Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
12/10/2018 18:10 # 1
hienhien1503
Cấp độ: 25 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 99/250 (40%)
Kĩ năng: 4/20 (20%)
Ngày gia nhập: 04/08/2018
Bài gởi: 3099
Được cảm ơn: 14
Dự án Luận cương chánh trị của Đảng Cộng sản Đông Dương (10-1930)


Vừa mới ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam “liền giương cao ngọn cờ cách mạng, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân ta tiến lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Màu cờ đỏ của Đảng chói lọi như mặt trời mới mọc, xé tan cái màn đen tối, soi đường dẫn lối cho nhân dân ta vững bước tiến lên con đường thắng lợi trong cuộc cách mạng phản đế, phản phong"1.

Đảng ra đời giữa lúc chủ nghĩa tư bản thế giới trong đó có tư bản Pháp đang trải qua một cuộc khủng hoảng sâu sắc về kinh tế. Để bảo vệ lợi ích của “chính quốc" nhất là lợi ích của bọn tư bản lũng đoạn, thực dân Pháp đã trút gánh nặng lên vai nhân dân các thuộc địa của chúng, đặc biệt là các nước ở bán đảo Đông Dương. Chính sách “áp bức và bóc lột vô nhân đạo của đế quốc Pháp đã làm cho đồng bào ta hiểu rằng có cách mạng thì sống, không có cách mạng thì chết”2. Chính vì vậy, một làn sóng đấu tranh dân tộc và dân chủ đã diễn ra sôi nổi trong toàn quốc mà đỉnh cao là Xôviết Nghệ Tĩnh. Cuộc đấu tranh giữa nhân dân ta chống thực dân Pháp và tay sai phản động trở nên quyết liệt và đẫm máu. Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Ban Chấp hành Trung ương lâm thời cũng như các đảng bộ địa phương, vừa mới ra đời đã bước vào một cuộc thử thách và rèn luyện trong lửa đạn đấu tranh cách mạng.

Trong cuộc khủng bố ác liệt của kẻ thù, một số đảng viên cộng sản và quần chúng cách mạng đã bị địch bắt hoặc bị giết chết, trong đó có một số uỷ viên Trung ương Đảng và cán bộ lãnh đạo các đảng bộ địa phương.

Tháng 4-1930, Trần Phú, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Phương Đông (Liên Xô) trở về nước hoạt động. Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã tổ chức cho Trần Phú đi khảo sát phong trào công nhân và nông dân một số vùng ở Bắt Kỳ. Tháng 7-1930, Trần Phú được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng và được phân công cùng với Ban Thường vụ chuẩn bị các văn kiện chính trị kỳ họp thứ nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong số văn kiện đó có bản Dự án Luận cương chánh trị của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Giữa lúc phong trào cách mạng ở nước ta đã phát triển lên đỉnh cao chính quyền Xôviết ra đời ở một số vùng thuộc Nghệ An và Hà Tĩnh như Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chấp hành Trung ương lâm thời đã họp tại Hương Cảng (Trung Quốc) từ ngày 14 đến ngày 31-10-1930 do Trần Phú chủ trì. Theo sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, Hội nghị đã quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương; thảo luận bản Dự án Luận cương chánh trị của Đảng Cộng sản Đông Dương, Nghị quyết về tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng và các văn kiện chính trị khác Ban Chấp hành Trung ương chính thức của Đảng được thành lập do Trần Phú làm Tổng Bí thư.

Dự án Luận cương chánh trị của Đảng Cộng sản Đông Dương gồm có ba phần: 1. Tình hình thế giới và cách mạng Đông Dương; 2. Những đặc điểm về tình hình Đông Dương; 3. Tính chất và nhiệm vụ cách mạng Đông Dương.

Về tình hình thế giới, Dự án Luận cương vạch rõ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất hệ thống tư bản chủ nghĩa đã không thể đây trì sự ổn định tạm thời nữa mà đã bước vào một cuộc khủng hoảng mới. Cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa mới khó có thể tránh khỏi được Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô đã giành được những thành tựu lớn. Cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân ở các nước đế quốc phát triển mạnh mẽ. Phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa đang diễn ra sôi nổi: “Cách mạng vô sản và cách mạng thuộc địa đã lên đến trình độ rất cao, có nơi đã sắp sửa cướp chánh quyền"3. Tình hình thế giới đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong trào cách mạng ở Đông Dương làm cho cách mạng Đông Dương càng phát triển mạnh mẽ.

Về tình hình Đông Dương, Dự án Luận cương nêu rõ: Đông Dương là một xứ thuộc địa của đế quốc Pháp. Nền kinh tế Đông Dương hoàn toàn bị lệ thuộc vào nền kinh tế của “chính quốc”. Công nghiệp không phát triển. Nông nghiệp là chủ yếu. Đồn điền phần lớn nằm trong tay tư bản Pháp. Đại bộ phận đất đai do địa chủ chiếm hữu và bóc lột theo lối phong kiến. Tư bản Pháp độc quyền về xuất nhập cảng. Nông dân phá sản, đói khổ không có việc làm. Công nhân bị áp bức, bóc lột rất dã man. Tình hình đó đã làm cho "Sự mâu thuẫn giai cấp càng ngày càng kịch liệt: một bên thì thợ thuyền, dân cày và các phần tử lao khổ; một bên thì địa chủ, phong kiến, tư bổn và đế quốc chủ nghĩa”4Vì thế cuộc đấu tranh của công nông ở Đông Dương ngày càng phát triển mạnh mẽ và có tính chất độc lập rõ rệt.

Đặc điểm kinh tế xã hội và mâu thuẫn giai cấp ở Đông Dương quy định tính chất và nhiệm vụ cách mạng ở Đông Dương. Nội dung, tính chất và nhiệm vụ cách mạng Đông Dương được trình bày trong dự án Luận cương chánh trị như sau:

1. Cuộc cách mạng ở Đông Dương trong thời gian đầu là một cuộc cách mạng tư sản dân quyền, có tính chất thổ địa và phản đế.

Tư sản dân quyền cách mạng là thời kỳ dự bị để làm xã hội cách mạng. Sau khi cuộc cách mạng tư sản dân quyền thắng lợi, chính quyền cách mạng của công nông đã được thành lập, công nghiệp trong nước đã được phát triển, các tổ chức vô sản được xây dựng vững mạnh và quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản được củng cố mạnh mẽ, tương quan lực lượng đối sánh cách mạng phát triển có lợi cho giai cấp vô sản, lại được các lực lượng cách mạng vô sản trên thế giới ủng hộ, cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương sẽ “phát triển, bỏ qua thời kỳ tư bổn mà tranh đấu thẳng lên con đường xã hội chủ nghĩa”5.

2. Nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng tư sản dân quyền là phải đấu tranh để đánh đổ các di tích phong kiến, thực hiện cách mạng ruộng đất và đánh đuổi đế quốc chủ nghĩa Pháp làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập. Nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến có quan hệ khăng khít với nhau vì có đánh đổ đế quốc chủ nghĩa mới đánh đổ được giai cấp địa chủ, tiến hành cách mạng ruộng đất thắng lợi và ngược lại có phá tan chế độ phong kiến mới đánh đổ được đế quốc chủ nghĩa. Để thực hiện được những nhiệm vụ cơ bản là đánh đổ đế quốc chủ nghĩa và phong kiến địa chủ thì phải thiết lập chính quyền Xôviết công nông, một công cụ sắc bén của cách mạng. Dự án Luận cương cũng đã nêu lên 10 nhiệm vụ cụ thể của cách mạng tư sản dân quyền là:

- Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp, phong kiến, địa chủ.

- Lập chính phủ công nông.

- Tịch ký hết thảy ruộng đất của địa chủ ngoại quốc, địa chủ bản xứ và giáo hội, giao ruộng đất ấy cho trung và bần nông, quyền sở hữu ruộng đất thuộc về chính phủ công nông.

- Sung công tất cả xí nghiệp lớn của tư bản ngoại quốc.

- Bỏ các thứ sưu thuế hiện thời và lập ra thuế luỹ tiến.

- Thực hiện ngày làm tám giờ, cải thiện đời sống cho công nhân và dân nghèo.

- Đông Dương hoàn toàn độc lập và thực hiện quyền dân tộc tự quyết.

- Lập quân đội công nông.

- Nam nữ bình quyền.

- Ủng hộ Liên Xô, liên kết với giai cấp vô sản thế giới và phong trào cách mạng thuộc địa và nửa thuộc địa.

3. Về động lực của cách mạng, Dự án Luận cương xác định vô sản giai cấp và nông dân là hai động lực chính, nhưng vô sản giai cấp có nắm quyền lãnh đạo thì cách mạng mới thắng lợi được. Giai cấp vô sản là động lực chính và rất mạnh của cách mạng đồng thời là giai cấp lãnh đạo cách mạng. Còn giai cấp nông dân chiếm số đông trong dân chúng là một động lực mạnh của cách mạng. Để giành quyền lãnh đạo nông dân, giai cấp vô sản phải lãnh đạo nông dân tiến hành cách mạng ruộng đất triệt để. Vì vậy, vấn đề ruộng đất là cái cốt của cách mạng tư sản dân quyền. Ngoài công nông ra còn có những người lao động nghèo khổ ở thành thị là người bán hàng rong đường phố, người làm nghề thủ công nhỏ, trí thức thất nghiệp… vì đời sống cực khổ nên đều đi theo cách mạng. Còn các tầng lớp tiểu tư sản như các nhà thủ công nghiệp thì do dự, nhà thương nghiệp thì không tán thành cách mạng, trí thức, học sinh có xu hướng quốc gia chủ nghĩa và chỉ hăng hái tham gia chống đế quốc lúc đầu mà thôi. Tư sản thương nghiệp vì quyền lợi giai cấp của họ nên đứng về phía đế quốc và địa chủ. Tư sản công nghiệp có khuynh hướng quốc gia cải lương, song cuối cùng cũng đi theo đế quốc chủ nghĩa.

4. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định đưa cách mạng đến thắng lợi. Dự án Luận cương nhấn mạnh "Điều kiện cốt yếu cho sự thắng lợi của cuộc cách mạng ở Đông Dương là cần phải có một Đảng Cộng sản có một đường chánh trị đúng, có kỷ luật, tập trung, mật thiết liên lạc với quần chúng, và từng trải tranh đấu mà trưởng thành. Đảng là đội tiền phong của vô sản giai cấp lấy chủ nghĩa Các Mác và Lênin làm gốc mà đại biểu quyền lợi chánh và lâu dài, chung cho cả giai cấp vô sản ở Đông Dương, và lãnh đạo vô sản giai cấp Đông Dương ra tranh đấu để đạt được mục đích cuối cùng của vô sản là chủ nghĩa cộng sản”6Muốn hoàn thành sứ mệnh lịch sử ấy, trước hết Đảng cần phải tổ chức ra các đoàn thể quần chúng của Đảng như Công hội đỏ, Nông hội đỏ, v.v.., phải thu phục cho được đại đa số công nhân và nông dân, kiên quyết đánh bại chủ nghĩa quốc gia cải lương, không để cho quần chúng chịu ảnh hưởng của họ, tạm thời hợp tác với các đảng phái quốc gia cách mạng nhưng luôn luôn giữ cho phong trào cách mạng công nông có tính chất giai cấp rõ rệt và phải đấu tranh phê phán những hành động cách mạng không triệt để về tư tưởng quốc gia hẹp hòi của nó.

5. Thực hiện đoàn kết quốc tế để tạo nên một mặt trận cách mạng thế giới nhằm chống kẻ thù chung của giai cấp vô sản và các dân tộc thuộc địa là chủ nghĩa đế quốc: “Vô sản Đông Dương phải liên lạc mật thiết với vô sản thế giới, nhất là vô sản Pháp, để làm… cho sức tranh đấu cách mạng được mạnh lên"7. Trong công tác Đảng Cộng sản Đông Dương phải liên lạc mật thiết với Đảng Cộng sản Pháp, Trung Quốc và Ấn Độ.

Để chống lại nguy cơ chiến tranh đế quốc đang đến gần, Đảng phải tuyên truyền và tổ chức đấu tranh phản đối chiến tranh đế quốc, nêu khẩu hiệu chuyển chiến tranh đế quốc thành chiến tranh cách mạng, đánh đổ đế quốc và các giai cấp bóc lột, ủng hộ Liên Xô và phong trào cách mạng thế giới.

6. Về phương pháp cách mạng, Dự án Luận cương chỉ rõ trong lúc định chiến lược, Đảng phải xem xét kỹ tình hình trong nước và thế giới, lực lượng địch và sự tranh đấu của quần chúng, thái độ các giai cấp đối với cách mạng mà định ra phương thức đấu tranh. Đấu tranh cách mạng thường phát triển từ thấp đến cao. Lúc bình thường phải nêu ra các khẩu hiệu thấp nhằm bênh vực quyền lợi trước mắt cho quần chúng như đòi tăng tiền lương, giảm giờ làm, giảm thuế, chống thuế, chống sinh hoạt đắt đỏ, v.v.. Từ đó Đảng dẫn dắt quần chúng tiến lên thực hiện mục tiêu giành chính quyền khi có tình thế cách mạng. Dự án Luận cương nêu rõ: “Đến lúc sức cách mạng lên rất mạnh, giai cấp thống trị đã rung động, các giai cấp đứng giữa đã muốn bổ về phe cách mạng, quần chúng công nông thì sôi nổi cách mạng, quyết hy sanh phấn đấu, thì Đảng phải lập tức lãnh đạo quần chúng để đánh đổ chánh phủ của địch nhân và giành lấy chánh quyền cho công nông"8. Lúc đó Đảng phải nêu các khẩu hiệu cao như lập Xôviết, lập hội đồng tịch ký ruộng đất sản nghiệp giao cho công nhân kiểm soát, võ trang cho công nông..., mở rộng các hình thức đấu tranh của quần chúng như bãi công, vừa bãi công vừa thị uy, võ trang thị uy, tổng bãi công, bạo động võ trang. Dự án Luận cương nhấn mạnh bạo động không phải là một việc bình thường mà phải nổ ra khi có tình thế cách mạng trực tiếp, phải theo đúng các nguyên tắc khởi nghĩa, “theo khuôn phép nhà binh”, phải nổ ra đúng thời cơ, tránh manh động khởi nghĩa non…

Những nội dung cơ bản nêu trên cho thấy Dự án Luận cương chánh trị đã trình bày những tư tưởng cơ bản về con đường cách mạng Việt Nam, như tiến hành cách mạng tư sản dân quyền chống đế quốc và chống phong kiến nhằm giành độc lập cho dân tộc và ruộng đất cho nông dân, thiết lập nhà nước công nông, sau đó tiến lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản; giai cấp công nhân và giai cấp nông dân là hai động lực chính của cách mạng; xác lập quyền lãnh đạo của giai cấp công nhân thông qua đội tiên phong cách mạng là Đảng Cộng sản, cách mạng Việt Nam phải liên kết với giai cấp vô sản và nhân dân các nước thuộc địa trên thế giới. Dự án Luận cương còn xác định rõ con đường giành chính quyền phải là con đường khởi nghĩa vũ trang của quần chúng. Song Dự án Luận cương chánh trị chưa phân tích làm rõ tính chất và đặc điểm của cách mạng ở một nước thuộc địa trong đó yếu tố dân tộc là yếu tố cơ bản quyết định tính độc đáo của nó, không thấy được đặc điểm và khả năng cách mạng của tầng lớp tiểu tư sản, mặt tích cực của tư sản dân tộc, của một số người trong tầng lớp tiểu và trung địa chủ, nhấn mạnh quá mức những hạn chế của tư sản dân tộc và tiểu tư sản, chưa thấy hết vai trò quan trọng của liên minh dân tộc rộng rãi trong cuộc đấu tranh chống đế quốc và tay sai. Trải qua thực tiễn đấu tranh cách mạng những năm về sau, các nhược điểm mang tính tả khuynh giáo điều của Dự án Luận cương chánh trị đã được các hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đặc biệt là Hội nghị lần thứ tám của Ban Chấp hành Trung ương tháng 5-1941, do Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo khắc phục.

Vào mùa hè 1936, căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, Lào và Campuchia, kinh nghiệm lịch sử đã tích luỹ được và chủ trương chuyển hướng hoạt động của Quốc tế Cộng sản được xác định tại Đại hội lần thứ VII (7-1935), Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã chủ trương chuyển hướng lãnh đạo về chính trị, tổ chức và đấu tranh. Đặc biệt Trung ương đã đặt vấn đề phải nhận thức lại ảnh hưởng của yếu tố dân tộc trong cách mạng thuộc địa, quan hệ giữa nhiệm vụ dân tộc và dân chủ, phản đế và phản phong trong cuộc cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương. Trung ương Đảng đặc biệt nhấn mạnh và chỉ rõ mối quan hệ giữa nhiệm vụ dân tộc với nhiệm vụ dân chủ: "một dân tộc bị áp bức như xứ Đông Dương vấn đề dân tộc giải phóng là một nhiệm vụ quan trọng của người cộng sản… Đảng có thể bồi dưỡng một tinh thần dân tộc giải phóng mạnh mẽ trong đám dân chúng bị áp bức không trái với nguyên tắc dân tộc tự quyết của quốc tế Cộng sản, không trái với quyền lợi của vô sản giai cấp, nghĩa là cuộc dân tộc giải phóng theo nguyên tắc dân tộc bình đẳng, theo tinh thần quốc tế liên ái với các dân tộc bị áp bức, với vô sản thế giới và với nhân dân những xứ cách mạng đã thành công"9.

Từ nhận thức đó, Trung ương nêu rõ: "Cuộc dân tộc giải phóng không nhất định phải kết chặt với cuộc cách mạng điền địa. Nghĩa là không thể nói rằng: muốn đánh đổ đế quốc cần phải phát triển cách mạng điền địa, muốn giải quyết vấn đề điền địa cần phải đánh đổ đế quốc. Lý thuyết ấy có chỗ không xác đáng. Vì rằng tuỳ hoàn cảnh hiện thực bắt buộc nếu việc tranh đấu chống đế quốc là cần kíp…, còn vấn đề giải quyết điền địa tuy quan trọng nhưng chưa phải trực tiếp bắt buộc, thì có thể trước đánh đổ đế quốc rồi sau giải quyết vấn đề điền địa, nhưng cũng có khi vấn đề điền địa và phản đế liên tiếp giải quyết vấn đề này giúp cho vấn đề kia làm xong mục đích của cuộc vận động… Nói tóm lại, nếu phát triển cuộc tranh đấu chia đất mà ngăn trở cuộc tranh đấu phản đế thì phải lựa chọn vấn đề nào quan trọng hơn mà giải quyết trước. Nghĩa là chọn địch nhân chính, nguy hiểm nhất, để tập trung lực lượng của một dân tộc mà đánh cho được toàn thắng"10.

Tháng 9-1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Nhật xâm chiếm Đông Dương. Nhân dân các dân tộc Đông Dương bị Pháp Nhật áp bức nặng nề. Mâu thuẫn giữa các dân tộc ở Đông Dương với Pháp Nhật trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Vận mệnh các dân tộc ở Đông Dương nguy vong không lúc nào bằng. Trước tình hình đó, Hội nghị lần thứ sáu (11-1939), đặc biệt là Hội nghị lần thứ tám (5-1941) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Nguyễn Ái Quốc chủ trì đã quyết định thay đổi chiến lược cách mạng tư sản dân quyền bằng chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc, tập trung vào nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Trên cơ sở phân tích tình hình Chiến tranh thế giới thứ hai, sự thay đổi về kinh tế, chính trị, sự thay đổi về thái độ chính trị và lực lượng của các giai cấp ở Đông Dương dưới ách thống trị của Nhật -Pháp, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (5-1941) nhấn mạnh cần phải "thay đổi chiến lược" cách mạng mới có thể đưa cách mạng đến thành công. Nghị quyết nêu rõ: "Cuộc cách mạng Dông Dương hiện tại không phải là cuộc cách mạng tư sản dân quyền, cuộc cách mạng phải giải quyết hai vấn đề: phản đế và điền địa nữa, mà là cuộc cách mạng chỉ phải giải quyết hai vấn đề cần kíp, “dân tộc giải phóng”, vậy thì cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là một cuộc cách mạng dân tộc giải phóng"11.. Đúng như Nguyễn Ái Quốc đã nhấn mạnh trong Thư gửi đồng bào toàn quốc (6-6-1941): "Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng… Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm”12.

Quyết định thay đổi chiến lược, tập trung vào nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương lần thứ tám (5-1941) là một cột mốc đánh dấu sự trưởng thành về tư duy chính trị của Đảng, về năng lực lãnh đạo và chỉ đạo cách mạng giải phóng dân tộc, là sự phát triển và hoàn chỉnh đường lối cách mạng đã được xác định từ cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Hội nghị thống nhất Đảng thông qua. Sự thay đổi chiến lược này đã đáp ứng được yêu cầu của lịch sử, nguyện vọng của nhân dân, nên đã tạo nên lực hút kỳ diệu đối với mọi người Việt Nam yêu nước, dẫn đến sự vùng dậy mãnh liệt với khí thế xung thiên của cả một dân tộc, đập tan bộ máy thống trị của phát xít Nhật và tay sai, kiến lập nên nhà nước dân chủ cộng hòa nhà nước của dân, do dân và vì dân (8-1945). Ngày 2-9-1945, Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trịnh trọng tuyên bố với quốc dân đồng bào và thế giới rằng: nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”13.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 là thắng lợi của tư tưởng độc lập tự do, của chiến lược đại đoàn kết dân tộc; của nghệ thuật vận động tổ chức dẫn dắt quần chúng lên trận tuyến đấu tranh giành lại quyền độc lập tự do và phẩm giá dân tộc của Đảng, của Hồ Chí Minh

 

Nguồn:kênh 14.vn



Cuộc sống giống như bông hoa hồng

Vẽ đẹp luôn đi cùng với gai.

Facebook: Nguyenhien

Gmail: nguyenhienduong2k@gmail.com


 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024