Bạn là người trẻ với quyết tâm khởi nghiệp và khao khát trở thành doanh nhân? 5 điều dưới đây là hành trang không thể thiếu mà bạn cần có.
Từng làm việc tại Google trong nhiều năm, Aerica Shimizu Banks hiện là nhà sáng lập, thành viên ban quản trị của BEACON: The DC Women Founders Initiative - một dự án hợp tác công - tư với mục tiêu biến Washington, DC trở thành đô thị hỗ trợ đắc lực cho nữ doanh nhân khởi nghiệp.
Với vai trò cố vấn cho nhiều startup và mô hình kinh doanh, Aerica được tờ Washingtonian Magazine trao danh hiệu Tech Titan vào năm 2017, và là một trong số 30 cá nhân lọt vào danh sách Forbes 30 Under 30 Social Entrepreneur trong năm 2018. Gần đây, trên trang Quora, Aerica đã chia sẻ về 5 hành trang thiết yếu nhà khởi nghiệp trẻ cần có.
1. Kỹ năng tự nghiên cứu
Bạn vừa nảy ra một ý tưởng hết sức tuyệt vời, nhưng liệu bạn có phải là người đầu tiên nghĩ ra ý tưởng ấy không? Ai có thể là đối thủ cạnh tranh của bạn? Bạn có khả năng hiện thực hóa ý tưởng đó không? Chi phí cần thiết là bao nhiêu và phương pháp gọi vốn là gì?
Đây là những vấn đề bạn nên nghĩ đến và cần tự nghiên cứu khi khởi nghiệp. Hãy tham khảo các bài viết học thuật và những trường hợp thực tế, có liên quan đến ý tưởng kinh doanh của bạn; hãy tìm cho mình một người thầy, người cố vấn; nếu đủ điều kiện, hãy đầu tư nghiên cứu thị trường và người tiêu dùng, cũng như tham gia các lớp học trau dồi kỹ năng.
2. Kỹ năng networking
Trong cuộc sống, các mối quan hệ đóng vai trò rất quan trọng. Phần lớn cơ hội đến với tôi đều bắt nguồn từ các mối quan hệ do tôi vun đắp. Dù thường bị hiểu là chỉ dừng ở mức “có qua có lại”, “bạn giúp tôi, thì tôi giúp bạn”, nhưng networking thực sự không phải vậy. Trọng tâm của networking nằm ở quá trình xây dựng mối quan hệ một cách chân thành, để từ đó gầy dựng nên một cộng đồng.
Để sở hữu các mối quan hệ như thế, bạn cần phải gây ấn tượng tốt, lấy lòng chân thành mà giao kết với người khác thông qua chia sẻ kinh nghiệm, đam mê hay mục tiêu; sau đó mới kết nối lại với họ để tìm kiếm cơ hội.
Networking không phải là một cuộc chạy đua, bạn cần thời gian bồi đắp, vun vén tới khi nó trở thành mối quan hệ thực sự. Dù vậy, cần nhấn mạnh, bạn không thể biết trước thời điểm hoặc xác suất mang đến cơ hội làm ăn từ mối quan hệ ấy. Với tôi, networking cần đảm bảo sự cởi mở, thân thiện, phong phú và có mục đích. Đồng thời, đó cũng là những đặc điểm cần thiết để một cá nhân trở thành một người bạn, một chỗ dựa hay một thành viên trong cộng đồng.
3. Sự lạc quan
Là người khởi nghiệp, bạn sẽ nghe lời từ chối, thậm chí không được hồi âm nhiều hơn những cái gật đầu. Hãy chuẩn bị tâm lý để đối mặt với điều này, và đừng xem nó là một việc gì đó quá tiêu cực. Hãy lên danh sách các doanh nhân hay người có tầm ảnh hưởng mà bạn ngưỡng mộ, và đọc những bài viết về con đường họ đã trải qua cũng như yếu tố giúp họ vươn lên vị trí hiện tại. Bạn sẽ nhận ra, hầu hết đều đối mặt với vô số khó khăn, thử thách, để rồi vượt qua chúng bằng niềm tin sắt đá vào bản thân và mục tiêu của mình.
Bên cạnh đó, trong quá trình tìm kiếm khách hàng, nhà đầu tư hay những người cùng chia sẻ ý tưởng, bạn phải cho họ thấy niềm tin vào bản thân và startup của mình mạnh mẽ đến mức nào. Bởi vì, nếu bạn không tin vào chính mình, tại sao người khác phải tin bạn?
4. Kỹ năng nhờ giúp đỡ
Không ai trong chúng ta có tất cả câu trả lời. Ví dụ, để viết những dòng này, tôi đã phải tham khảo ít nhất 10 nguồn khác nhau. Không có gì phải xấu hổ khi nhờ giúp đỡ hay hỗ trợ, vì tất cả chúng ta đều có lúc cần một bàn tay trong công việc lẫn cuộc sống. Hơn nữa, lời nhờ vả nói ra cũng chẳng mất mát gì, vì quá lắm, bạn chỉ nhận lại cái lắc đầu mà thôi. Trong khi đó, bạn sẽ chẳng bao giờ biết bản thân nhận được gì khi mở lời.
Ý thức được bản thân cần sự giúp đỡ rất quan trọng, nhưng việc hiểu rõ mình cần người khác giúp gì, tại sao, và lên kế hoạch trình bày cũng quan trọng không kém. Bước đầu tiên cần làm là tự tìm hiểu. Vấn đề bạn đang đối mặt là gì? Tại sao bạn nghĩ nó lại xảy ra? Hãy suy nghĩ thấu đáo, kỹ lưỡng và cố gắng tìm ra gốc rễ của nó. Tiếp theo, hãy xem những chuyên gia trong lĩnh vực nào có thể giúp bạn giải quyết nó. Bạn cần xác định rõ ràng, ngắn gọn vấn đề đang mắc phải, phạm vi cần giúp đỡ và những việc sẵn sàng làm để giải quyết nó trước khi mở lời.
Hãy tìm một người cố vấn có thể thường xuyên cho bạn lời khuyên. Người ấy có thể làm việc cùng ngành hoặc sở hữu kỹ năng mà bạn muốn có. Hãy trân trọng sự giúp đỡ ấy. Nếu ai đó sẵn lòng giúp bạn, đừng lãng phí thời gian của họ. Với vai trò là một người cố vấn, những buổi chia sẻ, tư vấn hiệu quả nhất của tôi thường diễn ra khi khách hàng đã ít nhiều nắm rõ các bước kể trên trước lúc gặp mặt. Cuối cùng, hãy áp dụng các lời khuyên vào thực tiễn. Trong tương lai, bạn có thể sẽ lại cần hỗ trợ, nhưng nếu không nghe và làm theo lời khuyên trước, thì lần này, người từng giúp đỡ bạn có thể sẽ từ chối.
5. Kỹ năng nhận định tình huống
Trên con đường trở thành doanh nhân, bạn chắc chắn sẽ gặp vô số thử thách và trở ngại. Quan trọng là, bạn phân biệt được thử thách nào đáng để vượt qua và chướng ngại nào nên tránh đi thì tốt hơn. Và, sự nhận thức này chỉ có được thông qua quá trình tích lũy vô số lời khuyên cùng kinh nghiệm.
Hãy chủ động lắng nghe chia sẻ từ các doanh nhân hay người cố vấn hoạt động cùng ngành nghề với bạn. Thêm vào đó, hãy nghiên cứu các mô hình kinh doanh tương tự, cụ thể hơn là những khó khăn mà bạn đang đối mặt. Hãy cởi mở với sự thay đổi để thích nghi. Đồng thời, hãy linh hoạt trong cách tiếp cận vấn đề; vì để giải quyết nó, nhiều khả năng, bạn sẽ phải thay đổi một vài yếu tố trong mô hình kinh doanh của mình.
Cuối cùng, việc lùi bước và tránh khỏi một chướng ngại nào đó không có nghĩa là bạn đã thua cuộc. Đôi khi, đó lại là hành động khôn ngoan nhất. Hãy tránh đi vào vết xe đổ giống như người khác nhờ những kinh nghiệm của họ. Để đối phó với một vấn đề, cách tốt nhất là học hỏi từ những người đã trực tiếp trải qua chúng.
Nguồn: doanhnhansaigon.vn