Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
02/03/2010 18:03 # 1
maxta+
Cấp độ: 8 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 47/80 (59%)
Kĩ năng: 57/70 (81%)
Ngày gia nhập: 02/03/2010
Bài gởi: 327
Được cảm ơn: 267
Văn Học Đức Hay Hơn Tôi Nghĩ.


Khi đọc tiểu thuyết bạn sẽ thấy những điều thú vị một chút lãng mạng, một chút "trần trụi", và một tình yêu ! đọc hết bạn sẽ hiểu vì sao nó lại được đưa vào sách giáo khoa của học sinh Đức.
DER VORLESER(NGƯỜI ĐỌC)
Phần 1.
Chương 1:


Hồi mười lăm tuổi tôi bị viêm gan. Bệnh phát vào mùa Thu và dứt vào mùa Xuân. Tiết trời càng lạnh và càng tối thì người tôi càng yếu đi. Sang đến năm sau tình hình mới khá lên. Tháng Giêng trời ấm, mẹ kê giường cho tôi ra ngoài bao lơn. Tôi nhìn thấy bầu trời, mặt trời, mây và nghe thấy lũ trẻ chơi trong sân. Sẩm tối một ngày tháng Hai tôi nghe con chim két hót.
Lần đầu tiên ra đường, tôi từ phố Blumenstrasse, nơi gia đình tôi ở trên tầng ba một ngôi nhà bề thế xây hồi cuối thế kỷ, đi đến phố Ga. Vào một ngày thứ Hai hồi tháng Mười, trên đường từ trường về nhà tôi đã bị nôn. Đã từ vài hôm tôi thấy yếu trong người, yếu như chưa bao giờ trong đời. Mỗi bước chân đều làm tôi khó nhọc. Ở nhà hay đến trường, mỗi khi lên thang gác là chân tôi không nhấc nổi. Ăn uống cũng không vào. Kể cả khi đói bụng ngồi vào bàn thì chẳng mấy chốc đã thấy ngán. Sáng sớm ngủ dậy mồm tôi khô khốc và có cảm giác nội tạng nằm nặng chịch và sai chỗ trong cơ thể. Tôi xấu hổ vì yếu nhược như thế. Tôi càng xấu hổ khi bị nôn. Đó cũng là chuyện chưa xảy ra lần nào trong đời. Mồm tôi đầy ứ, tôi mím chặt môi định nuốt xuống, tay bưng mồm nhưng vẫn nôn ộc qua kẽ tay. Rồi tôi dựa vào tường nhà, nhìn đống nôn dưới chân và oẹ ra chất nhầy mầu nhàn nhạt.
Một người phụ nữ chăm sóc tôi, và cô làm việc đó một cách thô bạo. Cô tóm tay tôi, dắt tôi qua một hành lang tối đi vào sân. Bên trên là dây phơi chăng quần áo từ cửa sổ này qua cửa sổ kia. Gỗ xếp ngoài sân, trong nhà xưởng mở toang có tiếng lưỡi cưa rít và mùn cưa bay. Bên cạnh cửa vào sân có vòi nước. Người phụ nữ mở vòi, trước tiên rửa tay tôi, rồi cô hứng nước trong lòng bàn tay khum khum táp vào mặt tôi. Tôi lấy khăn mù soa lau khô mặt.
"Cầm lấy cái kia!" Bên cạnh vòi nước có hai cái xô, cô lấy một cái và vặn nước vào. Tôi hứng nước vào cái xô thứ hai và đi theo cô qua hành lang. Cô lấy đà thật mạnh, nước hắt toé xuống vỉa hè và cuốn bãi nôn xuống cống. Cô lấy xô nước kia khỏi tay tôi và xối thêm lần nữa xuống vỉa hè.
Cô đứng thẳng lên và thấy tôi khóc. "Cậu bé", cô ngạc nhiên nói, "kìa cậu bé". Cô choàng tay ôm tôi. Tôi không cao hơn cô là mấy, cảm thấy vú cô áp vào ngực mình, ngửi thấy hơi thở hôi hám của chính mình cùng mồ hôi mới của cô trong vòng tay ôm chặt và không biết để hai tay vào đâu. Tôi thôi khóc.
Cô hỏi nhà tôi ở đâu, đặt xô vào hành lang rồi đưa tôi về nhà. Cô đi cạnh tôi, một tay cầm cặp sách của tôi còn tay kia nắm tay tôi. Đường từ phố Ga về Blumenstrasse không xa. Cô đi nhanh và dứt khoát, làm tôi cũng dễ bước theo. Đến trước cửa nhà tôi cô chia tay.
Ông bác sĩ mà mẹ tôi mời đến nhà cùng ngày hôm ấy chẩn đoán chứng viêm gan. Một hôm nào đó tôi kể cho mẹ nghe về người phụ nữ. Nếu không thì tôi nghĩ là mình cũng chẳng đến thăm cô. Song đối với mẹ tôi thì dĩ nhiên là khi nào khoẻ trở lại tôi nên bỏ tiền túi mua một bó hoa, đến chào và cảm ơn cô. Vậy là cuối tháng Hai tôi đi đến phố Ga.


Welcome to the Facebook Duy Tan University : www.facebook.com/Duy.Tan.University

 
Các thành viên đã Thank maxta+ vì Bài viết có ích:
02/03/2010 18:03 # 2
maxta+
Cấp độ: 8 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 47/80 (59%)
Kĩ năng: 57/70 (81%)
Ngày gia nhập: 02/03/2010
Bài gởi: 327
Được cảm ơn: 267
Phản hồi: Văn Học Đức Hay Hơn Tôi Nghĩ.


Chương 2:


Ngôi nhà ở phố Ga hôm nay không còn nữa. Tôi không nhớ nó bị phá đi bao giờ và tại sao. Đã nhiều năm tôi không về thành phố quê hương. Ngôi nhà hiện tại được xây hồi thập kỷ 70 hay 80, có năm tầng và tầng mái hoàn thiện, không có cửa sổ lồi ra hoặc bao lơn, tường trơn nhẵn và sáng màu. Nhiều nút chuông của các căn hộ nhỏ, những căn hộ mà người ta đến rồi đi, tựa như thuê xe hơi để đi rồi trả lại. Hiện nay ở tầng trệt là một cửa hàng máy tính, dạo trước là một cửa hàng dược phẩm, một nhà bán thực phẩm và hiệu cho thuê băng video.
Ngôi nhà ngày xưa cũng cao như thế nhưng có bốn tầng, tầng trệt là các khối sa thạch mài góc, ba tầng trên xây gạch với các cửa sổ nhô ra, bao lơn và khung viền cửa sổ bằng sa thạch. Bậc tam cấp dẫn lên tầng trệt và cầu thang ở dưới rộng, trên hẹp dần, hai bên xây bệ chắn làm nền cho tay vịn bằng sắt rèn và đoạn kết uốn lượn hình trôn ốc. Hai bên cửa là đôi cột, mỗi góc kèo là một chiếc đầu sư tử, một con nhìn ngược lên phố Ga, con kia nhìn xuôi xuống. Lối đi vào nhà mà người phụ nữ dẫn tôi đến vòi nước trong sân là lối cửa cạnh.
Từ bé tôi đã để ý đến ngôi nhà này. Nó áp đảo cả dãy phố. Tôi cứ nghĩ là nếu nó nặng hơn và rộng hơn chút nữa thì mấy nhà xung quanh phải né ra nhường chỗ cho nó. Tôi tưởng tượng ra trong đó là khoang cầu thang với đường diềm đắp nổi, lắp gương và trải thảm có họa tiết Đông phương được đè căng bởi các thanh đồng đánh sáng bóng. Tôi cho rằng trong một ngôi nhà quý phái thì phải có những người quý phái ở. Nhưng vì ngôi nhà đã ngả sẫm màu bởi năm tháng và khói tàu hoả nên tôi tưởng tượng ra những cư dân quý phái ấy cũng u ám, kỳ quặc, có khi điếc hay câm, lưng còng hoặc chân thọt cũng nên.
Những năm về sau tôi luôn nằm mê về ngôi nhà ấy. Những giấc mơ từa tựa nhau, là những biến thái của một giấc mơ hay một chủ đề. Tôi đi qua một thành phố lạ và nhìn thấy ngôi nhà. Trong một khu phố mà tôi không quen, tôi thấy nó đứng trong một dãy phố. Tôi đi tiếp, đầu óc rối bời vì tuy biết ngôi nhà nhưng lại không quen khu phố đó. Rồi tôi sực nhớ ra là mình đã nhìn thấy nó rồi. Nhưng tôi lại không nghĩ đến phố Ga ở thành phố quê hương mà nghĩ đến một thành phố khác, một nước khác. Ví dụ tôi mơ thấy đến thành Rome, nhìn thấy ngôi nhà và nhớ là đã từng thấy nó ở Berne. Với hồi ức trong mơ ấy, tôi cảm thấy yên tâm; nhìn thấy ngôi nhà trong một khung cảnh lạ lẫm tôi cảm thấy không có gì đặc biệt hơn là tình cờ gặp mặt một người bạn cũ ở chốn xa lạ. Tôi quay lại ngôi nhà ấy, đi lên bậc tam cấp. Tôi muốn vào nhà. Tôi ấn nắm đấm cửa.
Nếu tôi mơ thấy ngôi nhà ở nông thôn thì giấc mơ dài hơn, hoặc sau đó tôi hồi tưởng rõ hơn về các chi tiết. Tôi đi ô tô. Tôi thấy ngôi nhà phía tay phải và đi tiếp, thoạt tiên chỉ thấy bối rối vì một ngôi nhà rõ ràng ở trên phố mà nay lại đứng giữa cánh đồng. Sau đó sực nhớ là tôi đã thấy nó ở đâu rồi, và lại càng bối rối gấp bội. Nếu tôi nhớ lại đã thấy nó ở đâu thì tôi quay xe trở lại. Đường sá trong mơ lúc nào cũng vắng bóng người, tôi quay đầu xe trong tiếng bánh xe rít ken két và phóng như bay. Tôi sợ đến quá chậm và phóng nhanh hơn. Rồi tôi thấy nó. Ngôi nhà đứng giữa những cánh đồng bao quanh, cải dầu, lúa mạch, hoặc nho ở vùng Pfahlz, oải hương miền Đông Nam Pháp. Đồng đất bằng phẳng, đâu đó gợn đồi nhấp nhô. Không có cây cối. Trời rất sáng, mặt trời rọi, không khí lung linh, và mặt đường bóng nhẫy vì nóng. Những bức tường chắn chịu lửa làm cho ngôi nhà mang vẻ cách biệt và hụt hẫng. Như những bức tường chắn chịu lửa của bất kỳ nhà nào. Nó trông không u ám hơn ngôi nhà ở phố Ga, nhưng cửa sổ đầy bụi bặm và cản không cho thấy trong các phòng có gì, kể cả rèm cửa. Ngôi nhà mù.
Tôi dừng xe cạnh đường và đi ngang đường tới cửa nhà. Không có ai cả, chẳng nghe thấy gì, kể cả tiếng động cơ xa xa hay tiếng gió, tiếng chim. Một thế giới chết. Tôi đi lên bậc tam cấp và ấn nắm đấm cửa.
Nhưng tôi không mở cửa. Tôi thức dậy và chỉ biết là đã đặt tay lên và ấn nắm đấm cửa xuống. Thế rồi tôi nhớ lại toàn bộ giấc mơ, và nhớ cả là mình đã nằm mơ.


Welcome to the Facebook Duy Tan University : www.facebook.com/Duy.Tan.University

 
Các thành viên đã Thank maxta+ vì Bài viết có ích:
02/03/2010 18:03 # 3
maxta+
Cấp độ: 8 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 47/80 (59%)
Kĩ năng: 57/70 (81%)
Ngày gia nhập: 02/03/2010
Bài gởi: 327
Được cảm ơn: 267
Phản hồi: Văn Học Đức Hay Hơn Tôi Nghĩ.


Chương 3:


Tôi không biết tên người phụ nữ nọ. Với bó hoa trong tay, tôi ngập ngừng đứng trước cửa và các nút chuông. Đáng lẽ nên quay về thì hơn. Nhưng lúc ấy có một người đàn ông từ trong nhà đi ra hỏi tôi muốn tìm ai, và chỉ tôi lên nhà cô Schmitz ở tầng bốn.
Không có đường diềm đắp nổi, không có gương, không có thảm. Những gì của vẻ đẹp ngày xưa có lẽ từng có trong khoang cầu thang, nay đã tàn lụi và vẻ đơn sơ của nó không thể so sánh với mặt tiền tráng lệ. Màu sơn đỏ của các bậc thang bị vết chân đi vẹt ở giữa, tấm nhựa in nổi dán trên tường cao tới vai đã mòn, và những thanh gỗ bị mất ở tay vịn cầu thang được thay bằng dây buộc. Có mùi nước tẩy sàn. Cũng có thể mãi về sau này tôi mới nhận ra tất cả những điều đó. Lúc nào mọi thứ cũng vừa bệ rạc vừa sạch sẽ và toát ra vẫn một thứ mùi nước tẩy sàn, thỉnh thoảng trộn lẫn mùi cải và đậu, mùi thức ăn xào hay quần áo ngâm sôi. Chẳng bao giờ tôi được biết gì hơn về những người khác sống trong nhà ngoài những mùi ấy, những tấm thảm chùi chân trước cửa và tấm biển ghi tên dưới nút chuông. Tôi không nhớ đã gặp mặt ai đó trong số họ ở cầu thang.
Tôi cũng chẳng nhớ ra là đã chào cô Schmitz như thế nào. Chắc là tôi đã sắp xếp sẵn và nói vài ba câu về bệnh trạng của tôi, về chuyện cô giúp đỡ tôi và cảm ơn. Cô chỉ tôi đi vào bếp.
Phòng bếp là căn lớn nhất trong căn hộ. Trong bếp có bếp lò và bồn rửa, bồn tắm và lò đun nước tắm, bàn và hai ghế đẩu, một tủ lạnh, một tủ quần áo và bộ ghế đệm. Trên ghế trải tấm chăn nhung the. Phòng bếp không có cửa sổ. Ánh sáng lọt qua ô kính trên cửa dẫn ra bao lơn, không nhiều lắm, bếp chỉ hửng lên khi cửa mở ra. Lúc ấy nghe được cả tiếng cưa rít và ngửi thấy mùi gỗ từ xưởng mộc dưới sân.
Trong căn hộ còn có một phòng khách nhỏ và hẹp ngang, với cái rương đựng bát đĩa, bàn, bốn chiếc ghế, ghế mềm có tựa đầu và cái lò sưởi. Phòng này hầu như không bao giờ được sưởi trong mùa đông và hè đến chẳng mấy khi sử dụng. Cửa sổ mở ra hướng phố Ga và từ đó nhìn ra khuôn viên của nhà ga ngày xưa được đào đi xới lại nhiều lần, đây đó đã đổ xong lớp móng của các ngôi nhà mới cho toà án và các công sở. Cuối cùng, trong căn hộ còn một nhà xí không cửa sổ. Nếu trong nhà xí có mùi thì hành lang cũng có mùi.
Tôi cũng chẳng nhớ là chúng tôi nói chuyện gì trong bếp nữa. Cô Schmitz ủi quần áo, cô trải một chiếc chăn len và khăn lanh lên bàn và lấy từng thứ quần áo một từ trong giỏ, ủi, gấp rồi đặt lên trên một trong hai chiếc ghế. Tôi ngồi trên ghế kia. Cô cũng ủi cả đồ lót của mình, và tôi không muốn nhìn, song cũng chẳng ngó ra chỗ khác được. Cô mặc một chiếc yếm dài không tay, nền xanh với những đốm hoa đỏ nho nhỏ in nhạt. Mái tóc vàng tro dài ngang vai, cặp lại sau gáy. Cánh tay để trần trắng bệch. Cô nắm lấy bàn ủi, đẩy và đặt trở lại, sau đó gấp và cất quần áo bằng những động tác chậm rãi và tập trung, cô cử động cũng chậm chạp và tập trung như thế khi cúi xuống ngửng lên. Trong ký ức của tôi, những khuôn mặt mà cô có sau này lấp lên khuôn mặt cô ngày ấy. Khi tôi làm tái hiện hình ảnh cô ngày xưa trước mắt mình thì cô hiện ra không có mặt. Tôi phải tái tạo khuôn mặt ấy. Trán cao, lưỡng quyền cao, mắt xanh xám, cặp môi nở đều đặn không vết nhăn, cằm cương nghị. Một khuôn mặt to, nghiêm và nữ tính. Tôi biết là tôi thấy khuôn mặt cô đẹp. Nhưng tôi không hình dung ra được vẻ đẹp ấy.


Welcome to the Facebook Duy Tan University : www.facebook.com/Duy.Tan.University

 
Các thành viên đã Thank maxta+ vì Bài viết có ích:
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024