Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
25/04/2011 10:04 # 1
boy_buonsau
Cấp độ: 12 - Kỹ năng: 13

Kinh nghiệm: 29/120 (24%)
Kĩ năng: 52/130 (40%)
Ngày gia nhập: 24/06/2010
Bài gởi: 689
Được cảm ơn: 832
Khi sinh viên “không muốn bị lạc hậu”


Khi sinh viên “không muốn bị lạc hậu”
Đầu năm học, sinh viên vào lớp với vẻ ngoài giản dị và tính cách chân thành. Nhưng một thời gian sau, họ gần như thay đổi toàn bộ…

Từ ngoại hình…

T.H (sinh viên năm 1 trường ĐH KHXH & NV) khiến mọi người gần như không còn nhận ra mình sau một thời gian ngắn. Buổi học đầu tiên trên giảng đường, cô nàng rất giản dị với mái tóc ngắn tự nhiên xõa ngang vai, quần jeans, áo sơ mi… Nhưng về sau, không những kiểu tóc mà cả gu ăn mặc của T.H thay đổi đến chóng mặt: tóc uốn xoăn, sau đó nhuộm vàng, sau đó duỗi, rồi nhuộm đen lại, rồi nối tóc… Các kiểu tóc ấy thay đổi liên tục trong…6 tháng. Cách ăn mặc của T.H cũng long lanh hơn, gương mặt trang điểm cầu kì hơn, và cũng trở nên… xa cách bạn bè hơn

“Trên lớp, T.H không chơi với ai cả. Cậu ấy chỉ đi học rồi về, trong giờ học thì ngáp ngắn ngáp dài, ngủ gật liên tục. Cậu ấy xinh xắn và nổi bật nhất lớp. Tuy vậy, cậu ấy khá ít nói, và có vẻ như cậu ấy tự tách mình ra khỏi tập thể, chứ không ai xa cách bạn ấy cả”, Hoàng Diệu (học cùng khoa với T.H) nói.

Tương tự như vậy, Thùy Dương (sinh viên năm 1 ĐH Hoa Sen) những ngày đầu bước vào lớp rất giản dị, tóc xõa thẳng tự nhiên, trang phục không cầu kì, để mặt mộc. Nhưng rồi qua Tết, Dương nhuộm tóc đỏ, bắt đầu trang điểm, mặc đồ như trình diễn thời trang. Điều đó khiến Dương được nhiều người chú ý hơn và làm quen được với nhóm bạn sành điệu, nhưng cũng có nhiều bạn “xì xầm” hơn: “Có nhất thiết phải như thế không nhỉ? Giản dị một chút để hòa nhập mới tốt hơn chứ!”

Đến cách nói chuyện

Hồng Nhung (sinh viên năm 1 ĐH Công Nghiệp) làm quen được một nhóm bạn ngồi cùng bàn và thường đi chơi chung với họ. Ban đầu Nhung thường tham gia vào cuộc trò chuyện và chăm chú lắng nghe, nhưng về sau, Nhung im lặng, thậm chí còn hay cười một cách hời hợt khi nghe bạn bè thảo luận sôi nổi về việc học tập, gia đình, cuộc sống… Một thời gian sau, Nhung tự tách khỏi nhóm.

Diễm Hương (bạn học cùng lớp với Nhung) kể: “Về sau, khi nhóm mình đi uống trà sữa, vô tình bắt gặp Nhung đang ngồi ở bàn bên cạnh với một nhóm bạn khác. Nhóm này có vẻ rất sành điệu và am hiểu. Họ toàn thảo luận về gu ăn mặc của diễn viên, “trai đẹp”, chê bai người này người nọ, rồi lên kế hoạch đi bar, club… Cùng là sinh viên sống xa nhà, nhưng mình không thay đổi quá nhanh như thế. Mình cũng hơi buồn và chạnh lòng, nhưng biết làm sao được. Nếu Nhung không tự ý thức được thì cậu ấy dần dần cũng bị cuốn vào vòng xoáy ăn chơi mà quên học hành...”

Còn T.Tiến (sinh viên năm 1 ĐH Văn Lang) luôn tỏ ra “hổ báo” và thích chứng tỏ mình với những người trong lớp, đặc biệt là các bạn nữ. Có lần đi ngang qua hai cô nàng trong lớp, Tiến dừng lại, nhìn trừng trừng và nói: “Hai con này quen không mà nhìn?”.

Một trong hai cô nàng rất bức xúc, nhưng im lặng. Họ bảo: “Đầu năm học, hắn im re, tụi mình còn phải nhường chỗ cho hắn ngồi vì hắn đến trễ, không còn chỗ nào ngồi cả. Bây giờ thì thế đấy!”

Và cả tác phong học tập

Đầu năm học, một số sinh viên khá chăm chỉ khi đến lớp đầy đủ, chăm chú lắng nghe thầy cô giảng bài. Về sau, họ cúp những môn học mà họ cảm thấy chán. Dần dần, khi không có điểm danh, họ không cần đến lớp. Và cuối cùng, họ gần như cúp tiết ở khá nhiều môn học, chỉ đợi đến thi mới có mặt để làm bài.

T.H là một ví dụ điển hình. Không những thay đổi về ngoại hình mà tác phong học tập của cô nàng cũng xuống dốc rõ rệt. Gần như bạn bè chỉ thấy H đến lớp vào lúc thi giữa kì và thi cuối kì...

Còn T.Tiến, sang học kì 2, anh chàng toàn ra quán café lướt net, đi karaoke, đi nhậu cùng bạn bè, việc học của Tiến sa sút hẳn. Học kì 1 anh chàng nợ 2 môn, không biết rồi học kì 2 sẽ thế nào…

Vì sao họ lại thay đổi nhanh đến thế?

“Từ quê lên thành phố học, có vẻ như họ dần dần bắt nhịp với cuộc sống hiện đại, nên muốn hòa nhập để chứng tỏ mình”, Hoài Thanh (sinh viên năm 1 ĐH Hùng Vương) nhận định. 

“Họ không muốn bị xem là quê mùa. Một cô nàng trong lớp mình đầu năm rất giản dị, khá xinh, nhưng hay bị bạn bè bóng gió rằng nhìn “huệ” quá, lúc nào cũng mặc áo trắng quần tây, tóc thì dài tận thắt lưng, đi học mà mang dép cao su… nên cô nàng “lột xác” hoàn toàn. Giờ thì không ai chê cô ấy cả”, Vũ Phong (sinh viên năm 1 ĐH Tôn Đức Thắng) kể. 

“Có rất nhiều nguyên do khác nhau. Có thể họ muốn chứng tỏ rằng mình đã trưởng thành, độc lập. Có thể do họ muốn tạo một lớp vỏ bọc để che đi sự tự ti của mình. Tớ thấy đa phần sinh viên nữ thay đổi nhiều hơn sinh viên nam, vì thường các bạn nữ hay quan tâm đến việc người khác nghĩ gì về mình, và rất muốn được chú ý”, Cẩm Giang (sinh viên trường ĐH KHXH & NV) chia sẻ.

Vẻ ngoài không phải là tất cả

Người viết xin mượn lời của bạn Kim Nguyên (sinh viên năm 1 ĐH Kinh tế) để kết thúc bài viết: “Thay đổi là điều tốt, vẻ ngoài cũng rất quan trọng. Đôi khi bạn phải biết yêu thương bản thân bằng việc làm đẹp cho bản thân mình. Nhưng thay đổi phải theo chiều hướng tích cực. Bạn đẹp hơn, không có nghĩa là bạn trở nên xa cách mọi người. Bạn đẹp hơn, không có nghĩa là bạn phải thay đổi luôn cả cách nói chuyện và phong thái học tập. Vẻ ngoài không thể nói lên hết con người của bạn. Và mỗi chúng ta đều chú trọng những vẻ đẹp tâm hồn hơn là vỏ bọc hào nhoáng. Nếu bạn đẹp mà học hành sa sút, đẹp mà bị tách khỏi tập thể, thì thử hỏi, sự thay đổi của bạn có đáng không?”

Theo Mực Tím



 
Các thành viên đã Thank boy_buonsau vì Bài viết có ích:
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024