Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
19/12/2022 20:12 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
Cô đơn có đáng sợ?


Nếu trước kia, việc đi ăn một mình có thể khiến chúng ta ngại ngùng thì giờ nó đang được dự đoán sẽ trở thành xu hướng. Ohitorisama - thuật ngữ của Nhật, chỉ xu hướng làm việc và tận hưởng mọi thứ một mình không cần bạn đồng hành. Bạn có thể nhận biết được một người theo đuổi lối sống Ohitorisama (người Việt mình gọi là solo) bằng các dấu hiệu như đi ăn một mình, cafe một mình, du lịch một mình hoặc xem phim một mình. Tuy nhiên, Ohitorisama cũng gây tranh cãi vì đi ngược với văn hóa tập thể của đa số các nước phương Đông. Và khi làm việc gì đó một mình, bạn sẽ nhận được các câu hỏi như thế này: “Sống thế có cô đơn không?” hoặc “Cẩn thận không trầm cảm đấy!”.

Mình hay gọi tháng 12 là tháng của lễ hội và những buổi tiệc tùng. Trong những dịp lễ - thời điểm mọi người quây quần bên người thương; những người độc thân trở nên  cô độc và đáng thương trong mắt người khác. Tuy nhiên, không gì đáng sợ bằng chính bản thân chúng ta sợ hãi sự cô đơn của mình. Những lúc như vậy, ta dễ đưa ra các quyết định sai lầm: gọi điện cho người cũ, đồng ý ở bên một người mình không yêu, chìm vào bia rượu hoặc dành cả ngày xem Netflix… Tất cả đều nhằm quên đi sự trống rỗng bên trong.

Nhưng cô đơn là chương trình đã được cài đặt mặc định trong tất cả chúng ta và không ai có thể xóa bỏ.

Hãy thử trả lời những câu hỏi sau:

- Người ở bên lần đầu tiên bạn cảm thấy cô đơn và lần gần nhất bạn cô đơn có phải một không?

- Bạn có bao giờ cô đơn khi ở một mình không?

- Bạn có bao giờ cô đơn ở giữa nơi đông người không?

Mình tin rằng với đa số mọi người, đáp án cho câu hỏi đầu tiên sẽ là “Không” và hai câu sau là “Có”. Cô đơn xuất hiện bất kể bạn đang ở với ai, ở một mình hay với nhiều người. Việc sử dụng chất kích thích hoặc tìm đến người khác có thể giúp bạn chạy trốn nỗi cô đơn trong thời gian ngắn. Nhưng sau đó, khi chỉ còn lại một mình, nó sẽ lại tìm đến bạn với mức độ nặng hơn nhiều.

Cô đơn thực ra cũng giống như niềm vui, nó là một trạng thái cảm xúc. Nếu khi vui, bạn ngồi đó và tận hưởng, thì hãy đối xử như vậy với nỗi cô đơn. Giống như tất cả mọi thứ trên đời, nó đến rồi nó sẽ đi. Nếu biết làm bạn với cô đơn, bạn sẽ chữa lành được những tổn thương trong quá khứ và tìm thấy đáp án của rất nhiều câu hỏi mà bạn thắc mắc về bản thân mình.

Sức mạnh của nỗi cô đơn

1. Cô đơn khiến bạn nhận ra hạnh phúc thật sự đến từ bên trong.

Chúng ta dành cả cuộc đời, cố gắng đạt được tiền bạc, vật chất hoặc một người bạn đời hoàn hảo vì ta tin rằng chỉ cần có những thứ đó, ta sẽ đạt được hạnh phúc.

Trong tâm lý học có một thuật ngữ gọi là vòng xoáy khoái lạc (hedonic treadmill) - diễn tả hiện tượng hạnh phúc mà con người có được khi gặt hái một thành tựu nào đó, sẽ biến mất theo thời gian. Niềm vui sau khi kết hôn hoặc sự thỏa mãn khi được thăng chức sẽ phai nhạt sau một khoảng thời gian nhất định. Bởi vì chúng ta thích ứng với hoàn cảnh mới rất nhanh, đặc biệt là những hoàn cảnh thoải mái và dễ chịu. Ta cho rằng những gì mình có là đương nhiên phải thế và liên tục tìm kiếm những thứ bên ngoài để trải nghiệm sự thỏa mãn thêm lần nữa.

Chúng ta giống con cừu trong một bầy cừu, đuổi theo thứ mà người chăn cừu nói rằng chỉ cần có được, ta sẽ hạnh phúc. Ta chạy vì những con cừu khác cũng chạy. Do đó, tách khỏi bầy đàn và ở một mình sẽ là cơ hội giúp bạn nhận ra: hạnh phúc là một lựa chọn. Chấp nhận và biết ơn những gì mình có ở thời điểm hiện tại, không ghen tị với những người xung quanh là một bài tập mang lại hạnh phúc và bình yên.

2. Cô đơn giúp bạn tách rời khỏi suy nghĩ của tập thể và có những quan điểm đa chiều hơn.

Khi giao tiếp với mọi người, chúng ta dễ dàng bị cuốn theo ý thức và quan điểm của một tập thể. Ta tiếp xúc với những luồng thông tin chưa được kiểm chứng và truyền lại cho người khác như thể chúng là của mình. Hơn nữa, chúng ta có xu hướng chỉ tiếp nhận những kiến thức đã có sẵn trong bộ nhớ và lờ đi những quan điểm trái ngược. Ta tìm đến những người có chung niềm tin để củng cố hệ tư tưởng của mình.

Thế nhưng không có quan điểm nào là đúng hoàn toàn. Nó có thể chính xác tại thời điểm này và với người này, nhưng lại sai lầm khi áp dụng vào người khác tại thời điểm khác. Ở một mình sẽ giúp bạn suy ngẫm lại những điều bạn từng cho là hiển nhiên, nghi ngờ niềm tin mà bạn từng xây dựng. Đây là cách để bạn không ngừng phát triển và có cái nhìn đa chiều hơn về cuộc sống và thế giới xung quanh.

3. Cô đơn giúp bạn hiểu rõ hơn về bản thân mình.

Sống giữa tập thể dễ khiến bạn xao nhãng. Những lời bình luận trên mạng xã hội, tin nhắn và cuộc gọi của người khác, những buổi họp liên miên và các cuộc nhậu nhẹt kéo bạn đi theo guồng quay tất bật của cuộc sống mà quên mất tìm về thế giới bên trong. Không hiểu mình là ai, mình muốn gì và cần gì, thậm chí không hiểu sống để làm gì mới là nguyên nhân thật sự khiến bạn cô đơn và lạc lõng, chứ không phải vì không có ai bên cạnh.

Trở về với cô đơn, bạn sẽ có cơ hội đánh giá và nhìn nhận lại bản thân. Bạn hay phản ứng như thế nào khi tức giận, điều gì khiến bạn buồn, thứ gì làm bạn vui? Bạn thật sự muốn làm gì với cuộc đời mình? Những câu hỏi này, bạn không thể tìm được đáp án nơi người khác. 

Có lẽ đây là lý do mà ngày càng nhiều người trẻ lựa chọn đi du lịch một mình sau khi nghỉ việc. Hoặc về quê nuôi cá trồng rau. Hoặc luyện tập thiền định hàng ngày. Hoặc đơn giản, chỉ cần bạn dành ra một ngày chẳng làm gì cả. Mục đích của những việc này là để bạn tắt hết những thứ khiến bạn phân tâm ở thế giới bên ngoài và thực sự đối diện với bản thân. Hơn nữa, khi cảm thấy thoải mái với việc ở một mình, bạn sẽ không bị phụ thuộc và dựa dẫm vào người khác - những người có thể rời bỏ bạn vào bất cứ lúc nào.

4. Cô đơn giúp bạn tìm thấy một nửa hoàn hảo của riêng mình.

Rất nhiều người không dám bước ra khỏi một mối quan hệ toxic chỉ vì sợ ở một mình. Tuy nhiên, khi ở trạng thái “cần ai đó để cảm thấy hạnh phúc”, bạn sẽ rơi vào đau khổ. Bởi bạn không thể chắc chắn tìm được người sẽ ở bên mình cả đời hoặc dành cho bạn thứ tình cảm không bao giờ thay đổi. Cuộc sống luôn tràn ngập những điều khó đoán. 

Như một nghịch lý, bạn chỉ có được các mối quan hệ hoàn hảo nếu bạn hài lòng với trạng thái độc thân của mình. Chỉ khi biết đối xử với bản thân một cách yêu thương và trân trọng, bạn mới tìm được người yêu thương bạn. Và bạn chỉ có thể học cách yêu thương người khác nếu biết yêu thương bản thân mình.

Btw, mặc dù chúc hơi sớm nhưng Giáng sinh vui vẻ nhé. ^^




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024