Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
15/09/2010 12:09 # 1
pumpkin_166
Cấp độ: 3 - Kỹ năng: 3

Kinh nghiệm: 11/30 (37%)
Kĩ năng: 7/30 (23%)
Ngày gia nhập: 09/05/2010
Bài gởi: 41
Được cảm ơn: 37
Cậu học sinh giỏi 12 năm đến trường trên lưng ông ngoại


 Cậu học sinh giỏi 12 năm đến trường trên lưng ông ngoại
Lên 3 tuổi, chỉ trong một đêm cậu bé Trung, ở Bình Phước, đã trở thành đứa trẻ tật nguyền, mẹ mất, còn cha đi tù chung thân. Từ đó, ông ngoại là đôi chân cho cậu.
Nguyễn Lê Hoàng Trung sinh năm 1992, học sinh lớp 12, ở tổ 4, ấp Thuận Phú 3, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước là một trong số hơn 200 tấm gương về người khuyết tật, trẻ mồ côi tiêu biểu trên toàn quốc được biểu dương trong hội nghị ngày 12/4.
Vào cái đêm định mệnh cách đây 14 năm, nhát dao oan nghiệt của người cha đã khiến cậu bé 3 tuổi ấy không bao giờ có cơ hội tự đứng lên bằng chính đôi chân của mình. Bị đứt tủy sống, nửa người dưới cậu bé không hề có cảm giác gì. Cũng trong đêm ấy, người cha còn chém liên tiếp vào người mẹ, khiến chị chết ngay tại chỗ.
 
Suốt hơn 10 năm nay, ông Khôi dành hết thời gian chăm sóc cho đứa cháu tật nguyền. Ảnh: N.P. Bố đi tù chung thân và cậu trở thành đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Gia đình bên nội cũng bỏ mặc Trung. Xót xa trước tình cảnh đứa cháu bé bỏng, ông Lê Văn Khôi, ông ngoại, năm nay 70 tuổi, đã đón cháu về chăm sóc. Mọi việc từ tắm rửa, vệ sinh, bồng bề, ăn uống... hằng ngày, cậu đều nhờ vào ông ngoại.
"Nửa thân dưới của em giờ chẳng có cảm giác gì cả. Em không biết được khi nào mình tiểu tiện, đại tiện. Ông phải quấn tã cho em, còn việc đại tiện thì cứ hai ngày một lần, ông lại dùng nước xịt rửa để kích thích", Trung kể lại.
Đến tuổi đi học, Trung lại đến lớp trên đôi chân của ông. Bất kể mưa nắng, từ năm này qua năm khác, ông đều đặn đưa cháu đến trường. Còn bé thì ông cõng cháu lên lưng, bế vào lớp rồi lại về. Lớn lên một chút thì ông chở cháu bằng xe máy cũ kỹ, sức ông không bế nổi cháu nữa thì nhờ bạn bè đưa cháu vào lớp hộ.
Đến khi học cấp 3, vì trường học của Trung cách xa nhà đến 15 cây số, thế là hai ông cháu lại dắt díu nhau đi tìm phòng trọ, chỉ về nhà vào dịp cuối tuần.
Thương ông ngoại bao năm vất vả chăm cháu tật nguyền mà Trung cố gắng học thật giỏi. Suốt 11 năm liền, cậu đều là học sinh xuất sắc, đạt giải 3 kỳ thi học sinh giỏi tỉnh môn vật lý (không có học sinh đạt giải nhất và nhì). Đỗ thủ khoa đầu vào khối chuyên Lý, THPT Chuyên Quang Trung (Bình Phước).
Giữa những lời tâm sự của cậu học sinh lớp 12, dáng vẻ gày gò, ít nói ấy thi thoảng lại có một khoảng lặng như thể cậu đang cố gắng để không khóc. "Em không còn nhớ gì về mẹ vì khi đó em còn quá nhỏ, cũng không nhớ gì về cái đêm ấy. Nhưng em vẫn còn giận bố, em không muốn gặp bố. Nếu không có ông ngoại em đã không có ngày hôm nay", Trung buồn bã nói.
Nhưng dù có mạnh mẽ đến đâu, cũng đã có lúc Trung muốn buông xuôi tất cả. Đó là vào năm lớp 10, cậu được chọn vào đội tuyển lý của trường, hai ông cháu đã vui sướng biết bao. Thế nhưng niềm vui ấy chẳng kéo dài được lâu, vì phải ngồi cả ngày học và làm bài nâng cao nên vết thương cũ nơi cột sống của cậu ngày càng trở nên đau nhức.
"Em đã phải xin rút khỏi đội tuyển. Lúc đó, em suy sụp ghê gớm. Cảm giác buồn, tự ti, những suy nghĩ tiêu cực cứ lớn dần lên, nghĩ mình không thể làm gì được với cơ thể này, học hành để mà làm gì", Trung kể.
Cậu đã nghỉ học một tháng rưỡi, nhưng nhờ sự động viên của bạn bè, thầy cô và nhất là nghĩ đến người ông đã chăm lo cho mình hơn chục năm nay mà cậu đã tiếp tục đến trường.
Ông Khôi kể lại: "Lúc đó hai ông cháu tiếc mãi, thương cháu thích học mà không được. Nghĩ cũng tội 'Tại sao cháu người ta sinh ra bình thường mà sao cháu mình lại khổ thế. Bị liệt nửa người dưới, cấu vào chân nó cũng không thấy đau đâu'. Nó đã phải trải qua biết bao lần phẫu thuật mà vết thương vẫn không tiến triển, cứ ngồi nhiều lại đau lưng".
Giờ Trung chuyển sang đội tuyển tin, thời gian học ít hơn, vừa sức hơn. Ông Khôi cũng dành dụm tiền mua cho cháu một chiếc máy tính nối mạng. Hết giờ học về nhà, cậu lại nghiền ngẫm, khám phá thế giới, kiếm tìm niềm vui qua chiếc máy vi tính.
Ước mơ của cậu là dự thi vào Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM, chuyên ngành công nghệ thông tin. Cậu luôn tâm niệm: "Trong cuộc sống, chắc hẳn có những lúc tâm lý tiêu cực, thấy buồn, tự ti, chán nản nhưng dù sao vẫn còn có những người quan tâm đến chúng ta, hỗ trợ trong cuộc sống. Vì thế em rất mong những người có cùng hoàn cảnh với em cố gắng tự tin. Đời vẫn còn dài, vui cũng thế mà buồn cũng thế, thế thì hãy cố sống cho vui vẻ".
Còn với ông Khôi, điều khiến ông băn khoăn nhất là kiếm đủ tiền nuôi cháu học đại học. Từ khi lên học cấp 3, xa nhà, đồng lương hưu ít ỏi của ông (chưa được 2 triệu đồng) từ lâu vốn chỉ để dành chi phí cho việc học hành của cháu, nay lại cõng thêm nhiều khoản khác. Tiền nhà, điện nước mỗi tháng cũng hết 400.000 đồng, cơm tự nấu, thức ăn thì mua ở căng tin ký túc xá của trường, hai ông cháu dè xẻn lắm mà một ngày cũng hết 30.000 đồng.
"Nhiều lần tôi đã nghĩ tới việc tranh thủ giờ cháu học mình đi bán vé số. Nhưng vì trước từng là hiệu trưởng một trường tiểu học nên cũng hơi ngại. Nhưng có lẽ cũng sẽ phải thế thôi, cháu nó còn học nhiều mà", ông Khôi cười hiền hậu nói.



 
Các thành viên đã Thank pumpkin_166 vì Bài viết có ích:
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024