Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
07/02/2022 11:02 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
MÌNH NHẬN ĐƯỢC GÌ SAU 06 NĂM LẬP TO DO LIST MỖI NGÀY?


Chúng ta bắt đầu bước sang một năm mới. Lướt qua một vài trang cá nhân của bạn bè, mình cảm thấy không khí ấm áp của gia đình, của những bài tổng kết thành tựu một năm đã qua, của những hi vọng khi năm mới gần kề. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng sẽ có một wish list, to do list cho một năm sắp tới.

Bản thân mình cũng là người thường xuyên đề ra những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Mình trân quý thời gian, một ngày lãng phí cũng chính là một đời lãng phí. Nhưng cũng có những ngày, mình cho phép bản thân dừng lại.

Mỗi tuần mình chọn lấy một ngày. Ngày hôm ấy, mình không lập to do list, cũng không suy nghĩ qua nhiều về việc sẽ làm gì. Và chính việc không-làm-gì ấy, đã giúp mình nhìn nhận lại khoảng thời gian đã qua, tự hỏi những gì mình đang làm có gì cần điều chỉnh không? Mình vẫn đang đi đúng hướng chứ?...Khi dành thời gian nhìn nhận như thế, mình không còn sợ hãi mung lung, mình biết rõ bản thân đang cần gì và phải bước tiếp như thế nào?...Bài viết nhỏ này, mình sẽ kể cho bạn nghe lại hành trình 06 năm mình lập to do list để học tập và làm việc cũng như những thời điểm mình đã không lập to do list để sống chậm như thế nào?

HÀNH TRÌNH 06 NĂM LẬP TO DO LIST

To-do-list hiểu đơn giản là lập danh sách những việc cần làm trong ngày. Hiện tại, khi bắt đầu ngồi vào bàn làm việc, mình sẽ dành 30 phút đầu tiên để chọn ra 03 dầu việc quan trọng nhất cần làm trong ngày hôm đó.

To do list hằng ngày, nói cách khác, chính là phiên bản nhỏ hơn được chia ra bởi mục tiêu dài hạn (mục tiêu năm) và ngắn hạn (mục tiêu quý, tháng). Nếu bạn có thể hoàn thành những mục tiêu nhỏ, đó sẽ là tiền đề để bạn đạt đến mục tiêu lớn hơn.

Mình bắt đầu thói quen lập to do list từ năm 2016, năm mình học lớp 10, sau khi đọc cuốn sách “Tôi tài giỏi, bạn cũng thế” của Adam Khoo. Mình bắt đầu lên kế hoạch học tập theo năm, học kì, tháng, tuần và ngày. Và mình cứ làm theo kế hoạch đều đặn, chăm chỉ mà không để ý đến sức mạnh của thói quen đã giúp mình tập trung và đem lại cho mình kết quả học tập xuất sắc. Sau này khi học đại học, đi làm, mình cũng giữ nguyên thói quen ấy. Công thức mình từng áp dụng chỉ đơn giản là:

Lập mục tiêu. Lên kế hoạch. Chia nhỏ thành từng tháng, tuần, ngày. Và hành động.

Nhưng có một sự thật rằng không phải chúng ta cứ đi trên một con đường thẳng băng : Cứ chăm chỉ là sẽ thành công, cứ cần cù sẽ được đền đáp, cứ lập mục tiêu, lên kế hoạch và hành động là sẽ có kết quả. Nếu bạn chăm chỉ bước đi nhưng lại bước nhầm đường, thì sự chăm chỉ sẽ trở nên lãng phí. Kế hoạch của chúng ta không bao giờ đi theo tuyến tính từ A đến B mà bạn phải vòng qua C, vấp phải hòn đá D, ngã đau quá thì ngồi khóc ở E, rồi muốn bỏ cuộc. Ngồi khóc một lát thì bạn bình tĩnh lại, bạn nhớ lại quyết tâm của mình ban đầu và đi tiếp….

TO DO LIST - TỪ LÍ THUYẾT ĐẾN THỰC HÀNH

Lập to do list là một chuyện nhưng khi làm nó lại là một chuyện khác. Bạn cần phải điều chỉnh kế hoạch của mình một cách linh hoạt và phù hợp với hoàn cảnh. Ví dụ: mình dự định rằng buổi sáng sẽ đọc sách 02 tiếng. Nhưng khi mình mới đọc được một tiếng, mẹ lại nhờ mình đi photo giấy tờ có việc gấp. Thế là 30 phút đi tong!…hay cô bạn V của mình định đi du học Đức từ cuối năm ngoái, cuối cùng cô đã phải hoãn kì học trong mơ của mình do đại dịch Covid xảy ra. Bạn thấy đấy, sẽ luôn có những việc phát sinh đột xuất không nằm trong tầm kiểm soát của bạn, việc chúng ta có thể làm là chấp nhận và thích ứng với những thay đổi ấy. Vì vậy, mình sẽ sửa lại công thức trên một chút thành:

Lập mục tiêu. Lên kế hoạch. Chia nhỏ thành từng tháng, tuần, ngày. Và hành động.

Theo dõi. Tinh chỉnh. Và tiếp tục hành động.

Cuộc sống chính là như thế! Đôi khi chúng ta phải đi đường vòng thậm chí là lạc đường mới có thể đến được nơi mình muốn đến. Đôi khi bạn sẽ phải làm những việc bạn không thích để được theo đuổi những gì bạn thích. Giống như cô bạn mình trước khi trở thành nhiếp ảnh gia, cô ấy đã phải làm đủ nghề để kiếm tiền mua máy ảnh. Giống như nhà văn mình yêu thích - Ichikawa Takuji, ông đã từng học kinh tế, đi làm 03 tháng ở nhà xuất bản để rồi bỏ việc, đi du lịch vòng quanh nước Nhật. Sau đó, ông tiếp tục đi làm ở một văn phòng thuế trong suốt 14 năm, trước khi nghỉ hẳn để chuyên tâm vào việc viết lách. Nếu bạn nghĩ đơn giản rằng, trở thành một nhiếp ảnh gia, tiểu thuyết gia, chỉ cần giơ máy ảnh lên, đặt bút xuống là có thể tạo ra tác phẩm xứng tầm nghệ thuật. Đó là một sai lầm. Quá trình sáng tạo luôn đòi hỏi sự thử nghiệm, những tác phẩm lỗi và người nghệ sĩ phải liên tục tinh chỉnh đứa con tinh thần của mình để tạo ra một sản phẩm tốt hơn.

Chỉ cần bạn luôn muốn bước đi, chỉ cần trong lòng không sợ hãi, chỉ cần bạn biết nơi bạn muốn đến là gì? Bạn biết không, những người thành công là những người có ý định bỏ cuộc nhiều nhất, chẳng qua họ không nói bí mật ấy cho bạn biết mà thôi!

Ở đây, mình muốn nhắn nhủ đến bạn một điều: Thứ phù hợp với bạn có thể không phù hợp với nhiều người khác. Hãy quan sát bản thân, chọn lấy điều phù hợp và kiên trì với lựa chọn ấy.

… BỖNG MỘT NGÀY MÌNH NHẬN RA ĐÔI KHI CHÚNG TA KHÔNG CẦN ĐẾN TO DO LIST

Bạn sẽ không cần đến to do list trong khoảng thời gian nghỉ ngơi và chữa lành bản thân. Nhận định này được đưa ra dựa trên trải nghiệm của chính mình.

Một tháng nay, mình không viết nhiều. Một phần là do biến cố về sức khỏe, một phần là do mình muốn dành thời gian cho bản thân để nhìn nhận lại những gì mình đã làm. Mình có thể đi chậm lại một chút nhưng sẽ không bao giờ có ý định từ bỏ hay dừng lại. Khoảng thời gian qua, mình không lập to do list, chỉ dùng mạng xã hội 10 phút mỗi ngày.

Mình vẫn duy trì những thói quen tập yoga, viết nhật kí, chữa lành bản thân, dành thời gian cho gia đình và người mình thương và mình cảm thấy hoàn toàn ổn. Vào những ngày không-có-việc-gì-để-làm ấy, mình chợt nhận ra có những điều từ lâu mình rất muốn làm mà toàn viện cớ “Bận, không có thời gian”.

Ngoài công việc ra, mình còn rất nhiều những niềm vui nho nhỏ khi ở bên gia đình. Cùng mẹ nấu một bữa tối, cùng em trai nói chuyện thật lâu, tỉ mỉ gói một món quà gửi về cho ông bà, đi dạo công viên để ngắm nhìn cuộc sống vội vã, hẹn cô bạn thân đi nhà sách mà hai đứa rủ nhau đi từ năm ngoái đến giờ vẫn chưa đi được…

Thời gian đầu khi không lập to do list, mình cảm thấy khó chịu bứt rứt, lúc nào mình cũng suy nghĩ rằng “Mình có phải là người vô dụng không? Mình có đang lãng phí thời gian vô ích không?”. Nhưng rồi mình nhận thấy việc liên tục lập to do list khiến mình luôn thúc ép bản thân phải làm mọi việc trong kì vọng, mình làm việc như một cỗ máy để rồi không có thời gian nhìn nhận, đánh giá và rút kinh nghiệm về những việc mình làm. Tệ hơn, nếu không hoàn thành hết checklist ấy, mình sẽ nghĩ mình là người kém năng suất, làm việc thiếu hiệu quả.

Mình không đánh đồng việc lập to do list và hoàn thành hết danh sách ấy sẽ thể hiện năng suất của ai đó. Mình quan tâm đến việc họ có hoàn thành những nhiệm vụ ấy trong niềm hạnh phúc tự thân của họ hay không?

To do list không phải là bảo chứng cho sự chăm chỉ, năng suất, đó chỉ là một phương pháp quản trị giúp bạn quản lý công việc, thời gian hiệu quả hơn. Với mình, to do list là một người thầy - người đã giúp mình nhận ra tầm quan trọng của mục tiêu và tinh thần kỉ luật đến từ những điều nhỏ nhất.

Lập to do list mỗi ngày không đồng nghĩa với việc bạn sẽ thành công. Bởi thành công không nằm ở thói quen, mà nằm ở năng lực, khả năng điều chỉnh để tiến bộ và bản lĩnh của con người khi rèn luyện thói quen ấy.

 

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024