Phỏng vấn là quá trình để công ty tìm hiểu nhân viên một cách toàn diện. HR gánh trên vai trách nhiệm tìm kiếm nhân tài nên luôn phải nghĩ ra nhiều phương pháp để vừa đánh giá năng lực chuyên môn, vừa kiểm tra cả tư duy của ứng viên. Một trong 2 yếu tố này đều không thể thiếu để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ công việc.
Hình thức phỏng vấn theo nhóm, từ 3-5 người cùng phỏng vấn hiện nay khá phổ biến, có thể tối ưu thời gian cho cả 2 bên tuyển dụng - ứng viên, lại vừa so sánh được sự khác biệt giữa những người cùng nộp đơn tuyển. Các câu hỏi phỏng vấn cùng cách trả lời khác nhau cũng được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội để mọi người cùng bàn luận, học hỏi kinh nghiệm.
Một ứng viên đã kể lại trải nghiệm tìm việc của mình cách đây vài ngày. Cô tham gia buổi phỏng vấn cùng 3 ứng viên khác. Vì kinh nghiệm cũng như kỹ năng của 4 người đều tương đồng với nhau nên người phỏng vấn đã đặt ra 1 câu hỏi cuối cùng: “Có 23 ngọn nến, 15 ngọn nến đã bị thổi tắt, vậy còn lại bao nhiêu?".
HR vừa nói dứt câu, 2 ứng viên ngay lập tức bật cười. Có lẽ họ đang cảm thấy trình độ chuyên môn của người đối diện quá thấp mới hỏi phép cộng trừ đơn giản như vậy. Ứng viên kể lại câu chuyện này cũng cảm thấy không có gì “lắt léo” trong câu hỏi nên đáp lại: “Theo tôi là còn 8 ngọn nến”.
Hai ứng viên còn lại cũng cho rằng còn 8 ngọn nến, trong câu trả lời có chút cáu kỉnh: “Anh đừng lấy mấy bài toán trí tuệ của học sinh tiểu học để kiểm tra chúng em, anh còn câu hỏi nào khác không?”
Chỉ còn lại một cô gái còn lại sinh năm 1998 ngẫm nghĩ một lúc, bình tĩnh đưa ra câu trả lời: “Vẫn còn 23 ngọn nến, vì HR hỏi còn bao nhiêu ngọn nến chứ không phải còn bao nhiêu ngọn nến đang cháy. Vốn dĩ 2 vế thông tin không liên quan đến nhau”.
Người HR nghe xong câu trả lời, ngay lập tức đồng ý nhận cô gái 9x trong sự ngỡ ngàng của 3 ứng viên còn lại. Vốn dĩ câu hỏi rất đơn giản, nhưng lại kiểm tra được khả năng tập trung đến cuối cuộc phỏng vấn và sự cẩn thận của các ứng viên. Theo người HR, nhiều vấn đề trong công việc thoạt nhìn qua ai cũng nghĩ rất đơn giản, khiến một số người đi vào lối mòn như những gì họ đã biết, đã làm trước đó thay vì đến các hướng tiếp cận khác hiệu quả hơn.
Cũng giống như 3 ứng viên bị loại, họ cho rằng câu hỏi quá dễ, chỉ chú ý đến phép toán ít động não mà không chú ý đến các yếu tố khác trong câu hỏi mới là chìa khoá để giải thành công. Họ cũng thể hiện sự nóng vội trong hành động khi đưa ra quyết định nhanh chóng trong vài giây. Các HR vẫn luôn ưu tiên tìm kiếm ứng viên có suy nghĩ thận trọng và suy xét kỹ càng trong công việc nên cô gái cuối cùng là sự lựa chọn phù hợp nhất với công ty.
Ngoài ra, vị HR này cũng có những lời khuyên cho các ứng viên để ứng tuyển thành công khi gặp phải những câu hỏi “lắt léo” tương tự. Điều đầu tiên là phải cẩn trọng và chú ý đến từng lời người phỏng vấn nói. Bởi có thể buổi phỏng vấn là cơ hội duy nhất và cuối cùng để bạn ứng tuyển vào doanh nghiệp này, vậy nên việc cẩn thận trong hành động, suy nghĩ thể hiện bạn là người vô cùng trân trọng cơ hội của mình.
Điều thứ 2 là hãy thoát khỏi suy nghĩ coi mọi thứ là điều hiển nhiên. Các ứng viên trả lời sai cũng là bởi họ bị kinh nghiệm trong quá khứ đánh lừa, vậy nên càng dễ “sập bẫy” của người phỏng vấn. Ngoài việc vận dụng trải nghiệm của bản thân, hãy nghĩ đến việc giải quyết vấn đề mới mẻ, sáng tạo để bản thân khác biệt so với các đối thủ khác.
Lời khuyên cuối cùng là “suy nghĩ 2 lần trước khi nói”. Đằng sau mỗi câu hỏi phỏng vấn đều có mục đích kiểm tra một khía cạnh, khả năng nào đó của ứng viên, gần như không có những câu hỏi vô nghĩa. Vậy nên dù bạn gặp phải tình huống đơn giản đến mấy, vẫn nên bình tĩnh quan sát các ứng viên và người phỏng vấn rồi mới đưa ra câu trả lời. Đừng quá lo lắng khi những người xung quanh đã hoàn thành xong còn bạn thì chưa bởi vốn dĩ tốc độ vẫn không được đánh giá cao bằng hiệu quả.