Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
20/01/2018 20:01 # 1
ngochai20101998
Cấp độ: 11 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 48/110 (44%)
Kĩ năng: 8/20 (40%)
Ngày gia nhập: 27/12/2016
Bài gởi: 598
Được cảm ơn: 18
BỐI CẢNH PHÁT TRIỂN KARATE


Vào thế kỷ XIV môn võ Shorin Kempo đã du nhập vào đảo Okinawa - hòn đảo lớn của quần đảo Ryukyu. Năm 1372 vua Satto (Sát Độ) của Okinawa kết giao với triều đại nhà Minh Trung Quốc, các môn võ của người Okinawa và Trung Quốc cũng phối hợp để cho ra đời môn võ tự vệ bằng tay không trước khi Karate được hiện đại hóa bởi Gichin Funakoshi. Phong cách Karate của người Okinawa được mọi người đặt tên là Naha - Te, Shuri - Te và Tomari - Te. Những tên gọi này là tên của những thành phố ở Okinawa mà Karate đã được hình thành tại đây từ thuở sơ khai. Hiện nay nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra những giả thuyết về nguồn gốc của Karate như sau: Một là nó xuất phát từ các điệu múa vùng nông thôn Ryukyu (Lưu Cầu), mà họ gọi là Dei và viết bằng chữ Hán  (  手 )  phát triển thành Todei  (  唐手 ).Hai là do tập đoàn người Trung Quốc từ Phúc Kiến truyền sang Okinawa, vì thế mà có tên gọi là Tote(Tuite) (  唐手 ) với chữ To ( 唐 :  Đường) chỉ thời nhà Đường ở Trung Quốc,  còn Te  ( 手:  Thủ ) nghĩa là "võ" (Tangsho). Ba là theo con đường thương mại tới Okinawa. Vương quốc Ryukyu xưa có quan hệ thương mại rộng rãi với Trung Quốc và các quốc gia  Đông Nam Á. Các môn võ thuật có thể từ các miền đất này theo các thuyền buôn và truyền tới Okinawa. Bốn là bắt nguồn từ môn vật của Okinawa có tên là Shima. Như vậy Okinawa là viên ngọc chính, là nơi khai sinh cho hạt giống Không Thủ Đạo nảy mầm và đơm hoa kết trái. Có lẽ vì vậy ở đây có rất nhiều hệ phái võ thuật khác nhau như: Shorin Ryu, Shaolin Ryu, Goju Ryu, Uechi Ryu, Okinawa - Te, v.v... mặc dù hiện nay Nhật Bản là cường quốc Karate. 

Trong lịch sử Karate đã có ít nhất hai lần các nhà cầm quyền đã cấm người dân sử dụng các loại vũ khí tại Okinawa. Một lần vào năm 1422 vào thời Hoàng đế Sho Hashi (1371-1439) hoàn tất việc thống nhất các lãnh địa Hokuzan (Bắc Sơn), Chuzan (Trung Sơn) và Nanzan (Nam Sơn) ở Okinawa. Nhưng cao điểm là năm 1470, Sho En (triều Sho thứ hai) để ngăn chặn mưu toan nổi loạn, nhà vua đã ban hành một chỉ dụ cấm sử dụng sở hữu và mang bất cứ môn binh khí nào trên lãnh thổ của ông, ngoại trừ quân đội, các nhà quý tộc và triều đình, ai trái lệnh phải tội chết. Một lần khác vào năm 1609 (triều Sho thứ hai) dân chúng trên đảo chịu sưu cao thuế nặng bởi sự xâm chiếm của Lãnh chúa Satsuma, nhất là lúc quyền lực tập trung trong tay của Tổng đốc Toyotomi Hideyoshi mà dân chúng thời đó gọi là “Cuộc săn kiếm của Hideyoshi”. Người dân chỉ được phép dùng dao khi đã đăng ký mượn trong một thời gian rất ngắn nên từ đó, các hệ phái môn Kempo đã phải hoạt động ngầm. Chính vì vậy mà nghệ thuật chiến đấu tay không đã được truyền bá rộng rãi như là phương tiện tự vệ chống lại kẻ cướp và đôi khi họ chống cả quan lại áp bức. Các lò võ thường được tổ chức một cách kín đáo trong các ngôi chùa, nhằm bảo đảm giữ bí mật, vì nếu bị phát hiện, sẽ bị những kẻ có quyền lực đàn áp buộc phải đóng cửa. Do vậy, người dân đảo này muốn thắng được quân lính có trang bị vũ khí sắt bén họ phải nung nấu ý chí bằng cách hạ thủ đối thủ chỉ bằng một đòn đánh. Qua nhiều năm tháng họ bí mật khổ luyện hằng ngày để biến tay chân và những bộ phận khác của cơ thể thành một thứ vũ khí có sức hủy diệt lớn. Để có hiệu quả của lực công phá, họ phải tập cho chai cứng các ngón tay, nắm đấm như những chiếc sừng, phải xĩa hằng ngày vào thùng đậu dần dần cho đến tận đáy thùng hàng nghìn lần, sau đó được thay cát, sạn, sắt vụn và các vật thể khác. Muốn có được một quả đấm trên 700Kg, hằng ngày họ phải đấm qua thác nước không để ướt tay hoặc chụp bắt những con ruồi đậu trên chén cơm để luyện một đòn đấm, một cú chặt bằng cạnh bàn tay. Muốn có một cú đá trên 1000Kg, họ phải đá hàng vạn lần vào các thân cây, bó mây có tính đàn hồi. Tuy nhiều giai đoạn thăng trầm như vậy nhưng phải đợi đến sau thế kỷ XVII, Karate mới phát triển mạnh.

            Thời gian này có nhiều người thầy ở Okinawa quay trở lại Trung Quốc để tìm hiểu nhiều loại nghệ thuật chiến đấu. Một võ sĩ huyền thoại người Trung Quốc là Liu Liu Ko (tiếng Nhật gọi là Ryu Ryu Ko), đã dạy Không Thủ tại miền Nam Trung Quốc cho những võ sinh Okinawa. Việc sử dụng Tensho hay kỹ thuật Nhu trong Trường phái Goju đã cho ta thấy rằng trường phái này đã chịu ảnh hưởng bởi phong cách võ thuật “Sếu Trắng” ở Fujian được  gọi là Fujian Bai He.  Từ phong cách Sếu Trắng, Trường phái Goju đã tích lũy được kỹ thuật chuyển động tròn và cách đánh nhanh. Từ phong cách Hổ Quyền, Trường phái Goju đã học được cách tấn công dũng mãnh từ xa và cách tóm bằng vuốt (đặc biệt là trong quyền Kyusho). Đó là một trong những yếu tố cấu thành Karate hiện đại mà Karate nguyên thủy bản địa Okinawa gọi là Tuite (Tote) bao gồm: kỹ thuật móc, khóa chặt, kéo, quăng ném và quét luôn được sử dụng trong chiến đấu trên nền đất. Những kỹ thuật này đã được thực hành rộng rãi tại Ryukyu ở Okinawa, sau đó chúng được hòa trộn với những kỹ thuật chiến đấu khác để cho ra đời Karate. Trong quyền thức của Karate thường sử dụng những tư thế thấp hoặc hai bàn tay chụm lại làm thành một cái hốc (khoan rỗng) là những dấu hiệu cho thấy đó là kỹ thuật của Tuite.

          Vào thế kỷ XIX, quần đảo Okinawa sát nhập vào Nhật Bản. Thời điểm này đã xuất hiện ba nhân vật Không Thủ Thuật (Karate) nổi tiếng vượt hẳn khỏi tước vị Sư Phạm và Quyền Thánh. Các vị thầy này đã phát triển Okinawate (Xung Thằng Thủ) đặt những nền tảng đầu tiên cho các trường phái Karate sau này đó là:

    1) Sáng tổ Kanryo Higashionna (1851 - 1915) phát triển Okinawate tại Naha với Shorei Ryu (Chiêu Linh Lưu).

    2) Sáng tổ Yatsusune Itosu Ankoh (1830 - 1916) phát triển Okinawate tại Shuri với Shorin Ryu (Thiếu Lâm Lưu) là thầy của Gichin Funakoshi - Sáng tổ của Shotokan Ryu (Tùng Đào Quán Lưu).

    3) Sáng tổ Kosaku Matsumora (1829 - 1898) phát triển Okinawate tại Naha, Shuri và Tomari là ba địa danh được xem như chiếc nôi của Okinawa Karate và Không Thủ Thuật. Ở ba nơi này được biết đến với ba danh xưng Naha - Te, Shuri - Te và Tomari - Te.

 Có thể nói rằng Karate có ba giai đoạn phát triển. Trong giai đoạn đầu môn võ này chỉ là môn võ cổ truyền của hòn đảo Okinawa được gọi là Okinawa - Te. Bao gồm Naha - Te, Shuri - Te và Tomari - Te. Mãi đến năm 1901, Karate mới được công khai truyền bá trên đảo Okinawa. Môn võ này là sự kết tinh bởi các giá trị văn hóa được hòa trộn và các phương pháp chiến đấu ảnh hưởng môn võ Thiếu Lâm Trung Quốc nhưng qua các thời kỳ hòa trộn đã phát triển một hệ thống võ thuật phong phú và khoa học hơn. Tuy vậy, Karate được người ta biết nhiều tại Okinawa từ năm 1372 trước khi ông Yasutsune AnkohItosu bắt đầu giảng dạy tại các trường công lập phổ thông vào năm 1901. Ông Itosu đã soạn ra một loạt các bài võ Karate với mục đích giúp dễ hướng dẫn cho nhóm đông người, ban đầu những bài võ này được sử dụng trong các trường phổ thông ở Okinawa để rèn luyện thể chất. Đến năm 1903, môn võ này được Nhật Bản cho phép giảng dạy tại các truờng học và được đổi tên thành Karate Jutsu (Kara giai đoạn này nghĩa là nhà Đường, Te là tay theo tiếng Okinawa và Jutsu là nghệ thuật). Như vậy, chữ Karate Jutsu đã mang tính chất của ba nền văn hóa Trung Quốc, Okinawa và Nhật Bản và tên gọi này vẫn mang hàm ý gợi lại cội nguồn của môn võ. Sau đó, vào năm 1916 môn Okinawa - Te đã vượt đảo Okinawa sang Nhật Bản đánh dấu một thời kỳ quan trọng cho đến Chiến tranh Thế giới lần thứ hai do một giáo viên người Okinawa tên là Gichin Funakoshi, học trò của Yasutsune (Ankoh) Itosu và Azato nổi tiếng ở Okinawa - Te được mời biểu diễn võ công tại Butoku Den, là trung tâm võ thuật của các môn phái Nhật Bản. Thời kỳ này Karate bị ảnh hưởng sâu sắc bởi tinh thần quân sự hóa đã tạo tính thống nhất cho việc truyền dạy. Không bó gọn trong bài quyền, thực hành Yakusoku Kumite (đối kháng) đồng thời nó xuất hiện cùng các môn: Kendo (Kiếm Đạo), JuJutsu (Nhu Thuật)... Năm 1922, Karatedo được chính thức công nhận ở Nhật Bản và mùa xuân năm này, Gichin Funakoshi trở lại Nhật Bản được ông Tổng trưởng Giáo dục đề nghị biểu diễn tại Đại hội Thể thao Toàn quốc ở Tokyo. Buổi biểu diễn thành công và Gichin Funakoshi được mời ở lại huấn luyện. Sau đó đến năm 1928, Funakoshi đã sắp xếp lại các kỹ thuật chiến đấu của nó với những lý luận mới. Những lý thuyết mới này đã tạo nên một kỹ thuật chiến đấu khác và từ “Đường Thủ” ông đã chuyển âm thành Kara (Ku) “Không”  空.  Cách viết  唐 手  trước đây thường bị hiểu là “Đường Thủ” nên ông bắt đầu từ thay thế chữ  唐 bằng một chữ khác có cùng cách phát âm và mang nghĩa “Không” trong kinh Bát Nhã của Phật giáo và chữ  空 手 (Không Thủ) bắt đầu từ đó. Bởi thế nghệ thuật chiến đấu của nó rất khác biệt so với những môn võ ảnh hưởng nó được truyền vào lãnh thổ của Nhật Bản. Một ví dụ đơn giản: nếu các bạn để ý sẽ thấy các động tác kỹ thuật của môn võ Thiếu Lâm có nhiều đường cong mềm mại, dài, dàn trải và đẹp mắt nhưng với Karate là thẳng, ngắn, nhanh gọn, cương nhu phối hợp hài hòa và hoàn toàn mang nguyên lý khoa học. Sau đó, Karate được lan tỏa ra khắp thế giới. Thời gian này, các trường học khác cũng gửi giáo viên sang dạy ở đảo chính Honshu của Nhật Bản và Karate bắt đầu đi vào văn hoá Nhật Bản. Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, Karate mới phát triển ở Hoa Kỳ, rất nhiều binh sĩ nước này đã học Karate vào những thập niên 1940, 1950. Sau đó, họ truyền bá Karate khắp châu Mỹ đồng thời lan tỏa sang châu Âu và được đưa vào trong các trường đào tạo an ninh, quân đội… Theo họ, Karate là môn võ khoa học và thực dụng với triết lý sống của người phương Đông vốn dựa trên nguyên tắc tổng hợp sức mạnh của trí lực, của cơ bắp, đặc biệt là sức mạnh tiềm ẩn thuộc nội tại cơ thể con người. Nhưng người võ sinh không phải chỉ được dạy học đấm, đá, kỹ, chiến pháp để đạt thành tích, chiến tích cao nhất mà quan trọng là thu thập được từ dũng khí của người võ sĩ song song với việc hoàn thiện nhân cách, hướng tới Đạo - Một con đường của cuộc sống. Họ rèn luyện tinh thần và thể chất với đức tính khiêm tốn, kiên trì nhẫn nại, ý chí mạnh mẽ, có ước mơ hoài bão, có niềm tin trong cuộc sống và luôn coi trọng lễ nghĩa mang tính nhân văn. Karatedo là con đường dẫn dắt chúng ta sống hài hòa với trời, đất và con người. Trong Karate bắt đầu bằng chữLễ và kết thúc cũng bằng chữ Lễ. Tuy Karate là một môn võ có khả năng sát thương khủng khiếp, người luyện tập Karate nếu thành công thì sẽ có sức mạnh rất đáng sợ nhưng nó là môn võ giáo dục về lòng nhân ái, tính tự chủ và triết lý: Karate wagi no tas uke (Karate phụng sự lẽ công bằng, tinh thần bình đẳng) và Karate ni sente ni ashi (Karate không ra tay trước). Người nhập môn Karate đầu tiên phải học lễ sau đó là học nhẫn, học tinh thần nhẫn nhịn “Một điều nhịn chín điều lành”, ngộ được chữ “Nhẫn” còn khó hơn thuần thục kỹ thuật và quyền pháp Karate. Mục đích lớn nhất của Karate chính là vừa giúp mình vừa cứu cả đối thủ để tránh được những rắc rối nảy sinh sau đó. Karate chủ trương không tấn công nhưng giúp người bị tấn công. Cao hơn nữa đó là sự khuất phục đối thủ, chứ không chỉ dừng lại ở việc thắng người. Đó là “Dụng ý bất dụng lực”, tức là ta có thể sử dụng kỹ thuật để chiến thắng nhưng không khuất phục đối thủ bằng Tâm thuật. Tiếp đến là sự cố gắng (Karate như con thuyền đi trên dòng nước ngược không tiến sẽ lùi), sự rèn luyện song song với lòng vị tha và đức khiêm tốn. Trong Karate người học trò giỏi thì không bao giờ phụ thầy và người thầy giỏi thì luôn coi mình là học trò không kiêu căng, ngã mạn, không tự cho mình là hiểu biết tất cả. Danh sư Karate huyền thoại Gogen Yamaguchi đã nói “Tôi luôn luôn vẫn còn là những võ sinh Không Thủ Đạo, chưa bao giờ tôi có thể trở thành những võ sư hoàn hảo cả". Karate là môn võ mang tính nghệ thuật và những quan điểm triết học phương Đông. Những võ sư Karate lão thành cho rằng nếu bạn nhận thức được qua tập luyện thì nó chẳng bao giờ buồn tẻ khi bạn ở tuổi chín mươi. Karate luôn kích thích sự sáng tạo và niềm đam mê suốt đời của bạn, nó luôn luôn mới mẻ như ngày tập buổi đầu tiên ở võ đường. Các bậc thầy Karate cấp cao thường có tâm vô úy, vô tranh, vô thọ họ thoát ra khỏi vòng phiền lụy của cuộc sống.

Karate đã có từ rất lâu nhưng ở Nhật Bản, các thế hệ tiếp nối đã “Đạo hóa” như các môn võ và các nghệ thuật khác. Người nhập môn Karate đòi hỏi trước hết phải có một căn bản đạo đức, sau đó là luyện tập thân thể cho khỏe mạnh để tự vệ và để hoàn thiện nhân cách. Trong quá trình rèn luyện họ có được những đức tính tốt như luôn khiêm tốn, luôn cố gắng, trung thực, nhẫn nại, hóa giải nóng nảy, phải giữ tác phong đứng đắn để khỏi hổ danh sư môn. Phải có tính tự chủ, có tinh thần trách nhiệm với mọi người và với chính mình để trở thành một người hữu ích, ưu tú trong xã hội. Như vậy, tập luyện Karatedo cũng là một cách tu thân ngoài giáo dục thể chất còn giáo dục lòng nhân ái, bồi dưỡng nhân cách, nhằm phát triển tuệ giác đưa con người đến Chân, Thiện, Mỹ. Tuy nhiên, muốn đạt đỉnh cao đi đến chứng ngộ đòi hỏi người tập luyện phải thực hành liên tục trên một lộ trình nhiều chặng mới hoàn thiện. Karatedo là một môn võ nghệ thuật nên không mặc định mà luôn sáng tạo, diệt bỏ tự ngã để đi đến Đạo. Nó càng không phải là phương tiện để đạt thành tích, danh hiệu rồi tự mãn, hãnh tiến dần dần đi tới chỗ mất Đạo. Ngày xưa chữ Đạo trong Ngũ thường (Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín) thì chữ Nhân là tiêu chuẩn đầu tiên để thẩm định giá trị đạo đức nhân cách của con người. Đó là những hành động có định hướng đúng đắn hợp lòng người. Từ đó, người không có Nhân tức là không có Đạo, Trước hết, hãy xét trong mối tương quan “Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín” thì lễ được hiểu theo nghĩa hẹp của Khổng Tử là “Lễ giúp người ta nắm được quy tắc cư xử” (Luận ngữ). Ngày nay, khái niệm lễ được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ có phép tắc lễ nghi đạo đức sống làm người mà còn bao hàm cả con người đối với thiên nhiên nữa. Nói cách khác lễ và văn hoặc võ cũng giống như đức và tài. Chữ Đạo thường không đứng một mình mà kết hợp với một từ khác để mang một ý nghĩa phổ quát hơn: Đạo đức, đạo lý, đạo tâm... Trong Karate - Do, chữ Đạo không phải là tôn giáo mà mang một ý nghĩa khác đó là: “Con đường tốt đẹp trong cuộc sống để hoàn thiện nhân cách”, là kim chỉ nam để chúng ta tự rèn luyện tu dưỡng chiến thắng ham muốn hẹp hòi của bản thân. Tóm lại, chúng ta đóng góp, chia sẻ những gì có ích cho mọi người trong đó có mình là Đạo và lối sống cá nhân ích kỷ, hưởng thụ buông thả, xa hoa, khoe khoang, hãnh tiến, thực dụng hẹp hòi, vô trách nhiệm, vô cảm với hoạn nạn kẻ khác, suy thoái đạo đức ngược với đạo lý là không phải Đạo. Chữ Đạo trong Karate phải được dựa trên nền tảng đạo lý và cuộc sống có ý nghĩa của con người. Muốn được vậy con người phải được giáo dục tôi rèn đạo đức căn bản từ lớp mầm non. Được giáo dục thương yêu động vật, thực vật, khoáng vật. Giáo dục lòng hiếu thuận, lòng thành thật, hạn chế lòng tham, tật xấu. Biết giải quyết mâu thuẫn đời thường một cách đúng đắn và sáng tạo với mọi người và chính bản thân mình. Làm những việc có ý nghĩa và hiểu con người với thiên nhiên là một. Ý niệm về Đạo không cụ thể như ý niệm về Nhân. Chúng ta có thể hiểu một cách khái quát và phổ biến Nhân Đạo là hai tiêu chuẩn của xã hội để đánh giá đạo đức con người. Tuy nhiên, chữ Đạo trong Karate không những hợp lòng người, ứng xử tốt đẹp giữa người với người mà còn phải biết quan hệ hài hòa với vũ trụ, với trời đất. Sống thế nào để hài hoà giữa Trời, Đất và Người nữa (Thiên - Địa - Nhân) nhưng cũng không sa vào chủ nghĩa Vị kỷ phương Đông, mà phải có sự kết hợp Đông Tây hài hòa đó là con đường đích thực của Karatedo.

Ngày nay Karate là một trong những bộ môn thể thao tranh giải được đưa ra thi đấu quốc tế. Mặt tích cực của nó là giúp người rèn luyện thể thao có dịp gặp gỡ học hỏi lẫn nhau, khuyến khích tinh thần đồng đội giúp phát triển tính cách, chia sẻ niềm say mê v.v... nhưng bạn chỉ coi trọng vào những thành tích trước mắt, coi trọng được, mất thiếu un tập võ đạo, thiếu rèn luyện tinh thần thượng võ sẽ dễ rơi vào cuồng vọng chuộng hư vinh, thắng người mà quên mất phải tự chiến thắng chính mình. Karatedo và một số môn võ khác được xem là một ngành học chính thống trong ngành giáo dục Nhật Bản. Đối với họ Karatedo là sự nghiên cứu, phân tích, hệ thống hóa... tất cả mọi mặt được phơi bày dưới ánh sáng của các chuyên ngành khoa học tự nhiên và xã hội như Vật lý, Sinh lý, Sinh hóa, Sinh cơ, Tâm lý học, Cơ thể học, Y học thể dục thể thao, v.v… vì đó là con đường của cuộc sống.  Nguồn gốc của Karate nói chung được giới nghiên cứu võ thuật quốc tế đều thừa nhận: Karate là tinh hoa của những môn võ cổ dũng mãnh, nhưng người ta thấy ở Karate là sự khiêm cung, nhẫn nhịn, không hiếu chiến và thù hận. Kỹ - chiến pháp mang tính thực dụng, sáng tạo và khoa học không những tự vệ và rèn luyện sức khỏe tốt mà nó còn giúp cho người tập hoàn thiện nhân cách, hiểu biết nhiều lĩnh vực khác. Tuy có một nét đặc thù hiện đại và mạch lạc như thế, nhưng Karate lại có một quá khứ rất cổ và trong đó chứa đựng rất nhiều những huyền thoại. Tuy nhiên, người ta tin chắc rằng Karate có nguồn gốc từ Ấn Độ phát triển và hoàn hảo dần ở Okinawa - hòn đảo ở phía Đông Nam Nhật Bản. Giữa hòn đảo này và Trung Quốc từ những thời đại xa xưa đã có những mối giao thương thường xuyên nên môn Quyền Pháp được du nhập và hòa trộn với võ thuật bản địa, phần lớn là do những học giả thời bấy giờ. Như vậy, hai lần không một tấc sắt trong tay, dân cư ở Okinawa đã tìm cách kiếm một phương thế để tự vệ không cần vũ khí và cuối cùng đã hoàn thiện môn nghệ thuật chiến đấu: Võ Karatedo (Kara: tánh không, Te: tay, Do: Đạo) - môn Không Thủ Đạo đặc biệt của họ. Các nguyên tắc cơ bản của môn nghệ thuật này dựa trên nguyên lý khoa học và triết lý sống của nó. Cũng có thể nói rằng tất cả những chiến pháp Karatedo được coi là một hành vi chủ động hoặc phòng ngự đều có hiệu quả nếu đạt được tâm trí chính xác của thiền. Học tập những kỹ thuật này chúng ta có thể tự bảo vệ mà không cần sử dụng vũ khí. Ngày nay, Karatedo là một môn nghệ thuật thể thao truyền thống nhưng đòi hỏi phải có sự hướng dẫn đạo đức và nó như là nguyên tắc đầu tiên. Người thầy không chỉ với mục đích đào tạo những vận động viên đạt thành tích cao cho đất nước mà còn phải đào luyện cho người học trò phẩm chất đạo đức. Họ biết tôn sư trọng đạo, biết đối nhân xử thế, có thái độ ứng xử linh hoạt giữa cứng rắn và mềm mỏng của người Võ  sĩ  đạo, luôn nhẫn nhịn và khiêm tốn, xem kỹ thuật chiến đấu chỉ là phương tiện và diệt bỏ tự ngã.

Karatedo có hàng trăm hệ phái, có nhiều hệ phái phát triển lớn mạnh trở thành trường phái, tất nhiên có rất nhiều ưu điểm và cũng không ít hạn chế từ những người tập luyện chưa thực sự hiểu biết tường tận về nó. Sở dĩ môn võ này có nhiều hệ phái, trường phái là do hoàn cảnh, địa hình và tính cách của từng con người, từng miền đất, từng dân tộc và sự sáng tạo của người tập luyện mang lại.

Năm 1970, Hiệp hội Karatedo Thế giới W.U.K.O (The World Union of the Karatedo Organization) được thành lập và giải Karatedo Thế giới lần thứ nhất được tổ chức tại Nhật Bản, lần thứ hai năm 1972 tại Pháp và lần thứ ba năm 1975 tại Hoa Kỳ. Năm 1990, các Liên đoàn Karatedo các nước trên thế giới đã họp lại đổi tên thành Liên đoàn Karatedo Thế giới W.K.F (World Karatedo Federation). Hiện nay, tổ chức này có trên 175 quốc gia, Karatedo Việt Nam cũng là thành viên.

Ngày nay Karatedo đã vượt biên giới quốc gia và lan tỏa khắp thế giới không chỉ vì mục đích sức khỏe, nghệ thuật và tự vệ mà bởi triết lý của nó. Tuy có sự nhất quán hệ thống giữa các Hiệp hội Thế giới nhưng cũng có sự khác biệt chút ít về các bài quyền, phương pháp huấn luyện, quy chế thi đấu.




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024