Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
17/07/2022 22:07 # 1
hienhien1503
Cấp độ: 25 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 99/250 (40%)
Kĩ năng: 4/20 (20%)
Ngày gia nhập: 04/08/2018
Bài gởi: 3099
Được cảm ơn: 14
Đổi chỗ


ĐỔI CHỖ Truyện ngắn Cái xóm lao động nghèo của tôi nằm sâu hun hút trong một con ngõ nhỏ, chạy vòng vèo ra sát mép bờ sông. Mùa mưa bão con đường

 

ĐỔI CHỖ

Truyện ngắn

Cái xóm lao động nghèo của tôi nằm sâu hun hút trong một con ngõ nhỏ, chạy vòng vèo ra sát mép bờ sông. Mùa mưa bão con đường vào xóm ngập ngụa trong bùn đất, khiến cho sự đi lại của mọi người càng trở nên vất vả. Xóm nhỏ của tôi có hơn chục căn nhà cấp 4 được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước theo thời gian, trải bao nắng mưa, lũ lụt và cũng bởi chủ nhân của những căn nhà này không có tiền tu sửa nên càng ngày chúng càng trở nên sập sệ, xuống cấp nghiêm trọng. Những mảng tường loang lổ vết nứt, sứt sẹo, nhiều chỗ vôi vữa mủn ra để lộ cả những viên gạch non bị mưa gió bào mòn đến non nửa, nhìn chúng tựa như những vết chốc lở cóc cáy, gớm ghiếc trên da người ghẻ lâu ngày không được chữa trị vậy. Trong xóm nhỏ đó mỗi người làm một nghề, người thợ hàn, người thợ cơ khí, người chạy xe ôm, người làm thợ thịt…

Sát nhà tôi là nhà anh Hạ. Anh Hạ nhà rất nghèo, vợ bán hàng rong ngoài phố, còn anh làm thợ xây dựng. Hai vợ chồng anh có ba người con, thằng lớn 10 tuổi, đứa con gái thứ hai 8 tuổi, thằng thứ ba mới 5 tuổi nhưng rất tinh nghịch. Do hoàn cảnh khó khăn vợ chồng anh phải gửi hai đứa lớn về quê cho ông bà nội nuôi giúp và cũng tiện cho chúng đi học. Vậy là còn lại mỗi thằng út tên nó là Hậu. Bởi không có tiền gửi con đi mẫu giáo nên anh đã nhặt nhạnh được một số sắt phế xin từ những công trình nơi anh làm việc về thuê thợ hàn gia cố cái phòng ngủ của mình thành một ô lồng sắt chắc chắn có lắp một cánh cửa tôn sơn nâu, bên trong kê sẵn cái giường cũi, tùy theo mùa nóng hay mùa lạnh mà anh chị để sẵn cả chăn gối trong đó cho con. Một góc tường có chốt mấy cái đinh vít căng sợi dây thép treo sẵn mấy cái quần áo và khăn lau cho cu Hậu. Trước giờ đi làm khi cả nhà ăn sáng xong, anh chị để sẵn một ca nước nguội cho con, phòng khi khát thì nó tự uống. Một chiếc xô nhựa cũ anh nhặt ở chỗ làm về thay cho bô cũng được đặt sẵn ở cuối ô sắt để cu cậu buồn đái thì tè luôn vào đó. Đến giờ đi làm anh chị chỉ việc xua cu Hậu vào và khóa cửa lại là xong. Nhà thành hai lớp cửa khóa. Anh bảo với tôi:

– Thằng này tinh nghịch và rắn mặt lắm, xểnh cái là chạy tót sang hàng xóm theo lũ trẻ lớn đi trèo cây, leo cột điện và ra bơi sông ngay… Vợ chồng tớ đi làm ăn biền biệt suốt ngày không quản được, vạn bất đắc dĩ đành phải nhốt cu cậu vào đấy cho yên tâm.

Sau lần ấy tôi xin được việc và chuyển nhà đi nơi khác, tôi nhượng lại căn nhà nhỏ đó cho một người bà con mới ở quê ra. Biền biệt vậy mà đã 30 năm trôi qua tôi cũng chưa một lần quay lại ngôi làng nhỏ đó nữa. Phần tôi muốn quên đi cái quá khứ nghèo nàn cơ cực mà mình đã phải trải qua thời trai trẻ, phần cũng vì công việc mưu sinh mà tôi quên lãng cái xóm ổ chuột lam lũ đó. Lần ấy đang chạy xe trên phố bỗng xe bị xịt lốp. Trời nắng nóng, tôi còng lưng đẩy xe, ngơ ngáo tìm hiệu vá xăm đi chừng hơn cây số tôi mới tìm được hiệu vá xe. Sau khi đưa xe cho chàng thanh niên vá xăm, tôi sang quán nước sát bên gọi cốc chè đá uống cho đỡ khát. Bỗng một ông già ngồi ghế đối diện nhổm dậy ngó sát mặt tôi và hỏi:

– Chú Lê ? Phải chú Lê không?

Tôi cũng ngỡ ngàng chưa nhận ra ông là ai thì ông nói tiếp giọng rất hồ hởi:

– Ôi đúng chú Lê rồi ! Không nhận ra tôi hả ? Người cùng xóm nhà sát vách ngày xưa, tôi là Hạ đây nhớ chưa nào ?

– Ôi anh Hạ ! Trời ạ ! Trông anh khác quá em không nhận ra!

Anh vồ vập nắm tay tôi lắc lấy lắc để. Tôi cũng vô cùng cảm động và không ngờ, tóc anh đã bạc gần hết, trán đã hói, mấy chiếc răng cửa thì đã rụng hết cả, hai má hóp lại, dáng khắc khổ hằn sâu trên khuôn mặt nhăn nheo. Chiếc áo xanh bạc phếch rộng thùng thình ôm lấy tấm lưng đã còng. Duy chỉ có đôi mắt vẫn còn nhanh nhẹn và hoạt bát. Chúng tôi vừa uống nước vừa ôn lại những kỷ niệm ngày còn là hàng xóm. Anh bảo vợ đã mất hơn 7 năm nay, hai đứa con lớn ở quê đã xây dựng gia đình cả nhưng gia cảnh chúng làm nông nghiệp nên cũng túng bí, khốn khó chả nhờ cậy được gì, hiện anh ở với cu Hậu và vẫn ở ngôi nhà cũ. Lúc chia tay anh bảo tôi:

– Hôm nào rảnh mời chú về chơi với anh một buổi nhé. Anh giờ trí nhớ kém rồi, lúc nhớ, lúc quên, tai biển một lần rồi đâm ra thế, anh chả làm gì cả chỉ ở nhà thôi.

Tôi nhận lời và hứa sẽ tới thăm ông trong thời gian gần nhất có thể. Như đã hứa, mấy ngày sau tôi đến thăm ông, cảnh vật nơi đây chả mấy thay đổi, duy chỉ có con đường trong hẻm là đã được bê tông, nhưng cũng đã xuống cấp, ổ gà loang lổ cả. Xóm cũ vẫn tạm bợ và có phần tiêu điều hơn xưa. Khi đến nhà tôi ngạc nhiên thấy ông ngồi bó gối trong cái ô lồng sắt vốn dĩ là chỗ ngày xưa ông dùng nó để nhốt thằng Hậu, chỉ khác là những thanh sắt ngày xưa để trần thì nay được sơn tuốt lại bằng lớp sơn màu nâu sẫm trông có vẻ bóng bẩy hơn chút, bên trong kê một chiếc giường gấp đã cũ, một chiếc bàn con, một bộ ấm chén và phích Trung Quốc loại rẻ tiền trông cáu bẩn, vàng ố do lâu ngày chủ nhân không chịu lau rửa. Sát tường có chiếc kệ đặt vừa chiếc ti vi sam sung đã cũ mèn. Trong góc có cái bô nhựa đỏ chót. Nhận ra tôi ông mừng rỡ vội đứng lên pha chè rồi rót nước lùa qua song sắt mời tôi và thản nhiên nói:

– Chú vui lòng đứng đợi một chút, thằng Hậu nó cầm chìa khóa hôm nay chủ nhật nó nghỉ việc vừa chạy đâu đó chắc cũng sắp về rồi. – Nói vậy rồi ông cười xê xoa.

Ngay lúc đó một thanh niên người nhỏ thỏ, mặc áo phông, quần bò lửng, một tay đút túi, một tay quay tít chùm chìa khóa, miệng huýt sáo líu lo đi vào cổng, thấy tôi anh khẽ gật đầu chào rồi vội vã mở khóa cửa ngoài, cửa trong và mời tôi vào nhà. Ông Hạ bảo tôi:

– Cháu Hậu đấy, chắc chú không nhận ra? Ngày chú ở đây nó mới 5 tuổi !

Hậu lễ phép chào tôi rồi cùng ngồi uống nước. Tôi đảo mắt nhìn khắp lượt căn nhà, mặt lộ vẻ ái ngại. Nhận biết được suy nghĩ của tôi Hậu rãi bày:

– Khổ thế đấy chú ạ ! Mấy chục năm rồi mọi nơi người ta thay đổi từng ngày còn cái xóm này vẫn vậy chả có gì thay đổi cả. Hơn chục năm trước nghe thành phố có kế hoạch di dời khu xóm này đi nơi khác nên ở đây họ không cho ai xây dựng gì cả, đến nay đã gần hai chục năm rồi dân cứ dài cổ chờ đợi như thế này… thật sống không bằng chết chú ạ !

Nghe Hậu nói vậy tôi thật sự ái ngại cho người dân nơi đây. Không biết nói gì, tôi cũng đành nói mấy câu an ủi:

– Dự án quy hoạch treo như thế này xảy ra ở nhiều nơi, nhiều thành phố, chả riêng gì thành phố mình đâu cháu.

– Vâng ! Vậy nên chỉ chết dân nghèo thôi chú ạ! Mấy ông quan trên họ có phải sống như thế này đâu mà họ hiểu dân khổ như thế nào ?

Ông Hạ nhìn tôi bảo:

– Chú rời khỏi xóm này thế là may đấy chứ còn ở lại thì cũng chung số phận như chúng tôi cả thôi. Già ngoài 70 rồi mà chỗ ăn, chỗ ở như người nguyên thủy thế này đây, mang tiếng hộ khẩu thành phố hẳn hoi đấy chứ ! Nói thì chả ai tin. Thằng Hậu năm nay 35 tuổi rồi mà có lấy được vợ đâu? Mà lấy về thì biết ở đâu? Cũng có mấy đứa mới đến chơi một lần thấy gia cảnh như thế này chúng chạy mất dép luôn chú ạ! Nghĩ thương mình thì ít thương con thì nhiều mà chả biết làm sao nữa !

Hậu quay đi ngáp dài một cái, đoạn nó nói với tôi bằng cái giọng buồn buồn:

– Chú thấy đấy, hoàn cảnh của bố con cháu giờ cũng thật bi đát. Bố cháu bị tai biến nhẹ gần chục năm rồi, trí nhớ không ổn lắm, ra ngoài xe cộ đi lại như mắc cửi, bố cháu cứ thích lang thang, mấy lần lạc cháu phải cùng hàng xóm đi tìm mãi mới thấy vậy nên mấy năm nay cháu cương quyết bắt bố cháu chỉ ở nhà thôi mà không được, nhãng cái là đã không thấy bố đâu rồi, cháu thì lo làm ăn tối ngày, thượng sách là cứ mời cụ vào trong này khóa lại là đỡ phải lo nghĩ !

Nghe Hậu nói vậy lòng tôi như nghẹn lại. Tôi thương cho hai bố con ông Hạ. Cái vòng mưu sinh luẩn quẩn được xác lập. Khi còn bé anh con trai bị bố nhốt vào cái ô lồng sắt này để bố yên tâm đi làm việc kiếm tiền nuôi con. Và nay khi bố già, tính tình trở nên lẩn thẩn con trai lại nhốt bố vào chính ô lồng sắt đó để yên tâm đi làm kiếm tiền nuôi bố ! Ôi cuộc đời có những sự đổi chỗ buồn như vậy đấy!

Sau khi ngồi trò chuyện với hai bố con ông gần hai tiếng đồng hồ, tôi rút ví đưa biếu ông 500 nghìn, nói mãi ông mới chịu cầm, tiễn tôi ra về ông nắm chặt tay tôi và bảo:

– Chú thi thoảng có thời gian đến thăm tôi trò chuyện cho tôi khuây khỏa nhé. Tôi giờ thế đấy chú ạ! – Nói vậy và tôi thấy mắt ông ngân ngấn nước.

Tôi ra về mà hình ảnh cái ô lồng sắt của bố con ông cứ ám ảnh tôi mãi !

 



Cuộc sống giống như bông hoa hồng

Vẽ đẹp luôn đi cùng với gai.

Facebook: Nguyenhien

Gmail: nguyenhienduong2k@gmail.com


 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024