Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
19/10/2013 17:10 # 1
sat_thu_nikita
Cấp độ: 9 - Kỹ năng: 5

Kinh nghiệm: 88/90 (98%)
Kĩ năng: 29/50 (58%)
Ngày gia nhập: 27/09/2011
Bài gởi: 448
Được cảm ơn: 129
KHÁM PHÁ HANG MÊ CUNG (VỊNH HẠ LONG)


KHÁM PHÁ HANG MÊ CUNG (VỊNH HẠ LONG) 

Hang Mê Cung nằm ở độ cao 25m trên đảo Lờm Bò, cách đảo Ti-tốp khoảng 2km về phía Tây Nam. Nhìn từ xa, cửa động như một mái nhà ăn sâu vào sườn đảo. Hang Mê Cung được các nhà khảo cổ học xác định là một trong những di chỉ thuộc Văn hoá Hạ Long sớm - tức cách ngày nay từ 10.000 - 7.000 năm. Dấu tích còn lại nhiều nhất tìm thấy ngay cửa động là vỏ ốc Melania - là loài ốc chỉ sống ở suối.

Hang Mê Cung nằm trong vùng bảo vệ tuyệt đối của Di sản - Kỳ quan thế giới Vịnh Hạ Long, có cấu trúc rất phức tạp, bao gồm nhiều cấp, nhiều ngăn, ngách trải rộng trong phạm vi mái đá với một hành lang dài hơn 100m, cao dần về phía tây để rồi trông xuống một hồ nhỏ như tên gọi của hang - hồ Mê Cung. Nhìn tổng thể, hồ Mê Cung nằm lọt giữa các bức tường thành núi đá, dường như độc lập với biển khơi. Theo các nhà khoa học, hồ Mê Cung là một khu vực sinh thái địa chất rất có giá trị nghiên cứu khoa học. Về tự nhiên, đây cũng là tiểu cảnh rất sinh động của khu vực này.

Vỏ ốc suối Melania - dấu tích thức ăn của người tiền sử Hạ Long trong hang Mê Cung.

Cửa hang Mê Cung quay về phía đông, có một khoảng rộng 40m² được san rất bằng phẳng. Theo các nhà khảo cổ học, khoảng này là một mái đá lý tưởng cho con người cư trú vì nó khô ráo, thoáng mát do phía sau nó là một hệ thống hang động nhỏ rất kín đáo. Để phục vụ khai thác du lịch, hang Mê Cung đã được cải tạo và vì thế tầng văn hoá chủ yếu của hang là ốc suối và ốc núi đã được cơ quan chức năng thu gọn vào phía trước cửa hang. Rất may là những người cải tạo hang đã không “đụng chạm” đến hai phía cửa lên mái đá 4 tảng trầm tích vỏ ốc gồm cả ốc suối và ốc núi. Các tảng trầm tích này cho thấy lúc đầu tầng văn hoá ở đây dày từ 60-150cm.

Ngoài vỏ ốc suối, ốc núi, trong hang Mê Cung còn có các mảng vỏ trai, hến, sò và trùng trục - là những loài nhuyễn thể nước ngọt. Điều may mắn - theo các nhà khoa học là khi cải tạo hang Mê Cung, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã thu thập và vẫn còn giữ được một tập hợp các xương thú đã hoá thạch hoặc bán hoá thạch. Trong tương lai, việc nghiên cứu kỹ lưỡng các xương thú này sẽ cho chúng ta những câu trả lời hữu ích về môi trường sống, đối tượng khai thác, cách thức ăn uống và thậm chí cả quan niệm tâm linh của người Hạ Long cổ vì các chi tiết xương được tìm thấy ở một ngách sâu và kín đáo của hang Mê Cung - nơi chứa các trầm tích đất vàng Pleitoncen và chắc chắn nó sẽ góp phần làm rõ thêm niên đại của loại di tích khảo cổ học tương đương với giai đoạn Văn hoá Hoà Bình, Bắc Sơn của khu vực Vịnh Hạ Long.

Là một trong các điểm tham quan thuộc tuyến số 2 của Vịnh Hạ Long (gồm Sửng Sốt - Mê Cung - Hang Luồn - Titop - Soi Sim), hang Mê Cung đã thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, nghiên cứu tìm hiểu về lịch sử, văn hoá. Đi vào trong động, du khách tưởng như đang bước vào cung điện của các vua chúa xưa. Ngoài hang động với các trầm tích lịch sử, trên đảo Lờm Bò còn có các loài cây cổ thụ già nua soi bóng nước hồ Mê Cung trong xanh, phẳng lặng. Đây cũng là nơi sinh sống của các loài chim, thú như khỉ, kỳ đà… Đặc biệt, nhờ được cán bộ, nhân viên Trung tâm Bảo tồn công viên, hang động (Ban Quản lý Vịnh Hạ Long) quan tâm, bảo vệ nên hệ sinh thái của hồ Mê Cung ngày càng tốt lên. Các loài san hô, hải sâm đã và đang được phục hồi, tạo đà cho nhiều loài động, thực vật đặc hữu của Hạ Long phát triển. Mê Cung hứa hẹn sẽ trở thành điểm tham quan du lịch sinh thái hấp dẫn trong thời gian tới./.

Nguồn: Báo Quảng Ninh




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024