Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
23/01/2013 23:01 # 1
nguyenloanqt92
Cấp độ: 10 - Kỹ năng: 6

Kinh nghiệm: 4/100 (4%)
Kĩ năng: 55/60 (92%)
Ngày gia nhập: 19/10/2010
Bài gởi: 454
Được cảm ơn: 205
Tết quê tôi


 

Tết quê tôi

… Reng… reng… reng…

Tiếng đồng hồ báo thức đã điểm 7 giờ, đôi mắt còn nhắm nghiền tôi rướn người vớ lấy nó tắt vội. Hôm nay Chủ nhật chẳng muốn dậy sớm làm gì, đôi chân se se lạnh còn rúc vào mớ chăn mền, thời tiết hôm nay mát mẻ còn gì thích hơn là ngủ nướng. Chợt! tiếng nhỏ bạn phòng bên kêu réo inh ỏi: “Dậy đi Hà ơi, lên trường đăng kí Xuân tình nguyện kìa, hôm nay hạn chót rồi”, sực nhớ ra việc quan trọng cần làm tôi bật dậy thay bộ đồ chuẩn bị bắt xe buýt đến trường. Xe buýt hôm nay vắng khách không có cảnh chen lấn vắt tay lên thanh xà ngang như mọi ngày, có lẽ những đứa sinh viên như tôi giờ này chắc còn đang ngái ngủ cũng nên, chứ mọi hôm vào giờ cao điểm đến trễ một chút là lên xe hết trơn chỗ ngồi.

Sài Gòn qua ô cửa kính bữa nay đẹp lạ, những dãy đèn trang trí đã treo khắp phố, hai bên đường hàng me xanh rì, cành lá đong đưa những giọt mưa xuân đầu mùa đêm qua còn đọng lại, vừa qua Tết tây thôi mọi người đã rục rịch đón Tết nguyên đán rồi, Sài Gòn mang lại cho con người ta không khí sôi động tất bật vào ban ngày thì lại mang vẻ hào nhoáng lung linh lúc về đêm, chưa bao giờ tôi được đón tết ở nơi đây không biết rồi tết ở đây thế nào, có hối hả như nhịp sống vốn dĩ của nó hay không? Hay cũng đầm ấm như như cái tết của quê tôi.



Nhanh thật, mới đó mà tôi đã sống xa nhà gần 4 năm rồi. Một năm 12 tháng tôi có mấy khi về quê đâu, học hành rồi lại chạy đôn chạy đáo làm thêm đôi khi chẳng có thời gian để nghỉ ngơi vui chơi, mọi năm gần tết chắc cũng tầm 28, 29 mới về tới nhà. Quê tôi thuộc một tỉnh nhỏ của đồng bằng Sông Cửu Long, người quê tôi quanh năm gắn bó với ao vườn đồng ruộng nhưng được cái tình nghĩa thì bao la.

Nhớ lúc tôi còn nhỏ tết nhà tôi vui lắm, mấy anh chị em con cậu Tư, cậu Năm cũng xê xích tôi vài ba tuổi, cứ tầm 23 tháng Chạp đưa ông Táo về trời, được nghỉ tết ở trường chúng tôi đã kéo nhau rủ rê ba má lên thị xã sắm quần áo mới. Ba tôi với mấy cậu thì lo rinh bộ lư đồng trên bàn thờ tổ xuống để đem đi lau chùi đánh bóng, xong lại cùng nhau lợp lá mới cho cái chái bếp sau hè, còn má tôi với mấy mợ thì lo dọn dẹp nhà cửa, căn nhà ba gian của ngoại tôi rộn rã lắm vào mấy dịp này. Tết năm nào ngoại cũng giữ cái nét truyền thống là tự tay gói bánh tét phần để cúng ông bà, phần gửi mấy người hàng xóm ăn lấy thảo, phần để bọn trẻ con tụi tôi ăn vào mấy ngày tết. Sáng sớm ngoại đã sai cậu Tư đi rọc lá chuối lá dừa sau vườn mang về cho bọn tôi tuốt ra lau sạch, còn mấy cọng gân lá dừa thi phơi khô dùng để buộc bánh vừa đẹp lại vừa chắc, thích nhất là lúc ngoại xào nếp đậu vừa xong mang ra thơm lừng, mấy mợ tôi đã trải chiếu sẵn trước sân chuẩn bị bày ra gói bánh, ngoại với mấy mợ tôi gói khéo tay lắm, đòn nào đòn nấy đều rang à, gói xong còn làm dấu đòn nào nhân đậu đòn nào nhân chuối nữa. Bọn trẻ tụi tôi xúm lại ngồi coi mê lắm, lâu lâu lại nài nỉ mấy mợ cho gói thử mà ngoại đâu có cho rớ tay vô, thằng Gấu con cậu Út nhỏ tuổi nhất nó cứ đòi ngoại gói cho nó đòn bánh tét tí hon và năm nào nó cũng được một cặp nhỏ xíu sau khi nồi bánh ra lò.



Tôi thì khoái nhất đêm 30 ngồi trông nồi bánh tét với mấy anh chị, mặt đứa nào cũng đỏ ửng hí ha hí hoáy bỏ mấy củ khoai lang vô bếp lửa nướng, vừa ăn vừa nghe ngoại kể chuyện. Ngoại có thói quen ăn trầu nên vừa kể miệng cũng vừa móm mém nhai trầu, mà mấy câu chuyện của ngoại kề hầu như tôi đều thuộc lòng, nào là chuyện Tây bắn cháy nhà ngoại vào mấy năm kháng chiến, còn cậu hai thì hy sinh như thế nào, dì Sáu với mẹ tôi ngày nhỏ phải chèo xuồng đi tuốt lá gòn ở tận miệt sâu ra sao, nhớ tới đoạn ngoại kể cậu Út đi tắm mưa về bị ngoại đánh chui xuống mương núp trôi mất cái quần là bọn tôi lại bò kềnh ra cười đau cả bụng…

Ngoài bánh tét ra ngoại còn làm cả dưa kiệu và dưa cải để dành ăn với tôm khô, thịt kho trứng, mứt thì không thể thiếu món mứt dừa và mứt chùm ruột, mứt mãng cầu của mợ Ba làm, ăn vừa béo lại vừa thơm. Ở nhà trên thì má tôi đang lo chưng cặp dưa hấu lên bàn thờ sao cho đẹp mắt, má còn trang trí mấy lọ hoa vạn thọ xen kẽ mấy nhánh hoa mai rất khéo, mợ Tư thì lo bày mâm bánh mức hạt dưa, mỗi người mỗi việc chỉ có bọn trẻ cọn tụi tôi là cứ bày bừa trò chơi ra đễ chơi với mấy đứa hàng xóm ríu rít khắp sân. Sáng mồng 1 tết tụi tôi đã lo ăn mặc thật đẹp, đứa nào cũng đeo cái túi thắt rút dây thun bên mình chẳng qua là để đi gom tiền lì xì đó mà, sau khi tụ họp đông đủ ở nhà ngoại mỗi đứa phải suy nghĩ ra một câu chúc thật hay thật ý nghĩa để chúc mọi người, vui nhất là cái giọng ngọng líu của thằng Gấu khi nó chúc khiến cả nhà cười nghiêng ngửa, đứa nào cũng hăm hở nhận bao lì xì từ người lớn rồi lại kéo nhau sang thăm chúc tết từng nhà khác.

Thế đấy, năm tháng qua đi mỗi người chúng tôi lớn lên đứa học xa nhà, đứa lấy chồng làm ăn xứ khác, đâu còn được mấy dịp tết đông đủ quanh ông bà. Ngoài kia trên bầu trời từng đàn chim én lượn quanh như báo tin một mùa Xuân nữa lại về, biết ở đâu đó các anh chị tôi có con cảm giác rạo rực như ngày xưa, quay quần bên gia đình để đón những thời khắc giao mùa, tạm gác đi những lo toan bộn bề của cuộc sống, chắc giờ này ngoại tôi lại lo chuẩn bị cho ngày gói bánh tét để còn trông mấy đứa cháu về ăn, thời buổi ngày càng tiến bộ đôi khi người ta quên mất những hương vị tết ngày xưa, mọi thứ thân quen ngày Tết cổ truyền dường như xa xỉ, Sài Gòn không phải quê tôi nhưng chắc chắn sẽ là nơi sinh ra của nhiều người và biết đâu ở nơi xa nào đó họ cũng đang hồi tưởng về tết sum họp bên gia đinh, tôi đã nghe đâu xa xa ca khúc ”Mừng tết đến và lộc đến nhà nhà, cánh mai vàng cành đào hồng thắm tươi, chúc cụ già được sống lâu sống thọ cùng con cháu sang năm lại đón tết sang…”, bất giác tôi nở nụ cười, về nhà đón tết đi tôi ơi.

Nguồn: yume.vn



Nguyễn Thị Phương Loan         

Mod Góc học tập       

Mail: nguyenloanqt92@gmail.com

 
 

 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024