Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
08/01/2017 12:01 # 1
ngochai20101998
Cấp độ: 11 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 48/110 (44%)
Kĩ năng: 8/20 (40%)
Ngày gia nhập: 27/12/2016
Bài gởi: 598
Được cảm ơn: 18
Karate - Nhụy hoa võ đạo


Karatedo là môn võ gì mà ai cũng theo học, ai cũng yêu thích… Những câu hỏi tương tự cũng xuất hiện trong tâm trí tôi từ đó.
Được sự ủng hộ của gia đình, tôi quyết tâm đi học võ để cho biết và cũng để tự vệ, vì trường học phổ thông quá xa, đường từ nhà đến trường nằm trên trục lộ chính Bắc – Nam, có nhiều mối hiểm nguy không lường trước được.

Lúc đầu mới vào nhập môn Karatedo, tôi rất sợ sệt, nhìn ai cũng mặc võ phục màu trắng có phù hiệu nắm đấm bên trái trông như có linh hồn của người Võ sĩ đạo ngày xưa bên Nhật Bản. Còn tôi - cô bé nhỏ nhoi ốm yếu với bộ đồ thể thao nhà trường nhìn khác người và luôn bị các phụ tá chú ý nhắc nhở, càng làm tôi lo sợ hơn. Sau một tuần, tôi đã có võ phục và làm quen với các bạn đồng môn, không còn vẻ sợ sệt như ban đầu nữa. Đều đặn mỗi tuần ba buổi tập, dần dần tôi cũng đi vào quỹ đạo, trừ những lúc đau ốm hoặc do trời mưa bão, sân tập ướt thì thầy mới cho nghỉ. Những lúc như vậy tôi cảm thấy rất khó chịu, nôn nao bức rứt trong người vì không được đến sân tập. Nhưng có một điều làm tôi rất ghét, đó là các phụ tá huấn luyện viên, lúc nào họ cũng chăm chăm nhìn tôi rồi sửa thế này thế nọ, sao cho đúng đòn thế, thao tác nhiều lần không đúng thì bị phạt hít đất hoặc nhảy cóc quanh sân tập. Vì vậy tôi rất bực tức, nhiều lúc tôi còn nói nhại theo, rồi khuơ chân múa tay sau lưng họ. Sau một thời gian tập luyện và được nghe thầy Nguyễn Đình Kỉnh giáo huấn đạo lý, tôi nhận ra và tôn trọng các phụ tá và huấn luyện viên, các anh, các chị muốn cho mình tốt hơn nên mới làm như thế. “Thầy dữ trò mới giỏi, cha mẹ nghiêm con mới nên”, từ đó tôi cố gắng luyện tập và không còn thái độ ghét các phụ tá huấn luyện viên nữa.

Sau đó tôi biết học võ không chỉ để rèn luyện sức khỏe mà còn rèn luyện cả ý chí, nghị lực. Những khi thấy mệt trong người là tôi càng gắng tập để mọi mệt mỏi mất đi nhờ ra mồ hôi. Cũng như những lúc có nỗi buồn tôi đến với sân tập, có nhiều đồng môn và các huấn luyện viên, phụ tá cùng tập, với những lúc nghỉ ngơi, giải lao, chuyện trò, tôi cảm thấy vui hơn và thấy tinh thần sảng khoái yêu đời hơn. Thầy Kỉnh thường nói rằng: “Thầy biết các em đến đây mục đích là muốn có kỹ năng tự vệ điều đó rất đúng nhưng môn võ Karatedo không phải chỉ để tự vệ hoặc bị người ta đánh nên chuẩn bị phục thù, gây rối mà học võ là để học Đạo làm người mà Văn - Võ thì phải song hành để bổ sung qua lại, nhưng tột cùng của Karatedo vẫn là văn… văn hóa ứng xử đúng đạo làm người, sau đó là tự chiến thắng bản thân đó là đẳng cấp cao nhất các em ạ!”. Sau này ngộ ra, tôi càng kính trọng và biết ơn thầy Nguyễn Đình Kỉnh. Trong suốt thời gian học võ, không những thầy luôn là người chỉ dạy tôi phải làm thế nào để cho đòn thế tốt hơn mà thầy đã dạy cho chúng tôi nền tảng của con người giá trị nhất là đạo đức, lễ nghĩa, phải có lòng nhân ái, yêu người, yêu đời và mình phải biết tôn trọng người khác, không chỉ trích sau lưng người khác, không nhìn vào khuyết điểm người khác, gặp ân oán chỉ giải chứ không kết…

Đời tôi cũng vượt qua được rất nhiều ghềnh thác nhưng có một thời gian sau cú sốc tinh thần quá lớn về mối tình đầu. Võ thuật - cái mà tôi thích nhất cũng chẳng còn thiết tha. Tôi bất cần mọi thứ trên đời đến nỗi tôi không còn muốn sống nữa. Thầy Kỉnh biết được, ông như người Cha thứ hai của tôi, đã cấp tốc an ủi và liên tục động viên tinh thần "là một Karateka em sống phải có ý chí để vượt qua mọi nghịch cảnh, mọi thử thách, kiếp nạn trong cuộc đời. Thầy có được hôm nay còn gian nan nhiều hơn em". Nhờ đó, tôi đứng lên mạnh mẽ với dũng khí người Võ sĩ đạo và dần dần ổn định tinh thần. Và cứ thế, có nhiều lúc vì hoàn cảnh mà tôi phải nghỉ tập một thời gian, những khi bận rộn công việc quản lý công ty tôi vẫn muốn đến sân tập để sinh hoạt và ôn luyện cho bản thân mình để vượt thêm những thách thức mới trong cuộc đời. Tuy chưa lần nào được vinh dự mang chiếc huy chương vàng khi tranh giải trong đời võ sĩ nhưng với hoài niệm quá khứ này, đến nay tôi vẫn tự hào rằng mình đã đoạt tấm huy chương rất giá trị là khi được đến với Karatedo và đã chiến thắng chính bản thân mình, từ đó mở ra những con đường thành công mới trên nhiều phương diện.

Giờ đây, tôi đã có sự nghiệp tương đối vững vàng và đã trải nghiệm một đoạn đường thế sự, tôi đã hiểu được rằng Karatedo không phải là môn võ thể thao bình thường hoặc chỉ dùng tay chân để đấu tranh sinh tồn mà phải hiểu đúng nó là con đường của cuộc sống. Bởi vậy, tôi xem nó là hành trang ứng dụng suốt đời trong công việc hàng ngày. Rất tiếc hiện nay một số người tập luyện Karatedo đã lâu nhưng chưa hiểu đúng về nó mà xem như phương tiện để nhu cầu thành tích. Thậm chí, chạy đua “cơ chế thị trường” trong võ thuật. Thực ra, Karate là Đạo - một con đường tu dưỡng đạo đức, rèn luyện ý chí, ứng xử văn hóa, bồi bổ sức khỏe và hoàn thiện nhân cách của con người. Karatedo có nền tảng triết lí thâm sâu, kỹ thuật với nguyên lí khoa học rõ ràng và nhất là giáo dục tốt đạo đức con người từ tuổi hoa niên, không những nó giúp con người hoàn thiện về mặt thể chất và tinh thần mà còn hoàn thiện nhân cách, biết tiết dục, xa lánh cái ác, xa lánh thói hư tật xấu, lối sống xa hoa buông thả. Karatedo không giáo dục PR cho bản thân vì chuộng hư danh bởi tham dục (kiểu như "Bà Tưng Ông Tưng"), cũng không đề cao vật chất tầm thường, cá nhân chủ nghĩa vì sẽ dẫn tới sự vô cảm, dối trá, hèn nhát, suy thoái đạo đức. Nó giúp tôi rèn luyện tính kiên nhẫn, lòng khoan dung, sự cảm thông, sự khiêm tốn nhún nhường và tử tế, đào luyện một tâm trí vô tư không thiên vị, không thành kiến…chắc chắn sẽ đạt được một cái gì đó cao quí và ích lợi cho chính mình và cho mọi người. Những ai vun trồng và tu dưỡng đức hạnh Karate sẽ cảm thấy được yên bình, hạnh phúc, thanh thản và thoả mãn với cuộc sống thực tại, yêu đời lạc quan, sống có ý nghĩa khi mang lại lợi ích cho toàn thể mọi người.

Karatedo đã giúp tôi tìm lại giá trị của chính mình để diệt bỏ tự ngã trên lộ trình vươn tới Chân - Thiện - Mỹ. Tuy nhiên, bất kỳ ai cũng phải trải qua một thời gian dài kiên trì tu tính, luyện tâm mà cái gốc của sự khổ ải trên trần thế chính là cái Tâm của con người.




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024