Trước khi bắt đầu, tôi muốn hỏi các bạn một câu hỏi : Nếu bạn là một người đàn ông, thì khi phát hiện người yêu hay vợ mình không còn trinh tiết thì bạn sẽ phản ứng như thế nào ?
a. Coi đây là một điều không thể chấp nhận được, và đòi chia tay !
b. Tha thứ nhưng vẫn dằn vặt và không thể quên.
c. Coi như không có chuyện gì, cảm thông và sẻ chia với người mình yêu.
Nếu như sự lựa chọn của các bạn là a hoặc b, có nghĩa chữ trinh đối với bạn rât quan trọng. Đó là quan điểm và suy nghĩ của bạn, nhưng sau khi doc nhung dong sau, chắc hẳn các bạn sẽ có suy nghĩ khác, theo chiều hướng tích cực hơn, hãy thử nhé !
Có 1 câu chuyện…
Một người đàn ông sau khi phát hiện vợ mình đã không còn trinh tiết trước khi cưới anh, anh đã bị ám ảnh và mặc cảm quá nặng nề về điều đó nên đã quyết định ly dị vợ. Anh ta không chỉ ích kỷ mà còn quá cố chấp. Hành hạ, dằn vặt một người chỉ vì những lỗi lầm ở quá khứ, thì dù là đàn ông hay phụ nữ cũng khó có thể chấp nhận được. Cho dù vợ có lỡ "thất tiết" với ai đó trước anh ta thì anh ta cũng chẳng có quyền gì mà trách cứ,bởi lúc đó vợ anh ta có biết anh ta là ai và cũng có cam kết gì với anh ta đâu Chỉ có thể trách nếu như vợ anh ta "bắt cá hai tay", đã định lấy anh ta làm chồng rồi mà vẫn trao thân cho người khác trước khi cưới; hoặc sau khi lấy anh ta rồi mà vẫn có quan hệ ngoài luồng, nói văn vẻ là "ngoại tình".
Là phụ nữ, khi đi lấy chồng, chúng ta đã vui vẻ chấp nhận chia tay với cuộc sống độc thân thanh thản, rời xa mái nhà của cha mẹ để mang trên vai mình những trách nhiệm và gánh nặng với những người hoàn toàn xa lạ. Thay vì hầu hạ, chăm sóc cha mẹ, người đã sinh thành dưỡng dục chúng ta nên người, thì nay chúng ta tận tụy chăm sóc, yêu thương và hy sinh cho một người dưng mà chúng ta gọi là chồng; và sau đó là mang nặng đẻ đau ra hậu duệ của người đó nữa. Có lẽ nào điều đó không đáng để chúng ta được tôn trọng trong con mắt của người chồng hay sao?
Chỉ vì duy nhất một hành vi trong quá khứ - hành vi mà luật pháp không cấm đoán, tòa án không xét xử, kể cả tòa án lương tâm - mà người chồng tự cho mình cái quyền khinh rẻ vợ, hắt hủi vợ và cuối cùng là đòi ly dị. Tôi chưa thấy ở một xã hội văn minh nào trên thế giới mà người chồng đòi ly dị vợ chỉ vì cô ta không còn trinh trước khi cưới.
Tôi không cổ vũ cho lối sống phóng túng, quan hệ bừa bãi trước hôn nhân, nhưng chẳng lẽ đàn ông không có lý trí hay sao mà không phân biệt được vợ mình là hạng người nào. Chẳng lẽ chỉ cần quan hệ với hai người đàn ông trở lên là được liệt vào hàng... gái điếm hay sao chứ ? Nếu vậy, những cô gái chẳng may bị xâm hại, những người vợ góa hay những phụ nữ đã ly dị sẽ phải suốt đời bịt khăn đen, cúi mặt xuống khi ra đường và không được quyền lấy chồng nữa ? Xã hội văn minh đối xử với phụ nữ như thế sao ?
Ở đời, sống làm người cao thượng, nhân hậu và vị tha mới khó, chứ làm kẻ nhỏ nhen, hẹp lượng, đạo đức giả thì có khó gì ? Phụ nữ chúng tôi không cần những người đàn ông như vậy !
Đây chỉ là một trong hàng ngàn bi kịch của những người vợ đã bị chồng mình hắt hủi chỉ vì đã lỡ đánh mất trinh tiết, các bạn nghĩ hình phạt đó quá nặng nề ? Bạn có đồng cảm với người vợ của câu chuyện trên đây ?
Đề tài mà tôi đã chọn và thuyết trình hôm nay là : “Chữ trinh ngày nay có còn quan trọng ?”.Trong bài viết này, tôi chỉ đề cập đến những người phụ nữ không còn trinh tiết nhưng không phải họ không còn trinh tiết vì trong quá khứ họ có lối sống phóng túng, buông thả, các bạn nhé !
Còn kiểu phụ nữ còn lại thì tôi không có bình luận gì cả.Vì nếu trong quá khứ họ sống buông thả thì thật khó để họ có thể nhận được sự bao dung !
CHỮ TRINH NGÀY NAY CÓ CÒN QUAN TRỌNG ?
Theo tôi, trinh tiết không nói nên được bất cứ thông tin gì về người phụ nữ, đó là do các nguyên nhân sau :
Theo khía cạnh y học, màng trinh người phụ nữ cho đến tuổi trưởng thành có thể bị rách bởi nhiều nguyên nhân, thậm chí có những người sinh ra đã không có. Vì vậy, theo quan điểm coi trọng trinh tiết thì những người phụ nữ như vậy sẽ bị đánh giá thế nào đây?
Về vấn đề đạo đức, thì dù theo quan điểm xưa hay nay thì cũng đều chối bỏ những người phụ nữ lăng loàn, có lối sống buông thả. Tuy nhiên, chúng ta không nên đánh đồng những người phụ nữ không còn trinh tiết với loại phụ nữ này. Giá trị của người phụ nữ tại một thời điểm không phải ở chỗ họ còn trinh hay không mà là ở những hành động họ đang và sẽ thực hiện.Về mặt văn hóa và tôn giáo, người Việt Nam đều đề cao tính vị tha, “đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại”. Tuy nhiên, tôi lại thấy xót xa khi thấy những người phụ nữ bị xã hội khinh bạc, coi thường chỉ vì họ đã “trót hết mình” với ai đó.Thậm chí cả những người phụ nữ bị hãm hại cũng bị xã hội tiếng ra tiếng vào vì cho rằng cô ta phải thế nào mới bị hãm hại. Tại sao ở một quốc gia có nền văn hóa đề cao tính vị tha lại quá cay nghiệt trong những hoàn cảnh như vậy ? Đó chính là do sự quá quan trọng hóa, quá đề cao vấn đề trinh tiết của người phụ nữ.
Có phải “cái ngàn vàng” ?
Không thể phủ nhận sự trinh tiết của người phụ nữ là đáng quý trọng nhưng sự trinh tiết theo quan niệm người phụ nữ phải còn trinh nguyên khi về nhà chồng, cần được xem xét lại. Đạo đức, nhân cách của phụ nữ không thể chỉ được đánh giá qua cái màng trinh có tính chất sinh học, mà phải được đánh giá qua đức tính, lòng chung thủy của người phụ nữ. Không hiếm những phụ nữ trinh nguyên khi về nhà chồng, nhưng lại lăng loàn sau đó, thì sự trinh tiết ấy chẳng có ý nghĩa gì.
Người đàn ông vốn tham lam và ích kỷ. Không hiếm người tìm mọi cách đi mua trinh để “xả xui”, như trường hợp của ông Lương Quốc Dũng – nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban TDTT, nay đã ngồi tù với những cuộc mua bán bệnh hoạn đó, cái trinh mua được chẳng có ý nghĩa gì, chỉ làm cho nhân cách trở nên bẩn thỉu và rách nát. Tôi nhớ, trong một tác phẩm của mình, nhà văn G. Marquez mô tả người đàn ông ích kỷ làm ra chiếc khóa để khóa “chỗ ấy” của vợ mình khi ông đi xa. Những cái khóa kỳ quặc như vậy có từ thời trung cổ. Sự chung thủy của người phụ nữ chỉ hình thành từ tình yêu với người chồng, với người tình, cho nên dù có sáng tạo ra ổ khóa điện tử vô hiệu hóa mọi chìa khóa vạn năng, cũng không ngăn được người phụ nữ ngoại tình, nếu họ muốn !
Chữ trinh làm khổ người phụ nữ ngàn đời nay. “Nước vỏ lựu máu mào gà/ Mượn màu chiêu tập gọi là còn trinh” (Nguyễn Du), cho thấy từ thời ấy, người phụ nữ đã tìm cách “vá màng trinh” để đối phó ! Ngày nay, với kỹ thuật giải phẫu hiện đại, màng trinh dễ dàng được vá lại nguyên xi mà không phải trả đến “ngàn vàng”. Vậy “nước vỏ lựu” hay “máu mào gà”, hay “vá màng trinh” chỉ là hình thức. Bản chất sự trinh tiết của người phụ nữ không hoàn toàn nằm ở cái màng mỏng tang vô tri đó.
Có một câu chuyện về một cô gái bất hạnh, đây là những dòng tâm sự của cô ấy : “Tôi là một người phụ nữ không còn màng trinh mặc dù tôi chưa từng quan hệ tình dục. Nguyên nhân là do tôi bị bệnh... Tôi sẽ nói cho bạn nghe chuyện này : Tôi là một người phụ nữ không còn màng trinh mặc dù tôi chưa từng quan hệ tình dục.
Tôi thực sự không biết giải thích với chồng tương lai của mình như thế nào (nếu anh ấy có cùng quan điểm khắt khe về trinh tiết) khi ngay lần đầu tiên quan hệ, tôi không có chút máu nào. Bởi tôi đã từng mắc bệnh nhiễm khuẩn qua đường tình dục do dùng nước bẩn, và do cơ quan sinh dục của tôi quá nhạy cảm, dễ bị viêm nhiễm, nấm (các bạn tôi dùng nước đó nhưng không bị mắc bệnh). Tôi đã phải dùng thuốc đặt vào âm đạo.
Vậy là tôi phải chấp nhận hy sinh một thứ : màng trinh. Tôi phải chữa khỏi bệnh để đổi lấy thiên chức làm mẹ sau này đấy bạn ạ. Vậy những người như tôi cũng bị cho là không đứng đắn, đáng khinh bỉ hay sao?”
Màng bảo vệ hay là sự bất công đối với phụ nữ ?
Người phụ nữ bị phân biệt đối xử từ bàn tay của tạo hóa khi cấu tạo cơ thể họ có cái màng trinh mỏng manh. Cái màng trinh ấy như một hàng rào bảo vệ hữu hình, vừa gây ra những bi kịch mà người phụ nữ phải gánh chịu.
Có thể nói rằng con người là một sản phẩm diệu kỳ của tạo hóa. Trong cấu tạo cơ thể của con người cũng có những đặc điểm kỳ diệu khác, trong đó có “cái ngàn vàng” của người phụ nữ – màng trinh.
Ở đây tôi không đề cập về màng trinh ở góc độ giải phẫu cơ thể học, chỉ đề cập đến góc độ xã hội – đạo đức. Ở góc độ đó, màng trinh giống như sự bảo vệ vô hình mà hữu hình, giúp người phụ nữ sống chừng mực, khó vượt qua giới hạn cho phép, để bảo vệ sự trong sạch của mình và chỉ trao nó cho người đàn ông đã là chồng mình. Không hiếm các tình tiết như trong tiểu thuyết, không ít trường hợp người con gái bật khóc sau khi đã đánh mất “cái ngàn vàng”. Đó là những giọt nước mắt âu lo, không biết người đàn ông đó sau khi “đã tỏ đường đi lối về”, có muốn lấy mình làm vợ hay không ?
Cái màng bảo vệ vô hình mà hữu hình ấy vừa là hàng rào bảo vệ đạo đức (theo quan niệm truyền thống) vừa là nỗi khổ đau của người phụ nữ. Tạo hóa cũng thật “khắc nghiệt” với người phụ nữ, vì với người đàn ông lại không có gì làm dấu tích bảo vệ ấy ! Và như thế, chỉ có người đàn ông mới được quyền phán xét người phụ nữ còn trinh hay mất trinh, đặc biệt với những người đàn ông phương Đông. Do đó, người phụ nữ thường tự bảo vệ trinh tiết của mình, cho đến khi về nhà chồng. Không hiếm những bi kịch xảy ra sau đó, khi người chồng phát hiện vợ mình không còn con gái. Có người đàn ông ích kỷ tìm cách trả thù vợ vì đã đánh mất “cái ngàn vàng” bằng nhiều cách. Đó cũng là hình thức bạo hành gia đình, sự đày đọa tinh thần cũng như thể xác bất công mà người phụ nữ phải hứng chịu. Hầu như nhiều người đàn ông không dễ chấp nhận sự mất mát đó, dù người vợ có thể bị mất trinh khi lao động nặng nhọc, do tập thể dục thể thao nặng, do bị lạm dụng tình dục khi còn bé, và cả do cấu tạo của cơ thể (màng trinh mỏng tang hoặc co dãn...).
Nếu đàn ông có màng trinh, bao nhiêu người sẽ giữ được?
Tại sao khi phê phán phụ nữ, những người đàn ông không thử đặt ra một câu hỏi đơn giản thế này thôi : Nếu như tạo hóa thay vì trao cái màng trinh cho phụ nữ, mà trao màng trinh cho đàn ông thì sao nhỉ ? Bao nhiêu người đàn ông sẽ giữ gìn được tấm màng mỏng manh đó cho đến ngày họ lấy vợ ?
Và nếu phụ lại cũng có quan điểm quá gay gắt về vấn đề trinh tiết đó, phụ nữ chỉ kiên quyết chọn một người đàn ông còn trinh tiết để lấy làm chồng thì đàn ông khi đó sẽ nghĩ sao ?
Khi đó đàn ông có còn coi trọng vấn đề trinh tiết như bây giờ không ? Tôi đoán phần lớn câu trả lời sẽ là không, thay vào đó sẽ là phụ nữ nên bao dung và độ lượng.
Đàn ông gay gắt, vì cái màng trinh đó nó không có trong cơ thể của họ. Đàn ông không chịu đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để có được cái nhìn bao dung.
Tôi không đòi hỏi quá nhiều sự cao thượng ở đàn ông đâu, vì tôi biết ai cũng có những ích kỷ của bản thân. Nhưng tôi chỉ mong những người đàn ông, trước khi lên án phụ nữ, hãy thử một lần đặt mình vào hoàn cảnh của chúng tôi mà suy ngẫm xem chúng tôi có đang bị lên án đến mức đó không ?
Tôi nhận thấy lí do đàn ông lên án người phụ nữ không còn trinh tiết là vì họ cho rằng những người phụ nữ đó, họ khó có thể trở thành một người vợ tốt, một người mẹ mẫu mực. Nhưng thú thực, tôi rất chăm chỉ đọc sách báo, nhưng tôi chưa bao giờ thấy có một đề tài khoa học nào nghiên cứu, chứng minh được rằng phụ nữ nếu đánh mất trinh tiết trước hôn nhân thì khó có thể là một người vợ tốt, một người mẹ tốt được !
Các bạn có biết tuổi kết hôn trung bình của phụ nữ ngày xưa là bao nhiêu không nhỉ? Thôi thì tôi tạm trả lời bằng một câu nói (hay một câu thơ) của ngươì xưa nhé!
"Lấy chồng từ thủa mười ba
Đến năm mười tám em đà năm con"
Các bạn chắc cũng có lúc nghe người bà, hay thậm chí người mẹ của mình nói rằng họ lấy chồng năm bao nhiêu tuổi nhỉ ? Thời trước, có người phụ nữ lấy chồng khi họ mới bắt đầu dậy thì, họ làm vợ, làm mẹ khi chưa đến hai mươi tuổi.
Khi đó họ còn chưa kịp cảm nhận thế nào là tình yêu, biết được thế nào là những ham muốn. Lúc đó, chuẩn mực phụ nữ phải còn trinh hình thành và tôi cũng đồng ý rằng trong thời điểm đó, cái nhận xét phụ nữ phải còn trinh mới là người phụ nữ tốt thì hợp thời và hầu như chính xác đến 100%.
Còn tuổi kết hôn của phụ nữ và đàn ông thời nay là bao nhiêu ? Chắc qua sách vở, báo đài các bạn cũng biết phải không ?
Khi ta lớn lên, cơ thể dậy thì, bản năng tự nhiên trong ta bắt đầu xuất hiện những tò mò, ham muốn. Có ai dám nói trong cơ thể tôi không tồn tại phần con đó không ? Và rằng khi ở bên người tôi yêu, tôi không ham muốn, không khát khao ?
Phụ nữ chúng tôi cũng có trong mình phần "con" đó như đàn ông thôi ! Nhưng chắc chắn những người phụ nữ chúng tôi vẫn sẽ cố gắng giữ gìn cái tấm màng mỏng manh đó ! Cố gắng hết sức mình, cố gắng đến khi nào chúng tôi có thể !
Nhưng có phải là độc ác và cứng nhắc quá ko khi đàn ông cứ mang một tấm áo cũ đã chật ních ra để bắt một thân thể đang lớn phải mặc ? Dù biết tấm áo cũ đó đẹp và cao quý, nhưng nó đã ko vừa nữa rồi ! Nên chăng ta hãy may cho thân thể ấy một tấm áo mới vừa vặn hơn. Cũng như đàn ông hãy nên dành cho phụ nữ thời nay một tấm lòng bao dung hơn.
Đàn ông có suy nghĩ gay gắt thế chứ gay gắt nữa thì tôi tin phụ nữ chúng tôi cũng vẫn sẽ làm những điều mà chúng tôi cho là đúng, là xứng đáng. Thời nay chúng tôi không còn sống phụ thuộc vào đàn ông nữa.
Còn nếu đàn ông cho rằng nếu họ có suy nghĩ độ lượng hơn thì họ sẽ khiến cho phụ nữ chúng tôi sống buông thả thì họ nhầm rồi vì chúng tôi đã, đang và sẽ vẫn luôn hiểu điều gì xứng đáng được giữ gìn.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, vấn đề bình đẳng nam nữ đang được đề cao, và cũng là vấn đề được tranh cãi rất nhiều. Theo quan điểm của tôi, để bình đẳng nam nữ thì cái đầu tiên và quan trọng nhất là sự đánh giá của nam và nữ phải đồng nhất, tức là khi đánh giá một con người thì không nên phân biệt đó là nam hay nữ mà đơn giản đó chỉ là một thực thể và có một tập các quan niệm đánh giá cho thực thể đó.
Theo quan điểm như vậy, nếu chúng ta lấy trinh tiết để đánh giá về người phụ nữ thì chúng ta cũng phải lấy một cái gì đó tương ứng để đánh giá về người đàn ông. Tức là, nếu xã hội coi thường những người phụ nữ mất trinh mà chưa lập gia đình thì cũng phải coi thường những người đàn ông chưa có vợ mà đã “từng trải”. Do vế sau không xảy ra nên chúng ta không nên lấy trinh tiết để để đánh giá người phụ nữ. Được như vậy thì mới đảm bảo được một khía cạnh của vấn đề bình đẳng giữa nam và nữ.
Cuối cùng, theo quan điểm của tôi, tất cả kỳ thị của xã hội dành cho những người phụ nữ không còn trinh là bắt nguồn từ một quan niệm sai lầm. Rất nhiều người đã đánh đồng trinh tiết với đạo đức của người con gái. Đạo đức là một khái niệm trừu tượng, trong khi đó trinh tiết (gắn liền với màng trinh) là một khái niệm cụ thể. Đạo đức là một khái niệm rộng, phức tạp, nhiều yếu tố, còn màng trinh là một khái niệm hẹp, không ổn định (bởi vì có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến người phụ nữ không có hoặc còn màng trinh).
Việc so sánh hai khái niệm trên với nhau đã là khập khiễng, nói chi đến việc đánh đồng chúng. Chính vì sự đánh đồng như vậy nên mới có quan niệm “chữ trinh đáng giá ngàn vàng” vì thực tế chỉ có đạo đức của người phụ nữ mới có giá trị như thế. Do vậy, quan niệm trinh tiết đã đè nặng lên vai người phụ nữ từ xưa đến nay.
Cái đáng giá ngàn vàng của người phụ nữ, không phải là màng trinh, mà chính là sự chung thủy : chung thủy trong tình yêu, chung thủy trong cuộc sống vợ chồng. Sự chung thủy như thế nào tùy nền văn hóa của mỗi dân tộc, tùy truyền thống gia đình, tùy quan niệm của bản thân, và quan trọng hơn cả, tùy thuộc vào người yêu hoặc người chồng mà ta đang quan hệ.
Tôi viết những dòng này không phải để ủng hộ lối sống tha hóa, buông thả. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng chúng ta hãy đánh giá đúng đắn về người phụ nữ, đừng vì một khía cạnh quá nhỏ bé mà chối bỏ một con người. Tôi mong những người đàn ông khác đừng vì chữ trinh mà tỏ ra coi thường, chối bỏ, thậm chí là thông cảm hay tha thứ, đơn giản là do chữ trinh không nói nên được bất cứ thông tin nào về người phụ nữ. Hãy có cái nhìn đúng đắn về những người phụ nữ, hãy đánh giá theo đúng những gì họ có ! Có như vậy, chúng ta mới thực sự giải phóng phụ nữ.
Người phụ nữ Việt Nam vốn nổi tiếng về lòng chung thủy. Đó là đức tính tốt, là truyền thống tốt đẹp có từ bao đời nay. Sự chung thủy, hết lòng lo cho chồng cho con. Đó mới là tiết hạnh của người phụ nữ hiện đại, chứ không phải việc còn trinh hay mất trinh. Tất nhiên chúng ta không cổ vũ lối sống buông thả, xem thường trinh tiết; không cổ vũ người phụ nữ phải “trải nghiệm” trước khi về nhà chồng, nhưng không thể chỉ coi lấy việc còn hay mất trinh làm thước đo đức hạnh.
Người đàn ông luôn trân trọng người phụ nữ đầu tiên của riêng mình nhưng tại sao khi yêu họ lại không biết giữ gìn cho phái nữ. Nếu bị từ chối người con trai kia sẽ hờn giận, sẽ trách bạn gái mình không yêu, nếu yêu thì phải cho tất cả những gì mình có.
Tại sao họ lại cho rằng cái gì thuộc về họ đều phải do họ là người đầu tiên khám phá ? Chúng tôi, những người phụ nữ, cũng muốn người bạn trai, bạn đời ấy cũng chỉ của riêng mình. Thời đại ngày nay phụ nữ và đàn ông đều có quyền bình đẳng như nhau, tôi mong quý ông nên xem lại cách suy nghĩ của mình khi đánh giá chị em phụ nữ chúng tôi.