Tôi và bố tôi tính xung khắc nhau. Như nhiều ông bố truyền thống khác, bố tôi muốn tôi có một công việc ổn định, một cuộc sống hạnh phúc và bình lặng. Khác với nhiều ông bố truyền thống khác, (vì bố tôi tương đối ghét chế độ) bố tôi không muốn tôi làm nhà nước, chỉ muốn tôi làm việc cho bọn Tư bản giãy chết. Có lẽ những năm tháng đầu tiên khi tôi ra trường, bố tôi rất hạnh phúc vì mọi thứ đều theo đúng kế hoạch, tôi làm việc ở một công ty liên doanh, lương lậu ổn, cuộc sống nhàn nhã, thỉnh thoảng sáng tác và khi được báo đăng, tôi mang về nhà, không khoe ông (vì ngượng) nhưng để trên mặt bàn. Bố tôi về thấy có tờ báo hay tạp chí là biết liền, mang đi khoe tíu tít bạn bè: “Thằng con tôi khiếu văn chương rất giống… tôi”.
Một người bạn thân của tôi (Quyết Phạm) có lần đưa tôi cuốn Dạy Con Làm Giàu, có lẽ đó là một trong những cuốn sách đã thực sự tạo bước ngoặt trong số phận của tôi. Khi bố tôi nhìn thấy tôi ôm về nhà một đống Dạy Con Làm Giàu từ tập 1 đến tập 10, ông đã nghi ngại nhưng ông chỉ góp ý bóng gió: “Cuộc sống thế này là tốt rồi”, “Đừng tham vọng linh tinh”. Về cơ bản, bố tôi là người chưa bao giờ kinh doanh và có lẽ không bao giờ có ý định kinh doanh. Những va vấp và trải nghiệm của ông trong một thời trường kỳ bao cấp khiến ông cảm thấy bất an khi tôi trượt dần khỏi tư duy mà ông cho là đúng. Hệ giá trị giữa tôi và bố tôi dần trở nên đối chọi gay gắt. Có cả những đổ vỡ mà có lẽ cả ông và tôi đều cảm thấy sợi dây tình cảm gần như không thể nào hàn gắn lại nguyên sơ được nữa.
Tôi vẫn quyết định bỏ việc và đi làm riêng, bắt đầu một quá trình dài của những ngày lọ mọ thức đêm, cả ngày đi rạc người phờ phạc. Bố tôi thực sự thấy khó chịu khi không biết tôi làm gì mà cứ thoát ẩn thoắt hiện. Và rồi tôi chịu những cú thất bại liên tiếp. Hết tiền. Tan tác. Tốn công. Tốn sức. Uất giân. Mỗi lần thấy tôi thất bại, bố tôi lo lắng, có lẽ chính ông lo lắng còn gấp nhiều lần so với tôi. Và cuối cùng ông thở dài nhẹ nhõm khi thấy tôi quay trở lại với một công việc an nhàn với một mức lương an toàn trong một văn phòng lạnh, sáng đi tối về, thỉnh thoảng lại đưa cho ông một bài báo, một truyện ngắn và lại thấy ông lục đục mang chúng đi khoe bạn bè…
Đến một ngày ông lại shock nặng khi thấy tôi lên truyền hình trong một chương trình nói chuyện về Khởi nghiệp. Ông truy hỏi: “Mày nghỉ việc bao lâu rồi?”. “Mày thua lỗ bao nhiều tiền rồi mà chưa chừa à?” Tôi trả lời khá cộc cằn: “Con chưa bao giờ động đến tiền của bố mẹ, bố không phải lo”. Nhưng ông vẫn lo. Ông truy lùng ra những cửa hàng của Pizza Home, thỉnh thoảng lượn qua và về âm thầm nói với mẹ tôi: “Hôm nay tôi đi qua cửa hàng của thằng Tùng, thấy cửa hàng vắng tanh, chẳng có ma nào”. “Hôm nay tôi đi qua cửa hàng của thằng Tùng, thấy nhân viên ngồi chơi cả lũ”, Hôm nay tôi đi qua cửa hàng của thằng Tùng, thấy nó ngồi thu lu một xó”. Điệp khúc: “Hôm nay tôi đi qua cửa hàng của thằng Tùng” được mẹ tôi kể lại cho tôi hàng ngày….
Cho đến một ngày một vài đứa em tham gia Pizza Home cùng tôi. Trước sự truy hỏi của ông, đứa em cũng nói thực tình hình kinh doanh của Pizza Home cho ông, không bi đát như ông tưởng tượng. Rồi có lần thiếu người giao hàng, bí quá, tôi nhờ ông đi… giao bánh pizza. Ông luôn ưu tiên việc giao bánh cho tôi. Dần dần, ông cũng bớt gay gắt với tôi hơn, có lẽ một phần ông tận mắt chứng kiến công việc của thằng con bắt đầu trở nên thuận buồm xuôi gió.
Rồi một lần tôi gọi cho ông: “Bố ra cửa hàng giúp con”. Bố tôi trả lời: “Hôm nay tao mệt quá”. Mấy ngày sau, Người đi viện, phát hiện ra Người đã bị có hai khối u trên cả hai lá gan. Bác sĩ lắc đầu. 4 tháng 10 ngày sau Người mất. Tôi đã định viết một điều gì đó về Người nhưng cả một năm vừa qua tôi không biết viết gì. Và viết đến đây tôi cũng không biết kết thúc bài viết này thế nào. Có lẽ đó sẽ là một hình ảnh buổi chiều, khi Người đã mệt, phải chống gậy đi ra ra ngoài đường phơi nắng, Người giục tôi: “Mày ra cửa hàng đi không lấy ai quản lý”.
Tôi lên xe đi ra cửa hàng. Người tôi ngồi trên một chiếc ghế, một ngày nắng cuối đông se se lạnh.
“Ban mai vừa mới hôm nào
Mà nay khua gậy đi vào hoàng hôn”
Share cho một mùa Vu Lan và chúc phúc cho những ai còn cả bố cả mẹ...