III. NHỮNG YẾU TỐ GIÚP NTD ĐÁNH GIÁ CAO
Điểm chung của những ứng viên thành công là sự tự tin. Họ thoải mái bộc lộ năng lực và tính cách của mình. Do đó, những câu trả lời của họ thường rất thuyết phục các NTD. Nếu bạn có thể cho người phỏng vấn thấy những câu hỏi của họ, dù khó khăn đến đâu, cũng không làm bạn thấy bối rối, bạn sẽ chứng tỏ được bản lĩnh, sự bình tĩnh và tự tin trong mọi tình huống của mình.
Bên cạnh sự tự tin là tính trung thực. Đừng nghĩ đến chuyện nói dối hay đánh lừa NTD. Họ là những người có nhiều kinh nghiệm và sẽ nhanh chóng phát hiện ra ngay sự dối trá. Khi đó kết quả sẽ còn tệ hơn là bạn thú nhận rằng mình chưa biết vấn đề họ đặt ra.
Một người đi phỏng vấn đã được hỏi liệu anh có phải là người thích hợp cho công việc này không đã trả lời: “Tôi muốn tìm hiểu thêm. Tôi tin là tôi có năng lực nhưng tôi cần phải nghiên cứu thêm về công việc này đã.” Anh thú nhận lúc đó đã rất muốn trả lời là có những rồi lại quyết định trả lời một cách trung thực. Anh đã vượt qua vòng phỏng vấn này và trở thành phó phòng marketing cho một công ty sản xuất giày.
Cuối cùng, đó là thái độ tích cực. Câu trả lời đúng hay sai nhiều khi không quan trọng bằng thái độ của bạn trong cách nhìn nhận và xử lý vấn đề.
Không ai muốn làm việc với một người lúc nào cũng cáu kỉnh và phàn nàn. Một NTD tại Hà Nội cho biết ông không chú ý nhiều tới các kỹ năng và kinh nghiệm của một ứng viên bằng thái độ làm việc của người ấy. “Vì chúng tôi luôn có những người có năng lực tốt ứng tuyển, nên mối quan tâm số một của chúng tôi là liệu ứng viên đó có thái độ làm việc phù hợp không. Chúng tôi sẽ phải làm việc với nhau hàng ngày, họp hành rồi thảo luận, nên tôi không muốn mất thời gian với những người có thái độ tiêu cực.”
Như vậy, có thể thấy rằng nếu một NTD phải lựa chọn giữa hai ứng viên có các điều kiện tương đương, người có thái độ tích cực sẽ chiến thắng. Một giám đốc nhân sự của một công ty thực phẩm lớn cho biết anh đã từng bị ấn tượng bởi sự nhiệt tình và say mê của một ứng viên và đã tuyển người đó.
Ông cho biết “Lúc đầu, mọi người hơi ngạc nhiên khi nhân viên đó được tuyển vì cậu ta không có năng lực nổi trội lắm so với một vài ứng viên khác. Tuy nhiên, qua quá trình làm việc, chúng tôi rất hài lòng vì cậu ấy luôn tỏ ra nhiệt tình học hỏi và đã nhanh chóng thích nghi được với công việc và môi trường làm việc mới.”
“Hãy kể tôi nghe đôi điều về bạn”
Bạn có biết: 98% các cuộc phỏng vấn tuyển dụng bắt đầu bằng câu “Hãy kể tôi nghe đôi điều về bạn” và nhiều ứng viên e ngại lời đề nghị này vì không biết cách trả lời sao cho phù hợp. Thật ra, chỉ cần một sự chuẩn bị tốt cùng chút sáng tạo và khéo léo thì đây sẽ là cơ hội để bạn tạo ấn tượng tốt về bản thân trong mắt nhà tuyển dụng (NTD) cũng như làm nổi bật những ưu điểm của bạn.
3 bí quyết sau sẽ giúp bạn có câu trả lời tốt cho lời đề nghị này!
Hãy kể những gì nhà tuyển dụng muốn biết
Theo Jane Cranston, một chuyên gia tư vấn nghề nghiệp ở New York, sai lầm lớn nhất mà ứng viên thường mắc phải là cứ ngỡ NTD muốn biết về cá nhân họ khi nói “Hãy kể tôi nghe đôi điều về bạn.” Vì thế, họ bắt đầu kể “tràng giang đại hải” về tiểu sử bản thân, sở thích và thói quen của mình. Thật ra, điều NTD thật sự muốn biết là liệu bạn có thể làm tốt công việc, hòa hợp được với tập thể hay không, từng đạt những thành tích nào và có thể đóng góp những gì cho công ty.
Ứng viên không nên nói nhiều về bản thân họ mà hãy dành thời gian nói về công việc gần đây nhất của họ và nhấn mạnh kinh nghiệm họ đã có để có thể ứng tuyển vào vị trí này. Đây là mới là vấn đề NTD quan tâm nhất.
Melanie Szlucha, chuyên gia tư vấn nghề nghiệp của Red Inc, có một sự so sánh rất thú vị. “Hãy hình dung phần trình bày của bạn cho đề nghị này giống như đoạn trailer cho một bộ phim (movie trailer). Những đoạn trailer này tuy không dài nhưng đủ hấp dẫn để người xem theo dõi và khám phá. Vì thế, hãy trả lời một cách sáng tạo và cung cấp nhiều thông tin đáng chú ý nhất về bạn, giúp NTD có cảm hứng tiếp tục đặt những câu hỏi khác nhằm hiểu bạn hơn.”
Đừng liệt kê, hãy kể chuyện!
Theo Greg Maka, giám đốc điều hành của 24/7 Marketing - một công ty chuyên cung cấp các giải pháp về marketing và giao tế nhân sự, nếu bạn có thể giới thiệu những ưu điểm và thành tích của bạn bằng cách kể một câu chuyện thì hiệu quả sẽ cao hơn nhiều. Ví dụ: nếu kiên trì là một trong những ưu điểm của bạn thì hãy kể cho NTD nghe một câu chuyện ngắn về quá trình bạn đã kiên trì thực hiện một dự án do bạn đề xướng trong những công việc trước đây. Như vậy, bạn sẽ gây được ấn tượng mạnh mẽ cho NTD hơn là chỉ nói chung chung: “Sự kiên trì là ưu điểm lớn nhất của tôi”
Thời gian là vàng bạc!
Theo Maureen Anderson, người phụ trách chương trình phát thanh The Career Clinic, đối với câu “Hãy kể tôi nghe đôi điều về bạn”, bạn chỉ cần trả lời ngắn gọn và cô đọng trong chừng 2-3 phút là được. Để phần trình bày của bạn vừa ngắn gọn vừa đủ ý thì trước buổi phỏng vấn, bạn nên viết những ý tưởng của bạn ra giấy, tập trình bày và tính thời gian; sau đó chỉnh sửa nội dung câu trả lời rồi làm lại quy trình. Cứ như thế cho đến khi bạn hài lòng về cả nội dung lẫn thời gian.
Tóm lại, nếu bạn đã chuẩn bị kỹ lưỡng thì không việc gì phải e ngại câu “Hãy kể tôi nghe đôi điều về bạn.” Hãy xem đây là cơ hội “vàng” để bạn tạo ấn tượng tốt với NTD ngay từ đầu cũng như giúp bạn thêm tự tin với những câu hỏi kế tiếp trong buổi phỏng vấn.
Cách thể hiện ưu, nhược điểm
Nếu bạn ứng tuyển vào vị trí kế toán công nợ, mà bạn thì không được nhanh nhẹn cho lắm. Đây rõ ràng là một nhược điểm. Tuy nhiên một kế toán thì cần phải cẩn thận, do đó bạn có thể chứng minh với NTD rằng bạn “hơi chậm nhưng mà chắc”. Như vậy, bạn đã biến nhược điểm của mình thành ưu điểm rồi đấy!
Điều quan trọng là bạn phải chuẩn bị đầy đủ thông tin để trình bày khi phỏng vấn. Bạn đừng cố đoán NTD sẽ hỏi gì và chỉ chuẩn bị theo những câu hỏi đó. Bạn sẽ hụt hẫng, lúng túng và thậm chí không biết trả lời như thế nào khi không “trúng tủ”. Bạn cũng nên nhờ người thân và bạn bè chỉ rõ những ưu - nhược điểm của mình, nếu bạn nhờ được những người có kinh nghiệm thì càng hay.
Khi trình bày ưu điểm, bạn nên tập trung nói về những ưu thế nổi bật trong học tập lẫn trong hoạt động xã hội - đoàn thể và nhớ chỉ trình bày những điều có lợi đối với công việc và công ty bạn đang ứng tuyển. Hãy nhấn mạnh ưu điểm nhưng cũng đừng nói quá, vì nếu NTD hỏi sâu vào vấn đề này mà bạn không trả lời được rành mạch thì bạn sẽ bị mất điểm ngay. Bạn có thể trình bày một ưu điểm rõ ràng nào đó để nêu bật thành tích mà bạn đã đạt được. Tránh nói những câu chung chung như “Tôi luôn hết lòng tận tụy với công việc của mình, chỉ rời công ty sau khi đã giải quyết hết công việc được giao trong ngày và lên kế hoạch cho ngày hôm sau.”
Đối với nhược điểm, bạn có thể trình bày theo hướng giảm nhẹ chúng, sau đó nêu cách khắc phục và kết thúc nhận xét của bạn bằng những điểm mạnh. Ví dụ: bạn thừa nhận điểm yếu của mình là chậm tính toán, nhưng đưa ra cách khắc phục là luôn mang máy tính bên mình. Hay bạn cho rằng mình đánh máy hơi chậm nhưng chứng minh được bạn sẽ khắc phục trong thời gian ngắn nhất bằng một biện pháp cụ thể nào đó…
Đối phó với những câu hỏi khó
Khi bắt đầu cuộc phỏng vấn, bạn phải tập trung quan sát, lắng nghe bằng cả hai mắt và hai tai. Phải tập trung chú ý không một giây xao lãng, nếu ban không muốn bỏ sót bất cứ một điểm quan trọng nào. Cộng thêm những gì bạn đã tìm hiểu trước về NTD, bạn có thể nắm được tổng quát các yêu cầu thực sự của NTD - sẽ là một lợi thế để bạn chiếm vị trí “thượng phong” so với các ứng viên khác.
Trên thực tế, có đến 90% ứng viên thất bại vì không xử trí được những tình huống này. Có rất nhiều hình thức phỏng vấn, trong đó phỏng vấn áp lực thường tạo nhiều khó khăn cho ứng viên. Nếu chưa biết gì về loại hình này, khi “lâm trận”, nhiều ứng viên dễ dàng thất bại và thậm chí bị “sốc” vài ngày sau đó. Bạn cần phải biết phỏng vấn áp lực là gì và cách đối phó ra sao.
Trong buổi phỏng vấn dạng này, ứng viên thường đối mặt với một ban bệ tuyển dụng và phải trả lời các câu hỏi hóc búa và khá “oái oăm” của họ. Chẳng hạn, một người trong ban có thể mở màn ”tấn công” bạn với câu hỏi: “Anh (Chị) có cái tên nghe chẳng hay chút nào, anh (chị) nghĩ sao về tên của mình?” Có thể ứng viên sẽ mất bình tĩnh ngay, bối rối, và thậm chí tức giận rồi “chết đứng” sau đó. Vậy là thất bại!
Bạn nên nhớ, để tổ chức một đợt tuyển dụng nhân sự, doanh nghiệp phải tốn khá nhiều chi phí, do đó họ sẽ không chủ ý dùng loại hình phỏng vấn này để đánh rớt ứng viên. Mục đích chính của NTD là đánh giá khả năng xoay sở và đối phó tình huống của ứng viên. Loại hình phỏng vấn này thường được áp dụng khi tuyển các vị trí quan trọng, đòi hỏi ứng viên có sự chuẩn bị thật kỹ về tâm lý và xem phỏng vấn là một cuộc chiến bằng trí óc.
Thông thường NTD sẽ đưa ra rất nhiều câu hỏi khó và những câu hỏi trực tiếp châm biếm, đả kích ứng viên… Trên nguyên tắc, những câu hỏi như vậy bắt buộc phải hợp lý, không đụng chạm tới những vấn đề nhạy cảm như tín ngưỡng, thuần phong mỹ tục hay đời tư cá nhân. Tuy nhiên, không phải NTD nào cũng có thể đặt được câu hỏi đúng yêu cầu như vậy. Nếu gặp phải những tình huống đó, ứng viên có quyền không trả lời, nhưng dĩ nhiên cũng không được yên lặng. Ứng viên phải mạnh dạn chỉ ra đó là câu hỏi không phù hợp, đề nghị NTD đưa ra một câu hỏi khác hoặc một vấn đề khác.
Hãy luôn chủ động đừng dể bị dẫn dắt. Nếu NTD nói rằng ông ta thích bóng đá rồi hỏi bạn có cùng sở thích không. Nếu bạn cũng là một fan bóng đá thì không có gì phải lo lắng. Tuy nhiên một số ứng viên muốn lấy lòng NTD đã vô tình “sa bẫy”, thậm chí có người còn nhận có cùng câu lạc bộ hay cầu thủ yêu thích với NTD trong khi sở thích thực sự của họ không phải như vậy. Chỉ cần một câu hỏi về đề tài đó như kiểu “T thấy đợt này Messi đá tệ quá” mà bạn vẫn nói “Dạ, em cũng thấy thế” thì bạn sẽ lộ tẩy ngay.
Bạn đề nghị mức lương ra sao?
Đây là một trong những câu hỏi khó nhất, đặc biệt là đối với những người chưa có nhiều kinh nghiệm. Việc đầu tiên cần làm trước khi dự phỏng vấn là nghiên cứu mức lương phổ biến trong ngành nghề của bạn để ước lượng con số mình nên đề nghị. Hãy trình bày rõ ràng với NTD rằng bạn sẽ chỉ bàn thảo chi tiết về lương bổng khi đã nhận được lời đề nghị tuyển dụng. Nếu NTD thúc ép bạn đưa ra một câu trả lời cụ thể, bạn hãy đưa ra một mức lương kiểu “khoảng” hơn là một con số chính xác.
Trong giao tiếp, ngập ngừng thường không được đánh giá tốt. Tuy nhiên trong đàm phán lương, ngập ngừng lại là một chiến lược “phát huy tác dụng”. Vì vậy, nếu nhà tuyển dụng đưa ra mức lương 5 triệu đồng/tháng, một ứng viên thông minh sẽ biết cân nhắc con số này và tỏ vẻ lưỡng lự như đang cân nhắc kỹ lưỡng. Trong tình huống này, nhà tuyển dụng rất có thể chờ đợi câu trả lời của bạn hoặc hỏi bạn nghĩ gì về mức lương này. Trước thái độ ngập ngừng của bạn, họ có thể đưa ra một mức lương cao hơn nữa, tất nhiên với điều kiện họ phải thấy bạn xứng đáng với mức lương cao này.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, sự ngập ngừng trong tình huống này cho nhà tuyển dụng thấy bạn không hề bị ngợp trước mức lương mà ông ta đưa ra. Đây cũng là khoảng thời gian bạn nên tận dụng để cân nhắc sự tương quan giữa năng lực và mức lương mà họ đưa ra cho bạn. Nếu bạn đang làm rất tốt công việc của mình, bạn nên biết chính xác bạn xứng đáng được trả bao nhiêu. Hãy nói với nhà tuyển dụng, bạn đã nghiên cứu và biết đúng giá trị của bạn.
Trong trường hợp tiền lương mà nhà tuyển dụng đưa ra đúng với mong muốn của mình, đừng chần chừ, hãy chấp thuận nó một cách vui vẻ. Hầu hết các ông chủ đều rất hài lòng với cử chỉ này. Điều đó thể hiện cho ông chủ tương lai thấy bạn rất tin tưởng, nhiệt tình và hết lòng đối với công việc và công ty.
Ngược lại, trong trường hợp bạn chưa sẵn sàng, bạn có thể xin phép nhà tuyển dụng lùi lại thời điểm trả lời vào ngày hôm sau kèm theo lời hứa, sẽ gọi lại trong thời gian sớm nhất có thể.
Nguyên tắc khi đàm phán lương
Để đối phó với tất cả các "cái bẫy" của nhà tuyển dụng, Chapman cũng đã đưa ra 3 nguyên tắc khi đàm phán lương:
- Đừng vội vàng "ra giá" trước khi nhà tuyển dụng biết rõ về bạn. Thông thường, ai cũng sẵn sàng trả giá cao hơn mức thông thường cho những thứ mà họ thực sự muốn. Nếu công ty nhận thấy bạn đáp ứng đủ yêu cầu và họ cảm thấy thích bạn, họ sẵn sàng đưa ra mức lương cao.
- Nếu nhà tuyển dụng bắt đầu quá trình phỏng vấn bằng câu hỏi: "Bạn muốn nhận bao nhiêu tiền lương một tháng?", bạn đừng vội đưa ra ngay mức bạn muốn. Hãy lưỡng lự và chần chừ với câu trả lời: "Chúng ta có thể nói về vấn đề này sau khi tôi biết cụ thể công việc của mình được không?"
- Trong trường hợp nhà tuyển dụng nói trước công việc và trách nhiệm của bạn, sau đó tìm hiểu bạn muốn mức lương bao nhiêu. Bạn có thể im lặng một lúc và nói: "Tôi muốn biết cụ thể hơn nữa về công việc này". Hoặc: "Theo anh (chị) ở vị trí đó mức lương của tôi là bao nhiêu thì phù hợp?"
NGÀY ĐẦU TIÊN ĐI LÀM
Ngày đầu tiên đi làm là ngày rất đáng nhớ. Bạn sẽ bước vào môi trường làm việc mới đầy bỡ ngỡ, mọi người nhìn bạn dò xét, những "con ma cũ" sẽ không bỏ qua bất cứ một cử chỉ hành động nào của bạn, dù bạn chẳng hề thấy họ nhìn mình.
Đừng quá lo lắng. Hãy coi đây là cơ hội tuyệt vời để bạn tạo ấn tượng tốt với sếp và những đồng nghiệp mới.
Hãy đi sớm để đảm bảo nếu có tắc đường vào giờ cao điểm thì bạn vẫn đủ thời gian đến công sở đúng giờ. Nên kiểm tra vị trí của công sở mới trước ngày đầu tiên đi làm.
Chọn trang phục lịch sự, nhã nhặn. Ngày đầu, tốt nhất đừng "chơi trội" mà hãy tỏ ra hòa đồng. Điều này dễ gây ấn tượng tốt.
Hãy tìm hiểu trước tên người liên quan tới công việc của mình, cụ thể là cấp trên.
Đừng quên mang theo sổ tay vì có thể có nhiều điều phải ghi chép. Nên chuẩn bị thái độ làm việc linh hoạt trong trường hợp bạn được yêu cầu phải bắt tay ngay vào công việc.
Hãy tự tin, thân thiện mỉm cười chào hỏi tất cả mọi người. Cố gắng nhớ tên và vị trí của họ. Những gì không rõ phải hỏi ngay, điều này chứng tỏ bạn là một nhân viên nghiêm túc, luôn quan tâm đến công việc và môi trường làm việc.
Đối với sếp càng phải tỏ ra ấn tượng, không chỉ ngày đầu mà là cả sau này, trong suốt thời gian bạn làm việc. Mọi người đều muốn làm tốt hết khả năng của mình để được nâng cao cấp bậc trong công ty. Một số người cho rằng để được thăng tiến, nên làm việc thêm ngoài giờ, luôn đúng hẹn và hoàn tất mọi việc được giao. Đây không phải là cách duy nhất để gây ấn tượng với sếp, còn có nhiều điều tưởng như nhỏ nhặt cũng có thể giúp bạn đạt được mục đích.
Nên để hết mọi chuyện riêng tư ở nhà. Một người làm công tốt là người có thể tách rời công việc và chuyện nhà.
Trong ngày đầu, mắc lỗi là điều khó tránh. Khi đồng nghiệp hay sếp trách phạt, bạn đừng vội cãi hay bào chữa. Hãy cứ nhận lỗi và sửa sai, bào chữa hay thanh minh thì để dịp khác.
Đừng cố tỏ ra giỏi giang, "lấy le" với những người đi trước. Thái độ "ta đây" của một nhân viên mới khiến những người cũ dè bỉu. Cũng đừng tỏ ra ngây thơ thái quá, cái gì cũng hỏi, họ sẽ nghĩ bạn chẳng biết làm gì. Ấn tượng đầu tiên tốt đẹp sẽ dành cho người nhân viên chăm chỉ, có thái độ ân cần học hỏi, không lãng phí thời gian bằng mấy trò "buôn dưa lê" hay "chát chít".
Cuối cùng, bạn đi làm ngày đầu, và thấy gò bó về thời gian, đồng nghiệp cũng tìm cách sai bảo bạn dù họ chẳng có quyền gì. Đừng lấy làm bực tức, cau có và vội phàn nàn. Hãy nhớ, rằng lúc này bạn là trung tâm chú ý của mọi người.
MỘT SỐ LƯU Ý VỚI NGƯỜI MỚI ĐI LÀM
Dưới đây là 18 cách giúp bạn có một khởi đầu thành công:
1. Nghỉ ngơi: Hãy nghỉ ngơi một tuần, thư giãn đầu óc hoặc ít nhất ngủ một giấc thật sâu trước ngày làm việc đầu tiên để sáng hôm sau bạn có một tinh thần sảng khoái.
2. Ghi nhớ: Nên nhớ lại tên và vị trí của những người bạn đã gặp và phỏng vấn để khi chào hỏi bạn có thể gọi đúng tên họ.
3. Tổng hợp: Thu thập lại những bản tin, báo cáo thường niên hay mẩu báo về công ty. Kiểm tra tài liệu của đối thủ cạnh tranh để có thể giải quyết vấn để dưới cái nhìn khái quát.
4. Làm việc chăm chỉ: biết ở đâu và khi nào cần phải báo cáo. Đi làm sớm 30 phút và về khi hoặc sau khi hầu hết mọi người về. Chú ý lịch và thói quen làm việc của mỗi người để bạn có thể biết được thời điểm tối ưu nhất và cách liên lạc với họ.
5. Vui vẻ và tích cực: Bạn nên thể hiện và cư xử như thể bạn rất hãnh diện khi được làm việc tại nơi mới này.
6. Trang phục: Mọi con mắt sẽ đổ dồn vào bạn nên bạn phải chú ý tới cách ăn mặc của mình nên ăn mặc trang nhã, nhẹ nhàng nghiêm túc so với quy định về trang phục.
7. Ghi chép: ghi lại những thông tin tên của những người ở vị trí chủ trốt, số điện thoại, e-mail liên lạc. Bạn sẽ giống như một người nhanh nhẹn dễ lĩnh hội.
8. Dễ uốn nắn: Tôn trọng và nắm lấy những thử thách không trách khỏi của công việc. Một thái độ sẵn sàng thay đổi để tốt hơn sẽ giảm căng thẳng cho những người xung quanh.
9. Thể hiện sự biết ơn: ân cần và thể hiện sự cảm kích đối với bất cứ ai giúp bạn hiểu được cách làm việc, cách giao tiếp.
10. 80% nghe và 20% nói: Không nên đưa ra nhận xét, đánh giá. Bạn sẽ được tôn trọng hơn nếu biết lắng nghe, học hỏi những gì mà đồng nghiệp dạy hơn là thể hiện những gì bạn biết.
11. Hiểu sếp: Quan sát tính cách cũng như phong cách làm việc của sếp để có thể cư xử cho sếp thấy hài lòng.
12. Chắc chắn rằng bạn và sếp có chung một quan điểm: Những vấn đề nào được ưu tiên và những vấn đề nào phải giải quyết ngay. Công việc bạn thực hiện sẽ được đánh giá theo tiêu chí nào.
13. Kết bạn với đồng nghiệp: Làm quen càng nhiều người càng tốt, những người cùng nhóm làm việc đặc biệt là những người sẽ làm việc thường xuyên với bạn. Tạo nền móng cho mối quan hệ, tiếp đến là sự tin tưởng và chia sẻ thông tin.
14. Nhận biết người chủ chốt: Tìm hiểu xem ai là người đưa ra quyết định, ai là người chi phối, ai là người có thể thành công. Nhận biết nét tiêu biểu của họ và cố gắng cạnh tranh.
15. Nhận biết những việc bí mật phải làm: Nhận biết được bất cứ áp lực chính trị tại nơi làm việc. Nếu bạn muốn trách dính líu tới pháp luật bạn phải nhận biết được việc mình đang làm cũng như lực lượng ngầm.
16. Chủ động: Khi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình và sẵn sàng cho một lượng công việc lớn hơn hãy chủ động đề nghị.
17. Đừng tạo ra thay đổi lớn: Ngay cả khi người phỏng vấn nói với bạn rằng công ty đang rất cần những ý kiến mới mẻ, sáng tạo thì phải xem xét thật kỹ lưỡng. Thể hiện tôn trọng cho những người đầu tư tâm huyết của mình vào dự án hay công việc đó trước khi cố gắng thay đổi. Có những trở ngại mà bạn có thể không nhận thức được. Tự hỏi tại sao mọi thứ lại được làm theo cách đó và thu thập phản hồi thông tin từ những người bạn cần.
18. Tính đồng đội: Không nên tham gia vào các chuyện tầm phào, ngồi lê đôi mách. Luôn ủng hộ sếp, chia sẻ lòng tin với đồng nghiệp.
DỰ TIỆC CÔNG TY
Ai đi làm cũng sẽ có lúc được dự những buổi tiệc không lớn thì nhỏ do công ty tổ chức. Nếu bạn suy nghĩ tiệc là dịp để bạn trút bỏ “bộ mặt văn phòng” hàng ngày và cứ “thả dàn” thể hiện con người thật của mình thì có lẽ bạn nên xem lại. Để vẫn tuyệt vời trong mắt sếp và đồng nghiệp tại các buổi tiệc công ty như tiệc tất niên, bạn cần lưu ý các điều sau đây.
Không nên
Dẫn theo người không mời
Khi giấy mời dự tiệc của công ty không đề cập đến việc bạn có thể “đính kèm” bạn bè hay người thân thì bạn tuyệt đối không nên. Một phần là vì nhà hàng và công ty không chuẩn bị phần ăn đột xuất, một phần vì sếp chỉ muốn riêng nhân viên công ty tham gia để tăng sự đoàn kết gắn bó giữa nhân viên.
Nếu giấy mời không đề cập gì nhưng bạn lại muốn dẫn thêm người thì bạn nên hỏi qua người quản lý của mình.
Uống quá nhiều
Một trong những điều mà các nhà quản lý lẫn đồng nghiệp không thích là thấy ai đó uống quá nhiều tại tiệc công ty. Uống đến mức nôn thốc nôn tháo thì chẳng còn thể diện gì. Mặc dù, công ty tổ chức tiệc là để nhân viên vui chơi và thư giãn, nhưng bạn cũng nên giữ chừng mực và cư xử nhã nhặn.
Buôn chuyện hay kể chuyện cười thô thiển
Tiệc công ty là dịp để mọi người trò chuyện cởi mở và chân tình với nhau, nhưng cũng có thể vì vài ly rượu mà bạn nói ra những điều không nên. Bạn nên nhớ luôn có những quy tắc và giới hạn nhất định cho các câu chuyện phiếm như vậy. Bạn chỉ nên nói những chuyện chung chung như chuyện học hành các con, chuyện thời trang và những câu chuyện không quá riêng tư.
Nói quá nhiều về công việc trước người lạ
Thật bất lịch sự nếu bạn đi cùng bạn hoặc người thân mà bạn lại cứ trò chuyện về công việc với đồng nghiệp mà không để ý đến cảm giác của người đi cùng. Bạn chỉ nên nói vài câu về công việc như một lời chào xã giao hay bắt đầu câu chuyện. Hãy chọn những chủ đề mà hầu hết những người dự tiệc đều quan tâm và có thể tham gia.
Nên
Mời ai đó đi cùng nếu được cho phép
Nếu trong thư mời nói rằng bạn có thể đưa ai đó đi cùng thì bạn nên làm như vậy. Đó là một cách hay để giúp đồng nghiệp hiểu bạn hơn về một khía cạnh nào đó của cuộc sống ngoài công việc của bạn.
Khéo léo đánh bóng tên tuổi trước các nhân vật chủ chốt
Hãy dùng tiệc công ty như cách giúp bạn quảng bá bản thân với cấp quản lý. Họ là những người khá bận rộn vào ngày thường nhưng tại buổi tiệc họ sẽ cho phép mình vui chơi và trò chuyện với người khác, kể cả cấp dưới; cho dù không phải là cấp dưới trực tiếp của họ. Vì vậy, hãy tự giới thiệu và làm quen với các nhân vật này, nói đôi điều về bạn như sở thích, chuyên ngành và thế mạnh của mình.
Lựa chọn trang phục phù hợp và trang nhã
Dĩ nhiên không có quy định nào nói rằng bạn phải mặc thế nào khi dự tiệc công ty, nhưng tốt nhất bạn hãy chọn trang phục phù hợp hoàn cảnh, trang nhã và lịch sự. Nên tránh ăn mặc quá gợi cảm như thể đến quán bar hoặc vũ trường. Hãy nhớ tiêu chí chọn trang phục cho các bữa tiệc công ty là lịch sự, cuốn hút và phù hợp.
Tạo không khí vui vẻ
Theo tình hình kinh tế hiện nay, tiệc cuối năm của công ty khó mà nhộn nhịp và vui vẻ như mấy năm trước. Hầu hết mọi người đều có cảm giác lo lắng vì tình hình kinh tế sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến đời sống của họ. Tiệc là dịp để bạn vui chơi và chia sẻ niềm vui với mọi người, vì vậy bạn hãy bỏ lại phía sau những lo lắng và buồn chán, tận hưởng bữa tiệc hết mình với tinh thần tích cực và lạc quan nhất.
Bút Tre ( Hết)