Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
22/09/2016 23:09 # 1
Vothoaitram
Cấp độ: 14 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 16/140 (11%)
Kĩ năng: 17/70 (24%)
Ngày gia nhập: 27/08/2015
Bài gởi: 926
Được cảm ơn: 227
Pháp luật tài chính, ngân hàng


Từ đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, sau khi Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Pháp lệnh Ngân hàng, Hợp tác xã tín dụng và các công ty tài chính có hiệu lực; chi nhánh, văn phòng đại diện của các ngân hàng nước ngoài được phép thành lập tại Việt Nam và các ngân hàng thương mại cổ phần cũng đã được thành lập. Trong năm 2004, Hiệp định Thương mại Song phương (BTA) được ký kết giữa Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và Việt Nam đã có tác động lớn đến hệ thống tài chính và ngân hàng của Việt Nam. Theo Hiệp định này, thị trường ngân hàng tài chính của Việt Nam sẽ từng bước được mở ra cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ gia nhập cho đến 2010, các tổ chức tài chính của Hoa Kỳ sẽ được đối xử bình đẳng như những tổ chức trong nước của Việt Nam. Năm 2007, Việt Nam đã gia nhập WTO và thực hiện lộ trình cam kết về dịch vụ bao gồm cả chứng khoán, ngân hàng và bảo hiểm. Đó là một điều kiện tốt cho thị trường tài chính nhưng cũng tạo ra một thách thức lớn đối với các tổ chức tài chính trong nước, đặc biệt là các ngân hàng thương mại.

Hệ thống ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đóng vai trò quản lý Nhà nước và giữ nhiệm vụ quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định tiền tệ và điều tiết thị trường tiền tệ. Sự ổn định được phân tích từ các khía cạnh của ổn định của giá cả trong nước, tỷ giá và hệ thống thanh toán. Thông thường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ thực hiện vai trò của mình thông qua các công cụ của chính sách tiền tệ và hoạt động kiểm tra, giám sát và điều tiết hoạt động ngân hàng. Ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đảm nhiệm vai trò của một ngân hàng trung ương, và vai trò đó ngày càng trở nên nổi bật trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu, đặc biệt là sau năm 2008.

Để đáp ứng được các thay đổi liên tục của nền kinh tế và duy trì sự ổn định trong hệ thống tài chính nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng, Việt Nam đã ban hành nhiều luật và các quy định trực tiếp điều chỉnh về các hoạt động của Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng khác. Theo Luật các tổ chức tín dụng: tổ chức tín dụng (bao gồm cả ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính quy mô nhỏ và quỹ tín dụng nhân dân), chi nhánh, đại diện văn phòng của tổ chức tín dụng nước ngoài và các tổ chức khác của nước ngoài thực hiện hoạt động ngân hàng sẽ áp dụng Luật Các tổ chức tín dụng.

Với mục đích điều hành hiệu quả nền kinh tế, cần có sự can thiệp của Chính phủ. Các công cụ chính để quản lý kinh tế của một quốc gia là chính sách kinh tế – tài chính, trong đó, các chính sách tiền tệ đóng một phần quan trọng đối với hệ thống tài chính kinh tế nhà nước. Chính sách tiền tệ bao gồm các ý kiến, hướng dẫn và các biện pháp của Nhà nước nhằm mục đích thực hiện và điều chỉnh các hoạt động tín dụng tiền tệ, ngân hàng và ngoại hối, thiết lập sự ổn định trong lưu thông tiền tệ và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

Để thực hiện chính sách tiền tệ hiệu quả như đã đề ra, Ngân hàng nhà nước đã sử dụng chính sách cụ thể được quy định như sau:

  • Tái cấp vốn: Tái cấp vốn là hình thức cấp tín dụng do Ngân hàng Nhà nước nhằm cung ứng vốn ngắn hạn và phương tiện thanh toán cho các tổ chức tín dụng dưới các hình thức sau đây: (i) Cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá; (ii) Chiết khấu giấy tờ có giá; và (iii) Các hình thức tái cấp vốn khác;
  • Lãi suất: Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cơ bản và các loại lãi suất khác để điều hành chính sách tiền tệ, chống cho vay nặng lãi. Trong trường hợp thị trường tiền tệ có diễn biến bất thường, Ngân hàng Nhà nước quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa các tổ chức tín dụng với nhau và với khách hàng, các quan hệ tín dụng khác;
  • Tỷ giá hối đoái: Tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam được hình thành trên cơ sở cung cầu ngoại tệ trên thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá hối đoái, quyết định chế độ tỷ giá, cơ chế điều hành tỷ giá;
  • Dự trữ bắt buộc: Dự trữ bắt buộc là số tiền mà tổ chức tín dụng phải gửi tại Ngân hàng Nhà nước để thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia. Ngân hàng Nhà nước quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với từng loại hình tổ chức tín dụng và từng loại tiền gửi tại tổ chức tín dụng nhằm thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.Ngân hàng Nhà nước quy định việc trả lãi đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc, tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc của từng loại hình tổ chức tín dụng đối với từng loại tiền gửi;
  • Nghiệp vụ thị trường mở: Ngân hàng Nhà nước thực hiện nghiệp vụ thị trường mở thông qua việc mua, bán giấy tờ có giá đối với tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước quy định loại giấy tờ có giá được phép giao dịch thông qua nghiệp vụ thị trường mở.

Một trong những chính sách đáng chú ý là việc mở cửa thị trường tài chính cho nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và thực hiện hoạt động ngân hàng. Đây không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức đối với các tổ chức tín dụng trong nước. Áp lực từ các khu vực ngân hàng nước ngoài là rất lớn vì vậy các ngân hàng nhỏ trong nước phải được đổi mới, nâng cao tính thanh khoản và thúc đẩy làn sóng mua bán và sáp nhập doanh nghiệp.

Nói chung, nhờ các chính sách tiền tệ, hệ thống ngân hàng đã hỗ trợ nền kinh tế – tài chính vượt qua nhiều khó khăn trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế cũng như khắc phục khủng hoảng tài chính để có được những thành tựu to lớn, đóng góp một phần lớn vào sự phát triển kinh tế của đất nước.



Không để nỗi sợ thành giới hạn bản thân

Facebook: Trâm Võ


 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024