là “tử thần đen”. Biết mình không thể qua khỏi, bằng chút sức lực cuối cùng, Kengah đã cố gắng bay vào cảng Hamburg và rơi xuống ban công của con mèo mun to đùng, mập ú tên Zorba. Và trong giây phút cuối đời mình, cô hải âu đã sinh ra quả trứng và cầu xin Zorba giúp đỡ với ba lời hứa danh dự: “Không ăn quả trứng”, “Chăm lo cho quả trứng đến khi con chim non ra đời”, và điều cuối cùng, cũng là khó khăn nhất: “Dạy nó bay”. Thế là câu chuyện của Zorba đã kéo bầy mèo của Hamburg vào hành trình dạy một con chim nhỏ tập bay, nơi chúng ta học được những bài học vô cùng quý giá. Có đủ những khó khăn, thử thách, có tình yêu, sự thấu hiểu, cả cảm thông. Và sau cùng, con mèo khác biệt, đen đủi, rắc rối nhất của đàn lại là con mèo tử tế, dũng cảm, cao quý nhất, một con mèo của bến cảng, con mèo của Hamburg.
 
Những kẻ khác biệt và lạc loài
“Chỉ có một điều ở con có thể gây ra rắc rối. Trông các anh chị em của con đi, con trai. Con thấy tất cả chúng nó đều lông xám rồi chứ? Và lông của chúng đều có vằn như da hổ. Còn con, ngược lại, khi sinh ra đã đen từ đầu tới chân, chỉ trừ túm lông trắng dưới cằm. Có những người còn tin là mèo đen mang tới điềm xấu. Vì vậy, con trai, mẹ không muốn con ra khỏi giỏ.” 
Sinh ra là một cá thể khác biệt hoàn toàn so với đàn, Zorba trở thành nỗi lo lắng, một “điềm xấu” và rằng nó không nên ra khỏi cái giỏ vì nó quá khác biệt. Nhưng đâu có như anh chị em của mình, Zorba có niềm khao khát khám phá thế giới xung quanh, một đứa con không chịu nghe lời. Và cũng chính sự khác biệt ấy đã suýt giết chết nó nếu không có sự giúp đỡ của cậu nhóc mà sau này Zorba gọi là bạn. 
Để rồi khi nhận trách nhiệm nuôi dưỡng quả trứng, điều thật phi lý đối với một con mèo, Zorba lại lần nữa đối diện với sự khác biệt của bản thân mình. 
“Nó thấy thật kỳ cục. Nó nghĩ tới chuyện mình sẽ bị chọc ghẹo ra sao nếu hai con mèo vô lại vừa chạm mặt lúc sáng trông thấy nó lúc này.”
Luis Sepúlveda đã xây dựng hình tượng Zorba là một con mèo luôn có thứ gì đó khác lạ so với những sự thông thường, từ lúc sinh ra cho đến khi vô tình phải đảm nhận một trọng trách to lớn. Và với những người bình thường, những kẻ như Zorba cũng giống như con “cừu đen - Black Sheep”, những cá nhân bị cho là bất tuân và dị biệt với số đông. Những con cừu đen từ xưa đã bị coi là không có giá trị vì lông không thể nhuộm màu mà chỉ có thể bị làm thịt, như những người bị gắn cái mác này cũng thường được xem là không có ích cho gia đình và xã hội.
 
Ta cũng có thể dễ dàng bắt gặp những người này ở ngoài xã hội, những gã bị gọi là “điên” và “lạc loài”. Đúng là có thể họ khác biệt và đôi khi mang đến sự tiêu cực cho xã hội, nhưng đâu phải sự khác biệt nào cũng đều xấu, chẳng phải Galileo Galilei cùng với “thuyết nhật tâm” cũng là một ví dụ điển hình cho những con cừu đen đi ngược lại với đám đông hay sao. Học thuyết của Galileo Galilei vừa ra đời đã bị nhà thờ và Giáo hội phản bác, coi rằng học thuyết của ông là dị đoan, ông bị gọi ra trước tòa án dị giáo, bị kết án và ra lệnh bỏ tù. Để rồi cuối cùng câu nói của ông vẫn mãi là chân lý không thể thay đổi: “Dù sao Trái Đất vẫn quay!”. 
Nếu như những con người ấy sợ hãi định kiến của đám đông, sợ sự dị biệt của mình mà không dám đứng lên, thì liệu loài người chúng ta có thể phát triển như ngày nay được hay không? Chẳng phải ở một khía cạnh nào đó, chính những con cừu đen ấy đã tạo nên sự khác biệt thành công của riêng mình hay sao. Như mục sư Chris Hodges đã từng nói : “Bạn không thể tạo ra sự khác biệt trừ phi bạn khác biệt.”
Quay lại với câu chuyện của Zorba, có lẽ sự dị biệt từ khi còn là một đứa trẻ đã tạo cho Zorba động lực phải cố gắng, như khi nó tìm cách ra khỏi giỏ để lấy cái đầu cá thay vì như anh chị của mình vẫn còn đang cố bú mẹ. Và cũng chính vì thế mà nó có khả năng lắng nghe và thấu cảm đặc biệt với người khác. Như cái cách nhận nuôi Lucky, Zorba thấu cảm và vô cùng bao dung. Vì nó biết, Lucky không phải một con mèo, và Zorba cũng chẳng phải một con chim, mèo không thể sống như một con chim, mà chim thì không thể sống như mèo, một con chim phải “bay”. 
Với Lucky, một con hải âu nhỏ từ khi mổ vỡ lớp vỏ trứng cũng đã lạc lõng giữa bầy mèo và những kẻ luôn mỉa mai ở khắp nơi. Thậm chí nó còn tưởng mình là một con mèo. Lucky giống với Zorba ở chỗ cùng là kẻ dị biệt với đám đông xung quanh, nhưng lại có điểm khác ở cái cách nhìn nhận bản thân mình. Trong khi Zorba cố gắng chấp nhận vẻ ngoài và sự khác biệt của mình thì Lucky lại không nhìn vào bên trong mà chỉ nhìn vào mọi sự xung quanh để định hình lên bản thân, một con “cừu ngoan - Sheeple”. Một thuật ngữ miêu tả những hành vi bầy đàn thụ động, những người có tinh thần hùa theo số đông và không có chính kiến của riêng mình, dễ dàng bị kiểm soát bởi một quyền lực chi phối mà họ được ví như những con cừu, một con vật ngoan ngoãn dễ dàng bị chăn dắt mà thậm chí bản thân nó không hề nhận ra. Và làm một con cừu ngoan còn tệ hơn là một con cừu đen, không như Zorba, Lucky đã đánh mất bản chất thật, cố phủ nhận thực tế mình là một con chim hải âu, mà hải âu thì phải bay, cái việc khó khăn nhất nhưng cũng thiêng liêng nhất đối với một con chim nhỏ.
“Tại sao con lại phải bay?”
“Bởi vì con là hải âu, mà hải âu thì phải bay. Với bác thì thật là khủng khiếp, thật là khủng khiếp nếu con không nhận ra điều đó.”
“Nhưng con không thích bay. Và con cũng không thích làm hải âu, con muốn làm mèo, mà mèo thì không bay.”
 
Lời kết
“Chuyện con mèo dạy hải âu bay” thực sự là một trải nghiệm đáng giá. Đây không chỉ là một cuốn sách dành cho trẻ nhỏ mà có lẽ là dành cho tất cả mọi người, ở bất cứ độ tuổi nào cũng đều có thể có cho mình những bài học riêng. Có thể là về sự chấp nhận khác biệt, có thể là sự nỗ lực, cố gắng, tình yêu thương hoặc thậm chí chỉ đơn thuần thưởng thức cuốn sách thú vị này như một câu chuyện cho trẻ nhỏ thì cũng đã rất đáng giá rồi, dù theo cách này hay cách khác. 
Và những vần thơ của Bernardo Atxaga vang vọng trong tâm trí tôi:
“Nhưng những trái tim nhỏ bé
-Những trái tim của thần bay lượn-
Không khao khát gì hơn
Những cơn mưa hoang dại
Những cơn mưa mang lại luồng gió thổi
Những cơn mưa mang lại ánh mặt trời”
Hy vọng các bạn, những con “hải âu” lạc loài, những “con cừu” khác biệt, mãi mãi kiên định với cuộc đời của mình, băng qua hết tất thảy những cơn mưa đêm, bay lên cao, bay thật xa, đến nơi có nước, có gió và có ánh mặt trời .

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024