Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
13/01/2021 22:01 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
[Review Sách] “Một Lần Đến Nhân Gian, Phải Sống Đời Rực Rỡ”: Ngoài Việc Sống “Đẹp” Còn Phải Sống “Chất” - Bí kíp cho người Trẻ.


 

Chúng ta chỉ có 24 giờ, mỗi lần chúng ta dành thời gian quý báu vào những việc không quan trọng chính là một lần ta tự vứt bỏ chính mình. Khi nào còn cơ hội được sống, hãy sống thật hết mình. Không ai biết trước ngày mai và những điều không may cái nào sẽ đến trước. Chính vì vậy, hãy tận hưởng từng khoảnh khắc và luôn cố gắng hoàn thiện chính mình. Hy vọng quyển sách Một Lần Đến Nhân Gian, Phải Sống Đời Rực Rỡ của Lương Sảng sẽ là một lời động viên giúp các bạn có thêm niềm tin và động lực để tự chủ trong cuộc sống và yêu cuộc sống này hơn.

Sách tập hợp những câu chuyện nhân sinh từ chính tác giả, từ đó rút ra những bài học sâu sắc nhằm thúc tỉnh những ai còn đang ngu muội. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu nhé.

“VŨ KHÍ THẦN THÁNH” NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG CHÍNH LÀ BẠN ĐẤY.

 Điều này ám chỉ đến mối quan hệ giữa ý thức và vật chất. Hay nói cách khác, cách bạn sử dụng một đồ vật sẽ quyết định bạn và cuộc sống của bạn như thế nào.

Có một số người thường hay có sở thích sưu tập và mua sắm rất nhiều đồ đạc trong nhà, những đôi giày, những “chai chai lọ lọ”, thậm chí là sách vở thì chất chồng như núi trong nhà. Tuy nhiên, khi đã thỏa mãn mong muốn sở hữu được chúng thì cuối cùng lại không có nhiều thời gian để chăm sóc, sử dụng hay thậm chí ngắm nghía chúng.

 Yếu tố quyết định chất lượng cuộc sống của bạn nằm ở việc bạn sử dụng những đồ dùng ấy như thế nào. Mình biết một số bạn, thậm chí kể cả bản thân mình, thường hay có sở thích tải rất nhiều ứng dụng trong điện thoại, nào là ứng dụng học ngoại ngữ, ứng dụng các chương trình tập thể dục, chăm sóc da, theo dõi thời gian, vv. Nhưng nếu nhìn vào thực tế, việc dành thời gian sử dụng chúng chẳng có bao nhiêu. Sử dụng chúng một thời gian nhưng sau đó lại đâu vào đó, cả thèm chóng chán và sau đó bỏ lơ chúng ở một góc trong điện thoại. Vừa tốn diện tích, vừa làm cho bạn mất thời gian.

Ban đầu thì mua hết cái này cái nọ trong tâm trạng chờ mong kỳ vọng, sau đó lại lần lượt vứt dần đi, bỏ đi thì thương, vương thì tội, mà nhìn thì chướng mắt.

Cho dù cuộc sống bạn có xa hoa, đời sống của bạn được nâng cao hay mức thu nhập dần ổn định để theo đuổi với gu thẩm mỹ, nhưng nếu như bạn không có lòng để tâm đến nó, lười biếng không muốn chăm chút cho nó thì cuộc sống của nó cũng sẽ hoang tàn và sơ sài như xưa mà thôi.

Khi bạn mua bất cứ đồ gì về nhà, bạn phải đặt cái tâm của mình vào trong việc sử dụng nó. Nếu như bạn mua một đôi giày chạy bộ, nhưng chỉ để chúng trong nhà cho đến khi chúng phủ bụi thì quả thật rất tốn tiền và chiếm diện tích của nhà. Không quan trọng bạn mua bao nhiêu món đồ, quan trọng là bạn sử dụng chúng như thế nào.

Các ứng dụng hỗ trợ cũng vậy, mấy thiết bị hiện đại tân tiến cũng thế, chúng chỉ có thể giúp đỡ, hỗ trợ những người thực sự muốn cải thiện cuộc sống mà thôi. Bạn kiên trì, những thứ đó sẽ càng khiến bạn thành công hơn. Bạn lười biếng, chúng sẽ chẳng còn tác dụng nào cả.

Nhiều người trong chúng ta sẽ khó tránh khỏi cảm giác khao khát, mong muốn mua những gì tốt đẹp nhất cho mình, chúng ta xem việc mua những món đồ tốt như một nghi thức khởi động để bắt đầu cho một lối sống nào đó. Thế nhưng, sau khi mua về thì lại cả thèm chóng chán, chúng vừa chiếm diện tích lại không có nhiều giá trị sử dụng.

Mua một món đồ tốt không có gì là ghê gớm cả, công dụng ưu việt của những món đồ ấy có thể phối hợp được cùng với những hoạt động mang tính chủ quan của bạn mới thực sự gọi là cải thiện cuộc sống.

HÃY LÀ NGƯỜI CÓ YÊU CẦU CAO VỚI GIẤC NGỦ.

Một nhịp sống có quy luật luôn mang đến cho bạn niềm vui vẻ và hạnh phúc mỗi ngày. Để có thể vượt qua mọi khó khăn trong đời, bạn cần có sức lực và tinh thần thật tốt để có thể chống chọi với chúng.

Nhưng để có một tinh thần và sức lực khỏe mạnh, bạn cần giữ gìn sức khỏe của mình thật tốt. Quan trọng hơn là giấc ngủ. Ngủ sớm dậy sớm luôn là một lời khuyên thực tế và không hề sáo rỗng.

Trong thời đại ngày nay, việc đi ngủ sớm là một điều có vẻ khó thực hiện nhất. Chúng ta dành rất nhiều thời gian cho điện thoại di động, liên tục thức khuya và dậy muộn vào sáng hôm sau. Cơ thể lúc nào cũng mệt mỏi, tâm trạng lúc nào cũng nóng nảy, không những càng khiến cho bản thân gặp khó khăn mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh.

Điều này mình đã thật sự trải nghiệm qua. Một khi một đêm mất ngủ và trằn trọc suy nghĩ, nghịch điện thoại đến khuya thì sáng hôm sau đầu đau như búa bổ, tâm trạng thất thường, nóng nảy và có những hành vi sốc nổi. Một trong những đồng nghiệp của mình mỗi khi mất ngủ thì lại nói chuyện cộc lốc và vô cùng nóng nảy, nói câu nào cũng mang tính sát thương cao, ngày càng làm cho mối quan hệ giữa đồng nghiệp với nhau trở nên căng thẳng hơn.

Ngủ sớm dậy sớm sẽ mang đến cho bạn nhiều năng lượng và giúp cho bạn có một tinh thần sảng khoái ngày hôm sau. Đừng xem thường tầm quan trọng của một giấc ngủ sớm. Nếu như bạn cứ liên tục hành hạ bản thân suốt một thời gian dài bằng việc đi ngủ muộn thì kết quả cuối cùng cũng sẽ hiển hiện lên con người bạn.

Thực ra, đợi đến khi hậu quả của việc đi ngủ muộn hiện lên trên mặt, thì những ảnh hưởng của nó trong cơ thể đã xông pha, lan tỏa khắp mọi nơi từ lâu rồi.

Việc đi ngủ sớm là một thói quen mà bạn nên luyện tập mỗi ngày. Việc này không hề dễ dàng, chúng cần sự kỷ luật của chúng ta rất nhiều. Tuyệt đối không dùng điện thoại trước khi ngủ, tạo cho căn phòng ngủ một không gian thoải mái hơn, tránh suy nghĩ những vấn đề phức tạp trong suy nghĩ vào buổi tối. Tránh đưa ra những quyết định vào buổi tối vì như thế sẽ rất dễ đi vào ngõ cụt, càng nghĩ càng thấy buồn và bản thân sẽ phải hối hận sau đó. Còn khi mới thức giấc thì mọi chuyện không tệ như bạn nghĩ, lựa chọn đưa ra cũng tích cực và mang tính xây dựng hơn rất nhiều.

Nhịp điệu sống không có quy luật sẽ khiến sức khỏe suy giảm rõ rệt, không chỉ suy giảm về sức khỏe mà về mặt tinh thần cũng bước tới ranh giới của sự nguy hiểm.

Ví dụ như Haruki Murakami, đối với một tác giả, một tiểu thuyết gia, ông cho rằng điều quan trọng nhất là khả năng tập trung và lòng nhẫn nại. Ông đều thức dậy năm giờ, đi ngủ chín giờ, sinh hoạt điều độ theo quy luật và kiên trì chạy bộ.

 Vì vậy, theo dõi sức khỏe là một công việc quan trọng. Hãy đảm bảo cho giấc ngủ của bạn thật ngon và sâu nhất có thể. Có như thế, bạn mới có thể xinh đẹp và đủ khả năng để đương đầu với những khó khăn ngoài kia chứ.

MỘT NGƯỜI CÓ CHÍ HƯỚNG LÀ NGƯỜI LUÔN MONG MUỐN CÓ ĐƯỢC ƯU ĐIỂM CỦA NGƯỜI KHÁC

Con người thường hay có xu hướng đố kỵ những người làm việc tốt hơn mình, những người xinh đẹp hơn mình và những người giỏi hơn mình. Ít khi chúng ta có thể gạt bỏ đi lòng đố kỵ và sự ghét bỏ khi so sánh bản thân với người khác. Thường trong nhiều trường hợp, khi không thích một ai đó, bạn sẽ có định kiến và cho dù người đó có làm tốt thế nào thì trong lòng bạn, họ vẫn là một người “xấu xa.”

Chính vì lối tư duy hạn hẹp như thế sẽ hạn chế rất nhiều cơ hội được học hỏi từ những người “giỏi” hơn bạn.

So với việc ngồi đó ngưỡng mộ người khác, chi bằng lựa chọn ra những ưu điểm của người ta mà tôi đánh giá cao rồi biến nó thành ưu điểm của mình.

Thay vì ghen ghét và đố kỵ với người khác, hãy liên tục học hỏi những ưu điểm của họ. Con người dù không hoàn hảo đến đâu nhưng cũng sẽ có những ưu điểm mà bạn có thể học hỏi được. Quan trọng là bạn có sẵn sàng mở lòng để tiếp thu và học hỏi từ họ hay không mà thôi.

Nhìn thấy người ta khoe ảnh đi du lịch, trước hết cần phải thu lại hết những suy nghĩ, cảm xúc hạn hẹp của mình lại, tán gẫu với người ta về mảnh đất và con người nơi họ tới thăm chẳng phải sẽ càng mở mang kiến thức hơn sao? Nhìn thấy người ta khoe khoang tình cảm mặn nồng, trước tiên đừng vội ngưỡng mộ hay đố kỵ, cùng thảo luận với người ta về cách gìn giữ và phát triển một mối tình hay một cuộc hôn nhân chẳng phải sẽ càng có ích hơn ư? Những kẻ suốt ngày chỉ biết đi đằng sau nghĩ xấu về người khác thì mãi mãi sẽ không ngóc đầu lên được.

Khi bạn xem tất cả những người xung quanh là những nguồn sạc năng lượng để kích hoạt những phẩm chất đang ngủ say trong con người mình thì cơ hội bạn phát triển và học hỏi từ người khác sẽ rất nhiều. Tránh xa những khuyết điểm của người khác và tiếp thu những ưu điểm của họ để áp dụng cho chính mình.

Sau đây là một vài cách bạn có thể áp dụng:

1/ Thường xuyên mở vệ tinh để bắt sóng những tấm gương sáng theo thói quen

Sau khi ăn xong McDonald’s xong thì tiện tay vứt luôn giấy rác, và đồ ăn thừa vào khay đựng thùng rác; nghe điện thoại trên xe buýt thì tiện tay che miệng lại để làm giảm âm lượng giọng nói đi. Những cử chỉ có ý thức và văn hóa như thế cần phải được học tập ngay, không cần phải nói nhiều.

2/ Học hỏi chân thành từ những người xung quanh

Khi cách hành xử của ai đó khiến cho bạn ấn tượng, bạn có thể hỏi người đó xem cách họ làm như thế nào để đạt được kết quả mong muốn như: “Cậu có thể nói cho mình biết cậu đã làm như thế nào không?”, “Làn da của cậu đẹp quá, mau nói cho mình biết cậu chăm sóc da như thế nào đi?”. Liên tục học hỏi từ ưu điểm của người khác luôn luôn có lợi cho bạn.

3/ Sau khi học hỏi và chắt lọc, phải bắt tay vào hành động ngay

 Mỗi người đều có những phương thức làm hiệu quả cho riêng mình. Giữa một rừng núi kinh nghiệm được chia sẻ tràn lan trên mạng, bạn cần phải phân tích và đánh giá một cách lý trí và khoa học xem cái gì hợp với bản thân thì mới áp dụng. Phải biết cái gì là cần thiết cho mình, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên sau đó thì hãy duy trì lâu dài. Tối kỵ nhất là áp dụng bừa bãi, không chắt lọc, đầu voi đuôi chuột hay cả thèm chóng chán, vừa mệt mỏi vừa không áp dụng được gì.

Đừng suốt ngày chỉ lo “bới lông tìm vết” của người khác, hãy quan sát và có một cái đầu mở để có thể tiếp thu và học hỏi từ những người xung quanh bạn. Một đứa trẻ cũng có thể là Thầy của bạn đấy.

TRONG THỜI ĐẠI ƯA NGOẠI HÌNH NÀY, BẠN PHẢI LÀ MỘT NGƯỜI CÓ KHỐI ÓC MẠNH MẼ NHẤT

Bề ngoài trau chuốt có thể sẽ cho bạn thêm phần tự tin và lợi thế cạnh tranh trong nhiều khía cạnh trong cuộc sống, tuy nhiên nếu như nội tâm “rỗng tuếch”, tính cách cũng như học thức kém cỏi thì không sẽ không mang đến cho bạn lợi ích gì cả.

Ngoài việc vẻ bề ngoài trở nên xinh đẹp hơn, hãy đầu tư tiền bạc, thời gian và công sức cho hệ tri thức, kỹ năng chuyên môn, khí chất con người, tầm nhìn cũng như đẳng cấp của bản thân. Hãy coi trọng việc trưởng thành và mở rộng năng lực và tiềm lực ẩn sâu trong con người mình, để sự đầu tư ấy sinh ra lợi ích, để bản thân mình trở nên tỏa sáng hơn.

Khi bạn theo đuổi những hàng hiệu xa xỉ của những bộ quần áo, những chiếc giày, những túi xách và trang sức đắt giá, đồng thời cũng phải theo đuổi những “hàng hiệu” trong sách, phẩm chất “hàng hiệu” của những người giỏi giang ở xung quanh mình, sau đó dần biến chúng thành của mình để bản thân trở nên đẳng cấp hơn.

 

 

LỢI ÍCH CỦA VIỆC “SUY NGHĨ ĐẸP”

Suy nghĩ đẹp ở đây là bạn mang trong mình một tấm lòng thiện chí để tưởng tượng về người khác, đối phương cũng sẽ nhận được tín hiệu mà bạn đang đưa ra, đồng thời cũng sẽ đối xử với bạn y như thế.

Bạn chỉ có một lần để sống, cho dù bạn có ủ rũ, lo lắng hay vui vẻ thì cuộc sống vẫn cứ trôi qua. Cớ sao, lại không chọn cho mình một con đường vui tươi hơn, một suy nghĩ lạc quan hơn. Dung mạo của một người có thể nói lên rất nhiều về tâm trạng của họ.

Khi bạn bức bối và nóng nảy khó chịu, thì tất cả những mối quan hệ gần bạn đều sẽ bị ảnh hưởng. Hơn nữa, khuôn mặt của bạn khi ấy cũng sẽ rất “khó coi”. Con người ta những khi vui vẻ, gương mặt sẽ như một chữ “hỷ”, nhưng khi sợ hãi thì sẽ vàng như màu đất, khi lo lắng thì mặt mày nhăn nhó, khi tức giận thì đỏ mặt tía tai. Đây là những phản ứng của trạng thái tâm lý thể hiện trên làn da của bạn qua một quá trình bào mòn cả thời gian và những tác động của suy nghĩ tiêu cực.

Tuy nhiên, chúng ta đâu nhất thiết phải như thế. Chọn cho mình tâm trạng vui vẻ, suy nghĩ lạc quan luôn mang đến cho bạn những hy vọng và những điều tốt đẹp. Khi bạn chuyển hướng những lo lắng của mình sang chiều hướng tích cực, cuộc sống của bạn sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Giống như Bác sĩ tâm lý người Do Thái Viktor Frankl trong khoảng thời gian bị Đảng Quốc Xã Đức giam ở Trại tập trung Auschwitz, ngày nào ông cũng phải sống trong nỗi khủng hoảng. Hằng ngày, ông phải ra công trường lao động, suy nghĩ trong đầu ông toàn là những ảo tưởng tuyệt vọng đại loại như “ liệu có còn sống sót qua đêm nay hay không”.

Thay vì chìm đắm trong cảm giác bất an và chán chường, lúc đi lao động buổi sáng, ông cố tình tưởng tượng mình đang đi trên đường diễn thuyết, ông đi tới một khán phòng ngập tràn ánh sáng, tinh thần sảng khoái, tràn đầy sức sống để bắt đầu một buổi diễn thuyết. Trên khuôn mặt ông dân hiện ra một nụ cười đã từ lâu không nhìn thấy, khi ông nhận ra rằng ông có thể cười, ông liền biết rõ, mình sẽ không phải chết ở trại tập trung này, nhất định ông sẽ sống sót để ra ngoài. Sau khi được phóng thích, ông vẫn giữ cho mình một nét trẻ trung.

Có thể thấy, dung mạo của một người được thể hiện ở tâm hồn của người đó. Thay vì để tâm hồn mình bị suy sụp bởi những việc không đâu, chi bằng hãy suy nghĩ tích cực hơn. 

Trước khi bước vào màn biểu diễn hay phỏng vấn khiến người ta căng thẳng hồi hộp, trong đầu hãy tưởng tượng mình đang chuẩn bị bước đi trên sàn diễn thời trang ở Paris, như thế có thể khiến mình tỏa sáng hơn. Khi đang đạp trên chiếc xe đạp tập thể dục đơn điệu và tẻ nhạt, nhắm hai mắt lại, tưởng tượng mình đang đạp xe đi dạo ở nơi có phong cảnh đẹp như trong những tấm bưu thiếp, có thể khiến khóe môi bạn khẽ cong lên.

Trong những lúc khó khăn và gian khó nhất, hãy tự tạo cho mình niềm vui, phải biết thế nào là đủ, giữ cho bản thân luôn vui vẻ, không ngừng xóa bỏ những phiền muộn và oán giận trong cuộc đời. Cho dù phải trải qua giai đoạn tối tăm nhất cuộc đời, bạn vẫn có thể mở kho ký ức vui vẻ, đẹp đẽ trong tâm trí mình.

 

 

ĐỪNG CHO NGƯỜI KHÁC CƠ HỘI LÃNG PHÍ THỜI GIAN CỦA MÌNH

Xung quanh chúng ta có vô số những người luôn tìm mọi cách để “ăn cắp” thời gian của chúng ta nhưng họ không nhận ra điều đó.

Một người đã lâu không liên lạc nhờ bạn làm một việc gì đó, tỏ ra thân thiết để hỏi thăm hàn huyên một lúc lâu mới chịu nói vào chuyện chính.

Một người dây dưa lằng nhằng muốn nói một chuyện gì đó, cứ phải vòng vo rào trước đón sau về câu chuyện ấy bao nhiêu lần.

Những người như thế không coi trọng thời gian của mình, nên nghĩ ai cũng như mình. Sở dĩ phần lớn người khác có thể điềm nhiên lãng phí thời gian của bạn là vì bạn đem tới cho họ cảm giác “thời gian của tôi là do bạn làm chủ”.

Bất kể đó là điều gì, khi bạn thể hiện ra tâm trạng và cảm xúc của mình, chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý, một khi câu chuyện được mở ra, lời nói sẽ tràng giang đại hải không sao kết thúc được. Khi bạn thể hiện tâm trạng tức giận và khó chịu, thì đó cũng là một cục nam châm thu hút người ta hóng chuyện, ngay lập tức sẽ có người đến hỏi xem ai chọc giận bạn, tức giận chuyện gì thế, vv.

Vì vậy, để tránh người khác xâm chiếm thời gian của bạn, tốt nhất bạn nên cẩn trọng và hiểu rõ xem bản thân mình có cần được chia sẻ hay không. Vì bạn tỏ thái độ như thế thì đừng trách sao người ta không tìm đến bạn. Nếu thật lòng bạn thật sự bận, hãy thể hiện một tâm thế và giới hạn “Tránh làm phiền”. Đừng cố gắng toàn tâm toàn ý phối hợp với người ta để cùng nhau mất thời gian của nhau nữa.

Nhân viên bán bảo hiểm tư vấn cho bạn suốt hai mươi phút, bạn hỏi đông hỏi tây một hồi rồi mới nói rằng mình không có nhu cầu, như thế người ta cũng muốn khóc ròng luôn.

Hãy tập cho mình thói quen bắt người khác tôn trọng thời gian của bạn. Nếu như người khác đã không tôn trọng thời gian thì không có lý do gì để bạn có thể hợp tác cùng họ nữa.

Đừng cho người khác cơ hội lãng phí thời gian của mình, như thế chính là gián tiếp lãng phí thời gian của mình.

 

 

THỨ MÀ BẠN COI LÀ CẢM GIÁC VƯỢT TRỘI CHẲNG HỀ LIÊN QUAN GÌ ĐẾN NGƯỜI KHÁC

Điều này có nghĩa là bạn dựa vào cảm giác vượt trội của bản thân hay nói khác hơn là những tiêu chuẩn cá nhân để đánh giá và phê bình người khác. Việc dựa vào những kinh nghiệm bản thân trải qua để yêu cầu người khác phải giống mình là một chuyện hết sức phi lý và ấu trĩ đến nhường nào.

Hãy tưởng tượng nếu ai cũng phải sống theo cách mà bạn muốn thì thế giới này cũng không muôn hình vạn trạng như thế này đâu. Việc bạn làm tốt một việc không có nghĩa là người khác cũng sẽ như thế. Bạn chưa từng trải qua những gì họ trải qua, bạn dựa vào tư cách gì để đánh giá và lên án người khác chứ.

Mỗi trải nghiệm và góc nhìn của cá nhân một con người đều sẽ có những góc mà người khác không thể đồng cảm hay thấu hiểu được. Bạn không thể nào thay thế người ta sống cuộc đời của họ. Bạn không thể hiểu được những khó khăn, khổ sở đằng sau và bất đắc dĩ được thể hiện ngoài mặt ấy. Bạn sẽ không thể hiểu được cuộc sống hằng ngày bạn chỉ cần giơ tay là với được ấy là giấc mơ mà người khác có kiễng chân thế nào cũng không sao với tới nổi. Thế cho nên, bạn không có tư cách giơ tay chỉ trỏ gì đối với người khác.

Riêng bản thân mình, mình thật sự tôn trọng những cá nhân luôn luôn tôn trọng ý kiến của người khác, không yêu cầu người khác làm theo ý mình, phán đoán một cách lý trí và luôn giữ tinh thần thiện chí với người khác.

Những người hay đứng trên danh nghĩa đạo đức để lên án và “ném đá” người khác là những người có tư duy hạn hẹp và rất nông cạn. Họ chỉ biết tới bản thân họ mà không có sự thông cảm hay tìm hiểu nào về đối tượng họ đang nhắm tới.

“Tôi sẽ không làm như thế nếu tôi là cô ta.”

“Tôi sẽ bỏ ông chồng tệ bạc này nếu hắn không mang đến cho tôi bất cứ lợi ích nào.”

‘Sao cô không nhường chỗ cho một người già như thế.”

Thật ra, có nhiều chuyện chính mắt chứng kiến cũng không hẳn là sự thật. Bạn cần có sự tìm hiểu và suy xét thì mới có thể có quyền phát ngôn và đả kích người khác.  Bạn không ở trong hoàn cảnh của người khác làm sao bạn có thể thấu hiểu nội tình mà phán đoán một cách khách quan được.

Trong cuộc sống, việc chúng ta bị dắt mũi bởi truyền thông, những scandal tràn lan trên mặt báo, khó tránh khỏi bạn dễ dàng đưa ra những phán đoán và định kiến cá nhân. Tất cả những gì bạn nhìn thấy chỉ là một phần của tảng băng, đừng vội đưa ra những thành kiến đối với bất cứ một ai khi bạn chưa thật sự tìm hiểu sự thật rõ ràng.

Cũng sẽ có nhiều người thường hay dùng sự chật vật xấu hổ của người khác để lấp đầy cảm giác vượt trội của người khác. Những người có hoàn cảnh khó khăn hay nghèo khổ thường bị một số người xem thường, họ lấy sự đau khổ của những cá nhân này để cảm thấy bản thân mình vượt trội.

“Sao con không có chí tiến thủ gì hết vậy?”

“Nếu cô như con thì cô sẽ đi làm từ rất sớm để nuôi gia đình và tìm cách làm giàu.”

“Bố mẹ cháu không quan tâm, chăm sóc con sao?”

Những người này rất thích đánh giá cuộc sống người khác dựa trên những tiêu chuẩn của mình. Mỗi nhà mỗi cảnh, cuộc sống bạn sung túc thì ít nhất hãy biết ơn về những gì bạn đang có. Đừng chỉ trỏ cũng đừng bắt người khác phải như thế này như thế kia. Bạn không sống cuộc đời của họ làm sao bạn có thể đánh giá họ một cách phiến diện như thế.

Khi một việc gì không tích cực lắm xảy đến với cuộc đời ai đó, họ đều lên án chỉ trích, nhưng khi chính bản thân họ rơi vào tình huống tương tự, họ lại mong người khác thương cảm. Hãy tưởng tượng nếu như bạn lâm vào nghịch cảnh thì họ sẽ đối xử với bạn như thế nào. Vì vậy, sống trên đời cần khoan dung rộng lượng một chút. Khi bạn tha thứ và rộng lòng với người khác, thì bạn cũng đã cho mình một con đường lui. Đừng dồn người khác đến mức đường cùng như thế.

Dường như lúc này, bạn đang đứng ở một đỉnh cao của đạo đức, bạn không hề biết rằng cuộc sống luôn luôn thay đổi. Tới khi bạn rơi xuống đầm sâu của đạo đức, bạn cũng sẽ hy vọng người khác rộng lòng, thiện chí với mình thôi. Vì vậy, hãy nhìn nhận sự việc ở góc độ khách quan, biểu đạt suy nghĩ của mình một cách lý trí, đưa ra ý kiến một cách hòa nhã. Nếu không làm được như thế, ít nhất hãy khoan dung hơn một chút.

Lời kết

 

Cuộc sống này sẽ luôn tốt đẹp nếu như bạn biết sống trọn vẹn, liên tục nâng cao cũng như mở rộng tư duy của mình. Cuộc sống này sẽ không bạc đãi những người có cố gắng đâu. Chúc bạn sống một cuộc đời thật rực rỡ.

Review chi tiết bởi: Tuyết Sơn - Bookademy

Hình ảnh: Tuyết Sơn - Bookademy

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024