Feminism - Nữ quyền là cụm từ mà thế hệ tôi đã được đón nhận, được tiếp thu và được cổ động rất nhiều. Những cuốn sách, những video tuyên truyền, những slogan của các nhãn hàng hiện nay đều đang tập trung vào việc đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ. Điều này cũng dễ hiểu thôi vì ngay chính trong gia đình tôi, cứ mỗi lần cỗ bàn, tôi vẫn thấy các bà các mẹ các chị bận tối mắt tối mũi dưới bếp. Cơm nước xong xuôi rồi vẫn phải đợi mâm của các bác các chú “chén chú chén anh” xong mới lại loay hoay dọn rửa. Suy nghĩ “trọng nam khinh nữ” đã ăn sâu, bám rễ vào tư tưởng của người Việt Nam không phải ngày một ngày hai mà thay đổi được. Bởi thế mà, thế hệ Z chúng tôi ngày hôm nay mới được “dội bom” hàng loạt thông điệp nữ quyền như thế. Nhưng, có chăng chúng ta đều chưa hiểu đúng ý nghĩa thực sự của Feminism?
Hai chữ “nữ quyền” dường như đã trở thành lẽ sống của những người phụ nữ hiện đại. Chúng tôi được tuyên truyền rằng không việc gì phải lập gia đình sớm, cứ dành thời gian cho công việc, cho sự nghiệp. Chúng tôi được cổ động rằng nấu ăn, cắm hoa, dọn nhà từ lâu đã không còn là “thiên chức” của phụ nữ. Chúng tôi được giao cho sứ mệnh phải nỗ lực để đảm nhiệm những vị trí, chức vụ, mức lương cao hơn nam giới. Và “sản phẩm” của những chiến dịch tuyên truyền ấy chính là những người bạn gái “gồng mình” gánh vác đủ thứ trách nhiệm, đánh đổi thanh xuân để hoàn thiện giấc mơ thăng tiến. Có những người bạn của tôi rất thành công, họ nhanh chóng có được những vị trí, mức đãi ngộ mong muốn. Nhưng hiếm khi nào tôi thấy họ vui vẻ và hạnh phúc trọn vẹn. Phấn son đắt tiền có thể che đi bọng mắt hay nếp nhăn nhưng chẳng thể nào giấu đi được những lo toan, suy tư “quá tuổi”. Gắng gượng mạnh mẽ suốt cả ngày dài rồi đêm đến, những cô gái lại trở về đúng với bản chất yếu đuối, cô độc, mỏi mệt.
Lại có những người bạn khác của tôi, họ sống khác “chuẩn” phụ nữ hiện đại. Họ chọn cho mình lối đi riêng, sớm yên bề gia thất, tìm đến bình yên với gia đình nhỏ. Thú thật là trong những cuộc trò chuyện, gặp gỡ thi thoảng chúng tôi vẫn hay cười cợt, bông đùa trước sự lựa chọn của họ. Trong khi Facebook, Instagram của chúng tôi tràn ngập những bức hình check in tại các nhà hàng, khách sạn sang chảnh với những món đồ hiệu mới tậu thì trang cá nhân của các bạn lại toàn hình ảnh con cái, những bài viết về dinh dưỡng, bí kíp nuôi dạy trẻ nhỏ. Chúng tôi phiến diện cho rằng những bà mẹ bỉm sữa tay xách nách mang ngoài kia không thể nào hạnh phúc bằng các cô gái văn phòng tay laptop tay cafe, suốt ngày công tác nước ngoài nước trong. Nhưng có lẽ chúng tôi sẽ chẳng thể nào thấy được giọt nước mắt hạnh phúc của bạn khi em bé bi bô tập nói những tiếng đầu tiên, chập chững bước đi những bước đầu đời.
Trước đây, tôi từng là một cô gái khao khát thể hiện, khẳng định bản thân, nỗ lực để ngồi vào những chiếc ghế mà nhiều nam giới không có được. Mục đích, ước mơ của tôi sau cùng cũng chính là mua nhà, tậu xe. Tôi ao ước có một không gian cho riêng mình để sau những giờ làm việc mệt mỏi, căng thẳng có thể thoải mái ngả lưng, thư giãn, ngắm nhìn thành phố về đêm. Vậy là hạnh phúc. Nhưng hình như tôi đã quên mất rằng sẽ thật vô nghĩa nếu đó là một căn nhà trống, không tiếng người, không hơi ấm. Dù nhà cửa có tiện nghi, có khang trang thế nào mà không có người đợi cửa, không có cơm lành canh ngọt thì cũng đâu còn nghĩa lí gì. Hóa ra điều tôi hằng ao ước sau cùng lại không phải một chốn ngả lưng mà là một người để cùng sẻ chia những vui buồn, một bờ vai để dựa vào những lúc yếu lòng.
Những khoảnh khắc yếu đuối nhất, tôi vô tình lướt Facebook và bắt gặp tấm hình bữa cơm gia đình ấm áp của những người bạn đã lâu rồi tôi không có dịp gặp mặt. Tôi chợt khao khát được từ bỏ tất cả, tìm một bến đỗ bình yên không sóng gió, không tấp nập bon chen. Khi đó, có lẽ tôi sẽ chẳng còn phải gồng mình làm vừa lòng những người dưng, có lẽ tôi sẽ được chăm sóc cho những người mình thực sự yêu thương, trân quý. Tôi vốn chẳng phải một cô gái đảm đang, nữ công gia chánh. Từ ngày sống một mình lại càng không thiết nấu nướng, chỉ quen đặt đồ ăn về nhà. Vì có bày vẽ bao nhiêu món cũng lại chỉ có mình mình nêm nếm, mình mình thưởng thức. Những lúc cô độc, tôi vẫn thường nhìn chiếc lò nướng bánh đã bị bỏ không lâu ngày, băn khoăn tự hỏi không biết bao giờ mới lại được cháy lửa. Mẻ bánh tôi nướng có thể méo tròn, có thể nhiều nhân ít vỏ, nhưng nếu là để dành cho người mình thương yêu thì vài tiếng đồng hồ loay hoay với dụng cụ làm bếp, với sữa, trứng, bột mì cũng chẳng phí hoài.
Cũng như bao cô gái đôi mươi trẻ trung, tràn đầy nhiệt huyết khác, tôi có công việc, có bạn bè, có những cuộc vui thâu đêm suốt sáng. Nhưng rồi tất thảy những niềm vui chóng tàn ấy đều ở lại sau cánh cửa, để lại tôi một mình cô độc, trống rỗng trong bốn bức tường lạnh lẽo. Bạn bè có thân thiết đến mấy cũng phải có cuộc sống riêng, có những nỗi niềm của riêng họ. Sau tiếng nhạc Bar Pub xập xình, sau thanh âm huyên náo của những cuộc trò chuyện trên trời dưới biển, thứ tôi thèm muốn được lắng nghe nhất có lẽ chỉ đơn giản là lời chúc ngủ ngon nhẹ nhàng, yên bình. Nhưng ở đâu đó trong tôi vẫn tồn tại nỗi sợ hãi. Tôi sợ cuộc sống mẹ bỉm sữa sẽ khiến tôi chậm lại trên con đường sự nghiệp so với bạn bè cùng trang lứa. Tôi sợ một ngày nào đó nấu ăn, cắm hoa sẽ trở thành sở thích lớn hơn tất cả những cuộc tụ tập vui chơi. Và tôi sợ ở một quán cafe nào đó có những người bạn sẽ cười nói về sự lựa chọn của tôi.
Người ta ra rả trên báo đài, phương tiện truyền thông về quyền quyết định của phụ nữ. Để rồi, chúng tôi - những cô gái trẻ được tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin, nền văn hóa văn minh, hiện đại nhất vẫn lo sợ không dám tự quyết cuộc đời mình. Có một câu chuyện cổ kể về việc vua Arthur của nước Anh bị bắt giữ bởi quốc vương nước Pháp. Đế vương Pháp yêu cầu Arthur phải giải được một câu đố hóc búa thì mới tha chết. Nhận được đề bài: “Phụ nữ thực sự muốn gì?”, vua Arthur đã đi hỏi thăm từng người đàn bà trong kinh thành: từ các gái điếm đến các tiểu thư, công chúa hoàng tộc nhưng vẫn không tìm được lời giải thích hợp. Cuối cùng, sau khi tìm đến một mụ phù thủy, Arthur đã nhận được câu trả lời thỏa mãn đức vua Pháp: “Phụ nữ thực sự muốn có quyền tự quyết định cuộc sống của mình”.
Có lẽ vậy. Cho dù bất kể lựa chọn hướng đi, con đường nào thì quyết định của phụ nữ vẫn đáng được tôn trọng. Chúng ta giành hàng thế kỉ để đấu tranh cho nữ giới nhưng rồi chính phụ nữ lại coi thường, áp đặt, đưa ra tiêu chuẩn cho cuộc sống của nhau. Đôi khi, nữ quyền cũng là quyền được yếu đuối, được che chở, được yêu thương. Và quan trọng nhất vẫn là quyền được hạnh phúc.