Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
23/12/2021 14:12 # 1
Ngolamnhi
Cấp độ: 19 - Kỹ năng: 1

Kinh nghiệm: 109/190 (57%)
Kĩ năng: 6/10 (60%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1819
Được cảm ơn: 6
VẤN ĐỀ ĐẠO ĐỨC KINH DOANH


Xin chào tất cả mọi người!

1. Đạo đức kinh doanh là gì?

Để hiểu được đạo đức kinh doanh là gì, trước hết ta sẽ làm rõ khái niệm “Đạo đức” là gì?

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì “Đạo đức là một từ Hán – Việt, được dùng từ xa xưa để chỉ một yếu tố trong tính cách và giá trị của mỗi con người. Là hệ thống các quy tắc về chuẩn mực của cộng đồng và xã hội. Đạo là con đường, đức là tính tốt hoặc những công trạng tạo nên. Khi nói một người có đạo đức là ý nói người đó có sự rèn luyện thực hành các lời răn dạy về đạo đức, sống chuẩn mực và có nét đẹp trong đời sống và tâm hồn”.

Theo Giáo trình đạo đức học (Học viện chính trị Quốc gia xuất bản năm 2000, trang 816) có định nghĩa:
• “Đạo: Đường đi, hướng đi, lối làm việc, ăn ở.
• Đức: Theo Khổng Tử, sống đúng luân thường là có Đức. Theo Lão Tử tu thân tới mức hiệp nhất với trời đất, an hoà với mọi người là có Đức.
Đạo đức được xem là khái niệm luân thường đạo lý của con người, nó thuộc về vấn đề tốt – xấu, hơn nữa xem như là đúng – sai, được sử dụng trong 3 phạm vi: lương tâm con người, hệ thống phép tắc đạo đức và trừng phạt đôi lúc còn được gọi giá trị đạo đức; nó gắn với nền văn hoá, tôn giáo, chủ nghĩa nhân văn, triết học và những luật lệ của một xã hội về cách đối xử từ hệ thống này.
Đạo đức thuộc hình thái ý thức xã hội, là tập hợp những nguyên tắc, quy tắc nhằm điều chỉnh và đánh giá cách ứng xử của con người trong quan hệ với nhau, với xã hội, với tự nhiên trong hiện tại hoặc quá khứ cũng như tương lai. Chúng được thực hiện bởi niềm tin cá nhân, bởi truyền thống và sức mạnh của dư luận xã hội”.

Từ đó, ta có thể hiểu được Đạo đức kinh doanh là tất cả những nguyên tắc cũng như tiêu chuẩn và chuẩn mực đạo đức trong luật lệ, lối sống, mối quan hệ xã hội trong con người,… Hoặc là luật lệ để cung cấp chỉ dẫn về hành vi ứng xử chuẩn mực và sự trung thực có trong kinh doanh.

Đúng với tên gọi của nó, đạo đức kinh doanh có tính đặc thù riêng trong hoạt động kinh doanh. Do kinh doanh là một hoạt động mang tính chất thu về lợi ích kinh tế nên các khía cạnh ứng xử về đạo đức sẽ không hoàn toàn giống các hoạt động khác. Mà nó thể hiện ở tính thực dụng, sự coi trọng hóa về mức độ hiệu quả trong hoạt động kinh tế,… Nhưng nhìn chung đây đều là những đức tính tốt của giới kinh doanh. Nên nhớ một điều rằng, đạo đức trong vấn đề kinh doanh vẫn luôn phải chịu một sự chi phối nào đó tác động bởi một hệ giá trị và mức chuẩn đạo đức trong xã hội chung.

2. Vai trò của đạo đức kinh doanh trong doanh nghiệp

Đạo đức kinh doanh nên được kết hợp với pháp luật để có những điều chỉnh về hành vi kinh doanh. Kinh doanh theo khuôn khổ pháp luật và các chuẩn mực đạo đức xã hội. Pháp luật càng đầy đủ chặt chẽ và được thi hành nghiêm chỉnh thì đạo đức càng được đề cao, càng hạn chế được sự kiếm lợi phi pháp, tham nhũng, buôn lậu,… Khi bị phát hiện sẽ bị pháp luật điều chỉnh, lúc này việc kiện tụng buộc người ta phải cư xử có đạo đức.

Tuy nhiên, pháp luật không thể thay thế vai trò, chức năng của đạo đức trong việc khuyến khích mọi người làm việc thiện, tác động vào lương tâm của doanh nhân. Bởi phạm vi ảnh hưởng của đạo đức rộng hơn pháp luật, nó bao quát mọi lĩnh vực của thế giới tinh thần. Trong khi pháp luật chỉ điều chỉnh những hành vi liên quan đến chế độ nhà nước, chế độ xã hội,…

Tất cả hành vi trong kinh doanh sẽ thể hiện phẩm chất tư cách của doanh nghiệp ra bên ngoài. Và chính tư cách này sẽ tác động trực tiếp đến sự thành bại của tổ chức. Vì vậy, từ xa xưa, Ấn Độ đã có một ngạn ngữ được lưu truyền trong giới doanh nhân: “gieo tư tưởng gặt hành vi, gieo hành vi gặt thói quen, gieo thói quen gặt tư cách, gieo tư cách gặt số phận”.

Chẳng hạn như, sự tận tâm của người lao động được xuất phát từ việc bản thân họ đã tin rằng họ có tương lai tại doanh nghiệp, và tương lai của họ gắn liền với tương lai của doanh nghiệp. Họ sẵn sàng cống hiến thời gian, sức lực của mình cho doanh nghiệp. Vậy nên, nếu doanh nghiệp quan tâm đến người lao động sẽ nhận được nguồn lợi từ họ theo một tỷ lệ thuận.

3. Sự cần thiết của đạo đức trong kinh doanh

Thực tế cho thấy mức độ phát triển bền vững của doanh nghiệp phụ thuộc vào đạo đức kinh doanh. Sự tăng trưởng về lợi nhuận thu được gắn liền với việc thực hành đạo đức kinh doanh.

Đạo đức kinh doanh như một bộ phận cấu thành quan trọng nhất của văn hóa kinh doanh, là yếu tố nền tảng tạo nên sự tin cậy của đối tác, khách hàng và người tiêu dùng đối với doanh nghiệp. Đạo đức kinh doanh chính là cơ sở để xây dựng lòng tin, sự gắn kết và trung thành của đội ngũ cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp, bảo đảm từ lãnh đạo đến toàn thể cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp có những ứng xử đúng chuẩn mực đạo đức. Qua đó không ngừng nâng cao hình ảnh, uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp. Sự tồn vong, phát triển cũng như lợi nhuận của doanh nghiệp chính là do người tiêu dùng quyết định. Do đó doanh nghiệp muốn đạt được tỷ suất lợi nhuận cao và thành công bền vững thì phải xây dựng được nền tảng đạo đức kinh doanh cho doanh nghiệp mình.

Việc xây dựng và thực thi đạo đức kinh doanh là nhân tố đem lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp. Theo công trình nghiên cứu của hai giáo sư thuộc Trường Đào tạo quản lý kinh doanh Harvard (Hoa Kỳ) là John Kotter và James Heskeu (tác giả cuốn sách “Văn hóa công ty và chỉ số hoạt động hữu ích”), các công ty với những chuẩn mực và truyền thống đạo đức kinh doanh khác nhau thì đạt được những thành quả khác nhau. Hai giáo sư đã đưa ra những con số thống kê ấn tượng, theo đó, trong vòng 11 năm, những công ty chú trọng thực hành đạo đức kinh doanh đã nâng được mức thu nhập của mình lên tới 682% so với 36% của các công ty không coi trọng thực hành các chuẩn mực đạo đức trong kinh doanh. Các công ty này cũng tăng được 90% giá trị cổ phiếu của họ trên thị trường chứng khoán so với 74% của các công ty không thực sự coi trọng đạo đức kinh doanh; tăng được 756% lợi nhuận ròng, vượt xa các công ty không coi trọng việc thực hành đạo đức kinh doanh.

4. Các nguyên tắc của đạo đức kinh doanh

Có hai nguyên tắc quan trọng nhất, đó là tính trung thực và sự tôn trọng con người.

Tính trung thực đòi hỏi chủ thể kinh doanh không dùng các thủ đoạn gian xảo hoặc phi pháp để kiếm lời, cạnh tranh không lành mạnh.

Đối với đối tác, khách hàng và người tiêu dùng, chủ thể kinh doanh phải giữ chữ tín trong kinh doanh. Theo đó doanh nghiệp phải giữ chữ tín trong quan hệ, bảo đảm thực hiện đúng nghĩa vụ và cam kết; không sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng độc hại cho sức khỏe con người, quảng cáo sai sự thật, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhãn mác và xuất xứ hàng hóa.

Doanh nghiệp phải chấp hành nghiêm luật pháp của Nhà nước. Doanh nghiệp không trốn thuế, lậu thuế, sản xuất kinh doanh những mặt hàng quốc cấm.

Đối với xã hội, doanh nghiệp không được làm ô nhiễm môi trường tự nhiên (xả thải độc hại ra môi trường, tàn phá hệ sinh thái) và môi trường xã hội (kinh doanh những hàng hóa hay dịch vụ có hại cho thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng đến giáo dục con người), thực hiện các trách nhiệm xã hội.

Nguyên tắc tôn trọng con người đòi hỏi doanh nghiệp phải tôn trọng phẩm giá, quyền lợi chính đáng (lương, bảo hiểm, hưu trí, các chế độ chính sách) của người lao động. Bảo đảm an toàn lao động, tạo điều kiện phát triển về thể lực và trí tuệ của đội ngũ cán bộ, công nhân viên trong doanh nghiệp. Mở rộng dân chủ và khuyến khích phát huy sáng kiến, cải tiến công nghệ.

Tôn trọng nhu cầu, sở thích và tâm lý khách hàng. Cạnh tranh lành mạnh và công bằng với đối thủ cạnh tranh, thúc đẩy không khí vừa hợp tác vừa cạnh tranh lành mạnh. Gắn lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của khách hàng và xã hội. Coi trọng hiệu quả kinh doanh gắn với trách nhiệm xã hội.

Đối tượng điều chỉnh của đạo đức kinh doanh là doanh nghiệp bao gồm tất cả chủ thể của các quan hệ và hành vi kinh doanh. Trong đó có doanh nhân và tổ chức kinh doanh như hộ gia đình, công ty, xí nghiệp, tập đoàn cũng như đối tác và khách hàng.

5. Thực trạng Đạo đức kinh doanh ở Việt Nam

Có thể nói, đạo đức kinh doanh tại Việt Nam đã không còn là vấn đề xa lạ với mỗi người. Các vấn đề có liên quan như: Đạo đức kinh doanh, văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp,… đã nổi lên như cồn kể từ khi Việt Nam thực hiện các chính sách đổi mới và tham gia vào quá trình quốc tế hóa, toàn cầu hóa vào những năm cuối thế kỷ 20. Nhưng trước đó, khi vẫn ở trong thời kỳ kinh tế kế hoạch một cách tập trung, những vấn đề đạo đức kinh doanh hầu như chưa bao giờ được nhắc tới.

Trong thời kỳ bao cấp, tất cả hoạt động kinh doanh của người dân đều do một tay nhà nước chỉ đạo. Những hành vi có đạo đức sẽ được coi là hành vi tuân thủ mệnh lệnh của cấp trên. Thời kỳ đó hàng hóa tiêu dùng còn khan hiếm, việc mua bán trao đổi khó khăn nên không ai có thể phàn nàn chất lượng hàng hóa. Vì nhu cầu tiêu dùng vượt quá lượng cung cấp và chất lượng dịch vụ chưa được chú trọng.

Ở thời kỳ bao cấp, các ngành công nghiệp của Việt Nam chưa có khả năng phát triển như hiện nay. Cũng rất ít nhà máy sản xuất và hầu như các nhà máy sản xuất đều thuộc biên chế và quyền sở hữu của nhà nước. Nơi mà khi nhắc đến, ta sẽ nghĩ ngay đến kỷ luật, còn chế độ lương thưởng đều rất thấp và vô cùng đơn giản, vô vị. Lúc bấy giờ, vấn đề làm việc trong cơ quan nhà nước rất khó khăn nên sẽ không phát sinh vấn đề đình công hay mâu thuẫn lao động. Tất cả các hoạt động trong xã hội đều phải tuân thủ theo các quy định mà nhà nước đưa ra nên vấn đề đạo đức kinh doanh thật sự không được nhắc đến.

Tuy nhiên, kể từ khi Việt Nam tham gia quốc tế hóa, có nhiều phạm trù mới được xuất hiện như: quyền sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm, đình công, thị trường chứng khoán,…Vì thế khái niệm đạo đức kinh doanh được trở nên phổ biến hơn trong xã hội.

Nhưng tình trạng vi phạm đạo đức kinh doanh lại trở thành một vấn đề “nhức nhối” trong xã hội hiện nay. Chỉ riêng vấn đề vi phạm đạo đức kinh doanh trong sản xuất thực phẩm đã dấy lên hồi chuông báo động đỏ – như một đại biểu Quốc hội đã phát biểu: “Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn và dễ dàng như hiện nay!”. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 15/3 hằng năm là Ngày Bảo vệ quyền người tiêu dùng Việt Nam. Đài Truyền hình Việt Nam cũng có hẳn một chuyên mục “Nói không với thực phẩm bẩn!”.

6. Giải pháp cho việc tăng cường Đạo đức kinh doanh nước ta hiện nay

Xuất phát từ thực trạng đạo đức kinh doanh và những nguyên nhân của tình trạng yếu kém trong thực thi đạo đức kinh doanh ở Việt Nam, cần đẩy mạnh các công tác chủ yếu sau:

  • Hoàn thiện khung luật pháp nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho đạo đức kinh doanh. Hiện nay, có tình trạng chưa đủ quy định về pháp lý đối với những vi phạm trong đạo đức kinh doanh, thủ tục pháp lý chưa được quy chuẩn rõ ràng nên khó xử lý khi phát hiện vi phạm, chế tài chưa đủ mạnh để răn đe và ngăn chặn các biểu hiện vi phạm đạo đức kinh doanh, từ đó dẫn đến tình trạng “nhờn luật”, cố tình vi phạm nhưng các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong xử lý.
  • Cần nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, của người tiêu dùng và toàn xã hội về vấn đề đạo đức kinh doanh. Đặc biệt sự nhận thức và trách nhiệm của doanh nghiệp những chủ thể hoạt động kinh doanh. Gắn chặt và đề cao tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp đối với đối tác, khách hàng, người tiêu dùng và toàn xã hội (về chất lượng sản phẩm, trách nhiệm hậu mãi, trách nhiệm bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội).
  • Tăng cường phổ biến và giáo dục về đạo đức kinh doanh cho các doanh nghiệp để họ có nhận thức đúng và đầy đủ về các quy định luật pháp, trách nhiệm cũng như đạo đức kinh doanh. Bên cạnh đó cũng cần giáo dục nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và toàn xã hội về những quy định của pháp luật và vấn đề đạo đức kinh doanh để người tiêu dùng và khách hàng (thường được gọi là “thượng đế”) có thể giám sát việc tuân thủ luật pháp và những chuẩn mực về đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Cần có những biện pháp khuyến khích doanh nghiệp nâng cao đạo đức kinh doanh. Nhà nước cần phổ biến Bộ Tiêu chí về đạo đức kinh doanh để thực thi rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội. Tiến hành một cuộc vận động thường xuyên về xây dựng và thực hiện đạo đức kinh doanh. Áp dụng những hình thức tôn vinh xứng đáng các doanh nghiệp thực hiện xuất sắc những chuẩn mực của đạo đức kinh doanh.
  • Nâng cao vai trò của các cơ quan bộ, ban, ngành, địa phương, tổ chức xã hội (như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở Trung ương và các cấp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), các hội và hiệp hội (như Hội Bảo vệ quyền người tiêu dùng, Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, Hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các khu công nghiệp, các hội và hiệp hội ngành nghề,…
  • Tăng cường công tác thông tin, truyền thông rộng rãi về vấn đề đạo đức kinh doanh. Khuyến khích báo chí vào cuộc nhằm phát hiện và đưa ra công luận những cá nhân và hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức kinh doanh. Đồng thời nêu những tấm gương điển hình tốt về những cá nhân và tổ chức doanh nghiệpcó thành tích xuất sắc trong việc xây dựng và thực hiện đạo đức kinh doanh.

Mặc dù còn ở trong giai đoạn đầu và có nhiều khiếm khuyết, việc xây dựng và thực hành đạo đức kinh doanh ở Việt Nam đang ngày càng nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng và toàn xã hội. Việc thực thi văn hóa doanh nghiệp, trong đó đạo đức kinh doanh là yếu tố quan trọng hàng đầu, đã và đang trở thành một yêu cầu bức thiết đối với doanh nghiệp nhằm tạo lòng tin và sự ủng hộ của người tiêu dùng và toàn xã hội.




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024