Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
16/07/2017 21:07 # 1
ngochai20101998
Cấp độ: 11 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 48/110 (44%)
Kĩ năng: 8/20 (40%)
Ngày gia nhập: 27/12/2016
Bài gởi: 598
Được cảm ơn: 18
Karate-jutsu và Karate-do


Từ Jutsu trong Karate-jutsu thường được dùng để chỉ phần kĩ thuật của Karate. Nó là phần “nghệ thuật” của Karate : khả năng luyện tập một kĩ thuật và áp dụng nó vào đời sống.
Từ Do trong Karate-do có nghĩa là “đạo”, để chỉ phần thái độ, triết lý hay sự phát triển tính cách của Karate. Câu hỏi đặt ra cho chúng ta là: “phần nào quan trọng hơn, đáng để ta học hơn, Jutsu hay Do” ?

Ý tôi là ta nên chú trọng học phần kĩ thuật của Karate, hay ta cần chú trọng việc phát triển nhân cách, sự khiêm nhường, tôn trọng người khác ?

Jutsu hay Do quan trọng hơn?

Tôi tin rằng cả Karate-do và Karate-jutsu đều phải đồng thời tồn tại trong một karate-ka. Chúng ta cần phải hoàn thiện cả hai mặt của một đồng xu – rèn luyện và tập trung hoàn thiện các kĩ thuật, và cùng với đó, phát triển nhân cách và tinh thần để ta có thể trở thành một công dân tốt. Tôi tin chắc rằng có nhiều người có thể tập trung vào phần Jutsu khi ở võ đường, nhưng họ lại không thể hiện phần Do khi ra khỏi võ đường. Trong thời gian tập luyện, tôi đã gặp rất nhiều võ sĩ, và phải nói thật là rất nhiều trong số bọn họ đã bỏ lại cái đai của mình ở võ đường. Mỗi người bọn họ như hai người khác nhau. Ở võ đường, họ thể hiện sự kính trọng, tính kỉ luật và phép lịch sự. Nhưng đến lúc ra khỏi võ đường, họ trở lại thành con người thật của họ. Họ nói xấu người khác ( vì ghen ghét hay đơn thuần là tính tự cao), họ chửi bậy nơi công cộng, họ tự cao tự đại, và chẳng quan tâm gì tới những giá trị mà họ học được ở võ đường.

Chắc chắn rằng, việc tập luyện là để nâng cao khả năng tự vệ, nhưng đó không phải là mục đích chính duy nhất. Nếu bạn luyện tập chỉ để tự vệ, mà chẳng bao giờ phải sử dụng đến nó, chẳng phải tiền học bạn bỏ ra là phí phạm sao ? Có thể bạn còn ngông cuồng tìm đến nguy hiểm, chỉ để có cơ hội sử dụng những kĩ năng đánh nhau mình học được. Dù vậy, nếu một người dành thời gian luyện tập Karate để phát triển hết những thứ mà Karate đem lại, thì nó sẽ trở thành một sự đầu tư đúng đắn. Những người chỉ trích chữ Do đã tranh cãi rằng, nếu Karate giống như một “cách sống”, tại sao luôn luôn phải có phần Jutsu, ví dụ như những cú đấm, đá, đỡ gạt. Ở mức độ đơn giản, ta có thể tranh luận rằng, việc luyện tập đều phải liên quan đến Jutsu. Nhưng chỉ với chút nỗ lực, ta có thể hiểu sâu hơn. Ví dụ như tư thế ngồi kéo dài trong Sumo cũng có thể phát triển những đặc điểm như sự quyết tâm, tính kỉ luật, giống như chính sự phát triển của thế tấn ấy.

Jutsu và Sự hoàn hảo
Vì sao ta lại tìm kiếm sự hoàn thiện trong Kĩ Thuật của ta ? Bởi vì nó sẽ tạo cho ta thói quen tìm kiếm sự hoàn thiện. Chẳng bao giờ có thể có được sự hoàn thiên, nhưng thói quen theo đuổi sự hoàn thiện khiến cho chúng ta, loài người, luôn mong muốn được tiếp tục cố gắng phấn đấu để có thể trở thành cái gì đó tốt hơn. Hãy để tâm trí mở rộng khi luyện tập, và ta sẽ thấy được Đạo trong gần như mọi Kĩ Thuật.

Cách nghĩ này không mới, nó đã có từ khi có Karate. Quá trình chuyển đổi từ Karate-Jutsu sang Karate-Do diễn ra sau khi thầy Gichin Funakoshi ( ông tổ của Karate hiện đại) rời Okinawa để giới thiệu Karate đến vùng đất liền của Nhật Bản. Lúc này, những môn võ thuật chính của Nhật Bản là Judo ( Nhu đạo) , Kendo (Kiếm đạo) và Sumo. Thầy Funakoshi đã thúc đẩy giá trị của môn võ thuật Okinawa (Karate) thành một phương thức tự trau dồi bản thân, một cách ngâng cao sức mạnh tinh thần và sức khỏe. Thầy đã trở thành chuyên gia giảng dạy về Karate tại các trường đại học Nhật Bản và mở rộng phạm vi những người nên tập luyện võ thuật. Thầy đã nói rằng Karate phải đủ đơn giản để luyện tập mà không gặp khó khăn dù, cho dù là với người già hay trẻ em, con trai hay con gái, đàn ông hay phụ nữ.

Khi còn nhỏ, thầy Funakoshi rất yếu ớt. Luyện tập Karate đã đóng vai trò quan trọng từ lúc thầy là một đứa trẻ yếu ớt đến khi trở thành một người khỏe mạnh và tràn đầy sức sống. Đây có thể là một yếu tố lớn trong sự nhận thức độc đáo và đặc biệt của thầy về luyện tập võ thuật. Thầy từng nói rằng, Karate không chỉ đơn thuần là một môn thể thao, dạy cách đấm, đá, mà nó còn là hàng phòng thủ trước ốm đau bệnh tật .

Do và Cách sống

Chúng ta đang luyện tập võ thuật một cách cơ bản. Nhưng Karate phải trở thành một cách sống đối với tất cả những người luyện tập, với mục tiêu hàng đầu là sử dụng những bài tập để giúp phát triển nhân cách. Hiểu được chữ Do trong Karate-Do mới chỉ là bước đầu tiên. Thách thức thực sự là phải sống theo nó. Mục đích của Karate không phải để học cách tự vệ và hi vọng một ngày nào đó bạn sẽ sử dụng chúng, mà là học cách tự vệ, cùng với đó là học cách điều khiển cảm xúc, để đến khi cuộc sống cho bạn cơ hội để sử dụng các kĩ năng tự vệ, thì bạn lại chẳng cần dùng đến những kĩ năng ấy để giải quyết vấn đề nữa.

Cuộc sống là một cuộc đấu tranh để giúp bản thân luôn tích cực và giữ cái nhìn lành mạnh. Ngoài kia có rất nhiều những thứ tiêu cực luôn muốn áp đảo bản chất tích cực trong mỗi con người. Vì vậy, trong Karate, ta học được cách tự vệ, và từ đó, ta phát triển sự tự tin vào bản thân. Kĩ năng tự vệ, dù cho có thực dụng thế nào, liệu có phải là thứ giúp ta nâng cao giá trị bản thân? Phải chăng có mối liên hệ nào giữa điều này với sự thật rằng trong cuộc sống, ta cũng được học cách đấu tranh vì bản thân, vì quyền được hạnh phúc và tự tin ? Thú vị đúng không …. ?

Một trong những câu nói rất nổi tiếng của thầy Funakoshi là : “chế ngự đối thủ mà không cần sử dụng vũ lực chính là kĩ năng tối thượng”. Ngay cả trong câu nói của một trong những vị võ sư có ảnh hướng lớn nhất trong lịch sử, thông điệp gửi đến vẫn là phải kiềm chế cách hành vi bạo lực. “Do” đã vượt qua “Jutsu” . Một trận đối đầu trong hòa bình vẫn đem lại chiến thắng cho cả Đạo và Thuật. Cả hai đã cùng kết hợp lại và tạo ra một kết quả tuyệt vời.

Kết luận
Điều quan trọng là ta phải thấy được bản chất thực sự của “Đạo” và “Thuật” trong Karate. Đó chính là mục tiêu của ta. Hãy để Karate là thứ dạy bạn về bản thân mình. Karate sẽ đẩy bạn tới một giới hạn mới và hơn thế nữa, Karate sẽ cho bạn đối mặt với sợ hãi và mong muốn rằng bạn sẽ trưởng thành hơn về cả thể chất lẫn tinh thần. Khi ta liệt kê hết ra, nếu không có Do thì Jutsu sẽ có những giới hạn. Bạn có thể có trình độ cao nhất, nhưng không có sự trưởng thành về mặt tính cách, bạn sẽ không thể thấy được lợi ích quan trọng nhất trong cuộc hành trình Karate của mình.




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024