Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
21/02/2016 06:02 # 1
karateboy
Cấp độ: 13 - Kỹ năng: 8

Kinh nghiệm: 5/130 (4%)
Kĩ năng: 25/80 (31%)
Ngày gia nhập: 11/10/2014
Bài gởi: 785
Được cảm ơn: 305
HÌNH TƯỢNG “CÂY MAI XUÂN” TRONG VÕ CỔ TRUYỀN VIỆT NAM.


HÌNH TƯỢNG “CÂY MAI XUÂN” TRONG VÕ CỔ TRUYỀN VIỆT NAM.

Trên thế giới có hơn 24 loài cây hoa mai, trong đó Việt Nam có khoảng 19 loài. Các loài mai Việt Nam được biết đến nhiều như mai hương, mai thơm (ở Bến Tre), mai ngự (ở Huế), mai cà ná (ở Ninh Thuận), mai vĩnh hảo (ở Bình Thuận), mai tứ quý còn gọi là nhị độ mai (ở Nam Bộ), mai trâu hoặc mai châu, mai liễu, mai nhọn, mai tỳ bà, mai vương, mai động, mai sẻ, mai núi… và mai xuân là những loài mai có hoa ít cánh, trổ rộ vào mùa xuân.

Trong những thập niên gần đây, xuất hiện một loài mai có hoa nhiều cánh, lá mai màu hồng pha tím nhạt được gọi là mai hồng diệp. Ngoài ra, cũng có các loại mai nhân tạo do ghép cành của nhiều loài mai vào nhau được gọi là mai giảo có hoa với hằng chục hoặc hằng trăm cánh xếp chồng lên nhau tạo thành đóa hoa dày, lớn và có nhiều màu sắc khác nhau: xanh, vàng, trắng và có cả màu hồng.

Tuy nhiên, không có một loài hoa mai nào được người dân Việt Nam, từ nhân dân lao động đến giới trí thức, học giả, họa sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ, thi nhân và nghệ nhân lịch lãm về bonsai, cây kiểng ưa chuộng bằng mai xuân có hoa vàng 5 cánh, tên khoa học là Ochna integerrima (thuộc họ Ochnaceae). Loài cây hoa mai này đã in đậm hình ảnh của mình trên nhiều tác phẩm của nhiều loại hình nghệ thuật như hội họa (tranh thủy mặc, bút sắt, bút chì, sơn mài, tranh lụa, tranh thêu…), điêu khắc (đồ đá, đồ mộc, đồ gốm…), kiến trúc (phù điêu, tượng đá…).

Người ta nói rằng hoa mai là biểu tượng của sự may mắn, tốt đẹp, sự khởi đầu hoàn hảo và thịnh vượng cho một năm mới; hoa mai cũng hàm chứa sự cao quí, được ca tụng là “bách hoa khôi” tượng trưng cốt cách của người quân tử. Chu Thần Cao Bá Quát (1809-1854) là nhà thơ ngang tàng, khí phách, không hề run sợ trước cường quyền, dám chống lại vua chúa nhưng cũng phải cúi đầu khi đứng trước hoa mai:

Thập tải luân giao cầu cổ kiếm

Nhứt sinh đê thủ bái hoa mai

(Mười năm giao du tìm kiếm cổ. Một đời cúi đầu bái hoa mai)

Về hình dáng, cây hoa mai là một trong những cây kiểng tạo thế đẹp nhất: Thân sù sì, cành uốn khúc, nhánh ẻo lả, hoa thanh tao… Từ cây mai vừa toát ra sức sống tươi trẻ, mãnh liệt vừa khắc họa sự cổ lão bền bĩ, thâm trầm.

Mai xuân có thân cây cao to, có khi cao hơn mươi mét, vỏ thân sần sùi, cành mai khúc khuỷu, lá rậm màu xanh đậm, hoa nhỏ, chỉ từ 5 đến 6 cánh (thực ra thì cũng có loài nhiều cánh hơn nhưng cũng chỉ đến 8 cánh), mùi hương toát ra từ nhụy hoa thoang thoảng, lan tỏa nhẹ nhàng, thơm nhất vào buổi sáng, sau đó phai dần vào những thời gian còn lại trong ngày.

Cây mai xuân Việt Nam 5 cánh mọc nhiều từ Đà Nẵng, Quảng Nam vào đến Khánh Hòa và trên dãy Trường Sơn, trong những khu rừng già, lúc đầu là mai rừng tự nhiên, dần về sau được trồng ở đồng bằng làm cây kiểng… Hằng năm, cứ sau tiết Đông chí thì cây mai rụng hết lá để tập trung nội lực trổ hoa dày đặc, đầy cành vào những ngày trước Tết Nguyên Đán. Sau Tết, suốt cả mùa xuân hoa vẫn trổ nhiều, sắc hoa vàng rực cả khu rừng, triền núi, ở đồng bằng thì vàng rực cả khu vườn.

Chính cây mai xuân là loài mai được võ nhân ngày xưa quan sát, nghiên cứu đặc điểm về hình dáng và phẩm chất để sáng tác ra các thảo bộ là những bài võ chiến đấu của Võ Ta, võ cổ truyền Việt Nam. Trong câu truyền miệng của võ giới đến nay vẫn còn nghe xưng tụng “Thứ nhất Lão Mai, thứ hai Ngọc Trản”. Lão Mai và Ngọc Trản là 2 bài danh quyền mà ai từng học võ Ta cũng đều nghe nói đến và muốn học cho được.

Lão Mai quyền là bài võ mang tên “cây mai già”, có 10 câu thiệu làm nên bài thơ thất ngôn hợp vần và một thảo bộ khắc họa nên bức tranh đầy hình ảnh sinh động xen lẫn các thế võ với những cảnh đời nhuốm màu triết lý nhân sinh.

Ngay từ phần đầu của bài quyền đã mở ra một cảnh trí hùng tráng với thế võ mô phỏng hình tượng cây mai trong tư thế mạnh mẽ và toát lên tinh thần lạc quan :

“Lão mai độc thọ nhứt chi vinh” (Cây mai già sống đơn độc, một nhánh trổ hoa).

Cây mai già cỗi, đứng một mình qua nhiều năm tháng, giữa biết bao đổi thay, tàn phá của phong sương tuyết nguyệt mà vẫn cứ trổ hoa thơm thảo cho đời cho dù chỉ còn đủ sức phát lộc ở một nhánh.

Trong phần tiếp theo là những thế võ liên tục hàm chứa những lời cảnh báo người học võ không được chủ quan, háo thắng khi chiến đấu mà phạm phải sai lầm, lâm thế của địch thủ, có tiến lên phải phòng hậu lui về:

“Lưỡng túc khinh khinh tấn bộ hoành” (Hai chân bước nhẹ, tiến lên rồi vòng về)

“Tấn nhứt đoản, thối hồi lão khởi” (Tiến một bước ngắn rồi lui về thủ thế con khỉ già)

“Phi nhứt thác, hoành thối thanh đình” (Bay lên vừa đá vừa đẩy rồi vòng về thủ thế con chuồn chuồn)

Đoạn tiếp theo là những thế võ, khi tấn công thì dũng mãnh như rồng, như hổ:

“Tràng nha hổ giương oai thiết trảo, triển giác long tất lực lôi oanh” (Hổ nhe răng dài, gương vuốt sắt ra oai; rồng rung sừng, nổ lực tấn công như sấm sét)

Và khi phòng thủ, tránh đòn thì mềm mại như bướm, như hoa:

“Lão hầu thối tọa liên ba biến, hồ điệp song phi lão bạng sanh” (Khỉ già lui về ngồi, hoa sen tàn; đôi bướm cùng bay lên, dọp già đi).

Kết thúc bài quyền là những câu thiệu minh họa các thế võ dùng hai tay đánh móc lên, xuống tấn hốt ngựa và đá nhanh như điện chớp nhưng đồng thời cũng hàm chứa ý nghĩa ẩn dụ nhắc nhở người học võ suy ngẫm về tính vô thường của cuộc sống để rèn luyện đức tính khiêm cung, tránh tham lam, ích kỷ:

“Nguyệt quật song câu lôi điển chấn, vân tôn tam tảo, hổ, xà, thành”

(Trăng “vừa mới” lên cửa sổ mà sấm sét đã đến, mây đã vần vũ “đuổi” hổ, rắn đi)

Ngoài bài Lão Mai quyền, hình tượng cây mai Việt Nam cũng có khá nhiều trong một số bài quyền tay không và quyền sử dụng binh khí như: Mai hoa quyền, Mai hoa ngũ lộ quyền, Mai Ba đao, Mai hoa kiếm, Mai hoa xuất thế…

Và… đặc điểm kỹ thuật của những bài võ mang tên hoa mai bao giờ cũng là “cương nhu phối triển”, “cương nhu tương hỗ”; khi cương thì mạnh mẽ như cây mai già trước ngọn đông phong và khi nhu thì mềm mại, uyển chuyển như những cánh hoa mai lượn lờ, run rẩy trong gió nguyên xuân./.

VS. Trần Xuân Mẫn.

 

 



Văn không Võ là Văn nhu nhược

Võ không Văn là Võ bạo tàn

Bản lĩnh tài năng làm nên nghiệp

Nhân hòa đức độ tạo thành công

FACEBOOK:  TI ẾN

 


 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024