Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
16/02/2021 22:02 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
5 Lời Khuyên Với Các Bạn Có Dự Định Du Học Và Tìm Học Bổng Toàn Phần Thạc Sĩ


 

 

Thời gian qua, mình nhận được nhiều câu hỏi từ các một số bạn về việc đi du học lấy bằng Thạc sĩ. Nhân một ngày có chút thời gian, mình tranh thủ chia sẻ một vài kinh nghiệm của mình, một người đang du học để lấy bằng Thạc sĩ về truyền thông theo học bổng chính phủ Anh (Chevening). Bài viết này dành cho cả những bạn có ý định du học tự túc, lẫn những người đang tìm kiếm học bổng toàn phần. Để không mất thời gian, mình vào đề luôn nha:
 
1. Bạn cần phải biết mình thực sự và thực sự muốn gì
Mình biết nhiều bạn có dự định đi du học mà không hề hiểu rõ về chuyên ngành mà các bạn ấy định xin học, hoặc không có kế hoạch tương lai rõ ràng sau khi kết thúc khóa học. Mình rõ điều này hơn ai hết bởi vì mình cũng từng như vậy: không cần biết là đi học ngành nào, ở trường nào, địa điểm ra sao, chỉ cần được đi du học ở một nước phát triển để thỏa chí khám phá trời Tây.
 
Tuy nhiên, từ kinh nghiệm cá nhân sau một quá trình xin học bổng mà chủ yếu là học bổng toàn phần, tìm hiểu về các địa điểm du học, các ngành học và trường học, và sau một thời gian học tập tại Anh, mình nhận thấy sự thiếu định hướng đó thực sự rất đáng quan ngại các bạn à.
 
Bạn thực sự buộc phải biết mình muốn làm gì. Bạn muốn theo đuổi chương trình Thạc sĩ ở dạng nghiên cứu (Master by research), hay bạn muốn theo học một chương trình mang tính thực hành (Master by coursework)? Bạn muốn học xong về nước xin việc, hay tìm kiếm cơ hội nghiên cứu, làm việc ở trời Tây? Bạn thực sự quan tâm, say mê lĩnh vực nào, và khả năng của bạn là ra sao trong lĩnh vực đó? Sự xác định này có vai trò tối quan trọng đối với thành công trong học vấn cũng như sự nghiệp tương lai của bạn. Nếu bạn xin học bổng du học, bạn sẽ phải trả lời câu hỏi chi tiết về việc bạn muốn làm gì khi theo ngành học A, và bạn được hưởng lợi ra sao khi theo ngành đó, để rồi từ vốn kiến thức mà bạn lĩnh hội được từ chương trình học, bạn có thể làm gì. Bạn càng thể hiện được sự hiểu biết của bản thân về ngành học của mình, bạn sẽ càng ghi điểm với người xét học bổng (Adcom). Không ai muốn trao học bổng cho một người không biết mình muốn gì, dù người ấy có vẻ giỏi giang đến mấy.
 
Nếu phải chọn một người profile khá nhưng biết rõ mình muốn gì và quyết tâm theo đuổi mục tiêu, có lý tưởng tốt đẹp, và một người profile đẹp nhưng trả lời quanh co, mơ hồ về dự định tương lai, chắc chắn người ta sẽ chọn người số một.
 
Với các bạn đi du học tự túc, xác định ngành học và dự định tương lai cũng quan trọng không kém, bởi vì khi bạn đi du học, nghĩa là gia đình bạn quyết định đầu tư một gia tài vào việc học hành của bạn. Bạn phải chắc chắn, ngành học mà bạn chọn là ngành mà bạn yêu thích, và có khả năng theo đuổi. Từ đó, bạn mới có động lực học hành thật tốt, hoàn thành khóa học và sau này có thể vận dụng kiến thức từ chương trình học vào công việc tương lai. Tin mình đi, phải học một ngành học mà bản thân chán ghét hoặc không có khả năng, sẽ là một cực hình.
 
2. Vậy làm sao để biết mình muốn gì? Nghiên cứu và tìm hiểu.
 
Rất nhiều người tỏ ra quyết tâm đi du hoc, nhưng họ chẳng biết họ cần học cái gì và chuẩn bị cái gì. Điều này rất đáng lo ngại. Để biết ngành học nào, trường học nào phù hợp với mình, bạn cần phải tự nghiên cứu. Tức là, bạn cần tìm hiểu rõ ngành học của bạn có những yêu cầu gì, có những môn học nào cụ thể mà bạn muốn chọn. Bạn còn phải tìm hiểu thật kỹ trường học mà bạn chọn: trường này có những Giáo sư nào uy tín, có điểm mạnh nằm ở ngành nghề nào, được đánh giá ra làm sao. Bạn có thể tìm hiểu điều này bằng cách truy cập website của trường, viết thư hỏi các Giáo sư của ngành học đó, và hay nhất là hỏi Alumni đã từng theo học chương trình mà bạn muốn đăng ký. Sự tìm hiểu kỹ càng, đến nơi đến chốn không chỉ giúp ích cho việc xác định mục tiêu và hoạch định tương lai, mà còn đóng góp vào “sức nặng” của hồ sơ xin học của bạn.
 
Hãy thể hiện trong hồ sơ của mình là bạn đã tìm hiểu cặn kẽ về ngành nghề mình muốn theo học, là bạn có niềm đam mê, có quyết tâm, có mục đích cụ thể với chương trình học này. In doing so, trust me, you’re doing yourself a favour!
 
3.Đừng mất công đăng ký bừa bãi vào quá nhiều chương trình mà không có sự đầu tư hợp lý
Mình hiểu là nhiều bạn muốn tăng khả năng được chọn hồ sơ nên rải truyền đơn khắp nơi để đạt mục đích, nhưng bạn cũng cần giới hạn những lĩnh vực nào phù hợp với mình để bố trí thời gian hợp lý. Không thể tuần sau đến deadline nộp hồ sơ mà tuần này mới bắt đầu chuẩn bị, tìm người tiến cử (referees) cho mình được. Mọi thành công đều đòi hỏi sự chuẩn bị chu đáo
4. Chuẩn bị học tiếng
Nên nhớ, học Thạc sĩ đòi hỏi bạn phải đầu tư rất nhiều thời gian nghiên cứu, học hỏi. Nếu bạn đi du học với 1 vốn ngoại ngữ quá tồi, bạn sẽ cảm thấy việc học là vô cùng khó khăn. Ngược lại, nếu bạn có 1 vốn ngoại ngữ tốt thì bạn có một lợi thế vô cùng lớn. Ví dụ, khi đọc bài hay nghe giảng, bạn sẽ không phải chật vật để hiểu bài, mà chỉ tập trung chú ý vào nội dung của bài giảng mà thôi. Do đó, mình khuyên các bạn sắp đi du học hãy chuyên tâm hết lòng vào việc học thứ tiếng mà bạn sẽ phải sử dụng cho chương trình học. Điều này quyết định kết quả học tập của bạn, nhất là những bạn theo học các ngành xã hội, đòi hỏi khả năng diễn đạt cao như xã hội học, truyền thông, báo chí, tâm lý học, v.v..
 
5. Chuẩn bị cho ngành học thật kĩ
Sau khi đã có kết quả xin học và bạn đã biết chắc mình sẽ theo học chương trình nào, và thậm chí cả trước đó, bạn cần tìm hiểu càng sâu càng tốt về ngành học của mình. Tìm hiểu bằng cách nào? Đọc sách, báo về các vấn đề, các sự kiện trong ngành học của bạn. Ví dụ, bạn sắp đi học về lịch sử mỹ thuật châu Á? Bạn phải tìm đọc sách viết về đề tài này. Bạn sắp theo học ngành báo chí? Bạn phải thường xuyên cập nhật tin tức trong nước và quốc tế, cũng như những vấn đề nổi cộm trong ngành báo.
 
Hãy đặt cho mình những câu hỏi sau đây và tự tìm câu trả lời:
  • Ngành nghề này có những nhân vật nào nổi cộm và gây ảnh hưởng nhất?
  • Ngành nghề này đòi hỏi những kỹ năng gì?
  • Những vấn đề nổi cộm liên quan đến lĩnh vực này trong quá khứ và hiện tại
  • Những nghiên cứu, phát hiện quan trọng trong lĩnh vực này từ trước đến nay
Nếu bạn có thể tìm đọc sách tiếng Anh, điều này sẽ càng tốt cho bạn, vì qua đó bạn sẽ làm quen được với những vốn từ thông dụng liên quan đến ngành học của mình. Tuy nhiên, nếu không có điều kiện thì đọc sách tiếng Việt cũng tốt. Sách vở mà bạn tìm đọc không nhất thiết phải là dạng sách học thuật, mà có thể chỉ là sách kiến thức bình thường, thông dụng, dành cho quảng đại quần chúng. Còn nếu bạn không kiếm được sách (tôi hơi nghi ngờ điều này trong thời đại Internet ngày nay), thì bạn hoàn toàn vẫn có thể tìm được nhiều tài liệu miễn phí trên mạng, qua các trang news, blog, … Hãy nhớ, càng tích lũy được nhiều kiến thức chuyên ngành, bạn càng đỡ khổ trong quá trình học tập ở nước ngoài.
Tác giả: Minh Thi (Đăng tải bởi Thầy Vĩnh Huy Fulbrighter)
 
 



 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024