Phượt là một trào lưu được rất nhiều bạn trẻ tham gia hiện nay. Phương tiện được sử dụng phổ biến nhất nhất là xe máy. Tuy nhiên phượt bằng xe máy đòi hỏi những người tham gia phải trau dồi cho mình những kĩ năng hiểu biết và kinh nghiệm nhất định, bài viết được tổng hợp dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc nhữngkinh nghiệm đi phượt bằng xe máy bổ ích nhất được chia sẻ từ những phượt thủ.
1. Đi xe gì?
Mặc dù có rất nhiều bạn sở hữu xe tay ga và cũng không phải ít bạn sử dụng xe ga cho những chuyến phượt nhưng theo kinh nghiệm từ những phượt thủ chuyên nghiệp thì loại xe tốt nhất cho hoạt động này là xe số. Các loại xe phổ biến được sử dụng là Wave, Jupiter, Future Neo, Sirius… Những ưu điểm của xe số so với xe ga có thể kể đến là: dễ sử dụng, dễ sửa chữa, gầm máy cao, dễ buộc thồ đồ đạc và cũng dễ kiểm soát tốc độ xe khi xuống dốc hơn.
Ngoài ra nếu đam mê bạn cũng có thể sắm cho mình những loại xe khác có vẻ sành điệu và mạnh mẽ hơn như Honda CBF 125 hay một chiếc xe không quá mới lạ nhưng lại là “vua xe” của những cung đường miền núi là Minsk.
2.Chuẩn bị gì cho chuyến đi?
Trước khi bắt đầu một chuyến đi bạn nên kiểm tra, bảo dưỡng xe một cách cẩn thận. Các bộ phần rất quan trọng cần chú ý đó là má phanh, lốp, săm xem mức độ mòn như thế nào, kiểm tra dầu máy, hệ thống đèn của xe (đèn pha, đèn phanh..). Ngoài ra bạn cần chuẩn bị cho mình những vật dụng cá nhân cần thiết nhất như quần áo, đồ ăn, giầy dép v.v.
3. Dẫn đoàn và chốt đoàn
Những ai chưa có nhiều kinh nghiệm đi phượt và đoàn xe có từ 4 xe trở lên các bạn nên sắp xếp và phân công người dẫn và người chốt đoàn.
Người dẫn đoàn sẽ có nhiệm vụ dẫn dường khi đoàn di chuyển trên đường, báo hiệu cho cả đoàn những đoạn đường đèo dốc nguy hiểm, giảm tốc khi cần thiết..
Kinh nghiệm đi phượt bằng xe máy
Người chốt đoàn sẽ giúp đảm bảo không để xe nào trong đoàn bị tụt lại ở phía sau và xử lí các vấn đề mà thành viên đoàn gặp phải ví dụ như bị hỏng xe vì người chốt đoàn thường là người sẽ giữ bộ đồ sửa xe. Xe chốt đoàn nên được thay nhau luân phiên giữa 2 xe.
4. Khi chạy xe trên đường
Vấn đề quan trọng nhất cần lưu ý khi đi phượt bằng xe máy là quá trình di chuyển trên đường. Dưới đây là một số kinh nghiệm bạn nên tham khảo để tránh những rủi ro và sự cố trên đường.
Chấp hành luật giao thông
- Nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông khi đi trên đường, bạn không được đi dàn hàng ba, tốt nhất chỉ nên đi hàng một, đi đúng phần đường, làn đường với tốc độ cho phép tùy địa hình (Cần chú ý các biển báo tốc độ trên đường). Bạn cũng cần nắm chắc luật giao thông đường bộ để có thể xử lí những tình huống trên đường và nhất là khi gặp vấn đề với CSGT.
Khi đi trên đường
Chỉ nên đi ở 2/3 làn đường của mình, không được phép lấn làn, nên đi sát theo vạch kẻ dường ở giữa còn nếu đường không có vạch kẻ bạn nên ước chừng phần đường mà mình đi.
- Bạn cũng tuyệt đối không được uống rượu bia khi nghỉ giữa chặng vì có thể gây mất an toàn cho chính bạn mà cũng có thể gặp rắc rối nếu bị CSGT kiểm tra.
- Khi gặp khúc cua hoặc đoạn đường tầm nhìn hạn chế bạn không nên vượt trước, hạn chế việc vượt bên phải vì sẽ rất nguy hiểm. Chú ý khi đi cạnh những xe siêu trường siêu trọng như xe containner bạn cần giữ một khoảng cách an toàn với các xe này vì nếu đi quá sát mà tay lái yếu bạn rất dễ bị lực hút xung quanh hút vào gầm xe. Nếu những xe này đang chạy với tốc độ cao bạn không nên cố vượt mà nhường cho xe chạy trước, đợi đến những khu vực dân cư khi xe đã giảm tốc độ thì mới chú ý quan sát và xin vượt.
- Người ngồi sau cũng cần chú ý quan sát và hỗ trợ bằng cách báo hiệu những tình huống như sắp có vật cản, khi cần giảm tốc hoặc cần dùng lại cho xe đi sau biết bằng tay.
- Cần giữ khoảng cách các xe là 50m nếu thời tiết khô ráo và đường không trơn trượt còn khi thời tiết xấu, nhiều sương mù, mưa hoặc tối khoảng cách này cần thu hẹp lại.
- Bạn cũng cần chú ý nháy đèn pha hợp lí khi đi vào ban đêm, tránh để đèn pha chiếu thẳng vào mắt người đối diện. Nếu phải đi đêm, bạn có thể chuẩn bị một chiếc kính màu vàng để tránh bị đèn pha từ người khác chiếu gây lóa mắt.
- Khi dừng lại trên đường các bạn nên dừng sát vào lề đường thành một hàng và có khoảng cách vài mét với mỗi xe, tránh tập trung làm ảnh hưởng đến việc lưu thông trên đường của các phương tiện khác.
Khi đi xe trên đường đèo dốc, lầy lội, sông suối
Những chuyến phượt thường không thể thiếu việc đi đường núi, leo dốc đổ đèo, mặc dù sẽ mang lại cho các phượt thủ nhiều trải nghiệm mới lạ nhưng đây cũng là dạng địa hình khó đi và tiềm ẩn nhiều hiểm nguy. Vì vậy khi đi trên loại đường này bạn cần chú ý đến các biển báo nguy hiểm bên đường để xử lí tình huống kịp thời.
Bạn có thể tham khảo thêm:
-
Kinh nghiệm chinh phục đèo cho các phượt thủ
Khi lên dốc không quá cao bạn có thể tăng tốc ở mức vừa phải tạo đà vượt qua dốc, nhưng với những dốc đứng thì bạn phải về số ở mức có thể đưa bạn lên được, hạn chế việc chuyển số giữa chừng. Khi lên đến đỉnh dốc bạn hãy giảm tay ga giữ nguyên số và trôi xuống dốc. Đối với dốc vừa, trả tay ga về, dùng hơi nén của động cơ để giảm tốc, phanh chỉ sử dụng trong trường hợp cần thiết. Còn với dốc đứng, bạn nên tra về số thấp nhất khi bắt đầu xuống sẽ giúp phanh động cơ hiệu quả hơn. Nếu dốc lên và xuống giống nhau thì giữ nguyên số mà đã sử dụng khi lên. Trong trường hợp đi một con dốc khá dài và dốc thì cứ đi khoảng 10 đến 15km bạn nên dừng lại nghỉ khoảng 5 phút để xe bớt nóng, không nên đổ nước vào máy lúc đó.
Khi đi ở những đoạn đường lầy lội trơn trượt, người ngồi sau nên xuống đi bộ, chỉnh lại đồ đạc trên xe để giữ cân bằng, giữ chắc tay lái, ga đều và đi lần lượt từng xe.
Khi băng qua sông hoặc suối đoàn phượt phải rất chú ý đến tốc độ dòng nước, độ nông sâu, nếu chảy quá mạnh thì không nên mạo hiểm vượt qua hoặc có thể nhờ sự giúp đỡ từ người dân địa phương..
Chúc các bạn có được những chuyến đi an toàn và nhiều trải nghiệm thú vị bổ ích.
Biên tập Van.vn (Theo Cungphuot)