Họp lớp là một truyền thống vẫn được duy trì bao năm qua. Đó là dịp để những người bạn từng học chung một lớp, sau khi ra trường mỗi người một nơi, nay lại có cơ hội gặp gỡ, nói chuyện như xưa.
Bởi vậy, buổi họp lớp là nơi hiếm hoi mà tất cả được gặp lại nhau, cùng chia sẻ về cuộc sống, sự nghiệp hiện tại của bản thân mỗi người.
Tuy nhiên, theo thời gian, tính chất của những buổi họp lớp bây giờ dường như đã khác đi nhiều. Có rất nhiều người đã không còn thích tham gia các buổi họp lớp nữa. Thay vào đó, họ thà ở nhà nằm ngủ, giết thời gian còn hơn.
Nguyên nhân đằng sau tình trạng này vốn có rất nhiều. Chẳng hạn như ngày nay công nghệ phát triển hơn rất nhiều, kể cả không gặp mặt trực tiếp thì bạn bè vẫn có thể liên lạc được với nhau. Hoặc do hoàn cảnh kinh tế của mỗi người giờ đây một khác khiến một vài người không muốn gặp lại bạn cũ.
Điều này hoàn toàn tùy thuộc vào tính cách, quan điểm và hoàn cảnh của mỗi cá nhân. Chính vì thế, chưa ai thực sự đi tìm lời giải đáp cho vấn đề này.
Tuy nhiên, N.H - 23 tuổi, sinh viên mới ra trường cách đây không lâu, lại gặp phải câu hỏi hóc búa này trong một buổi phỏng vấn.
Theo đó, người phỏng vấn hôm đó đã phát cho mỗi người một tờ giấy nháp, sau đó hỏi N.H và các ứng viên cuối cùng còn trụ lại như thế này: "Vì sao hiện tại rất khó tổ chức họp lớp? Có tổ chức cũng chẳng mấy người chịu đi?"
N.H nhớ rằng, ứng viên trả lời đầu tiên đã nói thế này: "Nguyên nhân là do sự chênh lệch giữa mọi người. Không ít người trở nên giàu có thường có xu hướng khoe khoang, thể hiện quá đà trong những buổi tụ tập đông người như thế.
Ai cũng nghĩ mình giỏi, ai cũng muốn thể hiện cho tất cả thấy những năm qua mình sống tốt như thế, mình kiếm được nhiều tiền ra sao. Và việc này lập tức khiến những người còn đang loay hoay vất vả cảm thấy rất tủi thân. Bởi thế nên họ từ chối tham gia".
Ứng viên thứ 2 cũng đồng tình với ý kiến này khi cho biết: "Nhiều người nghĩ mình phất lên, tranh thủ 'chém gió' nhiệt tình trong mỗi buổi họp lớp. Rồi sẽ có cả những thành phần nghe vậy liền khép nép, luồn cúi, nịnh nọt. Thú thực, nếu tôi là người ở giữa, tôi sẽ thấy rất dị ứng và tôi sẽ chọn không đi ngay từ đầu".
Người thứ 3 trả lời là N.H. Kỳ thực, suy nghĩ trong đầu của anh cũng khá tương tự với 2 người còn lại. Anh tin rằng, tất cả các ứng viên khác trong căn phòng đều như vậy. Nhưng nếu thế, mục đích khi đặt câu hỏi của nhà tuyển dụng là gì? Để chia sẻ cảm nhận, hay cùng nhau cảm thán thói đời ư? Đương nhiên là không.
Thế là, N.H đã sắp xếp lại toàn bộ mạch suy nghĩ của mình vào giấy, sau đó tổng kết lại như sau:
"Thực ra, chỉ có một số lý do nhất định khiến một người không muốn đi họp lớp. Đầu tiên thì như 2 ứng viên đầu đã nói, là vì tình trạng khoe của, khoe giàu của một số thành phần bạn cũ.
Thứ 2, kỉ niệm dù đẹp nhưng cũng đã thành quá khứ, không phải ai cũng muốn nói về nó nữa. Đặc biệt, theo thời gian, không ít chuyện đã thay đổi. Họp lớp đôi khi không còn là tụ họp đơn thuần mà nhiều người đến tham gia với mục tiêu không mấy trong sáng. Họ đi họp lớp không phải vì nhớ nhung gì bạn bè cũ hay muốn ôn lại các kỉ niệm cũ mà vì động cơ xấu, muốn tiếp cận những người có thể mang lại lợi ích cho họ.
Thứ 3, vì họp lớp quá nhiều nên lâu dần, không ai còn muốn tham gia nữa. Một vài lần đầu cũng vui đấy nhưng đi nhiều thành chán. Chưa kể, công nghệ phát triển giúp chúng ta có thể liên tục kết nối với mọi người. Thông qua Facebook, Instagram, Twitter… tất cả có thể dễ dàng cập nhật tình trạng của nhau. Do đó, buổi họp lớp không còn quan trọng đến mức bắt buộc phải tham gia.
Thứ 4, vì mỗi người giờ đây đã có một cuộc sống riêng, một hướng đi riêng, những mối quan hệ riêng. Do không còn liên lạc với nhau nữa nên họ dần dần trở nên xa cách với nhau. Họp lớp lúc này chẳng khác gì một cuộc hẹn giữa những người xa lạ, rất nhiều ngại ngùng và khoảng cách".
Sau khi nghe hết trả lời của mọi người, nhà quản lý mới đưa ra nhận xét. Quả nhiên, N.H là người tạo ra được ấn tượng tốt nhất. Câu trả lời của anh có những phân tích đa chiều, nhìn từ nhiều khía cạnh khác nhau, chứ không đơn thuần nêu cảm nghĩ cá nhân.
Đồng thời, cách trình bày của N.H cũng là một "điểm sáng". Trước khi trả lời, anh đã thực hiện việc sử dụng giấy nháp để sắp xếp lại suy nghĩ một cách mạch lạc, có trật tự. Sau đó, anh trả lời với câu từ rõ ràng, phong thái dõng dạc.
Nhà quản lý cho rằng, vị trí tuyển dụng này cần người có tính cách tỉ mỉ, cẩn trọng, đồng thời cũng cần có kỹ năng thuyết trình trước đám đông. Những gì mà N.H thể hiện rất phù hợp với hình mẫu trong lòng họ. Không khó hiểu khi sau đó, anh chàng đã tuyển dụng ngay.
*Theo Aboluowang