Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
31/03/2015 21:03 # 1
jullyna2713
Cấp độ: 8 - Kỹ năng: 6

Kinh nghiệm: 5/80 (6%)
Kĩ năng: 29/60 (48%)
Ngày gia nhập: 04/11/2014
Bài gởi: 285
Được cảm ơn: 179
Giành giải sáng tạo từ những câu chuyện đời thường


(Baoquangngai.vn)- Từ những câu chuyện nhỏ trong cuộc sống, bốn học sinh ngôi trường vinh dự mang tên chiến công lịch sử Ba Gia đã xuất sắc vượt qua hàng trăm Dự án, “rinh” về 2 giải cao nhất trong bộ sưu tập thành tích của học sinh Quảng Ngãi trong Cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật toàn quốc 2015.

Từ câu chuyện của bác hàng xóm


Trò chuyện với em Nguyễn Minh Phúc và Kiều Thu Hằng, học sinh Trường THPT Ba Gia, tác giả của Dự án “Thuốc trừ sâu thảo mộc”, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên đến bật cười vì cách trả lời ngộ nghĩnh, hồn nhiên, dí dỏm, chân thật của hai em.

Ý tưởng của sản phẩm được hình thành từ câu chuyện của bác hàng xóm. Thấy bác không bao giờ dùng thuốc bảo vệ thực vật để trừ sâu cho lúa, cho dưa hấu mà dùng cây sả, lá cây mèn hăng và cây gầu (từ địa phương), Phúc và Hằng quyết tâm đầu tư nghiên cứu.

Tai nghe, mắt thấy, hai bạn nảy ra ý tưởng có thể nghiên cứu phát triển bài thuốc của bác hàng xóm để thay thế cho thuốc bảo vệ thực vật mà nông dân đang sử dụng.

Sau nhiều ngày lang thang các trang mạng để tìm kiếm bài thuốc thảo mộc này, nhưng không cho kết quả nào. Hai bạn đã có ý tưởng táo bạo khi thuê ruộng lúa, chia làm nhiều ô để tiến hành thí nghiệm cho nhiều công thức rồi lặn lội lên ven rừng ở xã Tịnh Giang để tìm hái cây mèn hăng, cây gầu.

 

bên ruộng lúa thí nghiệm.
Phú, Hằng và cô Bích bên ruộng lúa thí nghiệm dùng thảo mộc trừ sâu.


Phúc cho biết: “Mỗi sào lúa 500m2, sử dụng 5kg sả, 30g lá cây mèn hăng và 50g cây gầu. Mỗi loại cây như thế em phải dùng đến 9 công thức để điều chế, chưng cất và đối chứng mới lấy được tinh dầu đem phun cho ruộng lúa thí nghiệm”. Và kết quả, ruộng lúa thí điểm sau khi phun dung dịch này, ngày sau các loại sâu như cuốn lá nhỏ, sâu xanh chết sạch.

Bà Tạ Thị Thu Hà ở thôn Minh Mỹ, xã Tịnh Bắc (Sơn Tịnh), người có ruộng lúa được thí nghiệm vui vẻ nói: “Được phun thuốc thảo mộc, ruộng lúa của tôi không thấy còn sâu, lại phát triển rất tốt, ruộng bên cạnh thì sâu đếm không xuể, cứ nửa tháng là họ lại phun thuốc trừ sâu một lần”.

Tính chi li, mỗi sào lúa dùng thuốc trừ sâu là 7.100 đồng, thảo mộc đắt hơn 2.100 đồng, nhưng Phú và Hằng tự tin vào sản phẩm của mình, vì ý nghĩa của nó trong việc bảo vệ môi trường và sức khỏe con người. “Ở quê mình phần lớn diện tích là nông nghiệp, em nuôi dưỡng ước mơ sẽ phát triển Dự án của mình trên toàn quốc”- Phú cười tươi.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Bích- giáo viên hướng dẫn hai học sinh chia sẻ: “Giúp các em trải nghiệm với thực tế, giải quyết những vấn đề nhỏ của cuộc sống. Đó là điều tuyệt vời nhất mà Cuộc thi đã mang lại”.

…đến dụng cụ đo chiều cao

Trong khi Dự án dùng thảo mộc trừ sâu giành giải Ba tại Cuộc thi, thì hai nam sinh cùng trường là Huỳnh Tấn Vân và Trương Văn Tín cũng đã xuất sắc khi giành giải Nhì với Dự án “Dụng cụ đo chiều cao”.

Dự án này còn vinh dự lọt vào tốp 27 Dự án tham gia vòng thi chung cuộc để chọn Dự án đại diện các tỉnh phía Nam tham gia thi Quốc tế, xếp thứ 3 chung cuộc.

“Những bài học đo chiều cao em thấy khó thực hiện, trong khi dụng cụ đo chiều cao bán trên thị trường với giá rất cao. Vì thế, em muốn tạo ra một thiết bị đo chiều cao với giá thành rẻ, có độ chính xác cao, phục vụ vào đời sống khoa học kỹ thuật. Chẳng hạn như đo các vật thể kiến trúc, cột đèn báo giao thông, cột ăng ten, tòa nhà... mà không dùng thước đo”- Tín kể về ý tưởng táo bạo.

 

Dụng cụ đo chiều cao của Tín và Vân.
Dụng cụ đo chiều cao của Tín và Vân.


Hai nam sinh đã sử dụng từ bài học trên lớp là hệ thức lượng trong tam giác và định luật truyền thẳng của ánh sáng để làm cơ sở lý thuyết cho đề tài của mình.

Trong 3 tháng, cùng với sự giúp đỡ của thầy Chung Quang Tùng, hai nam sinh đã hoàn thành đề tài của mình. "Để kiểm chứng độ chuẩn xác, các em dùng thước đo trước sau đó kiểm chứng bằng thiết bị. Sau nhiều lần đo các vật thể, kết quả độ sai số rất thấp”- Vân cho biết.

Dụng cụ đo mà hai bạn chế tạo vừa chính xác vừa rẻ, chỉ có 500-600 nghìn đồng. Để có được sự thành công ngoài sức tưởng tượng, có hôm ba thầy trò phải thức đến 5 giờ sáng. Đặc biệt, thiết bị được lập trình nên xuất được dữ liệu thông qua các mạch điện tử.  

Thầy Chung Quang Tùng, giáo viên hướng dẫn của Tín và Vân tự hào: “Nhờ nhiệt tình, đam mê mà từ những kiến thức lý thuyết rất căn bản trong sách giáo khoa, các em đã thành công với đề tài khoa học rất hữu ích. Đây cũng là định hướng trong phát triển giáo dục hiện nay.”.

Khi được hỏi về ước mơ, Tín tâm sự: “Rất nhiều đề tài khoa học nghiên cứu thành công, nhưng rồi bị lãng quên. Em mong đề tài của mình sẽ được hỗ trợ để phát triển trong tương lai”.

Trong Cuộc thi lần này, Quảng Ngãi có 6 sản phẩm dự thi, thì có tới 5 sản phẩm đạt giải, với 1 giải Nhì, 3 giải Ba và 1 giải Khuyến khích. Càng tuyệt vời và bất ngờ hơn khi Trường THPT Ba Gia có tới 2/5 sản phẩm đạt giải. Đây cũng là ngôi trường mang về giải thưởng cho Quảng Ngãi trong lần thi đầu tiên.

Vui mừng trước thành tích các học sinh nhà trường đạt được, thầy Đỗ Tấn Khoa- Phó Hiệu trưởng nhà trường bộc bạch: “Có được kết quả trên là nhờ đổi mới trong phương pháp dạy và học. Điều tuyệt vời của Cuộc thi là giúp các em hiểu rằng, ai cũng có thể làm khoa học, từ những việc nhỏ, đời thường, nhưng cũng có thể mang lại lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội”.

 

Bài, ảnh: Ái Kiều



Jullyna2713

[[= TA CHẲNG CÓ GÌ ĐỂ MẤT. HÃY TIN VÀO BẢN THÂN VÀ CỨ CỐ GẮNG HẾT MÌNH =]]


 
Các thành viên đã Thank jullyna2713 vì Bài viết có ích:
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024