Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
08/12/2022 23:12 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
Viết cho thời tuổi trẻ của tôi!


Thời tuổi trẻ của tôi ư, nghe như tôi đã già, không đâu, tôi vẫn còn trẻ lắm, tôi mới hai mươi sáu.Tôi không viết cho tuổi trẻ đã qua, là tôi viết cho tuổi trẻ của chính mình bây giờ và cho những năm tháng tuổi trẻ sôi nổi sẽ đến.

“Lòng ta hằng mong muốn và ước mơ      

Bàn tay son sắt giương cao ngọn cờ      

Để ngàn đời bền vững Tổ quốc ta      

Trời cao muôn vì sao chói loà      

Dù sương gió tuyết rơi      

Dù vắng ngôi sao giữa trời      

Hoà trái tim với tiếng ca      

Thúc ta nhịp chân bước đường xa.      

Còn chân, còn nhịp bước, còn tiến lên      

Còn đôi mắt sáng ta đâu chịu hèn.      

Ngực còn đập theo tiếng nhịp sống chung      

Bền gan ta cùng đi tới cùng.”

Trích bài hát “Thời thanh niên sôi nổi”

Khi đọc được những lời lẽ ấy, khi đang cầm trên tay cuốn Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, tôi bỗng nghĩ ngợi nhiều về tuổi trẻ của mình, tuổi trẻ của thời đại tôi.

“ Thời thanh niên sổi nổi” hay Kiên của Nỗi buồn chiến tranh, là đại diện của một thế hệ thanh niên thấm đượm tinh thần vệ quốc, bài hát là của thanh niên Liên Xô, còn Kiên là đại diện của thế hệ thanh niên Việt Nam dưới bom đạn chiến tranh nhằm thống nhất đất nước, thế hệ thanh niên sẵn sàng xếp lại bút nghiên, xếp lại tình yêu của tuổi trẻ, sẵn sàng lao vào nơi máu sẽ đổ để giữ gìn mảnh đất quê hương.

Thời thế đã đổi thay, nay là những ngày tháng của hòa bình, những âm thanh mỗi ngày bây giờ không còn là tiếng gầm rú của máy bay, tiếng ầm ĩ của bom đạn hay tiếng hô xung trận nữa, mà thay vào đó là tiếng của công việc, của còi xe, của nhạc, của tiếng cãi vã. Tuổi trẻ giờ đây dường như chọn cho mình một con đường cũng thật khó, vì còn đâu nữa sự thôi thúc của niềm tự hào, còn đâu nữa cái ý chí của thời đại trước. Chúng ta chẳng ai lại mong quay về chiến tranh nữa, nhưng không có nghĩa là ta được phép lãng quên nó, nhất là với những người trẻ tuổi, vì ở đó, ta biết được tuổi trẻ phải sống sôi nổi như thế nào.

Nếu chỉ nhìn vào vấn đề số tuổi, có lẽ tôi sắp đi hết tuổi trẻ của mình rồi.

Tuổi trẻ của tôi có sôi nổi không, nếu sôi nổi là ồn ào thì nó không hề sôi nổi chút nào. Tuổi trẻ của tôi sôi nổi theo một cách khác lạ, hoặc là tôi dùng sự khác lạ để ngụy biện cho một tuổi trẻ tầm thường của mình.

“ Hãy dừng lại người qua đường mà tôi không quen.

  Tôi nhìn bạn và có một điều gì đó ngờ ngợ, hình như tôi đã gặp bạn ở đâu đó rồi.

  Không. Bạn chính là tôi, chỉ có điều khi đó tôi còn rất trẻ, cũng trẻ như bạn bây giờ.”

Trích bài hát “Một thời tuổi trẻ của chúng ta”

Khi tuổi trẻ sắp đi hết, tôi vẫn băn khoăn về sự sôi nổi của riêng mình. Sự sôi nổi của một định mệnh riêng biệt. Tôi tin rằng mình mang một định mệnh đặc biệt, một định mệnh gắn liền với sự phát triển của đất nước tôi, nếu tôi không hoàn thành định mệnh ấy, cuộc đời tôi là sự thất bại ê chề, nếu tôi hoàn thành định mệnh ấy, tôi đã hoàn thành một cuộc đời, chỉ thế thôi.

Tuổi trẻ của mỗi người ở đâu đó chừng mười tám đến độ tuổi tôi bây giờ, một độ tuổi sẽ phải bỏ lại sự sôi nổi, thay vào đó là sự điềm tĩnh, sự trưởng thành và ổn định. Sôi nổi dường như là một cái gì đó của riêng tuổi trẻ mà thôi, sôi nổi là một đặc ân của tuổi trẻ, bạn được phép sôi nổi khi bạn còn trẻ, vậy thế nào là tuổi trẻ sôi nổi. Trả lời được câu hỏi ấy, tôi sẽ có thể trả lời cho chính mình rằng tuổi trẻ của tôi có sôi nổi hay không.

Thời đại này, những năm tháng của thời đại “cá tính” thì việc xem tuổi trẻ của ai là sôi nổi cũng thật khó khăn. Nếu là vậy, tôi sẽ làm theo cách dễ dàng hơn, đó là khẳng định tuổi trẻ của tôi là sôi nổi và đi tìm những bằng chứng để chứng minh cho luận điểm ấy, vậy thôi.

Tôi đã có một tuổi trẻ sôi nổi!

Mười tám tuổi, từ vùng quê cao nguyên tôi bước chân đến thành phố nhộn nhịp, bỡ ngõ, ngạc nhiên và hào hứng, cuộc đời sinh viên và những năm tháng xa nhà của tôi bắt đầu bằng việc mua một cuốn sách bên đường, có lẽ là một cuốn sách lịch sử, tôi đã quên nó rồi. Với tôi lúc đó, thời sinh viên là phải có : làm thêm, bạn bè, sách và tình yêu. Với tôi, đó chính là thời sinh viên sôi nổi, và tôi đã bước qua nó như tôi đã dự định, và nó cũng đã dẫn lối cuộc đời tôi đến hôm nay.

Trong bốn thứ ấy, cả bốn đều thay đổi tôi một cách mạnh mẽ, nó làm tôi trưởng thành lên trong suy nghĩ, trong tư duy, trong cách nhìn nhận cuộc sống, trong cách yêu thương con người, nó vẽ lên trong tôi bức tranh về xã hội rộng lớn này. Nhưng tôi sẽ không khó khăn gì để chọn ra thứ đã làm tôi thay đổi nhiều nhất, sách, chính là nó.

Sách.

Những cuốn sách đầu tiên tôi đọc, ôi trời, những cuốn tiểu thuyết của Mỹ bán đầy ở các cửa hàng sách cũ, những cuốn sách đầy nhục dục, đầy đắn đo, đầy sự mâu thuẫn, bối cảnh chật chội của thành phố đông nghẹt. Nhưng cũng từ trong ấy, tôi nhìn ra những góc cạnh của xã hội, những cuộc cạnh tranh giữa người với người, giữa lý trí và cảm xúc, những lằn ranh của đạo đức và hơn thế, nó cho tôi sự tò mò về thế giới mà trước hết là nước Mỹ vĩ đại, cường quốc về kinh tế và cường quốc của sự xung đột các hệ giá trị.

Những ngày bé nghèo khó không được đọc, không có tiền mua truyện, mua sách, tôi đã mong thật nhanh để được là sinh viên, để được bước chân vào các thư viện bao la chỉ có sách, và thời sinh viên của tôi đã chìm đắm trong ấy. Tiếp sau những cuốn tiểu thuyết là những cuốn truyện của Nguyễn Nhật Ánh đầy cuốn hút, nó mang tôi về những ngày thơ bé ở vùng quê xa, những suy nghĩ ngây thơ mà to lớn của thời bé, những khung cảnh và suy nghĩ mà rồi đây sẽ không còn nữa. Cứ thế, những cuốn sách đưa tôi đi hết từ vùng trời này đến vùng trời khác của tri thức và nghệ thuật, có những ngày tôi chìm đắm trong sự hào hùng và bi đát của xã hội Nga, có ngày lại ưu tư trong sự phức tạp mà thông thái của thế giới triết học, khi lại vùng vẫy trong tầng tầng lớp lớp của tâm lý con người, khi lại bừng bừng lửa sống trong những cuốn sách hoàn thiện bản thân. Chính thế, sách gợi mở, sách đưa tôi đi từ miền đất nép mình ở Biển Đông đến thế giới của quốc gia lớn nhất thế giới, băng qua Thái Bình Dương đến với cường quốc Mỹ giàu có, băng qua Đại Tây Dương đến với mảnh đất của văn minh và các triết gia thông thái.

Làm thêm.

Đầu tiên là trang trải trí phí, sau đó là trải nghiệm cuộc sống, đó chính là lý do mà làm thêm được tôi xem là một trong bốn điều phải có ở thời đại học, nó đã không phụ lòng tôi. Một tháng sau khi đặt chân đến “miền đất hứa” tôi bắt đầu công việc làm thêm đầu tiên, phụ bàn tại một quán nhậu lớn, khi ấy tôi mười bảy tuổi mười tháng.

Ở đấy, lần đầu tiên chứng kiến những con người cùng một bàn nhậu, họ vui vẻ cười nói với nhau, anh anh em em, rồi họ quay ra phang những chai bia, những cái ghế vào nhau, họ lạnh lùng nhìn nhau đổ máu, họ chà đạp lên kẻ đã nằm bất động dưới đất, người trước đó từng cười vui với họ, cùng họ cạn những ly bia mát lạnh.

Ở đó, lần đầu tiên tôi thấy mọi người cãi nhau vì một bữa ăn, nhân viên phàn nàn với quản lý về việc bữa ăn chiều không đảm bảo, toàn những món dư thừa của khách từ sáng, rồi họ dùng những lời lẽ tục tĩu để nói với nhau, rồi cô nhân viên ấy hôm sau không còn xuất hiện nữa, bữa ăn chiều vẫn thế, buồn tẻ và ngán ngẩm.

Không hiểu sao, tôi lại rất thích được sống trong những hoàn cảnh như thế, một phần nhỏ bé trong xã hội, những công việc tiếp theo của tôi cũng là những môi trường như thế: công nhân lắp đặt hệ thống điện, nước; phục vụ nhà hàng tiệc cưới. Vì sao tôi cứ chọn môi trường ấy, có lẽ đó là một phần của định mệnh tôi, một phần quan trọng.

Rồi thời sinh viên qua đi, tôi rời khỏi đó mà không có một hoạt động “sinh viên” nào như mọi người. Không Mùa hè xanh, không hoạt động tình nguyện, không hội nhóm học thuật, không văn nghệ văn gừng, không với một sinh viên “điển hình” những năm ấy, một dạng sôi nổi. Nhưng không vì thế mà tôi có một nghĩ ngợi gì, tôi mãn nguyện về thời sinh viên ấy của mình, tôi đã lớn lên với những nhận thức mới, tôi điềm đạm trước thời cuộc và các kiểu trào lưu.

Thời tuổi trẻ vẫn chạy nhanh, còn tôi lững lờ như một con thuyền đang thả neo trên dòng sông chảy mạnh, mọi người cứ lườm lượt phóng nhanh qua tôi trong cuộc đua về với mẹ biển thân yêu. Tôi ở đó, ngắm nhìn và ngẫm nghĩ, đôi lúc cũng giăng buồm nương theo cơn gió mà xích gần về biển, đôi khi lại bám vào những cơn gió mà ngược dòng. Cứ thế, cũng mấy năm, giờ đây thì đã sắp qua hết thời trẻ tuổi rồi.

Tôi luôn giữ cho mình sự bình thản, đôi lúc đến mức nhởn nhơ, có lẽ bởi một điều với tôi là mãi mãi, đó chính là tuổi trẻ, tôi có thể hết trẻ tuổi nhưng tôi sẽ mãi sống như thời trẻ tuổi. Vì lẽ ấy, thời trẻ của tôi hẳn là dài lắm, mấy năm có xá gì, dài như thế sao không tặng mình những quãng đời thật bình thản, để giải đáp những câu hỏi cứ đau đáu mãi, để ngắm nhìn cảnh vật tuyệt đẹp mà ngày nào đó sẽ mất đi.

Người ta cứ chạy thật nhanh, có lẽ bởi người ta nghĩ rằng tuổi trẻ là có giới hạn chăng, còn với riêng tôi, để sống một cuộc đời tốt đẹp, ta phải giữ sự sôi nổi của tuổi trẻ trong suốt cuộc đời. Sự sôi nổi có thể mỗi chặng đường một khác, sự sôi nổi ở bề mặt là để tuổi trẻ tiêu hao năng lượng, nhưng sự sôi nổi dưới đáy ngầm của tư tưởng mới là thứ làm nên một con người tốt đẹp và một cuộc đời không ngừng nghỉ.

Sự sôi nổi của những năm hết trẻ tuổi có thể là sự ham hiểu biết, trí tưởng tượng, tranh luận trong tâm tưởng, sự cân nhắc các giới hạn đạo đức. Sự sôi nổi ấy giúp con người ta tránh bị cuốn theo những cơn gió mùa hấp dẫn, mà có thể giúp con người ta luôn hướng về biển, nhưng trên con sông ấy, người ta vẫn ngắm được những bình nguyên xanh mướt, những ngọn núi hùng vĩ, thế giới dưới lòng sông, hay kết bạn với những con thuyền khác.

Ở giờ đây, tôi đang có một sự băn khoăn sôi nổi, sự băn khoăn cho một lần giăng buồm, tôi không mất định hướng, nhưng tôi lạc lối ở ngã rẽ. Trước mặt là tường đá buộc tôi phải rẽ trái hoặc phải, nhưng rẽ hướng nào đây, tôi sôi nổi tranh luận trong tâm tưởng mình, sự tranh luận không có hồi kết ấy lại dẫn đến sự trì hoãn không thời hạn. Rồi tôi cũng sẽ giăng buồm thôi, vì tôi phải hoàn thành định mệnh của mình, nhưng tôi cần một quyết định không hối tiếc. Và tôi nhẹ nhõm với sự băn khoăn này, một định mệnh lớn luôn có những băn khoăn lớn, và hiện tại, sự băn khoăn lớn ấy sẽ dẫn lối tôi trong nhiều năm tới, tôi yêu nó, sự băn khoăn sôi nổi.

Tuổi trẻ của mỗi người, có thể diễn ra theo cách này hay cách khác, có thể kết thúc ở thời điểm này hay thời điểm khác, cũng có thể là mãi mãi, có thể truyền cho cả thế hệ sau, có lẽ đó cũng là một lựa chọn mà trước giờ ta không nghĩ đến. Tuổi trẻ thì phải sống như một người trẻ là điều hiển nhiên, không cần tranh luận, nhưng nó có bắt buộc phải dừng lại khi ta hết trẻ tuổi hay không, đó là do sự lựa chọn. Tôi luôn nghĩ về sự kết hợp của sôi nổi và thông thái, sự sôi nổi với điềm tĩnh, tôi luôn nghĩ về sự vĩnh cửu của sôi nổi. Con người ta sẽ ngừng tiến bộ nếu ngừng sôi nổi, xã hội sẽ đồi bại nếu ngừng sôi nổi, phải chăng là thế thật.

Để mỗi người, mỗi thế hệ giữ được sự sôi nổi, có lẽ ta cần những bài thánh ca sôi nổi, để bài thánh ca ấy luôn nhắc nhở và giữ ngọn lửa, với tôi bài thánh ca ấy có lẽ là niềm tin vào định mệnh mình và niềm tin với tri thức. Không thể tách bạch được, sự sôi nổi, niềm tin, tri thức, cuộc sống, sách, tình yêu, mọi thứ hòa quyện và bám chặt lấy nhau như một mạch nguồn bất tận các hạt nước, không hạt nào lớn, hạt nào nhỏ, tất cả tạo thành một dòng nước, tạo thành một con người.

Hãy luôn sống trong tuổi trẻ sôi nổi tôi nhé!

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024