Từ thực tiễn của công tác xã hội mấy năm qua, có thể nêu mấy nhận xét sau: Thứ nhất, trong con mắt của một số người, thường là giới trẻ, công tác xã hội có vẻ bị mất tín nhiệm, bị xem là vô bổ, nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay.
I. SỰ HÌNH THÀNH CÔNG TÁC XÃ HỘI
Từ thực tiễn của công tác xã hội mấy năm qua, có thể nêu mấy nhận xét sau:
Thứ nhất, trong con mắt của một số người, thường là giới trẻ, công tác xã hội có vẻ bị mất tín nhiệm, bị xem là vô bổ, nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay.
Thứ hai, không ít người đã nghĩ rằng công tác xã hội chẳng có gì phải đào tạo nhiều, đó là một công việc thông thường cứ thế mà làm, như vẫn đang được làm: giúp các gia đình thuộc diện chính sách, trẻ em bất hạnh…
Thứ ba, nhiều người chưa nhìn thấy mối tương quan giữa công tác xã hội trong nước và công tác xã hội ngoài nước mà người ta gọi là “social work”. Điều này không chỉ là vấn đề từ ngữ. Nó phản ánh sự cách biệt đáng kể về quan niệm và phương pháp giữa nước ta và thế giới trong cùng một lĩnh vực thực tiễn.
Là những người hoạt động xã hội, chúng ta biết rằng cả ba quan niệm trên đều là không đúng. Người ta khó có thể tượng tượng được rằng thế giới này có thể thiếu công tác xã hội dù chỉ là một ngày. Cũng có một sự nhất trí ngày càng tăng trong công luận rằng, ở một xã hội đang phát triển ngày một phức tạp, công tác xã hội cần phải được nâng cao tính chuyên môn, chuyên nghiệp của mình. Công tác xã hội trên thế giới là một thể thống nhất, tuy phải tính đến các khác biệt văn hóa, xã hội của đân tộc và địa phương.
II. MỘT CÁCH HIỂU ĐƠN GIẢN VỀ CÔNG TÁC XÃ HỘI
Vậy thì, công tác xã hội là gì? Có nhiều cách định nghĩa, tùy thuộc vào các tác giả và tùy thuộc vào từng thời kỳ khác nhau. Dưới đây xin nêu một định nghĩa đơn giản nhất:
Công tác xã hội là một hoạt động thực nên mang tính tổng hợp cao, được thực hiện theo những nguyên tắc và phương pháp nhất định nhằm hỗ trợ cá nhân và các nhóm người trong việc giải quyết các vấn đề đời sống của họ, vì phúc lợi và hạnh phúc con người và tiến bộ xã hội.
Định nghĩa trên có 6 yếu tố đáng lưu ý:
Thứ nhất, công tác xã hội là một dạng hoạt động thực tiễn. Điều này đối với các bạn làm công tác xã hội trực tiếp, là hiển nhiên. Tuy nhiên, với các nhà quản lý, cần phải được nhấn mạnh, vì nhiều khi người ta quên rằng để giải quyết các vấn đề xã hội cần thực hiện công tác xã hội cụ thể, chứ không chỉ dừng lại ở một số khâu quản lý ban đầu (nghiên cứu, ra chính sách, lập kế hoạch…).
Thứ hai, đó là một dạng hoạt động thực tiễn mang tính tổng hợp cao, hay phức tạp. Điều này cần đặc biệt nhấn mạnh ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Người làm công tác xã hội phải quan tâm rất nhièu loại vấn đề khác nhau, bởi vì đời sống con người là đa dạng. Họ phải làm việc với nhiều loại người, từ người dân bình thường, các thành phần “có vấn đề” trong xã hội, đến những người có quyền lực hay trách nhiệm cao. Họ còn phải làm việc đủ với các loại tổ chức và thiết chế.
Thứ ba, công tác xã hội chỉ có thể được gọi là như vậy, khi nó tuân theo những nguyên tắc và phương pháp đặc thù, phù hợp với mục tiêu cao cả nói trên.
Thứ tư, công tác xã hội nhằm tác động trực tiếp vào cá nhân hay nhóm người, nhưng không làm thay đổi họ, mà chỉ hỗ trợ bằng những cách khác nhau, để họ giải quyết các vấn đề của mình.
Thứ năm, công tác xã hội không có tham vọng giải quyết trực tiếp mọi vấn đề của con người và xã hội. Nó chỉ nhằm trực tiếp vào những vấn đề của đời sống hàng ngày của con người, được tập hợp trong một khái niệm chung, đó là phúc lợi (hay an sinh) xã hội.
Thứ sáu, qua việc giúp đỡ những con người giải quyết những vấn đề đời sống cụ thể của họ, công tác xã hội thực hiện những mục tiêu chung của nó là phúc lợi và hạnh phúc cho mọi người, ổn định và phát triển bền vững cho cộng đồng xã hội.
III.YÊU CẦU ĐỐI VỚI NGƯỜI LÀM CÔNG TÁC XÃ HỘI:
Các tài liệu thường nêu lên những yêu cầu khác nhau của những người làm công tác xã hội, nhưng có thể tập hợp lại trong bốn yêu cầu chính:
- Có khả năng nhận thức được các biến đổi xã hội vĩ mô.
- Thực hiện một cách sáng tạo các nguyên tắc, phương pháp, kỹ năng công tác xã hội.
- Mong muốn và biết làm việc một cách cụ thể và thiết thực với mọi người ở các tầng lớp và môi trường khác nhau.
- Có khả năng thiết kế và tiến hành một chương trình (kế hoạch) công tác xã hội.
IV. NHỮNG NGUYÊN TẮC CÔNG TÁC XÃ HỘI
Có thể nêu lên bốn nguyên tắc cơ bản sau:
Nguyên tắc thứ nhất:
Hoạt động vì phúc lợi và hạnh phúc của con người và xã hội. Theo đó, công tác xã hội không cần quan tâm đến hiệu quả kinh tế - tài chính.
Nguyên tắc thứ hai:
Liên qua đến bản chất của mối quan hệ giữa người làm công tác xã hội với đối tượng cần giúp đỡ, mà nói gọn lại là đảm bảo mối quan hệ qua lại, bình đẳng và công bằng giữa hai bên. Nguyên tắc này được cụ thể hóa thành nhiều phương châm xử thế: Tôn trọng đối tượng, chấp nhận trạng thái hiện có của đối tượng, bảo đảm quyền tự quyết… Nguyên tắc này cũng giúp ta phân biệt công tác xã hội với các hoạt động từ thiện.
Nguyên tắc thứ ba:
Liên quan đến nền tảng triết học của công tác xã hội, tạo nên giá trị tinh thần và niềm tin của họat động này. Một cách ngắn gọn, trong công tác xã hội, người ta xem:
- Con người là giá trị tối cao, là mối quan tâm hàng đầu của xã hội, mỗi cá nhân là một giá trị, không thể thay thế.
- Giữa cá nhân và xã hội có mối liên hệ tương hỗ và có trách nhiệm đối với nhau.
- Cá nhân cũng như xã hội đều có khả năng biến đổi nhưng chỉ có thể thực hiện điều đó thông qua sự hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển; người làm công tác xã hội là “chiếc cầu nối”, là chất xúc tác trong mối liên hệ này, trong quá trình cùng phát triển đó.
Nguyên tắc thứ tư:
Ít được đề cập trong các tài liệu nhưng không kém phần quan trọng, đó là thái độ đối với bản thân mỗi nguyên tắc, chúng cần được hiểu thấu như là kim chỉ nam dẫn dắt hành động nhưng không phải là sự giáo điều, chúng được chấp nhận và thực hiện một cách sáng tạo, thích hợp với các nền văn hóa và khung cảnh xã hội của mỗi quốc gia cũng như địa phương.
V.CÁC CHỨC NĂNG CÔNG TÁC XÃ HỘI
Công tác xã hội có bốn chức năng cơ bản:
- Trị liệu: Sửa chữa, điều chỉnh, giải quyết các vấn đề cụ thể đã xảy ra hay đang nảy sinh.
- Phục hồi: Đưa người được giúp đỡ trở về với cuộc sống bình thường, hội nhập với cộng đồng.
- Phòng ngừa: Thực hiện các hoạt động nhằm ngăn ngừa các hậu quả tiêu cực có thể có hoặc giảm nhẹ tác hại của chúng.
- Biến đổi (phát triển): Thay cho việc giải quyết vấn đề công tác xã hội, thực hiện các chương trình và hoạt động nhằm biến đổi và phát triển môi trường và nâng cao chất lượng của nguồn lực con người.
Thực tiễn lịch sử cho thấy rằng từ buổi đầu của công tác xã hội, người ta đã có thể quan sát thấy sự tác động ở mức độ khác nhau của các chức năng đã nêu. Thứ tự nêu trên phản ánh logic phát triển của công tác xã hội. Với thời gian, các chức năng sau ngày càng được nhấn mạnh, trong khi các chức năng trước không hề mất đi tầm quan trọng của mình. Sự phát triển các thế hệ NGO (tổ chức phi chính phủ) đã phản ánh logic phát triển các chức năng kể trên của công tác xã hội.
VI. CÁC PHƯƠNG PHÁP CÔNG TÁC XÃ HỘI
Có thể kể đến bốn nhóm sau đây:
a. Công tác xã hội với cá nhân, gia đình và cộng đồng:
Nhóm này thể hiện sự khác biệt về đối tượng tác động dẫn đến sự khác biệt về phương pháp và kỹ năng.
Mục tiêu của công tác xã hội là hỗ trợ con người giải quyết các vấn đề của mình. Do đó, trước hết nó phải coi tác động đến cá nhân, giúp cho cá nhân ấy hiểu rõ về mình, nhìn nhận lại những người xung quanh gần gũi, có khả năng vận dụng các nguồn lực xã hội với cá nhân. Đối tượng tác động là bản thân người cần giúp đỡ, công cụ tác động là mối quan hệ giữa cán bộ công tác xã hội với đối tượng.
Trong công tác xã hội nhóm, đối tượng tác động là toàn bộ nhóm, thông qua tương tác nhóm mà làm thay đổi suy nghĩ và hành động của từng thành viên cũng như cả nhóm. Gia đình có thể được xem như một nhóm, song do tính chất đặc thù của nó, nên đôi khi người ta xếp riêng thành một phương pháp của công tác xã hội.
Cá nhân không chỉ tập hợp trong các nhóm (đặc biệt trong nhóm nhỏ, đối tượng chính yếu của công tác xã hội nhóm), mà còn được tập hợp trong các cộng đồng, ở đó bao hàm các tổ chức và thiết chế khác nhau vận hành và theo đuổi những mục tiêu chung cũng như riêng biệt trên một địa bàn dân cư nhất định. Cộng đồng là môi trường xã hội trực tiếp hàng ngày của cá nhân và nhóm, do đó theo logic phát triển, công tác xã hội phải hướng tới một phương pháp tác động riêng biệt liên quan đến cấp độ cộng đồng…
b. Phỏng vấn, thảo luận, tư vấn:
Nhóm phương pháp này thể hiện các kỹ thuật liên quan đến các động tác qua lại giữa người làm công tác xã hội và đối tượng nhằm tìm hiểu đối tượng, cũng như làm cho đối tượng tự hiểu mình, phát hiện và nhận diện vấn đề, phát triển các ý tưởng, tìm kiếm các khả năng và con đường giải quyết vấn đề, làm thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của đối tượng hay những người có liên quan.
c. Vận dụng các nguồn lực cho công tác xã hội:
Các vấn đề của con người gặp phải mà công tác xã hội có nguyện vọng giúp đỡ họ giải quyết, thực ra bao giờ cũng đầy khó khăn, thường là vượt khỏi khả năng của đối tượng cũng như của cả người làm công tác xã hội. Do đó điều quan trọng là người cán bộ công tác xã hội phải có phương pháp để phát hiện và vận dụng các nguồn lực trong xã hội nhằm cùng đối tượng giải quyết vấn đề.
Các nguồn lực trong công tác xã hội là một khái niệm rất rộng và cần được hiểu một cách cụ thể trong bối cảnh văn hóa xã hội của mỗi nước và mỗi địa phương. Nó có thể là tài chính, là các tổ chức và thiết chế, là các chế độ chính sách xã hội, các chương trình phát triển, các phong tục tập quán.
d. Thiết kế và thực hiện một công tác xã hội:
Một công tác xã hội nào đó là một chuỗi các hoạt động nối tiếp nhau theo một trình tự nhất định để đạt một mục tiêu đề ra. Nó cần được thể hiện dưới dạng một kế hoạch, dự án hay chương trình. Do đó mỗi người làm công tác xã hội dù làm việc ở cấp độ nào cần nắm được phương pháp thiết kế và thực hiện một kế hoạch, dự án hay chương trình công tác xã hội.
Mỗi kế hoạch (dự án, chương trình) công tác xã hội thường phải bao gồm các bước sau đây:
- Phát hiện và nhận diện vấn đề (nhu cầu).
- Phát triển các ý tưởng và mục tiêu công tác.
- Xây dựng kế hoạch, phương pháp và kỹ thuật cần sử dụng.
- Thực hiện (quản lý) công việc (bao gồm cả điều chỉnh).
- Lượng giá và tổng kết.
Theo blog Annchee.(opera)