Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
30/01/2010 21:01 # 1
Tan_Huynh
Cấp độ: 6 - Kỹ năng: 5

Kinh nghiệm: 11/60 (18%)
Kĩ năng: 26/50 (52%)
Ngày gia nhập: 21/01/2010
Bài gởi: 161
Được cảm ơn: 126
Nên hạ tuổi kết hôn của nam


 
Trong một số vụ án trẻ con phạm tội, phạm tội với trẻ con gần đây, nhiều cuộc thảo luận về lối sống của giới trẻ trên các diễn đàn trực tuyến cho rằng cần xem lại quy định tuổi thành niên của trẻ em Việt Nam.
 
Báo SGTT giới thiệu ý kiến của hai chuyên gia về vấn đề này.
 



Với sự phát triển của xã hội, trẻ em hiện nay đã vượt trội hơn trẻ em ngày xưa rất nhiều về thể chất và tâm sinh lý.

 

Tuổi kết hôn của nam cần ngang bằng với nữ

Với sự phát triển của xã hội, trẻ em hiện nay đã vượt trội hơn trẻ em ngày xưa rất nhiều về thể chất và tâm sinh lý. Chiếc áo tuổi thành niên vì vậy không còn phù hợp để khoác lên mình trẻ nữa. Chính vì không được cho những quyền tương thích với sự phát triển tự nhiên nên đã dẫn đến nhiều trẻ bức bối, xé rào quy định tuổi, dẫn đến những sự việc đau lòng. Nhiều vụ án trẻ em phạm tội thực chất các em đã là người lớn.

Việc đưa ra độ tuổi kết hôn là căn cứ trên sự phát triển về tâm sinh lý, sức khoẻ và sự phát triển của nhận thức người đó. Trước đây, người ta cho rằng, sự phát triển tâm sinh lý và nhận thức của nữ thường sớm hơn so với nam. Tuy bằng tuổi, nhưng con gái thường dậy thì trước và nhận thức cũng già dặn hơn bạn nam cùng tuổi. Vì vậy, tuổi kết hôn của nữ ít hơn nam hai tuổi. Tuy nhiên, cuộc sống ngày nay đã khác trước rất nhiều. Điều này thể hiện ở chất lượng cuộc sống hiện đại ngày càng cao. Trẻ ngày nay được nuôi dưỡng đầy đủ về mặt dinh dưỡng nên sự phát triển cơ thể đang có xu hướng sớm hơn trước đây, nhất là trẻ em ở thành phố. Bên cạnh đó là môi trường giáo dục tri thức, nhận thức cho trẻ. Ngày nay, các bạn trẻ có nhiều điều kiện để hoàn thiện tri thức, học hỏi nâng cao nhận thức từ nhiều kênh khác nhau. Và việc phát triển này tương đối đồng đều giữa nam và nữ, chứ ít có chênh lệch rõ ràng như trước.

Nam giới lập gia đình ở độ tuổi 18, về mặt thể lực và sự phát triển tâm sinh lý, họ có thể gánh vác được trách nhiệm gia đình. Thứ nữa là về mặt nhận thức, trí thức so với mặt bằng xã hội, để người ta có một nhận thức nhất định, để có thể ứng xử trong gia đình, thực hiện nghĩa vụ trong gia đình tốt... họ cũng được thụ hưởng tương đương với nữ giới. Người ta từng đề cập đến vấn đề bình đẳng giới, vậy tại sao việc quy định độ tuổi kết hôn như hiện nay có sự bất bình đẳng như vậy mà lại không được điều chỉnh?
 
 Quy định tuổi thành niên hiện hành

Theo quy định của bộ luật Dân sự, người từ đủ 18 tuổi trở lên là người thành niên, người từ dưới 18 tuổi là người chưa thành niên. Tuy nhiên theo các quy định của bộ luật Hình sự thì người chưa thành niên từ 14 tuổi trở lên đã có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Bộ luật Hình sự cũng không quy định thế nào là thành niên hay chưa thành niên nhưng bộ luật này cho phép xác định người thành niên là người đủ 18 tuổi trở lên. Nhìn từ góc độ tổng quát nhất, Hiến pháp Việt Nam dành đủ một chương về “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, theo đó, một người chỉ có trọn vẹn quyền công dân khi họ đủ 21 tuổi trở lên.
Ở nhiều nước trên thế giới, tuỳ điều kiện xã hội, văn hoá từng nơi mà họ đưa ra tuổi kết hôn cho phù hợp. Ở những nước ít dân số, điều kiện dân sinh tốt thì 16 tuổi đã có thể lập gia đình. Đó cũng là cách để đẩy nhanh sự tăng trưởng dân số. Còn những nước có tỷ lệ tăng dân số cao, hoặc ổn định thì độ tuổi kết hôn được đưa ra có thể là 17, 18 tuổi, tuỳ theo quy định nước đó. Xét đến khía cạnh tuổi kết hôn từ xưa đến nay người ta dựa trên những yếu tố như đã đề cập ở trên chứ không căn cứ vào tuổi có thể sinh con. Thực tế là thời phong kiến, 13 – 14 tuổi là người nữ có thể sinh con rồi. Vấn đề là cuộc sống hiện đại, giáo dục làm sao để đừng xảy ra tình trạng những người trẻ mới 13 – 14 tuổi đã sinh con trong khi chưa có sự phát triển đầy đủ về nhận thức, cả mẹ và con trở thành gánh nặng của xã hội. Trong thực tế cũng có nhiều em, biết là chưa đủ tuổi và vi phạm pháp luật nhưng vẫn để tình yêu vượt quá giới hạn. Khi phạm phải điều cấm kỵ, đặc biệt là những em nữ, để tránh dư luận xã hội, các em buộc phải giữ bí mật, dẫn tới hàng loạt những hậu quả nghiêm trọng như nạo hút thai ngoài ý muốn, phải gánh chịu những nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần, những dằn vặt bản thân… Chúng ta cần nhiều thời gian để luận giải thấu đáo những trường hợp này.

Thực tế cho thấy, nhiều bạn trẻ đã có ý thức trách nhiệm của mình để tránh hậu quả, biết lưu ý về tình dục an toàn và hoàn toàn chủ động trong hành vi tình dục của mình. Hiện nay, luật pháp quy định độ tuổi kết hôn đối với nam là 20 tuổi, nữ là 18 tuổi. Tuy nhiên, theo tôi, cần điều chỉnh độ tuổi kết hôn của nam ngang bằng với nữ, tức 18 tuổi để tránh bất bình đẳng giới cũng như phù hợp với sự phát triển của trẻ hiện nay. Cuộc sống của giới trẻ và quan niệm về tình yêu của họ bây giờ đã khác trước rất nhiều. Vì vậy rất cần có sự quan tâm và những giải pháp phù hợp, theo kịp sự phát triển của tâm lý lứa tuổi này. Trong đó, gia đình là điểm tựa đầu tiên giúp trẻ vững vàng, có nghị lực và có khả năng đối phó với các giai đoạn khó khăn của tuổi dậy thì và tự tin bước vào đời. Đồng thời định hướng cho con trẻ có lối sống lành mạnh.

Vấn đề trên tôi đã nêu ra ở một số buổi hội thảo, diễn đàn và nhận được nhiều ý kiến đồng thuận. Dĩ nhiên, cần thêm những ý kiến luận bàn khác để có nhìn nhận chính xác hơn, phù hợp hơn với tình hình hiện nay.
 
TS Nguyễn Thị Hoài Phương
(Phó chủ nhiệm khoa luật dân sự, trường đại học Luật TP.HCM)
 

 

Thay đổi quy định theo tuổi là cần thiết?


Tuổi không phù hợp, trẻ sẽ xài lén quyền 



Để đi đến một kết luận nên tăng hay giảm quy định tuổi thành niên của trẻ em Việt Nam, cần có những số liệu cụ thể về sự phát triển của trẻ ở từng giai đoạn xã hội. Nếu sự phát triển đó rõ ràng là đi lên cùng với xã hội, trẻ em Việt Nam đang ngày càng tiến gần với sự phát triển của trẻ em một số nước khác, thì việc thay đổi quy định tuổi theo tôi là cần thiết. Một quy định luật pháp nếu phù hợp với sự phát triển tự nhiên sẽ dễ làm người ta chấp pháp hơn là một quy định khiên cưỡng, buộc người ta phải ép mình, phải “đẽo chân cho vừa giày”. 

Một người trưởng thành được các nhà nghiên cứu chia thành hai lĩnh vực rõ ràng, đó là sự trưởng thành sinh học và sự trưởng thành xã hội. Tuổi trưởng thành sinh học thì tương đối đồng đều, tuy nhiên sự trưởng thành về mặt xã hội lại rất khác nhau, đó chính là sự hiểu biết, kinh nghiệm sống, ý chí và ý thức xây dựng gia đình. Có nhiều ý kiến cho rằng tuổi trẻ thì chưa nhiều kinh nghiệm sống, kinh nghiệm gia đình nên kết hôn sẽ gặp khó khăn. Điều đó xét theo bình diện chung thì đúng, tuy nhiên trong hôn nhân điều thiết yếu không phải ở chỗ nhiều hay ít tuổi mà là ở chỗ ý thức và điều kiện xây dựng gia đình. 

Trong nhiều vụ việc trẻ em phạm pháp, sớm có những hành vi không phù hợp lứa tuổi (yêu đương, quan hệ tình dục…) chúng ta kết luận trẻ vi phạm là vì chúng ta đã lấy cái chuẩn do chúng ta quy định ra mà xét nét, chứ nếu xuất phát từ sự phát triển tự nhiên của trẻ, sẽ dễ dàng nhận ra với những phát triển về tâm sinh lý như vậy và điều kiện sống như vậy, trẻ có những việc làm đó là đương nhiên, là tự nhiên, bản thân trẻ khó mà cưỡng lại. Không được cho mình những quyền lẽ ra đương nhiên thuộc về mình thì trẻ phải sử dụng lén lút, vụng trộm cũng là điều dễ hiểu.

PGS.TS Trần Thị Quý
(nguyên cán bộ viện Nghiên cứu phát triển xã hội)
 



 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024