Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
18/04/2018 12:04 # 1
ngochai20101998
Cấp độ: 11 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 48/110 (44%)
Kĩ năng: 8/20 (40%)
Ngày gia nhập: 27/12/2016
Bài gởi: 598
Được cảm ơn: 18
Karate-Do truyền thống


Có đến 76 bài tham luận về chủ đề này. Nhiều bài tham luận công phu và sắc sảo. Chỉ tiếc, vì lý do kỹ thuật, Diễn đàn đã không tải hết các bài tham luận như mong muốn. Diễn đàn xin thành thật cáo lỗi.

Karate-Do là môn võ của người Nhật. Ngày nay, Karate-Do trở thành môn võ quốc tế. Tiền thân của Karate-Do là Okinawaté - môn võ đặc trưng của dân Okinawa. 

Năm 1922, Karate-Do được chính thức du nhập vào Nhật Bản, bởi giáo sư Funakoshi Gichin. Ông là người sáng lập Hệ phái Shotokan, ông còn được xem là ông tổ nền Karate- Do quốc tế hiện đại.

Trước đây, cũng như Judo, Aikido, Kendo…Karate-Do là môn võ nhằm giúp rèn luyện và giáo dục người tập. Sau 1945, thế giới rộng mở, nhiều nước - đặc biệt Hoa Kỳ, có nhu cầu tiếp thu tinh hoa văn hóa Nhật Bản. Nhiều võ sư Karate-Do trẻ và cấp tiến hào hứng với khuynh hướng quốc tế hóa và thể thao hóa môn Karate-Do... Nhưng phải đợi đến năm 1957, sau khi Tổ sư Funakoshi Gichin qua đời, khuynh hướng này mới được định hình: Hiệp hội Karate-Do Nhật Bản ra đời, Giải Karate-Do toàn Nhật được tổ chức; tiếp đến là sự ra đời của Hiệp hội Karate-Do châu Âu, Hiệp hội Karate-Do thế giới, cùng với các Giải đấu Karate-Do cấp quốc gia, khu vực và thế giới thường xuyên được tổ chức. Qua đó, Karate-Do lần lượt phát triển rộng khắp trên toàn thế giới. 

Có thể liệt kê một số điểm khác biệt cơ bản giữa Karate-Do truyền thống và Karate-Do thể thao:
     - Địa điểm: Karate-Do truyền thống gọi nơi tập là Dojo, Võ đường, hay Đạo đường; được thiết trí theo chuẩn mực cổ truyền. Karate-Do thể thao tập luyện nơi các sân bãi, CLB, hoặc Trung tâm.
      - Người học: Karate-Do truyền thống gọi người học là môn sinh, hay võ sinh. Karate-Do thể thao gọi người học là học viên, hội viên, hay vận động viên.
      - Người dạy: Karate-Do truyền thống gọi là thầy, hay sư phụ. Karate-Do thể thao gọi là Huấn luyện viên.
     - Nội dung: Karate-Do truyền thống coi trọng việc rèn luyện kỹ thuật căn bản, quyền pháp, đấu pháp. Không chỉ dừng lại trên bình diện võ thuật, Karate-Do truyền thống còn đòi hỏi người tập phải thông hiểu cả lãnh vực võ lý và võ đạo. Trong lúc, để đáp ứng nhiệm vụ thi đấu, Karate-Do thể thao chú trọng việc đào luyện chuyên sâu: người có năng khiếu về quyền (Kata) thì chỉ tập quyền, người có năng khiếu về đấu (Kumite) thì chỉ luyện kỹ năng chiến đấu. Bởi thế, đã có trường hợp một VĐV tham gia đội tuyển 10 năm, thi đấu dành huy chương vàng kumite châu lục, lúc trở về làm công tác huấn luyện, phải bắt đầu học lại từ đầu mấy bài Heian cơ bản.
      - Phương pháp: Với Karate-Do truyền thống, quá trình rèn luyện là quá trình tự hoàn thiện mình. Do thế, phương pháp chủ yếu của Karate-Do truyền thống là đi từ đơn giản đến phức tạp, từ chậm đến nhanh, từ chưa thuần thục đến thuần thục, từ chưa biết đến biết, từ biết đến “ngộ”… Còn với Karate-Do thể thao, do nhiệm vụ (Kata hay Kumite) đã rõ ràng, nên tập luyện đòi hỏi phải miệt mài, lặp đi lặp lại cho đến khi trở thành kỹ năng kỹ xảo.
     - Thời gian: Với Karate-Do truyền thống, chọn tập luyện Karate đại loại cũng như chọn vợ chọn chồng, đòi hỏi sắc son, gắn bó suốt đời. Karate không phải là mục đích mà là biện pháp đạt đến mục đích - ngoài Karate, người tập còn biết bao nhiệm vụ và mục tiêu khác cần phải chinh phục. Vả lại, đường dài đâu cần vội…Bởi thế, mỗi ngày chỉ cần khoảng một giờ tập là đủ. Trong lúc với Karate-Do thể thao, do phong độ là nhất thời; nên cần phải tập sao để có phong độ, nhất là phải đạt phong độ đỉnh cao. Tập, tập và tập, tập ngày tập đêm, đó là mệnh lệnh đối với các VĐV Karate. Và mỗi khi qua khỏi phong độ đỉnh cao, chấm dứt nhiệm vụ thi đấu, các VĐV trở về những ngày  tháng bình thường, kết thúc dòng chảy Karate.
     - Nội qui: Trong lúc với Karate-Do thể thao, nội qui là yếu tố quan trọng nhằm đảm bảo kỷ luật, hiệu quả tập luyện, và hiệu quả thi đấu. Thì Karate-Do truyền thông, nội qui được hiểu là môn qui, là những điều cấm kỵ nghiêm ngặt để không chỉ duy trì nề nếp kỷ cương của võ đường mà còn là điều kiện cần thiết giúp người tập hoàn thiện nhân cách; trong đó, lễ nghi, chào kính là yêu cầu khắc nghiệt nhất.
     - Quản lý: Karate-Do thể thao được quản lý bởi ngành Thể dục Thể thao thông qua Bộ môn, Hiệp hội và Liên đoàn. Karate-Do truyền thống tồn tại độc lập theo tổ chức của các Hệ phái và các Chi lưu, trên nền tảng luật pháp quốc gia.
     - Nhưng, điểm khác biệt rõ nhất giữa Karate-Do truyền thống và Karate-Do thể thao là tính mục đích của nó. Với Karate-Do thể thao, mục đích quan trọng hàng đầu là chiến đấu, chiến thắng, và dành huy chương. Với Karate-Do truyền thống, mục đích chính yếu là sức khỏe, kỷ năng tự vệ, và đạo làm người - hay còn gọi là yếu tố tinh thần của võ đạo Karate. Với Karate-Do truyền thống, yếu tố tinh thần bao gồm phẩm chất và đạo đức. Phẩm chất, đó là danh dự, trách nhiệm, kỷ luật, đoàn kết, trầm tĩnh, hào hiệp, cao thượng, thủy chung, có ý chí, có hoài bảo, có khát vọng không ngừng vươn lên…Đạo đức, đó là trung thành với tổ quốc, hiếu thảo với cha mẹ, tình nghĩa với thầy bạn, nhân ái với mọi người…Đấy thật sự là những tấm huy chương mà mỗi Karateka chân chính luôn tâm niệm phấn đấu suốt đời.

Trong số 76 tham luận, hầu hết các bạn đều chọn Karate-Do truyền thống, một số chọn Karate-Do thể thao, số khác chọn cả hai. Ai cũng có lý do để chọn cái mình thích. Nhưng không biết các bạn có biết, chọn cho mình một môn võ thuật thì cũng giống như người trồng cây lưu niên - phải mất năm bảy năm, đôi khi cả chục năm cây mới đơm hoa kết trái. Bởi vậy, những ai đến với Karate-Do truyền thống bằng tâm thế của con bướm đậu rồi lại bay, thì chắc chắn không bao giờ nếm được hương vị ngọt ngào của môn nghệ thuật tao nhã này. Thế đấy, tập võ cũng như nấu nồi nước sôi, nếu không đun tiếp thì nước sẽ nguội trở lại.

Thật ra, Karate-Do thể thao có những hấp dẫn khó cưỡng của nó. Đó là những ngày tháng khổ luyện hết mình nơi thao trường, là những trận chiến hào hùng trên võ đài, là tột đỉnh vinh quang dưới lá cờ tổ quốc, là ngất ngây hạnh phúc trước cái lấp lánh của những chiếc huy chương; là những cuộc đón tiếp, tung hô, tuy nhất thời nhưng sẽ đọng mãi suốt đời; là những cuộc giao lưu hồ hởi với bạn bè năm châu bốn biển - qua đó, ta có dịp giới thiệu cái hay cái đẹp của quê hương đất nước mình… Có thể nói, nhờ Karate-Do thể thao mà ta hội nhập được với làng Karate quốc tế và góp phần giúp hòa nhập với cộng đồng nhân loại; nhờ Karate-Do thể thao mà môn Karate ngày càng phát triển mạnh và rộng khắp trên thế giới…

Nhưng, Karate-Do truyền thống thì không được thế. Karate-Do truyền thống như con suối lặng lẽ chảy qua bao thác ghềnh, lặng lẽ hợp lưu thành dòng sông, rồi tiếp tục lặng lẽ chảy; tài bồi cho bao ruộng đồng, làng mạc; mang lại màu xanh, sức sống cho đời. Võ thuật truyền thống nói chung và Karate-Do truyền thống nói riêng cũng còn được ví như tổ chức gia đình, dòng tộc, và làng xã trong một xã hội. Chính đó mới là giềng mối gắn kết giúp một dân tộc tồn tại và phát triển qua bao thử thách. 

Suốt bốn ngàn năm lịch sử, văn hóa Việt Nam được nuôi dưỡng bởi hai dòng sữa: văn và võ. Nói như nhà thơ Huy Cận:
          Sống vững chãi bốn nghìn năm sừng sững
          Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa
          Trong và thật sáng hai bờ suy tưởng
          Rất hiên ngang mà nhân ái chan hòa

Vậy mà ngày nay, dòng suối võ xem ra không còn luân lưu nữa. Đã không khai thông thì chớ đàng nay đang có khuynh hướng cào lấp đi. Tất cả đều biến thành thể thao, tất cả đều được đo đếm bằng huy chương và thành tích. Sao không thử đo đếm xem võ thuật truyền thống đã cống hiến những gì cho sự nghiệp trồng người? Nhất thời, chiếc huy chương vàng mang vinh quang về cho tổ quốc. Nhưng nếu không có nội lực và khí sắc, liệu một dân tộc có thể tồn tại vững vàng trước phong ba bão táp chăng? Không có nội lực và khí sắc, liệu có giữ được mình để khỏi bị hòa tan trong thời đại toàn cầu hóa và giao lưu hội nhập này chăng? Tiếc thay!

Cũng liên quan đến võ thuật, chúng tôi mời bạn tham gia chủ đề của tháng 12/2011:  Ai cũng có lý do riêng để đến với võ thuật. Vậy, lý do khiến bạn đến với Karate-Do là gì? (Nói cách khác, động cơ nào khiến bạn đến với Karate-Do? Hay nói cách khác nữa, bạn đến với Karate-Do vì mục đích gì?). Và, bạn có tìm thấy điều bạn mong muốn sau một thời gian tập luyện Karate-Do không?

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024