Ai cũng muốn bản thân có được một công việc tốt với thu nhập mơ ước. Để đạt được điều đó, ngoài việc trang bị kiến thức chuyên môn thì bạn cần vượt qua vòng phỏng vấn đầy cam go. Ngày nay, nhà tuyển dụng thường đưa ra những câu phỏng vấn mở để hiểu rõ hơn mức độ phù hợp với công việc của các ứng viên.
Thoạt nghe qua, có vẻ như câu hỏi mở thường chẳng liên quan đến công việc. Nhưng qua câu trả lời, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá được tính cách, khả năng sáng tạo, cách xử lý tình huống,… Vì thế, đừng ngần ngại thể hiện bản thân. Hãy cho nhà tuyển dụng thấy rằng mình là một ứng viên sáng giá, phù hợp với công ty nhé.
Tiểu Liên (Trung Quốc) vừa tốt nghiệp đại học với tấm bằng cử nhân chuyên ngành Marketing. Cô cố gắng nộp hồ sơ vào nhiều công ty, cuối cùng cũng có một công ty kinh doanh mỹ phẩm mời đến phỏng vấn.
Buổi phỏng vấn diễn ra có phần căng thẳng bởi nhà tuyển dụng đưa ra hàng loạt các câu hỏi kiểm tra trình độ chuyên môn. Tiểu Liên trẻ tuổi, mới ra trường nên tất nhiên chưa có kinh nghiệm. Điều này khiến cô trở nên bối rối. Tuy nhiên, Tiểu Liên vẫn cố gắng tập trung giải quyết những tình huống đặt ra.
Cuối buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng đưa ra một câu hỏi mang tính quyết định. Câu hỏi có nội dung như sau:
"Nếu thang điểm từ 1 đến 10 thì bạn đánh giá nhà tuyển dụng đạt bao nhiêu điểm?".
Lại thêm một câu hỏi hóc búa nữa, dù thấm mệt nhưng Tiểu Liên lấy lại bình tĩnh, suy nghĩ vài giây rồi đưa ra câu trả lời phù hợp nhất.
Tiểu Liên tự tin nói: "Tôi thấy công ty hoạt động đã nhiều năm, có tên tuổi trên thị trường, được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn sản phẩm. Công ty có cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm và không ngừng mở rộng thị trường sang các nước châu Á. Trước những ưu điểm như vậy, tôi chấm cho công ty 9 điểm trên thang 10".
"Cô đưa ra hàng loạt các ưu điểm, vậy tại sao công ty không được 10 điểm tuyệt đối?" – hội đồng tuyển dụng hỏi ngược lại.
Sau khi tiếp nhận thông tin, Tiểu Liên đưa ra quan điểm: "Người xưa có câu "nhân vô thập toàn", bất cứ cá nhân, công ty hay tổ chức nào cũng đều có những khiếm khuyết nhất định. Tôi nghĩ chúng ta không nên tự nhận mình là hoàn hảo, phải luôn nhìn ra những thiếu sót để không ngừng hoàn thiện. Như vậy mới có thể phát triển bền lâu".
Sau khi nghe phần trả lời, nhà tuyển dụng nhận xét Tiểu Liên không chỉ có IQ cao mà còn có EQ vượt trội, cô có khả năng ứng biến trước những tình huống nhạy cảm. Về năng lực chuyên môn, chỉ cần đào tạo thêm là có thể phát huy tối đa. Vì vậy, Tiểu Liên trở thành một trong 3 ứng viên được nhận vào làm việc trong đợt tuyển dụng đó.
Thế mới thấy để có được việc làm thì ngoài kỹ năng chuyên môn, bạn còn cần không ngừng trau dồi EQ. Đây chính là yếu tố rất quan trọng để các nhà tuyển dụng đánh giá ứng viên có phù hợp với môi trường làm việc của công ty mình hay không. Vậy nên, đừng lơ là yếu tố này nhé.